CHUẨN BỊ THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT DI SẢN VĂN HÓA (SỬA ĐỔI)

07/04/2024

Thực hiện Chương trình công tác năm 2024, ngày mai (08/04), Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC BẢO TỒN, PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA

TỌA ĐÀM VỀ DỰ ÁN LUẬT DI SẢN VĂN HÓA (SỬA ĐỔI)

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức Tọa đàm tham vấn ý kiến chuyên gia về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào sáng ngày 13/03

Trước đó, sáng ngày 13/03, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng đã tổ chức Tọa đàm tham vấn ý kiến chuyên gia về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Tại Tọa đàm này, các ý kiến đều cho rằng, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa là hết sức cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Luật Di sản văn hóa được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 9, ngày 29/06/2001, có hiệu lực từ ngày 01/01/2002, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam. Được sửa đổi, bổ sung một số điều tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII (ngày 18/6/2009), một số hạn chế, bất cập trong việc thực thi Luật Di sản văn hóa đã cơ bản được giải quyết, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo đảm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Việc ban hành và sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa thể hiện sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước và của toàn dân đối với hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, cũng như nhận thức ngày càng toàn diện của cộng đồng về di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể; đồng thời nhằm đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu: Xác định rõ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân và chủ sở hữu đối với di sản văn hóa, những việc được làm, những hành vi bị nghiêm cấm; Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia rộng rãi vào hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, mở rộng giao lưu, tuyên truyền, giới thiệu di sản văn hóa Việt Nam ra nước ngoài; Tăng cường phân cấp cho các địa phương trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của Việt Nam trong những năm tới…

Sau hơn 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, ngày càng được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân ở khắp mọi miền đất nước, nhờ đó, đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ.

Hiện nay, hệ thống pháp luật về di sản văn hóa ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, bao gồm: 01 Luật, 01 Luật sửa đổi, bổ sung; 11 Nghị định của Chính phủ; 03 Quyết định và 01 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành 18 Thông tư, 04 Quyết định, 01 Chỉ thị theo thẩm quyền; đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ để ban hành 02 Thông tư liên tịch.

Sau hơn 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, ngày càng được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân ở khắp mọi miền đất nước, nhờ đó, đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ

Có thể khẳng định, Di sản văn hóa cũng là lĩnh vực chuyên ngành có hệ thống văn bản pháp lý hoàn chỉnh sớm nhất trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong đó, có những văn bản như Nghị định số 109/2017/NĐ/CP ngày 21/9/2017 quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam được Chính phủ ban hành là ví dụ điển hình về bảo vệ, quản lý các Di sản thế giới của Việt Nam được UNESCO ghi danh theo hướng ngày càng tiệm cận với Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới (UNESCO, 1972) và mục tiêu phát triển bền vững của UNESCO, trở thành bài học kinh nghiệm cho nhiều quốc gia trên thế giới tham khảo, áp dụng; góp phần tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi hơn nữa để hoạt động của các tổ chức, cá nhân được điều chỉnh bởi một hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh, hiện đại, phù hợp thực tiễn; tăng cường năng lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý di sản thế giới.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể. Do đó, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là hết sức cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Chính phủ đã xây dựng dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Phiên họp ngày mai của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhằm chuẩn bị nội dung liên quan đến dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp tháng 4/2024 tới đây./.

Thu Phương