QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ THẢO LUẬT CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP

30/05/2024

Chiều 30/5 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Chính sách đặc thù, đột phá, cơ chế vượt trội, khả thi để thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo Luật liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhất là về ngân sách nhà nước, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, đầu tư, khoa học công nghệ, chính sách đối với người lao động là chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư... Để thể chế quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, đồng thời, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, vai trò đặc biệt quan trọng của công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trong thực hiện các chiến lược về quốc phòng, quân sự, an ninh quốc gia, dự thảo Luật cần có các chính sách đặc thù, đột phá, cơ chế vượt trội, khả thi để thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung, chỉnh lý nhiều quy định, chính sách đặc thù, vượt trội trong dự thảo Luật theo hướng: Quy định mới một số chính sách chưa được pháp luật quy định; Kế thừa, phát triển các chính sách hiện đã được quy định ở các Pháp lệnh và văn bản dưới Luật và Quy định các chính sách đặc thù, vượt trội hơn so với các chế độ, chính sách hiện hành ở các luật có liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.​

Phát biểu tại phiên họp, đa số các đại biểu nhất trí bố cục với nhiều nội dung của dự thảo luật và báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời khẳng định công nghiệp quốc phòng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc. Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng khẳng định, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn, toàn diện như hiện nay thì xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại là một yếu tố tất yếu, khách quan, phù hợp với xu hướng phát triển công nghiệp quốc phòng trên khu vực và thế giới, góp phần hội nhập sâu, đầy đủ vào nền kinh tế của toàn cầu.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang bày tỏ đánh giá cao việc trong dự thảo luật trình Quốc hội đã đưa ra nhiều chính sách mới, đặc thù, có tính đột phá để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp quốc phòng, an ninh. “Theo rà soát sơ bộ, dự thảo luật có khoảng 37 chính sách đặc thù vượt trội hơn so với các chế độ chính sách hiện hành ở các luật có liên quan, bảo đảm xây dựng được nền công nghiệp quốc phòng, an ninh chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại để trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia”, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nhấn mạnh.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang.

Đa số tán thành hình thành Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh, quy định về Tổ hợp công nghiệp quốc phòng

Một nội dung khác cũng nhận được sự quan tâm của đại biểu trong quá trình thảo luận là về Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh. Nhiều ý kiến đề nghị hình thành Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh để tập trung huy động nguồn lực, có cơ chế linh hoạt, chủ động cho xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, nhất là thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, chiến lược, rủi ro cao, đồng thời quy định bảo đảm chặt chẽ, khả thi. Các đại biểu khẳng định, đây là giải pháp, cơ chế đặc thù, vượt trội, có ý nghĩa chiến lược, nhất là trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có tính cấp bách, nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt, có tính rủi ro cao.

Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt, đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho rằng, hình thành một quỹ tài chính để hỗ trợ ngân sách nhà nước phục vụ cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh là giải pháp cơ chế đặc thù vượt trội và có ý nghĩa chiến lược, nhất là trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có tính cấp bách nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị có ý nghĩa chiến lược. “Việc thành lập Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh là cần thiết và có đủ cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn”, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

“Hoạt động quản lý nguồn lực tài chính Điều 21 và Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh Điều 22 là quy định tạo nhiều thuận lợi hơn để công nghiệp quốc phòng, an ninh chủ động trang bị, bố trí kinh phí cho nghiên cứu, đầu tư, thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ so với quy định hiện hành”, đại biểu Nguyễn Hải Dũng, đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định chia sẻ thêm.

Các đại biểu cũng tán thành quy định về “Tổ hợp công nghiệp quốc phòng” để thể chế đầy đủ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26/01/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo; đồng thời làm nòng cốt cho xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng. Quy định này bảo đảm đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, bảo đảm thận trọng, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.

Theo đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, dự thảo lần này đã quy định các chính sách cụ thể là hạt nhân của tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Quy định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, thành phần của tổ hợp công nghiệp quốc phòng và các chính sách của Đảng trong hoạt động của công nghiệp quốc phòng như điều kiện, chính sách, trách nhiệm hạt nhân của tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

“Có thể cho thấy rằng đây là bước đầu tạo nên khung hành lang pháp lý để xây dựng hoàn thiện về thể chế cho loại hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng, góp phần thúc đẩy sự hình thành tổ hợp công nghiệp quốc phòng trong tương lai. Tạo hiệu quả đẩy mạnh công nghiệp quốc phòng trong việc liên kết hợp tác giữa các cơ sở công nghiệp quốc phòng. Tập trung nguồn lực cho phát triển theo nhóm, theo ngành sản phẩm mũi nhọn với tinh thần tự lực, tự cường, xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới”, đại biểu Nguyễn Tạo nhấn mạnh.

Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại phiên họp.

Thay mặt Bộ Quốc phòng, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trân trọng cảm ơn những ý kiến phát biểu tâm huyết, đầy trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật./.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Quang cảnh phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.​

Các đại biểu dự phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Đại biểu Đặng Văn Lẫm - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh

Đại biểu Phạm Hùng Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng báo cáo giải trình một số vấn đề tại phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận phiên họp.

Trọng Quỳnh - Nghĩa Đức - Phạm Thắng