XÂY DỰNG LUẬT PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN: TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ ĐẦY ĐỦ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHIỆM VỤ BẢO VỆ TỔ QUỐC

20/03/2024

Tham vấn chuyên gia tại hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Phòng không nhân dân” do Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức vào chiều 20/3, các ý kiến cho rằng, việc ban hành Luật Phòng không nhân dân là vô cùng cần thiết nhằm thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng về xây dựng nền Quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, tạo hành lang pháp lý đầy đủ đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

HỘI THẢO GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN

Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Phòng không nhân dân”

Dự thảo Luật gồm 08 chương với 55 điều, tập trung vào 05 chính sách lớn,bao gồm: Xây dựng lực lượng phòng không nhân dân; Huy động, hoạt động lực lượng phòng không nhân dân; Quy định quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ; Quy định các biện pháp về bảo đảm an toàn phòng không; Nguồn lực, chính sách đối với phòng không nhân dân. Theo Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2024, dự án Luật sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Góp ý tại hội thảo, Đại tá, PGS TS Bùi Văn Thịnh - Nguyên Trưởng khoa Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết, quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo xuyên xuốt của Đảng trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, là bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống, với mục tiêu kiên quyết, kiên trì, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo, quản lý, điều hành của Quân ủy trung ương, Bộ quốc phòng, Chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương đã đặt phòng không nhân dân (PKND) là một bộ phận của nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân. Ngày nay, các phương án tác chiến mới trong chiến tranh hiện đại, tiến công đường không và phòng chống tiến công đường không trở thành yêu cầu hết sức quan trọng, quyết định đến thắng lợi trong cục diện chiến trường. Nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động PKND là trực tiếp thực hiện đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, nghệ thuật quân sự Việt Nam trong giai đoạn mới.

PGS TS Bùi Văn Thịnh - Nguyên Trưởng khoa Học viện Cảnh sát nhân dân

Thời gian qua, việc xây dựng pháp luật về PKND của chúng ta tuy đã có sự quan tâm nhất định, đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong xây dựng, quản lý nhà nước đối với lực lượng PKND nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu của tình hình thực tiễn chuyển biến nhanh chóng, khó lường trên thế giới. Nhiều vấn đề mới phát sinh trên thực tiễn liên quan đến công tác PKND chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ, đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc, bất cập trong công tác xây dựng và quản lý nhà nước về công tác PKND, ảnh hưởng đến việc chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa... Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật PKND là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Theo PGS TS Bùi Văn Thịnh, những kết quả đạt được của dự án Luật PKND là rất cơ bản, toàn diện, đồng bộ và thống nhất. Dự án Luật PKND là công trình khoa học nghiêm túc, được nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung trên cơ sở những giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, cả nội dung và hình thức trong nhiều năm qua. Dự án Luật PKND đã thoả mãn đầy đủ yêu cầu của một văn bản luật chuyên ngành thuộc hệ thống văn bản pháp luật về Quốc phòng Việt Nam.

Đồng thời,-dự án Luật PKND sẽ là khung pháp lý chung cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động PKND; đã thể hiện được định hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong quản lý, chỉ huy, chỉ đạo hoạt động PKND; là cơ sở để tinh gọn về lực lượng, tổ chức PKND; sẽ tăng thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội, phát huy hiệu quả vai trò tham mưu của cơ quan quân sự địa phương và trách nhiệm phối hợp, hiệp đồng của các cơ quan, tổ chức liên quan trong tổ chức, xây dựng, huy động cho hoạt động PKND,…

TS.Nguyễn Thị Ngọc Linh - Học viện Hành chính Quốc gia 

Cùng quan điểm, TS.Nguyễn Thị Ngọc Linh - Học viện Hành chính Quốc gia nhấn mạnh, PKND là một bộ phận của nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, từ trung ương đến địa phương. Thế trận PKND là một bộ phận cấu thành, không tách rời của thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ. Hoạt động tác chiến PKND là nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam đã được vận dụng hiệu quả trong chiến tranh giải phóng đất nước của dân tộc ta. Nhận thức rõ vị trí vai trò, tầm quan trọng của PKND, Bộ chính trị đã chỉ rõ quan điểm “Hoàn thiện pháp luật về quốc phòng, an ninh theo hướng thể chế hoá sâu sắc hơn mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng tiềm lực, củng cố quốc phòng, an ninh; hoàn thiện cơ sở pháp lý nâng cao năng lực bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.

 Đặc biệt, trong bối cảnh tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, đòi hỏi “…có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân…” , Đảng lại quyết liệt chỉ đạo “…thực hiện hiệu quả đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân với phương châm dựa vào dân “dân là gốc”; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc…;…tăng cường đầu tư xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống”; với mục tiêu cụ thể “… kiên quyết, kiên trì, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước” .

Tuy nhiên, từ khi Luật Quốc phòng năm 2018 ra đời cùng với nhiều văn bản pháp luật trong các lĩnh vực cụ thể có quy định liên quan đến hoạt động PKND như Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Dân quân tự vệ, Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Phòng thủ dân sự, Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Nhưng các văn bản này chỉ mới quy định những vấn đề khung mang tính nguyên tắc liên quan đến hoạt động PKND, mà chưa gắn chặt, sát với nhiệm vụ PKND, nên đặt ra yêu cầu đòi hỏi phải tạo lập khung pháp lý đầy đủ, toàn diện cho hoạt động PKND.

Do đó, TS.Nguyễn Thị Ngọc Linh cho rằng để thực hiện đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động PKND, đồng thời nhằm hoàn thiện pháp luật về PKND, việc xây dựng, ban hành Luật PKND là rất cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng 

Tán thành sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Phòng không nhân dân, Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng nhận định, dự thảo Luật PKND đã quán triệt đầy đủ Hiến pháp 2013, Luật Quốc phòng năm 2018 (điểm đ, khoản 2, Điều 7); cụ thể hóa Nghị định số 21/2019/NĐ-CP ngày 22/02/2019 về KVPT, trong đó công tác PKND là một bộ phận cấu thành, không tách rời của thế trận KVPT; các văn bản pháp luật khác liên quan đến hoạt động PKND (Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Dân quân tự vệ, Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Phòng thủ dân sự, Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự), tạo khung pháp lý đầy đủ hơn, toàn diện cho hoạt động PKND.

GS.TS Nguyễn Hồng Quân cũng cho rằng, dự thảo Luật PKND đã bám sát cơ sở thực tiễn. Dự thảo Luật lần này cố gắng đồng bộ, thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật việc huy động các tổ chức, cá nhân và Nhân dân tham gia vào các hoạt động PKND; quy định việc tổ chức xây dựng lực lượng PKND trong các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, các công trình năng lượng lớn của quốc gia; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý UAV, phương tiện bay siêu nhẹ; công tác quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không, độ cao giới hạn chướng ngại vật phòng không xung quanh các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu cũng góp ý cụ thể vào một số điều, khoản cụ thể về: Xây dựng, huy động lực lượng phòng không nhân dân; Hoạt động phòng không nhân dân; Khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, Quy định các biện pháp về bảo đảm an toàn phòng không; Nguồn lực, chính sách đối với phòng không nhân dân. Điều khoản thi hành;…./.

Lê Anh - Đình Thành

Các bài viết khác