MỤC ĐÍCH CAO NHẤT CỦA HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT LÀ KIỂM SOÁT CHẶT CHẼ QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC, BẢO ĐẢM THƯỢNG TÔN HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT

13/03/2024

Góp ý về dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường nhất trí cao với mục đích đề nghị xây dựng Luật được nêu trong dự thảo Tờ trình. Tuy nhiên đề nghị cân nhắc bổ sung thêm một quan điểm thể hiện mục đích cao nhất của hoạt động giám sát là kiểm soát chặt chẽ quyền lực Nhà nước, bảo đảm sự tôn nghiêm của Hiến pháp và pháp luật, sự liêm chính, tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở.

CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ HƠN VỀ TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUY TRÌNH GIÁM SÁT CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ

PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN TƯ PHÁP NGUYỄN MẠNH CƯỜNG: CẦN QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ HƠN VỀ VIỆC XỬ LÝ CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHÔNG THỰC HIỆN KẾT LUẬN, YÊU CẦU, KIẾN NGHỊ GIÁM SÁT

Xem xét bổ sung cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đề nghị xây dựng Luật

Cơ bản nhất trí với nội dung của dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, tuy nhiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường tham gia góp ý vào một số nội dung và đề nghị Ban soạn thảo xem xét các nội dung cụ thể sau: về cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đề nghị xây dựng Luật, về mục đích, quan điểm xây dựng Luật, về mục tiêu, nội dung của chính sách, các giải pháp để thực hiện…

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường 

- Trước hết về cơ sở chính trị, theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị xây dựng luật phải căn cứ vào đường lối, chủ trương của Đảng. Theo đó, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường cho rằng nên tập trung viện dẫn những nội dung có liên quan đến phạm vi, đối tượng điều chỉnh và các chính sách lớn của dự án Luật được nêu trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, còn những văn bản như Chương trình hành động, Kết luận của Đảng Đoàn Quốc hội cũng cần thiết, nhưng nên thu hút vào phần cơ sở thực tiễn có lẽ phù hợp hơn và cũng đúng với vị trí, chức năng và trách nhiệm của Đảng Đoàn.

- Về cơ sở pháp lý, dự thảo Tờ trình đã nêu đầy đủ những quy định có liên quan của Hiến pháp năm 2013, các văn bản quy phạm pháp luật khác. Tuy nhiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường cho rằng, việc liệt kê những văn bản của UBTVQH có tính chất chỉ đạo, điều hành hoạt động nội bộ, không phải là văn bản quy phạm pháp luật vào phần cơ sở pháp lý để trình Quốc hội cần được cân nhắc, vì UBTVQH là cơ quan Thường trực của Quốc hội.

- Về cơ sở thực tiễn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường nhận thấy, đây là phần cần được đầu tư thêm, nhất là những vấn đề đang làm hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân mà nguyên nhân chính là do sự bất cập của thể chế.

Cân nhắc bổ sung thêm quan điểm xây dựng Luật là kiểm soát chặt chẽ quyền lực Nhà nước, bảo đảm sự tôn nghiêm của Hiến pháp và pháp luật

Đề cập về mục đích, quan điểm xây dựng Luật, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường nhất trí cao với mục đích đề nghị xây dựng Luật được nêu trong dự thảo Tờ trình, đặc biệt là viện dẫn quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới: “Tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội phù hợp thực tiễn; nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng việc theo dõi, xem xét, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát; thực hiện nghiêm việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội”. Theo đó, việc đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân chính là tập trung thể chế hóa quan điểm, chủ trương trên đây của Đảng.

Về quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật, dự thảo Tờ trình nêu 3 quan điểm, theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường, nội dung nhìn chung là phù hợp. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 32 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nội dung của các quan điểm chỉ đạo cần được chỉnh lý lại cho phù hợp, bảo đảm nguyên tắc xây dựng luật là thể chế hóa quan điểm của Đảng, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn và điều kiện bảo đảm thi hành.

Ảnh minh họa

Ngoài 3 quan điểm được nêu trong dự thảo Tờ trình, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường đề nghị cân nhắc bổ sung một quan điểm thể hiện mục đích cao nhất của hoạt động giám sát là kiểm soát chặt chẽ quyền lực Nhà nước, bảo đảm sự tôn nghiêm của Hiến pháp, pháp luật, sự liêm chính, tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở.

Liên quan đến phạm vi sửa đổi, bổ sung, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường nhất trí với 5 nhóm vấn đề cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân như dự thảo Tờ trình đã đề cập. Tuy nhiên, đề bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật cả về nội dung và hình thức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường đề nghị thêm điểm (e) sửa đổi, bổ sung về văn phong pháp lý và kỹ thuật văn bản.

Về đối tượng áp dụng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường nhất trí với nội dung được thể hiện trong dự thảo Tờ trình. Tuy nhiên, để thuận lợi khi tiếp cận văn bản, nên chăng dự thảo Tờ trình nêu cụ thể những đối tượng mà UBTVQH dự kiến bổ sung vào dự thảo Luật so với quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân hiện hành.

Xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc đánh giá, kết luận của chủ thể giám sát đối với những hạn chế, yếu kém của chủ thể chịu sự giám sát

Về mục tiêu, nội dung của chính sách, các giải pháp để thực hiện, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường cơ bản nhất trí với nội dung các chính sách nêu trong dự thảo Tờ trình (5 nhóm chính sách). Tuy nhiên đề nghị Cơ quan trình cân nhắc thêm một số vấn đề cụ thể liên quan đến chính sách 1 và chính sách 2.

- Đối với chính sách 1, dự thảo Tờ trình xác định mục tiêu và nội dung cơ bản của chính sách 1 là bổ sung quy định để gắn kết hoạt động giám sát với hoạt động lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Theo đó bổ sung nội dung này vào Điều 3 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân hiện hành thành nguyên tắc thứ 4.

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường, việc bổ sung chính sách này thực chất khó có thể tạo bước đột phá nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND. Vì theo khái niệm hoạt động giám sát được định nghĩa tại khoản 1 Điều 2 Luật Hoạt động giám sát hiện hành là “…theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý”.

Đồng thời cho rằng, việc đánh giá của chủ thể giám sát phải căn cứ vào quy định của Hiến pháp, pháp luật có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của chủ thể chịu sự giám sát. Đối với những mặt hạn chế, khuyết điểm, chủ thể giám sát phải chỉ ra được tất cả các nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về thể chế. Cho nên dù không quy định “gắn kết hoạt động giám sát với hoạt động lập hiến, lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước” thì các chủ thể giám sát khi tiến hành hoạt động giám sát vẫn phải đánh giá sự phù hợp, tính khả thi của các quy định của luật, pháp lệnh, nghị quyết liên quan đến nội dung giám sát; kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ nếu xét thấy cần thiết.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường nêu rõ, điểm hạn chế rất lớn trong hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Hội đồng nhân dân là chất lượng “đánh giá, kết luận” cuả hoạt động giám sát còn thấp. Khi nói về hạn chế, yếu kém của chủ thể chịu sự giám sát, tình trạng đánh giá chung chung việc tuân theo hiến pháp, pháp luật còn khá phổ biến, nhiều trường hợp cho rằng có sự chồng chéo thậm chí xung đột, bất cập, lạc hậu của thể chế nhưng không chỉ ra cụ thể là quy định nào, ở văn bản nào. Nghiên cứu quy định của Luật Hoạt động giám sát hiện hành, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường cho rằng, cần kiến nghị UBTVQH trình Quốc hội cho xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc đánh giá, kết luận của chủ thể giám sát đối với những hạn chế, yếu kém của chủ thể chịu sự giám sát theo hướng:

+Nếu hạn chế, yếu kém mà nguyên nhân do thể chế thì phải chỉ rõ quy định nào, tại văn bản nào, kiến nghị giải pháp khắc phục;

+Nếu hạn chế, yếu kém mà nguyên nhân do thiếu các quyết định cần thiết, kịp thời của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì phải chỉ rõ quyết định về vấn đề gì, thuộc cơ quan nào, kiến nghị giải pháp khắc phục.

+Nếu hạn chế, yếu kém mà nguyên nhân thuộc trách nhiệm tổ chức thực hiện của chủ thể chịu sự giám sát thì chỉ rõ thuộc khâu nào của quy trình tổ chức thực hiện hiến pháp và pháp luật; giải pháp, thời hạn khắc phục.

Cần quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Đoàn ĐBQH trong hoạt động giám sát

- Đối với chính sách 2, theo dự thảo Tờ trình, chính sách 2 nhằm hoàn thiện các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể giám sát, đặc biệt là về giám sát văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan trung ương. Đây không phải là vấn đề mới, các nhiệm kỳ Quốc hội trước đều thừa nhận việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan ở trung ương theo quy định tại Điều 40 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (trước đây quy định là giám sát việc ban hành văn bản dưới luật thuộc lĩnh vực các cơ quan của Quốc hội được giao phụ trách - chủ yếu là các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH) là một trong những hạn chế, yếu kém kéo dài của các cơ quan của Quốc hội.

Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái thực hiện chương trình giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường nhận thấy, nguyên nhân không phải do lỗi của thể chế, vì quy định của pháp luật về vấn đề này cơ bản rõ ràng, đầy đủ, nhưng các cơ quan của Quốc hội không đủ điều kiện để thực hiện, trong đó vấn đề lớn nhất là cơ quan giúp việc không đủ nhân lực để thực hiện. Vì thế, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường cho rằng, nếu chỉ sửa đổi, bổ sung cho đầy đủ và rõ ràng hơn thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội mà không giải quyết vấn đề biên chế cho cơ quan giúp việc Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thì khó có thể tạo được chuyển biến.

Vì việc nghiên cứu, đối chiếu nội dung các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan trung ương ban hành với văn bản quy phạm pháp luật gốc là luật, pháp lệnh, nghị quyết nhằm phát hiện ra những quy định không phù hợp, mâu thuẫn, trái thẩm quyền… là công việc chuyên môn, cần phải tiến hành thường xuyên, liên tục với đội ngũ cán bộ, công chức được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn và những kỹ năng cần thiết, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, bảo đảm ổn định về vị trí việc làm. (Khi hoạt động kiểm sát văn bản của các cơ quan trung ương thuộc chức năng kiểm sát chung của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao được tiến hành rất bài bản với số lượng và chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn tương ứng với khối lượng công việc được giao).

Về thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể giám sát, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường bày tỏ băn khoăn về thẩm quyền, trách nhiệm trong hoạt động giám sát của ĐBQH. Thực tiễn hoạt động của Quốc hội nước ta, vai trò cá nhân của ĐBQH khi thực hiện quyền giám sát còn rất mờ nhạt, có thể khẳng định hầu hết các ĐHQH đều không thực hiện được thẩm quyền giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương và văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyển ở địa phương ban hành.

“Nguyên nhân chủ yếu là đa số ĐBQH hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm nên không đủ quỹ thời gian vật chất để thực hiện, không có người giúp việc trực tiếp, không có kinh phí để thuê chuyên gia. Mặt khác, nhận thức chung của xã hội, cơ quan, tổ chức chưa đúng với quy định của pháp luật về vị thế của ĐBQH, dẫn đến có ĐBQH khi thực hiện quyền giám sát với tư cách cá nhân đã bị bảo vệ cơ quan khóa cổng nhốt xe”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh phân tích thêm.

Do đó, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Việt Trường đề nghị UBTVQH chỉ đạo nghiên cứu kỹ vấn đề này để quy định sao cho bảo đảm tính khả thi. Theo đó, nên tập trung quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Đoàn ĐBQH trong hoạt động giám sát, trách nhiệm của ĐBQH trong Đoàn tham gia xây dựng, quyết định Chương trình và thực hiện Chương trình của Đoàn có lẽ khả thi hơn./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác