TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT ĐẢM BẢO NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

21/05/2024

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 21/5, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Quan tâm tới nội dung dự luật, dưới góc độ nghiên cứu, PGS.TS. Doãn Hồng Nhung, Giảng viên Cao cấp – Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, các quy phạm ban hành phải có tính dự báo, bảo đảm công khai, minh bạch... tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thúc đẩy hoạt động đấu giá tài sản được hiệu quả, khả thi, nhất là một số loại tài sản đặc thù.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 20/5: KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV

Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10 - 11/2023), Quốc hội khóa XV đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội và ý kiến các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sẽ được trình Quốc hội khóa XV xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Luật hình thức

Tiếp cận dự thảo luật, dưới góc độ nghiên cứu PGS.TS. Doãn Hồng Nhung nhận định, Dự thảo Luật được xây dựng theo đúng quan điểm chỉ đạo là luật hình thức, quy định và áp dụng thống nhất về trình tự, thủ tục đấu giá đối với các loại tài sản mà pháp luật chuyên ngành quy định phải bán thông qua đấu giá. Trong đó, đã bổ sung một số trình tự, thủ tục đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù, bao gồm cả tài sản thi hành án dân sự. Những vấn đề thuộc luật nội dung được quy định viện dẫn sang luật nội dung để bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật theo Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Quy định phải có tính dự báo

Theo PGS.TS. Doãn Hồng Nhung, các quy phạm ban hành trong lần sửa đổi, bổ sung này phải có tính lường trước, tính dự báo, tính dự đoán các tình huống có thể xảy ra trong tương lai; tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản,… Từ đó, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc đấu giá các loại tài sản được hiệu quả, khả thi, nhất là một số loại tài sản đặc thù như đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; bổ sung quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá trong hoạt động đấu giá tài sản và quy định đầy đủ căn cứ, cơ chế hủy kết quả đấu giá đối với các trường hợp vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá làm sai lệch kết quả đấu giá nhằm răn đe, phòng ngừa từ sớm, từ xa các hành vi vi phạm.

PGS.TS. Doãn Hồng Nhung, Giảng viên Cao cấp – Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội 

Tài sản bị thu hồi phải kiểm tra đối chiếu với biên bản lập khi thu hồi tài sản

Góp ý vào một số nội dung cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội khóa XV xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7, PGS. TS Doãn Hồng Nhung cho biết, đối với tài sản bị tạm giữ khi cưỡng chế thu hồi đất mà chủ tài sản không nhận lại thì thuộc trường hợp được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân đã được điều chỉnh tại khoản 1 Điều 1 của dự thảo Luật (điểm h khoản 1 Điều 4). Vì vậy, nên chăng cần phải xem xét và cân nhắc đối với tài sản bị thu hồi phải kiểm tra đối chiếu với biên bản lập khi thu hồi tài sản về số lượng, chất lượng của tài sản đặc biệt là hiện trạng tài sản thu hồi.

Bổ sung tiêu chí phân biệt

Bên cạnh đó, cần bổ sung tiêu chí để phân biệt rõ Cổng Đấu giá tài sản quốc gia do Bộ Tư Pháp quản lý, Cổng thông tin đấu giá quyền sử dụng đất trong Luật Đất đai năm 2024. Luật Đấu giá tài sản quy định việc xử lý tài sản đấu giá không thành được thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc đấu giá lại theo thỏa thuận giữa người có tài sản đấu giá và tổ chức hành nghề đấu giá tài sản. Luật Đấu giá tài sản với vai trò là luật hình thức không quy định việc đấu giá lại mà theo quy định của pháp luật chuyên ngành hoặc thỏa thuận giữa các bên tài sản nào thì đấu giá quyền sử dụng (quyền cho thuê), tài sản nào thì đấu giá quyền sở hữu. Do đó, Luật Đấu giá tài sản với quan điểm xây dựng là luật hình thức sẽ không quy định lại nội dung mà pháp luật chuyên ngành đã quy định để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

 Đánh giá và tổng kết đấu giá thí điểm biển số xe ô tô trước khi xem xét đưa vào Luật

Ngoài ra, khoản 4 Điều 3 của dự thảo Luật trình Quốc hội đã có quy định chuyển tiếp việc đấu giá thí điểm biển số xe ô tô được tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 73/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội cho đến khi Nghị quyết này hết hiệu lực thi hành hoặc cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về đấu giá biển số xe ô tô. Nghị quyết này được thực hiện trong 03 năm kể từ ngày 01/7/2023. Theo đó, Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết và đề xuất hoàn thiện pháp luật về đấu giá biển số xe ô tô tại Kỳ họp đầu năm 2026. Do thời gian thực hiện Nghị quyết thí điểm chưa được 01 năm, vì vậy nên cần thêm thời gian để đánh giá và tổng kết trước khi xem xét đưa vào Luật.

Cần quy định cụ thể điều kiện, quy mô của Sàn đấu giá tài sản

Cũng theo PGS. TS Doãn Hồng Nhung, Dự thảo Luật tại Điều 29 cần chú ý quyền, nghĩa vụ của chi nhánh phải tuân theo quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp. Ngoài ra, pháp luật về thuế quy định trường hợp thay đổi địa chỉ doanh nghiệp khác tỉnh, thành phố, doanh nghiệp cần phải thực hiện thủ tục chốt thuế, quyết toán thuế tại tỉnh, thành phố cũ trước, sau đó mới thực hiện việc thay đổi thông tin đăng ký tại cơ quan đăng ký mới nơi doanh nghiệp chuyển tới.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu bổ sung quyền của người có tài sản trong việc hủy kết quả trúng đấu giá đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá dẫn đến phải hủy quyết định phê duyệt kết quả đấu giá hoặc hủy bỏ giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá. Đồng thời, chỉnh lý làm rõ hơn chủ thể giải quyết hợp đồng dân sự theo quy định.

Điều 79 đã quy định Ủy ban nhân dân có trách nhiệm hỗ trợ đảm bảo an ninh, trật tự cho cuộc đấu giá; Nghị định số 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ có quy định về các hành vi và chế tài xử lý các hành vi gây cản trở, khó khăn cho việc tổ chức đấu giá. Cần quy định cụ thể điều  kiện, quy mô của Sàn đấu giá tài sản để việc tổ chức đấu giá tài sản và phạt vi phạm được thống nhất. Lựa chọn trong việc ứng dụng PAPI và việc thực thi phòng chống tham nhũng phù hợp với nâng cao hiệu quả thực thi UNCAC ở Việt Nam  hiện nay./.

Lê Anh