TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 18/3: PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC NGOẠI GIAO
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao.
Chiều 18/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thực hiện Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, Bộ đã thực hiện những hoạt động gì để hỗ trợ các địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được UNESCO, qua đó nâng tầm văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế?
Đại biểu Lưu Bá Mạc – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cũng cho biết, hiện nay, Việt Nam đã có 03 công viên địa chất toàn cầu, được UNESCO công nhận tại các địa phương, như: tại Hà Giang, Cao Bằng, Đắk Nông. Để tiếp tục góp phần nâng tầm giá trị cũng như quảng bá di sản văn hóa và tài nguyên du lịch của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, đến nay đã có một số địa phương, trong đó bao gồm tỉnh Lạng Sơn, cũng đang trong quá trình xây dựng, phát triển công viên địa chất toàn cầu.
Đại biểu Lưu Bá Mạc – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao từ điểm cầu Lạng Sơn.
Trong lĩnh vực ngoại giao, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị Bộ trưởng cho biết đã có những giải pháp gì để đẩy mạnh công tác hỗ trợ các địa phương trong quá trình xây dựng, phát triển công viên địa chất toàn cầu, trình UNESCO công nhận, cũng như quảng bá sau khi được UNESCO công nhận. Từ đó, góp phần thu hút nhiều hơn khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, các di sản văn hóa nói riêng và danh hiệu UNESCO nói chung được cộng đồng quốc tế công nhận không chỉ là tài sản quý báu, phản ánh đậm nét bản sắc văn hóa của quốc gia, dân tộc Việt Nam, mà còn có giá trị toàn cầu. Do đó, việc quảng bá những hình ảnh về di sản này nhằm phát huy được sức mạnh mềm, vừa nâng cao vị thế hình ảnh của đất nước ta, dân tộc ta trên trường quốc tế, điều quan trọng hơn là đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Ngoại giao sẽ đề xuất các chính sách để thúc đẩy thực chất, hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO. Đồng thời, cũng đề nghị UNESCO hướng dẫn để thông tin đầy đủ đến các địa phương, khi các di sản được công nhận cần làm những việc gì trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản đó, phục vụ phát triển kinh tế xã hội một cách bền và vững lâu dài.
Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, Bộ cũng mời nhiều lãnh đạo cấp cao của UNESCO sang thăm, kết hợp tổ chức hội nghị lần đầu tiên của UNESCO về bảo tồn phát huy các di sản văn hóa.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn các ĐBQH.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao hỗ trợ các địa phương xây dựng hồ sơ đề nghị tiếp tục công nhận di sản của Việt Nam, theo đúng mẫu để được xét duyệt. Đồng thời tiếp tục quảng bá giới thiệu về các di sản của Việt Nam tới bạn bè thế giới, đây là các biện pháp Bộ đã triển khai trong thời gian qua.
Trả lời câu hỏi liên quan đến công viên địa chất, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết trên thế giới hiện nay thì có 195 công viên địa chất ở 48 nước thì Việt Nam đã có 3 công viên địa chất được UNESCO công nhận. UNESCO đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm của các địa phương, của Việt Nam nói chung trong việc bảo tồn, phát huy và phát triển 3 công viên địa chất này để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Xây dựng video clip của các địa phương để quảng bá hình ảnh
Phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết rất quan tâm tới lĩnh vực ngoại giao gắn với công nghiệp du lịch. Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng đã trả lời có một số hoạt động nhằm thúc đẩy du lịch, đặc biệt là kết hợp với việc đón tiếp các đoàn lãnh đạo cấp cao để từ đó quảng bá ẩm thực, con người..., tuy nhiên, đại biểu cho rằng, những hoạt động này mới chỉ đề cập tới quảng bá văn hoá trong nước mà chưa đề cập tới hoạt động của các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài. Ngoài ra, Nghị quyết 08 của Trung ương có nêu, để phát triển du lịch thì phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan đại diện và thương mại của Việt Nam tại nước ngoài trong việc xúc tiến, quảng bá du lịch. Nghị quyết 572 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị phải tiếp tục triển khai quyết liệt, sáng tạo Nghị quyết 08. Đặc biệt, gần đây Chính phủ đã có Nghị quyết 82/2023 về phát triển du lịch cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ công tác ngoại giao kinh tế, trong đó có du lịch.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương
Theo đại biểu, từ các văn bản trên cho thấy, đang hướng tới hoạt động của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để quảng bá văn hóa, thúc đẩy du lịch. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn làm rõ hơn về vấn đề này.
Trả lời chất vấn đại biểu Nguyễn Quang Huân, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, đây là nhiệm vụ được Bộ Ngoại giao quan tâm, chú trọng triển khai. Bộ cũng đã tham khảo kinh nghiệm của các nước về chính sách phát triển du lịch để tham mưu Chính phủ. Theo Bộ trưởng, các cơ quan đại diện ở các nước đều có nhiệm vụ quảng bá văn hóa, hàng năm tổ chức ngày văn hóa, tuần văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Cùng với đó, chủ động xây dựng kế hoạch ngoại giao văn hóa. Bộ trưởng lấy ví dụ: "mới đây nhất tại Nhật Bản đã tổ chức lễ hội phở, thu hút nhiều người quan tâm".
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng đề nghị các địa phương xây dựng video clip của các địa phương để quảng bá hình ảnh. Đồng thời cho biết, ngay tại trụ sở các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài cũng được trang trí mang đậm hình ảnh đất nước, con người Việt Nam./.