TỔNG KẾT CÔNG TÁC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN NĂM 2023: HIỆU QUẢ TỪ MỘT VĂN BẢN HƯỚNG DẪN KỊP THỜI

24/03/2024

Nếu như tại Hội nghị tổng kết hoạt động Hội đồng nhân dân năm 2022 đã chỉ ra hoạt động giám sát thông qua chất vấn chưa xứng tầm, giải trình chưa nhiều, hiệu quả giải quyết kiến nghị cử tri chưa cao. Đến năm 2023, nhất là từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15, tại nhiều địa phương, ghi nhận những tồn tại trên đã được khắc phục đáng kể. Hàng loạt các đổi mới đã được thực hiện để nâng cao cao năng lực, hiệu quả hoạt động giám sát của các Hội đồng nhân dân.

HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN NĂM 2023 VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH CÔNG TÁC NĂM 2024

Những kinh nghiệm trong hoạt động giám sát của Quốc hội là bài học quý cho Hội đồng nhân dân các địa phương áp dụng. Đặc biệt chuyển biến rõ rệt nhất là từ sau khi có Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn hoạt động giám sát của của Hội đồng nhân dân đã giúp các cơ quan dân cử địa phương thống nhất, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả giám sát.

Phó Ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh Hoà Bình Trần Ánh Dương, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 đã hướng dẫn rất rõ về trình tự thủ tục trong các khâu hoạt động giám sát. Từ đó các Ban của Hội đồng nhân dân đã triển khai các hoạt động một cách bài bản hơn nhờ các hướng dẫn cụ thể. Qua đó thời gian rút ngắn hơn, nâng cao hiệu quả giám sát.

Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho biết từ tháng 9/2022 khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân. Đây là nghị quyết đầu tiên đưa ra những nguyên tắc, quy định rất cụ thể làm căn cứ để Hội đồng nhân dân các địa phương thực hiện các hình thức hoạt động giám sát.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố Phùng Thị Hồng Hà

Đối với thành phố Hà Nội, Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố đã tham mưu với Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án số 15 ngày 12/5/2022 về "Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại Thành phố Hà Nội".

Từ Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đề án 15 của Ban Thường vụ Thành ủy, Hội đồng nhân dân Thành phố triển khai hoạt động giám sát một cách bài bản, theo đúng định hướng, chỉ đạo. Theo đó, trong năm 2023, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố đã tổ chức 6 cuộc giám sát khảo sát, các Ban Hội đồng nhân dân tổ chức 20 cuộc giám sát khảo sát. Đặc biệt Thường trực Hội đồng nhân dân đã tổ chức phiên chất vấn giữa hai kỳ họp, là phiên chất vấn đầu tiên thực hiện theo Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15  của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với chủ đề phiên chất vấn: Về việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, Hội đồng nhân dân Thành phố tổ chức 2 phiên chất vấn tại kỳ họp thường lệ, điểm mới là kết thúc các phiên chất vấn, Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết chất vấn, đi kèm với đó là những phụ lục “cam kết”, “lời hứa”, lộ trình, thời gian thực hiện của các cấp chính quyền và các cơ quan thực hiện. Song hành với các lời hứa, cam kết đó Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố, các Ban Hội đồng nhân dân Thành phố định kỳ đều tái giám sát, theo dõi, đôn đốc đến cùng nội dung chất vấn.

Kỳ họp Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội

Kết quả cho thấy sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15, Đề án số 15 của Ban Thường vụ Thành ủy, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố đã được nâng cao hiệu lực hiệu quả rất rõ rệt, nhất là những kết luận sau chất vấn, sau giám sát đã được Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan thực hiện nghiêm túc và có nhiều chuyển biến tích cực trong quản lý điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố Phùng Thị Hồng Hà nêu rõ.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ Phạm Văn Hiểu cho biết, từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp trên địa bàn ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, phương thức tổ chức hoạt động giám sát, tái giám sát có sự chuyển biến tích cực, nhất là sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12.9.2022 về hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực, các ban, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành chỉ 3 ngày, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ đã cập nhật và đưa các nội dung vào chương trình Hội nghị tập huấn cho hơn 600 đại biểu đại biểu Hội đồng nhân dân 3 cấp trên địa bàn. Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ Phạm Văn Hiểu nêu rõ Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Những kết quả hoạt động thực tiễn trên cho thấy, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15 là rất kịp thời và cần thiết. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm cho hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân được thực hiện đúng nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tạo ra sự thống nhất chung về nhận thức và chuẩn hóa trong hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp.

Kỳ họp Hội đồng nhân dân Thành phố Cần Thơ

Qua tổng kết cho thấy hầu hết các địa phương đã thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc điều  hòa, phân công, phối hợp thực hiện các chương trình giám sát chuyên đề, phù hợp với thực tiễn, định hướng chỉ đạo hoạt động giám sát, khảo sát có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực; chỉ đạo phát huy hiệu quả chức năng giám sát, với nhiều hình thức được thực hiện.

Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố tại các kỳ họp hầu hết được thực hiện đúng quy định của luật và hướng dẫn tại Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Một số địa phương đã sáng tạo, xây dựng đề án đề ra tiêu chí, số lượng làm căn cứ, cơ sở định hướng cho hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân.

Tại các kỳ họp thường lệ, Hội đồng nhân dân đã xem xét cho ý kiến vào các báo cáo công tác 6 tháng và cả năm của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp; báo cáo kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Các báo cáo giám sát chuyên đề được xem xét toàn diện, khách quan với sự đổi mới, số lượng nhiều, nhiều ý kiến phát biểu, đảm bảo về chất lượng thẩm tra. Sau khi xem xét, Hội đồng nhân dân các địa phương đã ban hành nghị quyết giám sát.

Đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh/thành phố dự thính phiên họp toàn thể tại Kỳ họp Quốc hội

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục được đổi mới, thực chất, rõ kết quả, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân. Năm 2023 đã có tổng số 1.307 câu hỏi chất vấn đối với 221 người được chất vấn. Hầu hết Hội đồng nhân dân các địa phương đã tổ chức tốt các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp thường lệ hoặc kỳ họp chuyên đề và có nhiều đổi mới như: “hỏi nhanh đáp gọn”, nội dung rộng khắp, theo đến cùng vấn đề và đã tạo hiệu quả rõ nét trong thực hiện các vấn đề bức xúc trên địa bàn, bố trí thời gian thỏa đáng, đơn giản hóa hình thức, tạo sự tương tác tối đa giữa đại biểu và người trả lời chất vấn, không gửi câu hỏi trước đến các cơ quan mà thực hiện chất vấn trực tiếp tại hội trường. Các vấn đề “nóng”, bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội được lựa chọn từ sớm, đảm bảo “đúng” và “trúng” vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm, cho thấy Hội đồng nhân dân luôn bám sát thực tiễn, đặc biệt là những vấn đề tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước và những nội dung chậm giải quyết hoặc né tránh trách nhiệm, đồng thời cung cấp thông tin phong phú, đa chiều đến đại biểu Hội đồng nhân dân và chuẩn bị sớm dự thảo nghị quyết chất vấn.

Hoạt động chất vấn, giải trình tại phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân được tổ chức ngày càng bài bản, khoa học, nội dung lựa chọn chất vấn, giải trình bám sát tình hình của địa phương, có trọng tâm, trọng điểm, nổi bật như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Giang, Quảng Trị, Thái Nguyên... Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã phát biểu đề nghị Ủy ban nhân dân cùng cấp giải trình, làm rõ nội dung chất vấn chưa được trả lời thỏa đáng. Kết quả chất vấn, giải trình đã mang lại hiệu quả tích cực. Các cơ quan được giải trình với tinh thần, trách nhiệm cao, đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh. Sau phiên giải trình, chất vấn, Thường trực Hội đồng nhân dân đã ban hành kết luận; trong đó đánh giá rõ kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại và đề nghị các cơ quan có liên quan tiếp thu, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp đã đề ra.

Hoạt động giám sát chuyên đề được Hội đồng nhân dân chuẩn bị từ sớm, từ xa, trên cơ sở bám sát chương trình, kế hoạch đã đề ra. Năm 2023, tổng số có 1.332 Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân , các Ban Hội đồng nhân dân  và được triển khai thực hiện công phu, bài bản với nhiều đổi mới về phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện giám sát, trước khi tiến hành đã tổ chức khảo sát, kiểm tra thực tế đột xuất, thậm chí không báo trước. Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hà Nam, Bắc Giang, Phú Thọ… đều tăng cường khảo sát thực tế trước khi tổ chức giám sát chuyên đề. Đà Nẵng đã tổ chức 105 cuộc kiểm tra thực tế với các địa phương, đơn vị chịu sự giám sát. Vĩnh Long đã tổ chức 98 cuộc khảo sát, 24 cuộc giám sát với 23 nội dung. Hải Dương thực hiện 09 cuộc giám sát đột xuất. Long An mở rộng hình thức giám sát qua mời Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh ghi hình trong hoạt động giám sát chuyên đề và trình chiếu tại kỳ họp Hội đồng nhân dân. Hải Phòng khảo sát 73 đơn vị, 5 sở ngành, giám sát qua báo cáo 16 đơn vị để phục vụ cho 02 chuyên đề giám sát.

Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên Mai Thị Thúy Nga

Nội dung giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân ngày càng sát với thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm. Sau giám sát, nhiều vấn đề vướng mắc, bất cập trong thực tiễn đã được kiến nghị chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét là 13.273, đồng thời trình Hội đồng nhân dân xem xét, ban hành nghị quyết để làm căn cứ, cơ sở giám sát việc thực hiện. Đến nay đã có 9.618/13.273 kiến nghị được xử lý đạt tỷ lệ 72,44%.

Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên Mai Thị Thúy Nga cho hay, với phương châm không ngại khó, không ngại va chạm, ngay sau các cuộc giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc khi các kết luận giải trình được ban hành thì Ủy ban nhân dân tỉnh đều ban hành kế hoạch, văn bản để yêu cầu các đối tượng chịu sự giám sát phải thực hiện các kiến nghị này. Đồng thời, qua giám sát cũng đã tạo lập được hệ thống được cơ sở dữ liệu để giám sát đến cùng của vấn đề. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên Mai Thị Thúy Nga khẳng định qua hoạt động giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh đã khẳng định được vị thế vai trò trong kiểm soát quyền lực ở địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn

Đặc biệt tại một số địa phương đang thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội thì vai trò, trách nhiệm giám sát của Hội đồng nhân dân càng thể hiện rõ nét đến tận cơ sở. Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn chia sẻ, thực tiễn hoạt động, Hội đồng nhân dân Thành phố đã đổi mới hoạt động theo phạm vi rộng hơn, nâng cao chất lượng hoạt động, đồng thời tăng cường hoạt động giám sát tới các quận, phường. Theo đó, Hội đồng nhân dân đã trực tiếp giám sát đến từng quận, phường đối với các hoạt động, các vấn đề nổi cộm, những vấn đề bức xúc cử tri phản ánh, kết hợp giám sát qua báo cáo, đồng thời tổ chức các phiên họp chuyên đề xử lý các vấn đề nổi cộm, thời sự. Từ đó, đôn đốc Ủy ban nhân dân, cơ quan chức năng xử lý nhanh hơn, thủ tục rút ngắn hơn những vấn đề cử tri phản ánh kiến nghị theo đúng thẩm quyền./.

Bảo Yến - Thùy Linh

Các bài viết khác