PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN: ƯU TIÊN, TẬP TRUNG TỐI ĐA, MỌI MẶT ĐỂ CHUẨN BỊ KỸ LƯỠNG, CHU ĐÁO KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV

09/05/2024

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp giao ban của Lãnh đạo Quốc hội và Thường trực các cơ quan của Quốc hội sáng 09/5, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đơn vị ưu tiên, tập trung tối đa, mọi mặt để chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, khoa học Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tới đây.

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN CHỦ TRÌ CUỘC HỌP GIAO BAN VỚI CÁC CƠ QUAN CỦA QUỐC HỘI

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì họp giao ban giữa Lãnh đạo Quốc hội và Thường trực các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sáng 09/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đã chủ trì họp giao ban giữa Lãnh đạo Quốc hội và Thường trực các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để tổng kết công tác chủ yếu tháng 4 và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm tháng 5/2024 và những tháng tiếp theo.

Tham dự cuộc họp có các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Trưởng các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cùng dự có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Trong tháng 4 và đầu tháng 5/2024, khối lượng công việc rất lớn, gồm cả các nhiệm vụ theo kế hoạch và nhiệm vụ đột xuất phát sinh, song các cơ quan đã cố gắng, nỗ lực để hoàn thành tốt. Lãnh đạo Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, chủ động của các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Theo đó, các đơn vị đã kịp thời tham mưu chuẩn bị và tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 7, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Tập trung cao độ để tham mưu, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7; tham mưu chuẩn bị tốt phiên họp chuyên đề pháp luật và phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; xem xét, một số nội dung khác theo thẩm quyền. Chủ động tham mưu triển khai hoạt động của các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hoạt động đối ngoại được tham mưu, chuẩn bị chu đáo, thiết thực, hiệu quả, bám sát định hướng đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Công tác đại biểu, dân nguyện, nghiên cứu khoa học, việc triển khai các hoạt động kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam, công tác tham mưu, tổng hợp, phục vụ, bảo, quản lý tài chính, tài sản, an ninh an toàn… tiếp tục được triển khai hiệu quả, ổn định.

Lưu ý, trong tháng 5 này, khối lượng công việc cần triển khai là rất lớn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các cơ quan tập trung cao độ, tổ chức công việc khoa học, hiệu quả, tăng cường công tác phối hợp, phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo. "Việc gì giải quyết được ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban thì mạnh dạn giải quyết, việc khó trình lên lãnh đạo Quốc hội; chú ý viết báo cáo gọn, rõ, tập trung, phải bảo đảm dễ nhớ, dễ làm, dễ thực hiện, dễ kiểm tra”.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đặc biệt lưu ý một số nội dung quan trọng:

Thứ nhất, triển khai thực hiện nghiêm túc kết luận của Lãnh đạo chủ chốt Đảng, Nhà nước và của Lãnh đạo Quốc hội; tham mưu thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, hiện nay chúng ta cơ bản hoàn thành 86/107 nhiệm vụ (đạt 80,37%) thuộc Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; và có hai yêu cầu đặt ra, đó là tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và rà soát các nội dung, đề án còn lại để điều chỉnh, cập nhật tiến độ, bổ sung nhiệm vụ, cố gắng cuối năm 2025 hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ hai, ưu tiên, tập trung tối đa, mọi mặt để chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, khoa học Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kỳ họp thứ 7 cả về nội dung và các điều kiện bảo đảm. Trong đó lưu ý, đối với các nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và đủ điều kiện trình Quốc hội, cần khẩn trương hoàn thiện tài liệu hoặc đôn đốc cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện để gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội.

"Những việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bằng văn bản thì cân nhắc, cần thiết vẫn đưa vào thông báo kết luận". Lưu ý điều này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các cơ quan thực hiện đúng quy định tại Điều 27, 28 Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bằng văn bản đối với các nội dung.

Các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự cuộc họp.

Đối với một số nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 33 tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì phối hợp với các cơ quan chủ trì thẩm tra để tham mưu xây dựng Báo cáo của Đảng đoàn Quốc hội, báo cáo Bộ Chính trị ngay sau khi kết thúc phiên họp.

Cho biết, khối lượng nội dung trình tại Kỳ họp thứ 7 rất lớn (dự kiến thông qua 10 luật, 3 nghị quyết, cho ý kiến về 11 dự án luật và xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng khác), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng dự kiến chương trình Kỳ họp khoa học, chặt chẽ, hợp lý, tính khả thi cao. Các cơ quan chủ trì nội dung cần chủ động, xây dựng kế hoạch cụ thể về tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết để bảo đảm tiến độ, chất lượng các nội dung trình Quốc hội thông qua.

Theo thông tin cập nhật của Văn phòng Quốc hội đến hết ngày 08/5 vừa qua, đối với các nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua, mới có 4/13 nội dung đã gửi Tờ trình, 13/13 nội dung chưa gửi Báo cáo giải trình, thẩm tra. Đối với nội dung trình Quốc hội cho ý kiến, mới có 6/11 nội dung đã gửi Tờ trình; 11/11 nội dung chưa gửi Báo cáo thẩm tra. Đối với các nội dung mặc dù đã gửi Tờ trình, song cũng rất chậm, mới gửi trong các ngày 5, 6 và 7.5. Một số hồ sơ do Chính phủ gửi sang chậm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ, chất lượng thẩm tra. 

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tại cuộc họp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, Kỳ họp thứ 7 phải khắc phục cho được việc gửi tài liệu chậm. Theo đó, Chính phủ cần bảo đảm gửi ngay tất cả các báo cáo có liên quan cho đại biểu Quốc hội và tiếp tục gửi khi có báo cáo điều chỉnh, bổ sung. "Tinh thần là có tài liệu gì phải cập nhật, gửi ngay để đại biểu Quốc hội có thông tin và nghiên cứu trước, các cơ quan quán triệt tinh thần "không chờ, phải có sự chủ động từ sớm, từ xa".

Đối với các cơ quan trình gửi chậm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cân nhắc hình thức có văn bản đôn đốc kịp thời.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu “các Ủy ban chủ động thẩm tra ngay từ bây giờ với tinh thần là không chờ; và phải bảo đảm nguyên tắc, tài liệu đủ điều kiện bảo đảm về quy trình, nội dung, thời gian trình, gửi thì mới chấp nhận đưa vào phiên họp và kỳ họp”.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội giao Ban Dân nguyện tiếp tục chủ trì triển khai công tác tiếp công dân, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đơn, thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; trong đó, cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, UBND TP. Hà Nội trong thời gian diễn ra Kỳ họp, không để xảy ra tình trạng các đoàn khiếu kiện đông người tập trung tại gần Tòa nhà Quốc hội, nơi ăn, nghỉ của đại biểu Quốc hội và trên các tuyến đường từ nơi nghỉ của đại biểu Quốc hội đến Nhà Quốc hội. Khẩn trương hoàn thành việc xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội về dự kiến nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn theo tiến độ đề ra; đôn đốc các cơ quan gửi báo cáo và tham mưu, phục vụ tốt hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7. Tổ chức triển khai tốt nghiệp vụ thư ký tại Kỳ họp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội, Kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Lưu ý đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội, Kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị thực hiện nghiêm túc, thận trọng quy trình tổ chức, kiểm duyệt, đăng tải thông tin, không để xảy ra các sai sót, sự cố truyền thông. Chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, triển khai hiệu quả công tác lễ tân, hậu cần, kỹ thuật, phòng cháy, chữa cháy, an ninh, an toàn và các điều kiện bảo đảm khác để phục vụ tốt nhất cho Kỳ họp. Thường xuyên kiểm tra, thử vận hành, không để xảy ra bất kỳ sơ sót, trục trặc, lỗi kỹ thuật nào.

Để triển khai đồng loạt các tuyến công việc nêu trên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cần thường xuyên họp nội bộ, trước, trong, sau kỳ họp, phiên họp để rà soát, chấn chỉnh, kịp thời rút kinh nghiệm, "phân vai" các Phó Chủ nhiệm các mảng công việc, đề cao sự phối hợp, tương trợ./.

Một số hình ảnh tại cuộc họp:

Quang cảnh cuộc họp.

Các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự cuộc họp.

Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội dự cuộc họp.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo Kết quả công tác chủ yếu tháng 4 và đầu tháng 5/2024, đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm tháng 5/2024 và các tháng tiếp theo của lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì, điều hành cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp, các đại biểu cơ bản thống nhất với báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại cuộc họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà phát biểu tại cuộc họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu tại cuộc họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại cuộc họp.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại cuộc họp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Trọng Quỳnh - Nghĩa Đức