HOÀN THIỆN THỂ CHẾ TRONG CÔNG TÁC GIÁM SÁT CHO PHÙ HỢP VỚI BỐI CẢNH, TÌNH HÌNH THỰC TIỄN HIỆN NAY

29/02/2024

Tại Hội thảo tham vấn ý kiến về Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND diễn ra vào sáng 29/2 tại Hòa Bình, các đại biểu đánh giá cao Hội đồng Dân tộc đã chuẩn bị Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật công phu, nghiêm túc, có chất lượng cao. Tuy nhiên, Tờ trình vẫn chưa nêu bật được những vấn đề đang thật sự vướng mắc hiện nay trên thực tiễn triển khai thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Do đó, đề nghị bổ sung, nghiên cứu và trình bày rõ thêm để tăng tính thuyết phục.

LẤY Ý KIẾN VỀ HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Toàn cảnh Hội thảo

Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Trưởng Ban Chỉ đạo lập đề nghị xây dựng Luật và Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, về phía tỉnh Hòa Bình có: Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình Bùi Đức Hinh; Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh.

Về phía Quốc hội và HĐND có: đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp; đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập tại khu vực phía Bắc; các Phó Trưởng Đoàn ĐBQH và một số ĐBQH các tỉnh phía Bắc và TP.Hà Nội; đại diện Thường trực HĐND các tỉnh phía Bắc và TP.Hà Nội; các chuyên gia là Thường trực, nguyên là Thường trực các Ủy ban của Quốc hội; các chuyên gia của một số cơ quan nghiên cứu, cơ sở đào tạo, một số Viện nghiên cứu khoa học; lãnh đạo, chuyên viên Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Hòa Bình và một số tỉnh phía Bắc.

Hoàn thiện thể chế trong công tác giám sát cho phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn hiện nay

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, thời gian qua, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 đã là cơ sở pháp lý quan trọng, toàn diện cho việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát. Luật đã làm rõ tính chất, vị trí pháp lý, trình tự, thủ tục và góp phần đổi mới căn bản chất lượng hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử trên nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 594 ngày 12/9/2022 về “Hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND” và nhiều nghị quyết, văn bản hướng dẫn khác đối với hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân nhằm tạo khung pháp lý đồng bộ, thống nhất, chuẩn hóa, lan tỏa sự đổi mới trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử từ Quốc hội tới HĐND các cấp.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc Hội thảo

Ở địa phương, trong bối cảnh ngày càng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực hoạt động giám sát, Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đã phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, thông qua hoạt động giám sát với các kiến nghị, kết luận thiết thực, khả thi, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương, tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và kịp thời giải quyết các bức xúc, các vấn đề tồn tại của địa phương về xã hội, cơ sở hạ tầng, giao thông, môi trường…

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, để tiếp tục hoàn thiện thể chế trong công tác giám sát cho phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn hiện nay, cụ thể đối với Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Hội đồng Dân tộc là cơ quan chủ trì lập đề nghị, soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Trên cơ sở kết quả tổng kết thi hành Luật, Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật đã được hoàn thiện và đăng tải lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội (từ ngày 01/12/2023), gửi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức hữu quan, đối tượng chịu tác động theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, đến nay, đã có 11/13 cơ quan của Quốc hội, 23/24 Bộ, ngành, 61/63 Đoàn ĐBQH và 58/63 Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố có ý kiến góp ý đối với Hồ sơ lập đề nghị. Các ý kiến của các cơ quan hữu quan đã được tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ và Hồ sơ lập đề nghị sau khi được chỉnh lý, hoàn thiện, hiện đang được gửi lấy ý kiến Chính phủ (từ ngày 31/01/2024) trước khi gửi thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 3/2024.

Đại diện Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố tham dự Hội thảo

Luật hóa các chính sách trong các Nghị quyết của UBTVQH tại Luật này

Nhấn mạnh đây là hội thảo thứ hai trong chuỗi các hoạt động của quy trình lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng Luật, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, từ nay đến trung tuần tháng 3, Hội đồng Dân tộc sẽ tiếp tục tổ chức 02 Hội thảo tại các khu vực miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam. Đây là các diễn đàn rất quan trọng để Hội đồng Dân tộc, Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập dự án Luật cũng như các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các địa phương đại diện các khu vực, các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận đối với các vấn đề liên quan trong Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận vào một số vấn đề chính sau:

Một là, xác định các tồn tại, vướng mắc chủ yếu trong thực tiễn hoạt động giám sát tại địa phương qua hơn 08 năm thi hành Luật Hoạt động giám sát; các vấn đề thực tiễn phát sinh chưa có quy định của Luật điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ, chưa rõ ràng (như: chất vấn Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc ngành dọc của Trung ương; hoạt động giám sát của chính quyền đô thị...).

Hai là, góp ý các nội dung được thể hiện trong các tài liệu của Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật, nhất là các chính sách, các kiến nghị sửa đổi, bổ sung liên quan đến hoạt động giám sát của địa phương tại dự thảo Tờ trình, Báo cáo đánh giá tác động của chính sách và Đề cương dự thảo Luật; các chính sách trong các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật (như chính sách trong các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội...) cần được luật hóa tại dự án Luật này.

Ba là, kiến nghị thêm các giải pháp về chính sách, nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Hoạt động giám sát hiện hành để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của các cơ quan có thẩm quyền.

Sau khi nghe Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân trình bày tóm tắt Tờ trình và Đề cương chi tiết dự thảo Luật, các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý vào các vấn đề liên quan đến hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp trong Luật Hoạt động giám sát, như: xây dựng chương trình giám sát, giám sát thông qua xem xét báo cáo, chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát chuyên đề, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm…; góp ý các nội dung được thể hiện trong các tài liệu của Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật…

Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có chất lượng cao

Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao Hội đồng Dân tộc đã chuẩn bị công phu, nghiêm túc và có chất lượng cao Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; cơ bản đáp ứng yêu cầu, tuân thủ đúng theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Về cơ bản, các ý kiến tán thành với các nội dung nêu trong Tờ trình và Đề cương chi tiết Luật.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Các ý kiến cho rằng, tuy chưa có bản báo cáo Tổng kết 7 năm thực hiện Luật Hoạt động giám sát, nhưng Tờ trình đã xác định phạm vi sửa đổi là khá hợp lý, chỉ ở mức độ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát hiện hành, mà chưa phải là Luật Hoạt động giám sát (sửa đổi) trong điều kiện hiện nay.

5 nhóm vấn đề được nêu trong Tờ trình tuy chưa thật cụ thể nhưng tạo được định hướng để xác định 5 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát.

Các đại biểu nhận thấy, Đề cương chi tiết cơ bản bám sát các nội dung chính sách đã được đề xuất trong Tờ trình đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát. Tuy nhiên, Tờ trình vẫn chưa nêu bật được những vấn đề đang thật sự vướng mắc hiện nay trên thực tiễn triển khai thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Một số vấn đề dư luận quan tâm như mục đích của các hoạt động giám sát hiệu quả, giá trị pháp lý của kết luận giám sát, tính chất tối cao của hoạt động giám sát của Quốc hội trong phân định thẩm quyền, trách nhiệm giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, cá nhân đại biểu Quốc hội; phạm vi giám sát giữa Quốc hội, các cơ quan Quốc hội và các cấp Hội đồng nhân dân để tránh tình trạng chồng chéo; vấn đề kiểm soát quyền lực trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước… Các ý kiến cho rằng, các vấn đề này cần được nghiên cứu và trình bày rõ thêm để tăng tính thuyết phục về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Nội dung các chính sách cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện thêm để có những đề xuất đột phá hơn trong mục tiêu nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong điều kiện phát triển mới của đất nước.

PGS.TS Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIII 

Góp ý tại Hội thảo, PGS.TS Lê Minh Thông - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIII đề nghị bổ sung thêm mục tiêu xây dựng Luật là việc sửa đổi lần này để thể chế hóa quan điểm của Đảng về tăng cường kiểm soát quyền lực, đặc biệt đề cao vai trò của Quốc hội trong việc kiểm soát quyền lực ở cấp cao nhất (cấp Trung ương).

Để tăng cường kiểm soát quyền lực, cần xem xét một loạt các chế định, nhất là việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. PGS.TS Lê Minh Thông cho rằng, cần có nghiên cứu để quy định cơ chế, quy định cách thức đạt được 20% đại biểu có ý kiến đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm, hoặc cách thức để Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội có thể thực hiện quyền đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm mà không đợi đến kỳ lấy phiếu tín nhiệm theo Nghị quyết 96 của Quốc hội. Để tạo cơ chế thực hiện điểm b; điểm c, khỏan 1 Điều 13 Luật Tổ chức Quốc hội, cần nghiên cứu bổ sung các nội dung này trong đề cương sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát, đáp ứng yêu cầu kiểm soát quyền lực theo chủ trương của Đảng.

Góp ý về những nhiệm vụ, quyền hạn và quy trình giám sát của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khóa XIII Đặng Đình Luyến đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét, quy định cụ thể hơn về tổ chức, nhiệm vụ, quy trình giám sát của Đoàn giám sát chuyên đề như bố trí những người có trình độ chuyên môn phù hợp với nội dung giám sát, có năng lực, trách nhiệm tham gia Đoàn giám sát chuyên đề. Đặc biệt là quy định cụ thể về quy trình giám sát, dành nhiều thời gian cho hoạt động giám sát tại cơ quan chịu sự giám sát (có thể dành nhiều ngày Đoàn khảo sát, giám sát tại các cơ quan, địa phương).

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Hội thảo:

Quang cảnh Hội thảo

Chủ tọa Hội thảo

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long phát biểu chào mừng tại Hội thảo

Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Cao Thị Xuân trình bày tóm tắt Tờ trình và Đề cương chi tiết dự thảo Luật

Đại diện lãnh đạo tỉnh Hòa Bình tham dự Hội thảo

Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường góp ý về một số vấn đề về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khóa XIII Đặng Đình Luyến góp ý về dự thảo Tờ trình và Đề cương chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh khóa XII, khóa XIII Lê Việt Trường đóng góp một số ý kiến về dự thảo Tờ trình và Đề cương chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Trưởng Ban Pháp chế của HĐND TP.Hà Nội Duy Hoàng Dương cho rằng, nội dung quy định đối với các chủ thể giám sát (Tổ ĐBQH hoặc Tổ đại biểu HĐND ở địa phương) còn mờ nhạt, đề nghị cần làm rõ hơn cơ chế của Tổ ĐBQH và Tổ ĐB HĐND nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Lê Văn Ánh đề nghị tăng thẩm quyền, nhất là giám sát chuyên đề của Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh.

TS.Phạm Thái Hưng, chuyên gia độc lập góp ý về Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

TS.Nguyễn Mai Thuyên, Khoa Pháp luật hành chính Nhà nước, Trường ĐH Luật Hà Nội góp ý tại Hội thảo

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Bằng Nhật Lệ cho rằng, việc tổ chức thực hiện các kết luận kiến nghị sau giám sát của các cơ quan nhà nước thì hiện nay chưa có chế tài.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn Đồng Văn Lưu đề nghị bổ sung hoàn thiện quy định pháp luật về giám sát của HĐND nhằm tạo sự thống nhất trong việc tổ chức hiệu quả Luật Hoạt động giám sát./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác