HUY ĐỘNG TỐI ĐA CÁC NGUỒN LỰC ĐỂ PHÁT TRIỂN ĐIỆN LƯỚI KHU VỰC NÔNG THÔN, MIỀN NÚI, HẢI ĐẢO

29/05/2024

Đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo là chủ trương được Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm nhưng hiện nay vẫn còn nhiều địa bàn, thôn, bản tại những vùng nông thôn, miền núi, hải đảo chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Đặt vấn đề này, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, huy động tối đa các nguồn lực để tiếp tục đầu tư thực hiện việc cấp điện cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 29/5: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội

Từ đầu năm 2024 đến nay, tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi, các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra sôi động hơn. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2024. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2023; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ. Kinh tế duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả khả quan. Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và cung ứng điện, xăng dầu được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt...

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, xuất phát từ thực tiễn tại cơ sở cũng như tiếp thu kiến nghị cử tri tại địa bàn ứng cử, đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng bày tỏ quan tâm đến vấn đề đầu tư nguồn lực cho chương trình phát triển điện lưới khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, đặc biệt là khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Theo đại biểu, đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo là chủ trương được Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm và đã tạo bước phát triển quan trọng trong công cuộc điện khí hóa nông thôn.

Các vị đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2081/QĐ-TTg, ngày 8/11/2013 phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020, sau đó là Quyết định số 1740/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020. Đại biểu khẳng định, chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo mà còn đóng góp vào phát triển bền vững cho khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, góp phần giúp người dân thay đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi quy mô và tập quán canh tác nuôi trồng, tăng năng suất trồng trọt và chế biến nông, lâm sản, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Điện cũng giúp các làng nghề truyền thống sử dụng máy móc thay thế sức người, phát huy sản phẩm cổ truyền, mở rộng ngành nghề mới. Cùng với đó, các phương tiện nghe, nhìn được sử dụng ngày càng phổ biến trong các gia đình đã cải thiện đời sống văn hóa tinh thần, nâng cao dân trí, đem lại những lợi ích cơ bản, lâu dài cho các địa phương, làm cơ sở để xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng

Tuy nhiên, đại biểu Đoàn Thị Lê An nêu rõ, hiện nay vẫn còn nhiều địa bàn, thôn, bản tại những vùng nông thôn, miền núi, hải đảo chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Riêng tại tỉnh Cao Bằng với nhiều địa bàn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, nhu cầu được cấp điện đối với người dân tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa hết sức bức thiết. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Cao Bằng vẫn còn 7.114 hộ dân chưa có điện, chiếm tỷ lệ 5,47% trên tổng số hộ dân. Đặc biệt, tại huyện Bảo Lạc và huyện Bảo Lâm của Cao Bằng, số hộ chưa được sử dụng điện lưới quốc gia chiếm tỷ lệ còn cao. Theo đó, huyện Bảo Lạc còn 2.471 hộ, chiếm tỷ lệ 22,51% trên tổng số hộ; huyện Bảo Lâm còn 3.540 hộ chiếm tỷ lệ 28,66% trên tổng số hộ.

Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, huy động tối đa các nguồn lực; bố trí, cân đối các nguồn vốn từ đầu tư công để tiếp tục đầu tư thực hiện việc cấp điện cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kịp thời phân bổ vốn để hoàn thành các mục tiêu cụ thể nêu trong Kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ban hành kèm theo Quyết định số 262/QĐ-TTg, ngày 1/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ; ưu tiên phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có 100% hộ dân nông thôn, miền núi, hải đảo được sử dụng điện lưới quốc gia. Qua đó, người dân có cơ hội thụ hưởng những tiện ích do điện mang lại, đem lại sự đổi mới, phát triển kinh tế, giảm bớt thiệt thòi, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và tham gia xây dựng xã hội số theo mục tiêu chung của Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Đại biểu nhấn mạnh, việc đầu tư cấp điện cho khu vực miền núi, biên giới và hải đảo còn có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng, giúp người dân khu vực này có điều kiện thường xuyên nắm bắt thông tin về mọi mặt của đời sống xã hội, nâng cao nhận thức cũng như giúp người dân ổn định đời sống lâu dài, góp phần bảo vệ vững chắc biên giới, hải đảo của Tổ quốc.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu

Cũng quan tâm tới nội dung này, đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu cho biết, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 xác định nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025. Dẫn chứng số liệu từ Bộ Công thương, đại biểu nêu rõ, cả nước còn 160.000 hộ chưa có điện, 715.000 hộ dân cần cải tạo đường điện trên địa bàn 3.000 xã; trong đó một số xã biên giới, vùng đặc biệt khó khăn là 1.075 xã với nhu cầu kinh phí đầu tư khoảng trên 29.000 tỷ đồng. Từ năm 2021, Chính phủ và Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo đến nay chưa cân đối được kinh phí đầu tư. Nhấn mạnh từ nay đến hết năm 2025 không còn nhiều thời gian, đây cũng là dự án cần nguồn đầu tư lớn, cần có lộ trình, thứ tự ưu tiên, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm tới vấn đề này.

Đối với tỉnh Lai Châu, hiện nay tỉnh đã hòa lưới điện khoảng trên 2.000 MW và đã cung cấp cho lưới điện quốc gia trên 2.000MW với 40 thủy điện lớn, nhỏ đang hoạt động. Tuy nhiên, còn 22 bản chưa có điện, tập trung ở các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhiều người là nhân chứng sống của sự kiện năm 1954 nhưng do không có điện nên cử tri không theo dõi được sự kiện quan trọng này. Năm 2025 kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cử tri kiến nghị Nhà nước quan tâm đầu tư để người dân những vùng chưa có điện có thể theo dõi truyền hình trực tiếp sự kiện trọng đại của đất nước./.

Minh Thành