GÓC NHÌN: ĐỂ VĂN HÓA GÓP PHẦN THỰC HIỆN KHÁT VỌNG XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC PHỒN VINH, HẠNH PHÚC

10/02/2024

Năm 2023 đã đi qua với nhiều dấu ấn về văn hóa của đất nước. Năm 2024 và 2025 sẽ là thời gian rất quan trọng đối với sự phát triển văn hóa đất nước, khi chúng ta chuẩn bị cho một chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, đặc biệt kỷ niệm 80 năm kế từ khi thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa... Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết: “Để văn hóa góp phần thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc” của PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH thành phố Hà Nội.

GÓC NHÌN: CÔNG TÁC LẬP PHÁP CỦA QUỐC HỘI - NHẬP CUỘC TÍCH CỰC, BÁM SÁT THỰC TIỄN, KIẾN TẠO PHÁT TRIỂN

Năm 2023 tiếp tục là một năm có nhiều thuận lợi, thành công song cũng không ít những khó khăn, thách thức đối với sự phát triển văn hóa nước nhà. Nhìn lại một năm cũ để hướng đến một năm mới có thêm nhiều niềm vui là cách chúng ta mong ước văn hóa, nghệ thuật nước nhà thực sự trở thành mục tiêu, động lực, hệ điều tiết cho sự phát triển bền vững đất nước.

Thuận lợi đầu tiên đến từ nhận thức ngày càng đúng đắn, đầy đủ về vị trí, vai trò của văn hóa trong quá trình phát triển đất nước. Hai năm kể từ Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, sự quan tâm đến văn hóa ngày càng toàn diện, thiết thực và cụ thể hơn. Chuỗi các hội thảo về 80 năm kỷ niệm Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, nhiều tỉnh thành trên cả nước tổ chức các hội thảo, hội nghị về phát triển văn hóa, xây dựng con người, hay về các hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam… là kết quả của quá trình hiện thực hóa nhận thức của Đảng và Nhà nước về văn hóa, tạo nên bầu không khí tích cực, thuận lợi cho phát triển văn hóa. Có lẽ từ khá lâu rồi, chắc phải từ ngay sau Hội nghị trung ương năm, khóa VIII đến nay, không khí thảo luận về kế sách phát triển văn hóa mới lại tiếp tục sôi nổi đến thế. Tôi mong không khí hăng hái này tiếp tục tiếp thêm sức mạnh cho văn hóa, cho người yêu và làm việc trong lĩnh vực văn hóa có thêm quyết tâm, động lực để cống hiến nhiều hơn nữa cho lĩnh vực đặc biệt quan trọng và tinh tế này.

Thứ hai là quyết tâm tháo gỡ những điểm nghẽn cho phát triển văn hóa. Sau hội thảo về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa được Quốc hội tổ chức năm 2022, chúng ta nhận thấy rõ một quyết tâm tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt đang cản trở sự phát triển của văn hóa. Điều này được thấy trước hết từ nghị trường của Quốc hội khi có nhiều đại biểu đã thắng thắn, tâm huyết đưa ra những ý kiến, kế sách cho phát triển văn hóa. Các nghị quyết của Quốc hội đã dành nhiều hơn nội dung cho lĩnh vực văn hóa. Báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã dành dung lượng lớn hơn cho lĩnh vực văn hóa. Từ khóa “Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa”, “chấn hưng văn hóa” được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần trong các diễn đàn, sự kiện quan trọng của quốc gia. Những thảo luận về Luật đất đai, Luật Thủ đô (sửa đổi), cơ chế đặc thù cho các địa phương, hợp tác công tư, quản lý, sử dụng tài sản công… trong lĩnh vực văn hóa được thảo luận rộng rãi, chắc chắn là những tiền đề quan trọng để tháo gỡ những điểm nghẽn này trong những năm sắp tới.

Thứ ba, sáng tạo là một từ khóa quan trọng của văn hóa trong năm 2023. Nếu như sự kiện Hội An và Đà Lạt tiếp bước Hà Nội trở thành các thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến của sáng tạo toàn cầu, thì sự kiện khai trương Trung tâm Đổi mới Sáng tạo quốc gia (NIC) là một điểm nhấn cho tinh thần sáng tạo của Việt Nam. Không khí sáng tạo khởi nghiệp lan tỏa mọi không gian, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Tuần lễ thiết kế - sáng tạo Hà Nội 2023 với khoảng 60 hoạt động hấp dẫn, trong đó có những hoạt động mới lạ, làm sống dậy di sản công nghiệp ở Nhà máy xe lửa Gia Lâm hay Tháp nước Hàng Đậu, thu hút hơn 200 ngàn người tham gia, thực sự gây ấn tượng mạnh trong cộng đồng sáng tạo không chỉ ở Hà Nội, Việt Nam mà cả ở cả khu vực và trên thế giới. Có lẽ, chưa bao giờ chúng ta lại thấy tinh thần sáng tạo ấy mạnh mẽ và truyền cảm hứng đến như vậy. Đặc biệt hơn nữa là không khí và tinh thần ấy xuất phát từ chính cộng đồng, cá nhân nghệ sĩ và người dân. Chúng ta hoàn toàn có thể trông đợi vào sự bền vững của tinh thần sáng tạo, để từ đó, chúng ta tiếp tục xây dựng đất nước sáng tạo bằng không gian sáng tạo, giáo dục sáng tạo và con người sáng tạo.

 Tuần lễ thiết kế - sáng tạo Hà Nội 2023 với khoảng 60 hoạt động hấp dẫn, trong đó có những hoạt động mới lạ, làm sống dậy di sản Tháp nước Hàng Đậu.

Thứ tư, công nghiệp văn hóa từng bước phát triển, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được tổ chức vào ngày 22/12/2023 được xem như là Hội nghị Diên hồng của lĩnh vực này. Chúng ta hoàn toàn hy vọng rằng, sau khi tổng kết được những thành công, chưa thành công của các ngành công nghiệp văn hóa qua gần 10 năm được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết 33-NQ/TW năm 2014, và gần 8 năm có Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 năm 2016, Chính phủ và các địa phương sẽ có thêm quyết tâm và hành động để phát triển lĩnh vực đặc biệt quan trọng này. Nếu như vài năm trước đây, nhiều người còn xa lạ với khái niệm công nghiệp văn hóa thì giờ đây, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được xem như một giải pháp đột phá cho không chỉ lĩnh vực văn hóa, mà còn với cả phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương.

Chúng ta có thể thấy điều đó khi Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng Thành – Thăng Long, Khu di tích Hỏa Lò, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và rất nhiều bảo tàng, di tích, thư viện đã ứng dụng công nghệ, kỹ xảo để tạo ra sức hấp dẫn mới cho mình. Tư duy về tổ chức sự kiện, kỹ năng kinh doanh nghệ thuật hay những yếu tố liên quan khác đến công nghiệp văn hóa là chủ đề thảo luận ở các hội thảo trong lĩnh vực điện ảnh, thời trang, mỹ thuật… Nhiều bộ phim điện ảnh Việt Nam được sản xuất, dù có thể có những tranh cãi, nhưng cho thấy thực lực của đội ngũ văn nghệ sĩ tài năng và tiềm năng của thị trường điện ảnh nước nhà. Lần đầu tiên, thị phần phim nội địa ước tính chiếm hơn 42% toàn thị trường. Sự kiện 2 đêm diễn của BlackPink tại Hà Nội đã đem lại doanh thu hơn 600 tỷ đồng, hay ở thế giới tầm ảnh hưởng của ban nhạc BTS, thậm chí chỉ một ca sĩ như Taylor Swift còn lớn hơn cả một ngành kinh tế, rất ấn tượng và truyền cảm hứng để những sự kiện nghệ thuật ở Việt Nam như Hò Dô, Monsoon có thêm động lực phát triển hơn nữa.

Tuy nhiên, chúng ta cũng đã đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển văn hóa trong năm 2023. Đó là tính bền vững của việc tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật khi các điểm nghẽn chưa tháo gỡ được đã bó buộc, cản trở việc huy động nguồn lực xã hội, sự sáng tạo của nghệ sĩ đối với việc tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật; nguồn lực quản lý còn nhiều hạn chế, không chỉ ở tài chính, cơ sở vật chất, mà ngay cả nguồn nhân lực chưa theo kịp sự phát triển của thị trường, đòi hỏi của người dân; văn hóa mạng và văn hóa số đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro đối với sự phát triển văn hóa, con người, và chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm và giải pháp ứng phó.

Năm 2024 và 2025 sẽ là thời gian rất quan trọng đối với sự phát triển văn hóa đất nước, khi chúng ta chuẩn bị cho một chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, tổ chức nhiều sự kiện lớn của đất nước, đồng thời tổng kết 50 năm phát triển văn hóa kể từ khi đất nước thống nhất, 80 năm kế từ khi thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Các sản phẩm văn hóa nghệ thuật rất cần có một khoảng thời gian đủ dài để tạo nên những tác phẩm lớn, vì vậy, chúng ta cần bắt tay chuẩn bị thật sớm để đến những sự kiện lịch sử có được những sản phẩm xứng tầm thời đại Hồ Chí Minh. Tôi tin, tất cả chúng ta đều mong chờ những điều tốt đẹp ấy từ văn hóa nước nhà, để từ đó, văn hóa góp phần thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Các bài viết khác