Chính phủ nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật
Báo cáo tại Phiên họp thứ ba Ban Chỉ đạo lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết, Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân phục vụ Phiên họp này gồm:
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo
1. Báo cáo tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
2. Tờ trình đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
3. Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
4. Đề cương chi tiết dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
5. Công văn số 103/CP-PL ngày 14/3/2024 của Chính phủ tham gia ý kiến về Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
6. Dự thảo văn bản tiếp thu, giải trình ý kiến của Chính phủ tham gia về Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
7. Dự thảo văn bản tiếp thu, giải trình những vấn đề trọng tâm tại 4 Hội thảo tham vấn ý kiến về Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân nêu rõ, các dự thảo văn bản nêu trên đã được chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến tham gia của Chính phủ và ý kiến tại 04 Hội thảo tham vấn ý kiến về Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.
Các thành viên Ban Chỉ đạo tham dự Phiên họp
Về nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến của Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân cho biết, Chính phủ có Công văn số 103/CP-PL ngày 14/3/2024 gửi Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tham gia ý kiến đối với Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Theo đó, Chính phủ nhất trí về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật; đồng thời tham gia một số ý kiến góp phần hoàn thiện thêm về (1) dự thảo các chính sách đề nghị xây dựng Luật, (2) Đề cương chi tiết dự thảo Luật, (3) dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật.
Liên quan đến các chính sách tại Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, Chính phủ có 06 ý kiến, trong đó 04 ý kiến được dự kiến tiếp thu, 02 ý kiến được dự kiến giải trình (nội dung tiếp thu giải trình cũng đã được thể hiện trong dự thảo Tờ trình và dự thảo Báo cáo cáo đánh giá tác động của chính sách).
Về Đề cương dự thảo Luật, Chính phủ có 04 ý kiến tham gia, cụ thể là: Về tên của dự thảo Luật; Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; Về khái niệm giám sát văn bản quy phạm pháp luật và sửa đổi các quy định có liên quan; Về đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ trong các quy định của pháp luật.
Về dự thảo Tờ trình xây dựng Luật, Chính phủ có 2 ý kiến tham gia.
Còn ý kiến khác nhau về tên của chính sách 1 trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật
Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương
Gởi mở nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, quan trọng nhất là phần đánh giá chung, những ưu điểm nổi bật, những tồn tại, vướng mắc, đây là nội dung rất quan trọng và là cơ sở thực tiễn trong Tờ trình, do đó cần phải thống nhất với nhau, tránh tình trạng không đồng nhất giữa báo cáo tổng kết thi hành Luật và Tờ trình. Và đây cũng là cơ sở để hình thành 5 chính sách mang tính định hướng cho việc xây dựng Luật và giải pháp thực hiện.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu cho ý kiến về 5 chính sách này, xem xét đã đủ chưa, vừa tầm chưa? Báo cáo đánh giá tác động chính sách cần bổ sung thêm nội dung gì không, xem xét có tác động tích cực và tiêu cực như thế nào, từ đó đề xuất giải pháp sửa đổi, bổ sung. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về nội dung này; cho ý kiến về lựa chọn tên của chính sách 1 theo 2 phương án.
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Nghiên cứu Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Chính phủ và Báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến tại 4 Hội thảo tham vấn ý kiến về Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cơ bản đồng tình và nhận thấy Tổ Biên tập rất cố gắng tiếp thu tối đa các ý kiến hợp lý của Chính phủ và của các đại biểu tại các Hội thảo. Về vấn đề còn ý kiến khác nhau liên quan đến chính sách 1, có hai phương án như sau:
- Phương án 1: Bổ sung các quy định có liên quan đến việc gắn kết hoạt động giám sát với công tác lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, địa phương.
- Phương án 2: Bổ sung quy định nguyên tắc hoạt động giám sát; tiêu chí lựa chọn vấn đề chất vấn, chuyên đề giám sát, vấn đề được yêu cầu giải trình để gắn kết hoạt động giám sát với công tác lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, địa phương.
Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Trần Thị Hoa Ry
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho rằng, phương án 1 tương đối rộng hơn, thể hiện nội dung, nguyên tắc giám sát, tuy nhiên chưa định hình rõ trong phạm vi điều chỉnh cần tập trung sửa đổi vấn đề gì.
Đối với phương án 2, Thường trực Hội đồng Dân tộc đề xuất lựa chọn phương án 2 là có cơ sở, tuy nhiên Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho rằng cần cân nhắc thêm. Nếu lựa chọn phương án 2 thu gọn phạm vi sửa đổi thì cần làm rõ đối với chủ thể giám sát nào thì mới xác định nguyên tắc hoạt động giám sát và tiêu chí lựa chọn này. Do đó, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry bày tỏ băn khoăn về việc lựa chọn tiêu chí trong phương án này.
Trong khi đó, về tên của chính sách 1, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương Nguyễn Trường Nhật Phượng nhận thấy nên lựa chọn phương án 1 theo hướng: bổ sung một số quy định có liên quan đến việc gắn kết hoạt động giám sát với các hoạt động khác, như vậy sẽ “rộng đường” hơn cho quá trình triển khai và xây dựng các nội dung cụ thể trong dự thảo Luật. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương Nguyễn Trường Nhật Phượng cho rằng, phương án 1 mang tính khái quát và có thể dễ dàng, linh hoạt hơn cho quá trình soạn thảo Luật.
Cần thiết luật hóa nội dung Tổ đại biểu HĐND giám sát chuyên đề
Qua nghiên cứu các văn bản, tài liệu, Trưởng Ban Văn hóa, Xã hội TP. Hồ Chí Minh Cao Thanh Bình nhận thấy, công tác chuẩn bị tài liệu khá chu đáo, nội dung đã được tiếp thu, chỉnh sửa chặt chẽ, nhất là các ý kiến tại 4 Hội thảo tham vấn.
Trưởng Ban Văn hóa, Xã hội TP. Hồ Chí Minh Cao Thanh Bình cho rằng, trong quá trình thực hiện, vai trò của Tổ đại biểu HĐND rất quan trọng. Nếu Tổ đại biểu HĐND phát huy tốt thì các nội dung đơn thư tại địa bàn mà đại biểu ứng cử được giải quyết rất tốt. Và Thường trực HĐND tiếp thu các kiến nghị, kết quả giám sát của Tổ đại biểu, sau đó tổ chức làm việc với các cơ quan đơn vị để giải quyết vấn đề rất hiệu quả. Nhờ đó, góp phần giảm tải rất nhiều đầu việc cho các Ban của HĐND, Thường trực HĐND và HĐND.
Trưởng Ban Văn hóa, Xã hội TP. Hồ Chí Minh Cao Thanh Bình
Thực tế cho thấy có nhiều nội dung chuyên đề để lựa chọn giám sát. Tuy nhiên HĐND, Thường trực HĐND hoặc các Ban của HĐND chỉ chọn một vài chuyên đề để giám sát cả năm. Qua vai trò của Tổ đại biểu HĐND, Trưởng Ban Văn hóa, Xã hội TP. Hồ Chí Minh Cao Thanh Bình nhấn mạnh, Tổ đại biểu HĐND đã phát huy vai trò là cánh tay nối dài nên việc Tổ đại biểu HĐND giám sát chuyên đề là rất cần thiết, đặc biệt trong các đơn vị đang tổ chức thực hiện chính quyền đô thị.
Vì vậy, Trưởng Ban Văn hóa, Xã hội TP. Hồ Chí Minh Cao Thanh Bình mong muốn có thể đưa nội dung Tổ đại biểu HĐND giám sát chuyên đề vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát lần này.
Nếu các giám sát của Tổ đại biểu HĐND quá chặt chẽ theo quy trình, thủ tục, hồ sơ như các đơn vị thì các Tổ đại biểu rất vất vả vì hiện Tổ đại biểu đang kiêm nhiệm nhiều việc. Do đó, đề nghị dự thảo Luật nghiên cứu thêm về vấn đề này. Ông Cao Thanh Bình cho rằng, Tổ đại biểu có thể tiếp nhận các đơn thư từ các kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc, của các buổi tiếp xúc cử tri, sau đó sẽ tổ chức giám sát, qua đó giảm tải các vấn đề hành chính hóa cho Tổ đại biểu HĐND và giám sát kịp thời hơn.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê cho biết, từ bộ tài liệu mới nhất về Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật mà các đại biểu đã nghiên cứu, đề nghị các đại biểu tiếp tục góp ý cụ thể vào các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, qua đó làm cơ sở cho Tổ Biên tập tổng hợp, tiếp thu hoàn thiện. Đồng thời mong muốn các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ Biên tập tiếp tục dành thời gian quan tâm để thực hiện đúng thời hạn theo yêu cầu của UBTVQH.
Một số hình ảnh tại Phiên họp:
Toàn cảnh Phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gợi mở nội dung thảo luận tại Phiên họp
Các đại biểu tham dự Phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo Phiên họp
Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Cao Thị Xuân điều hành nội dung thảo luận
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên Giàng Thị Hoa phát biểu tại Phiên họp
Về tên của chính sách 1, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương Nguyễn Trường Nhật Phượng nhận thấy nên lựa chọn phương án 1 theo hướng: bổ sung một số quy định có liên quan đến việc gắn kết hoạt động giám sát với các hoạt động khác, như vậy sẽ “rộng đường” hơn cho quá trình triển khai và xây dựng các nội dung cụ thể trong dự thảo Luật.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Lê Văn Ánh thống nhất cao với Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Chính phủ và Báo cáo tiếp thu, giải trình các vấn đề trọng tâm tại 4 Hội thảo tham vấn ý kiến về Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật.
Cho rằng tài liệu chưa có tính hệ thống cao, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quàng Văn Hương đề nghị cần hệ thống lại, cần xác định rõ gốc là các báo cáo tổng kết thi hành Luật của các địa phương.
Ủy viên Thường trực Hội đồng dân tộc Leo Thị Lịch phát biểu tại Phiên họp
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu kết luận Phiên họp./.