CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT LƯU TRỮ (SỬA ĐỔI): RÚT NGẮN THỜI HẠN NỘP TÀI LIỆU VÀO LƯU TRỮ LỊCH SỬ

29/02/2024

Tại phiên họp thứ 30 (tháng 2/2024) vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Đây là dự án Luật đã được Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) tới. Theo Thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành quy định thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử là 05 năm kể từ năm tài liệu được nộp vào lưu trữ hiện hành, áp dụng thống nhất cho cả tài liệu giấy và tài liệu số.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 22/02: KHAI MẠC PHIÊN HỌP THỨ 30 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

KẾT LUẬN CỦA UBTVQH VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT LƯU TRỮ (SỬA ĐỔI)

Tại phiên họp thứ 30 (tháng 2/2024), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)

Theo quy định của Luật Lưu trữ hiện hành, thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử là 10 năm kể từ năm công việc kết thúc. Dự thảo luật Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 6 quy định tối đa đối với lưu trữ số là 60 tháng, tức là 5 năm từ ngày kết thúc công việc, lưu trữ giấy là tối đa 10 năm kể từ ngày kết thúc công việc. Đối với hồ sơ cả lưu trữ số và lưu trữ giấy thì tối đa 10 năm từ ngày kết thúc công việc.

Tại Kỳ họp thứ 6, thảo luận về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), một số ý kiến đề nghị rút ngắn thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử, cụ thể: đối với tài liệu lưu trữ số, thời hạn tối đa là 30 tháng; đối với tài liệu lưu trữ giấy, thời hạn tối đa là 05 năm; đối với hồ sơ gồm cả tài liệu lưu trữ số và tài liệu lưu trữ giấy thì thời hạn tối đa là 05 năm, tính từ năm kết thúc công việc.

Về vấn đề này, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội chỉnh lý quy định về thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử tối đa là 05 năm, nhưng tính từ năm tài liệu được nộp vào lưu trữ hiện hành và áp dụng thống nhất cho cả tài liệu giấy và tài liệu số như thể hiện tại khoản 3 Điều 16 của dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, việc rút ngắn thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tài liệu lưu trữ sớm hơn, qua đó góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ; hạn chế tình trạng thất thoát tài liệu lưu trữ vĩnh viễn và giúp bảo quản tài liệu lưu trữ tốt hơn.

Đối với các tài liệu cần sử dụng thường xuyên do đặc thù hoạt động của cơ quan, đơn vị, dự thảo Luật đã bổ sung quy định tài liệu lưu trữ của ngành quốc phòng, công an, Bộ Ngoại giao do các Bộ trực tiếp quản lý và tài liệu lưu trữ vĩnh viễn của một số lĩnh vực chuyên ngành thì thực hiện theo quy định của luật chuyên ngành có liên quan nhưng phải nộp vào lưu trữ lịch sử trong thời hạn tối đa là 30 năm kể từ năm nộp vào lưu trữ hiện hành. Tài liệu chứa bí mật nhà nước chỉ được nộp vào lưu trữ lịch sử sau khi đã được giải mật.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị giữ quy định thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử là 10 năm như Luật Lưu trữ hiện hành. Bởi, thời hạn này được quy định từ Pháp lệnh Lưu trữ năm 2001, kế thừa tại Luật Lưu trữ năm 2011 và đã được thực hiện ổn định, qua tổng kết thực hiện cơ bản không phát sinh vướng mắc. Đây là thời hạn tối đa phải nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử. Cơ quan, tổ chức có thể nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử tại bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn nêu trên. 

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Tán thành với đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng nên quy định theo hướng rút ngắn thời hạn nộp tài liệu lưu trữ lịch sử là 5 năm, tính từ năm tài liệu được nộp vào lưu trữ hiện hành và áp dụng thống nhất cho cả tài liệu giấy và tài liệu số. Đồng thời để công tác lưu trữ được tốt hơn, đảm bảo tránh thất thoát các tài liệu trên nên bổ sung một hành vi bị nghiêm cấm vào Điều 7. Đó là không nộp tài liệu lưu trữ theo quy định, bao gồm cả thời gian nộp và loại tài liệu phải nộp.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 08 chương với 61 điều. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 giảm 01 chương và 07 điều.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, nguyên tắc được quán triệt xuyên suốt trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật là tất cả mọi ý kiến của đại biểu Quốc hội và ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức đều phải được tiếp thu nghiêm túc, tối đa những vấn đề hợp lý và có sức thuyết phục; những nội dung không tiếp thu phải giải trình và giải trình phải có cơ sở rõ ràng, hợp lý. Bám sát các nguyên tắc khi xây dựng luật và bảo đảm tính đồng bộ hệ thống pháp luật. Theo đó, thúc đẩy tư tưởng mới về công tác xây dựng một ngành lưu trữ hiện đại; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển các sản phẩm dịch vụ theo mô hình kinh tế mới và tiếp cận với các nước tiên tiến; khắc phục được những hạn chế, bất cập trong luật lưu trữ hiện hành. Đồng thời, bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định Hiến pháp và xã hội hóa hoạt động lưu trữ; xây dựng một xã hội lưu trữ, một quốc gia lưu trữ…là những tư tưởng được mở rộng trong dự thảo Luật lần này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý cần bám sát các quan điểm, nguyên tắc đã đề ra khi bắt đầu xây dựng luật, tránh sa vào các vấn đề mang tính kỹ thuật, thể hiện rõ việc xây dựng luật đã đạt được các mục tiêu đặt ra hay chưa, đạt được ở mức độ nào.

Đồng thời, cần rà soát tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và sự tương thích với các công ước quốc tế. “Từ nay đến khi trình Quốc hội xem xét, thông qua và cho tới trước khi ký chứng thực cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, ví dụ như các vấn đề về chuyển đổi số, lưu trữ số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; đối chiếu với Luật Công nghệ thông tin, Luật An ninh mạng, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Di sản văn hóa...”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần đối chiếu với các điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hiện nay, Việt Nam đang là thành viên của Hội đồng Lưu trữ quốc tế, Hiệp hội Lưu trữ các nước có sử dụng tiếng Pháp, đồng thời cũng có ký kết các thỏa thuận song phương với nhiều quốc gia trong lĩnh vực này. Vì vậy, cần rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm thống nhất, không mâu thuẫn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã giao Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp với Bộ Nội vụ, các cơ quan có liên quan tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan; đồng thời, đề nghị Chính phủ có ý kiến chính thức về các nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, tiếp thu chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật và tài liệu có liên quan, gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi hoàn chỉnh, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7./.

Bảo Yến

Các bài viết khác