CẦN NGHIÊN CỨU THUẬT NGỮ, KHÁI NIỆM LIÊN QUAN ĐẾN VẤN ĐỀ DÂN TỘC VÀ PHÂN ĐỊNH VÙNG DTTS&MN

11/04/2024

Chiều 11/4, phát biểu kết luận Hội thảo xác định nội hàm và việc áp dụng trong hệ thống chính sách, pháp luật một số thuật ngữ (khái niệm) liên quan vấn đề dân tộc và phân định vùng DTTS&MN, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, việc giải thích thuật ngữ, khái niệm liên quan đến vấn đề dân tộc và phân định vùng DTTS&MN là nhiệm vụ phức tạp, lâu dài, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và có cơ sở khoa học vững chắc. Trên cơ sở đó, trong quá trình hoạch định chính sách, các cơ quan có thẩm quyền sẽ có cơ sở để xác định một cách đúng đắn nội hàm của các khái niệm.

ĐẢM BẢO TÍNH THỐNG NHẤT, NÂNG CAO HIỆU QUẢ TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC, TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ DÂN TỘC

Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung tham luận, thảo luận vào hai nội dung chính:

(1) Cơ sở khoa học, tính thống nhất, nội hàm của các thuật ngữ, khái niệm trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đang được sử dụng trong thực tiễn áp dụng pháp luật và quản lý nhà nước về công tác dân tộc hiện nay.

(2) Các tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số, vùng miền núi, vùng cao, vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn; vùng sâu, vùng xa; vùng biên giới, hải đảo; và việc áp dụng trong hệ thống chính sách, pháp luật hiện nay.

Tiếp tục rà soát, tích hợp các chính sách tương đồng để tránh chồng chéo

Các đại biểu, chuyên gia, các nhà khoa học, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã trao đổi, thảo luận đề xuất việc sử dụng các thuật ngữ, khái niệm trong xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi; các đối tượng vùng, con người, hộ gia đình, cộng đồng trong văn bản quy phạm pháp luật về dân tộc; những vấn đề đặt ra trong thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội liên quan đến đối tượng phân vùng đặc biệt khó khăn, ATK, bãi ngang ven biển, hải đảo...

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành điều hành nội dung thảo luận

Qua thảo luận, đại diện một số tỉnh, thành phố đánh giá thực trạng việc triển khai chính sách pháp luật liên quan đến các quy định đối tượng vùng, dân tộc trên địa bàn. Đồng thời đề nghị tiếp tục triển khai chính sách, pháp luật liên quan đến các quy định đối tượng vùng dân tộc trong thời gian tới.

Trong đó, đề nghị Trung ương sớm ban hành Bộ tiêu chí xác định thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; phê duyệt danh sách thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện; xem xét, nghiên cứu, tích hợp các tiêu chí xác định xã miền núi, vùng cao với tiêu chí phân định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc khu vực I, II, III thành Bộ tiêu chí để thống nhất rà soát, áp dụng cho từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội.

Các ý kiến cũng đề nghị tiếp tục rà soát các chính sách hiện hành, tích hợp các chính sách tương đồng, tránh tình trạng manh mún, chồng chéo; cắt giảm các chính sách không hiệu quả, không còn phù hợp để khắc phục tình trạng dàn trải nguồn lực.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Bên cạnh đó, xem xét ban hành chính sách về hỗ trợ bảo hiểm y tế, giáo dục cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các xã khu vực III về đích nông thôn mới trở thành xã khu vực I nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân. Các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế đặc thù trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số...

Đồng tình với ý kiến các đại biểu đã nêu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ Hầu A Lềnh giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm. Đồng thời cho biết, trong thời gian 3 năm qua thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, cần nghiên cứu một cách sâu sắc, tổng hợp và đánh giá thấu đáo, khoa học hơn từ chủ trương, việc thực hiện chính sách cho đến tổ chức thực hiện để đảm bảo tính thực tiễn, tính bền vững, lâu dài. Đây là nội dung lớn, có những nội dung khoa học cần phải tổng kết từ thực tiễn thi hành để có điều chỉnh phù hợp.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ Hầu A Lềnh giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm

Hiện nay Đảng Đoàn Quốc hội đã giao cho Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan, trong đó có Ủy ban Dân tộc của Chính phủ làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, khoa học, thực tiễn các khái niệm này, mục đích là nghiên cứu một Luật liên quan đến vấn đề dân tộc, công tác dân tộc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh, Hội thảo này là cơ sở rất quan trọng để củng cố thêm luận cứ về cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn, cần sự vào cuộc của các nhà khoa học, các chuyên gia, các Viện nghiên cứu để có cơ sở phong phú, giúp cho Quốc hội, Chính phủ có các số liệu, thông tin đánh giá xác đáng để xác định một hệ thống tiêu chí mới trên tinh thần bao phủ, không bỏ sót địa bàn và đối tượng.

Nhiều thuật ngữ, khái niệm chưa được xác định cụ thể về nội hàm

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, sau thời gian làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, Hội thảo đã hoàn thành các nội dung đề ra. Hội thảo đã có 19 lượt ý kiến tham luận, thảo luận của các đại biểu, tập trung vào nhiều vấn đề liên quan đến chủ đề của Hội thảo. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhận thấy các ý kiến tham gia cơ bản đều rất xác đáng, giá trị, lập luận khoa học, phân tích theo trọng tâm, trọng điểm. Đây là nguồn tư liệu tham khảo quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, quản lý nhà nước trong lĩnh vực dân tộc của các cơ quan hữu quan.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu bế mạc Hội thảo

Một trong những vấn đề khoa học có ý nghĩa tác động và chi phối đến chính sách, pháp luật, hiệu quả của công tác dân tộc, chính sách dân tộc là xác định nội hàm những khái niệm, thuật ngữ quan trọng, cơ bản trong các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến vấn đề dân tộc. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhận thấy, trong thực tiễn xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về dân tộc, nhiều thuật ngữ, khái niệm được sử dụng rộng rãi, phổ biến nhưng chưa được xác định cụ thể về nội hàm hoặc chỉ được quy định chung chung, chưa rõ ràng; sự phân định giữa các khái niệm cũng chưa tách bạch, còn chồng chéo về phạm vi, đối tượng. Theo đó, đã gây những khó khăn, vướng mắc nhất định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của một số cơ quan hữu quan cả ở cấp Trung ương và địa phương, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của các chính sách dân tộc.

Tuy nhiên, việc xác định nội hàm các thuật ngữ, khái niệm, tiêu chí quan trọng trong lĩnh vực dân tộc không phải là nhiệm vụ đơn giản. Qua Hội thảo này, có thể thấy với cùng một thuật ngữ, các diễn giả đã có cách giải thích, xác định khác nhau với những cơ sở khác nhau.

Cần nghiên cứu kỹ lưỡng việc giải thích thuật ngữ, khái niệm liên quan đến vấn đề dân tộc và phân định vùng DTTS&MN

Vừa qua, Chính phủ đã có Tờ trình, Báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phân định miền núi, vùng cao. Theo Tờ trình của Chính phủ, cơ chế, chính sách đối với miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được quy định từ Hiến pháp đến các Nghị quyết của Đảng, Luật, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành trung ương, các địa phương.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh, một trong những vấn đề khoa học có ý nghĩa tác động và chi phối đến chính sách, pháp luật, hiệu quả của công tác dân tộc, chính sách dân tộc là xác định nội hàm những khái niệm, thuật ngữ quan trọng, cơ bản trong các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến vấn đề dân tộc.

“Tuy nhiên, đến nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật của cấp có thẩm quyền phê duyệt tiêu chí phân định miền núi, vùng cao và Chính phủ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ phân định miền núi, vùng cao. Thường trực Hội đồng Dân tộc đang thực hiện thẩm tra nội dung này theo quy định, nhưng gặp nhiều khó khăn do vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, việc giải thích thuật ngữ, khái niệm liên quan đến vấn đề dân tộc và phân định vùng dân tộc thiểu số, miền núi là nhiệm vụ phức tạp, lâu dài, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và có cơ sở khoa học vững chắc. Trên cơ sở kết quả, giá trị của những hoạt động khoa học như Hội thảo này, các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình hoạch định chính sách sẽ có cơ sở để xác định một cách đúng đắn nội hàm của các khái niệm.

Trên tinh thần mục đích, ý nghĩa của Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị Tiểu ban Kinh tế - Ngân sách của Hội đồng Dân tộc tổng hợp đầy đủ ý kiến phát biểu, tham luận tại Hội thảo, hoàn thiện Kỷ yếu Hội thảo để gửi các cơ quan có liên quan tham khảo, khai thác trong quá trình xây dựng, hoạch định chính sách và tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực dân tộc. Đồng thời báo cáo Lãnh đạo Quốc hội để góp phần trong việc lập luận, nghiên cứu, xác định nội dung mà Đảng Đoàn Quốc hội đã giao cho Hội đồng Dân tộc trong giai đoạn hiện nay.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Quang cảnh Hội thảo

Bàn Chủ tọa chủ trì Hội thảo

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm chủ trì Hội thảo

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm đồng chủ trì Hội thảo

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry

Các đại biểu dự Hội thảo

 Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Lê Như Xuyên trình bày về việc xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo phân định đối tượng quy định tại khoản 3, Điều 61 Hiến pháp 2013 - Thực trạng và khuyến nghị.

Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quàng Văn Hương trình bày về việc áp dụng các đối tượng vùng trong văn bản quy phạm pháp luật về dân tộc hiện nay - Những khuyến nghị, đề xuất.

PGS.TS Lâm Minh Châu - Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn trình bày về việc áp dụng các đối tượng con người cụ thể, hộ gia đình, cộng đồng trong văn bản quy phạm pháp luật về dân tộc hiện nay - Những khuyến nghị, đề xuất.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Đại diện Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Bình góp ý tại Hội thảo

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận Pi Năng Thị Thủy phát biểu tại Hội thảo

Đại diện Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái tham gia đóng góp ý kiến 

Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai Trường Trung Tuyến phát biểu tại Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức