BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI, THÚC ĐẨY TIẾN BỘ VÀ CÔNG BẰNG ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

04/03/2024

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được trình Quốc hội với kết cấu gồm 10 chương và 136 điều. Các chuyên gia, nhà nghiên cứu nêu rõ, bảo hiểm xã hội được coi là một trong những chính sách lớn, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Do vậy, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội sẽ góp phần quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ và công bằng để phát triển bền vững.

SỬA ĐỔI LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI: CẦN HẠ ĐIỀU KIỆN HƯỞNG CHẾ ĐỘ HƯU TRÍ HÀNG THÁNG

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội

Luật Bảo hiểm xã hội được Quốc hội khoá XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8 ngày 20/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Qua hơn 7 năm thi hành, luật đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện luật hiện hành cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bất cập. Chính vì vậy, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội khoá XV tại Kỳ họp thứ 6 gồm 10 chương và 136 điều. Trên cơ sở kế thừa kết cấu của luật hiện hành, dự thảo Luật đã bổ sung 03 nội dung mới gồm trợ cấp hưu trí xã hội; quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội và đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội; bỏ Mục chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tách riêng điều quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, không quy định chung trong điều về đối tượng áp dụng; gộp các điều liên quan đến quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong một chương; không quy định chương riêng về trình tự, thủ tục bảo hiểm xã hội mà lồng ghép vào từng chế độ.

Cho ý kiến về dự luật này tại Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thể chế hóa đầy đủ hơn chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo hiểm xã hội, việc quy định về quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội và tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội; bổ sung các giải pháp, chế tài phù hợp, khả thi, đáp ứng đầy đủ mục tiêu, tăng cường an sinh xã hội, tuân thủ pháp luật, ngăn chặn kịp thời tình trạng gian lận, trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội, hạn chế việc trốn đóng bảo hiểm xã hội. Đồng thời, cần có quy định cụ thể hơn, cần đánh giá cụ thể từng chính sách, nhất là chính sách đặc thù như bổ sung chế độ thai sản với bảo hiểm tự nguyện...

Quan tâm tới chính sách bảo hiểm xã hội, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội nêu rõ, an sinh xã hội là một trong những quyền con người cơ bản. Quyền này được ghi nhận trong Điều 22 (đồng thời được nhắc đến trong Điều 25) của Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền (UDHR) năm 1948. “Với tư cách là thành viên của xã hội, mọi người đều có quyền được hưởng an sinh xã hội cũng như được thực hiện các quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa không thể thiếu đối với nhân phẩm và tự do phát triển nhân cách của mình, thông qua nỗ lực quốc gia, hợp tác quốc tế và phù hợp với hệ thống tổ chức và nguồn lực của mỗi quốc gia”.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Bảo hiểm xã hội được coi là một trong những chính sách lớn, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, cung cấp nguồn thu nhập bảo đảm an sinh cho người dân. Khác với các cấu phần khác của an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội là một chế định xã hội nhằm huy động nguồn tài chính từ người lao động, người sử dụng lao động, sự hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức xã hội và các nguồn khác về vật chất để bảo hiểm cho người lao động khi ốm đau, tai nạn, thai sản, già yếu, bệnh tật hay chết dẫn đến giảm tạm thời hoặc vĩnh viễn các nguồn thu nhập cho cá nhân và gia đình.

Phân tích về vai trò của bảo hiểm xã hội trong việc bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương cho biết, đối với người lao động, hệ thống bảo hiểm xã hội bảo đảm các bù đắp ngắn hạn do các rủi do trong quá trình lao động của người lao động  như ốm đau, thai sản, bệnh tật; các rủi ro mất việc làm trên phạm vi rộng và cấp độ cá nhân; bảo đảm các nguồn tiền cơ bản cho người lao động khi nghỉ hưu hoặc mất sức lao động vĩnh viễn. Đối với người sử dụng lao động, sự tham gia của người chủ sử dụng lao động là sự thể hiện được nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với người lao động và xã hội; trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhằm duy trì nguồn lao động được phát triển, được chia sẻ với các kết quả của doanh nghiệp, giúp người lao động yên tâm, phấn khởi hơn, gắn bó hơn với cơ quan, doanh nghiệp; hạn chế các hiện tượng bãi công, đình công, biểu tình, đảm bảo cho quá trình sản xuất được diễn ra liên tục, ổn định.

Đối với nền kinh tế, bảo hiểm xã hội với nòng cốt là các chính sách ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất góp phần phát triển nguồn lao động, cải thiện quan hệ lao động, bảo đảm thị trường lao động hoạt động có hiệu quả, tiền đề quan trọng nâng cao năng suất lao động, phát huy sáng tạo, làm cho sản xuất ngày càng phát triển; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, và cải thiện các chỉ số kinh tế vĩ mô. Quỹ hưu trí được hình thành và tồn tích theo thời gian trở thành một khâu tài chính trung gian vô cùng quan trọng, góp phần đầu tư, phát triển và tăng trưởng kinh tế cho đất nước.

Ngoài ra, đối với xã hội, việc thiết kế các chính sách bảo hiểm xã hội có sự tham gia của người lao động, doanh nghiệp và chính phủ nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của mọi người lao động trong xã hội, là sự chia sẻ trách nhiệm giữa cá nhân-cộng đồng-xã hội, giữa các thế hệ. Nhà nước tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội nhằm góp phần ổn định cuộc sống cho các thành viên trong xã hội, đảm bảo công bằng, thực hiện có hiệu quả trách nhiệm của Nhà nước trong việc quản lý xã hội.

Ảnh minh hoạ

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển bảo hiểm xã hội đa tầng, các chuyên gia nhận định, mỗi nước có những cách tiếp cận khác nhau, song nhìn chung đều quyết tâm mở rộng bảo hiểm xã hội đa tầng. Trong đó, chính sách các nước thường tập trung ổn định tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, thúc đẩy giảm nghèo, tăng cường tạo việc làm trong khu vực chính thức, giảm thiểu các thủ tục để doanh nghiệp dễ trở thành khu vực “chính thức”, qua đó áp dụng hình thức bảo hiểm xã hội bắt buộc; tăng cường các giải pháp mở rộng bảo hiểm xã hội do Chính phủ thực hiện.

Bên cạnh đó, đối với các chương trình hưu trí bắt buộc cần cải thiện cơ chế khuyến khích tham gia và tuân thủ; chuyển đổi dần dần sang hình thức tài khoản cá nhân tượng trưng (MDC), sự cân bằng giữa trợ cấp trước và trợ cấp sau; giảm mức đóng góp của chủ lao động nhằm khuyến khích và tăng mức độ tuân thủ của chủ lao động; thiết lập một cơ chế xác định các hệ số nhằm tạo động lực khuyến khích người lao động...

Trên cơ sở hệ thống lý thuyết và kinh nghiệm của các nước, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, hướng tới bảo hiểm toàn dân là một hướng đi đúng, phù hợp với xu thế thế giới. Nhà nước cần nghiên cứu và ban hành khung khổ pháp luật và các điều kiện cần thiết để mở rộng bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội toàn dân. Để mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội (về chiều rộng/phạm vi và chiều sâu/mức và tỷ lệ thỏa mãn), sự ủng hộ mạnh mẽ của nhà nước và một sự cam kết rõ ràng trong việc nâng cao năng lực quản lý trong lĩnh vực này có vị trí quan trọng. Mặc dù mong muốn là khu vực chính thức ngày càng mở rộng, trong bối cảnh kinh tế biến động và tác dụng của 4.0, khu vực phi chính thức, nông nghiệp và di cư lao động đang có xu hướng gia tăng, thiếu việc làm và thu nhập không ổn định gia tăng, khả năng tham gia của các nhóm lao động này vào hệ thống bảo hiểm xã hội bắt buộc không dễ dàng, do vậy, cần phải thay đổi cơ chế, phương thức quản lý bảo hiểm xã hội, tăng cường sự hỗ trợ của nhà nước.

Cùng với đó, Chính phủ cần nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống pháp luật để khu vực tư nhân có thể tham gia cung cấp dịch vụ bảo hiểm xã hội một cách hiệu quả; thực hiện các cam kết về tài chính cho hệ thống tư nhân phát triển và thực hiện quá trình chuyển đổi thành công. Thiết lập một hệ thống bảo hiểm xã hội minh bạch, rõ ràng. Hướng tới xây dựng mã số an sinh xã hội cho mỗi cá nhân; mọi người dân đều có thể truy cập để tìm hiểu và tra cứu tất cả những thông tin liên quan tới an sinh xã hội nói chung và bảo hiểm xã hội nói riêng. Về bảo hiểm xã hội dài hạn (hưu trí), Chính phủ cần có chính sách đảm bảo cho mọi người dân được hưởng mức lương hưu tối thiểu và lương hưu bổ sung đối với các cá nhân hoặc tổ chức có khả năng tham gia đóng góp nhiều hơn./.

Minh Thành