QUỐC HỘI VIỆT NAM – NHÌN LẠI NĂM 2023, BƯỚC TIẾP CHẶNG ĐƯỜNG KHÔNG NGỪNG ĐỔI MỚI, GHI DẤU ẤN TOÀN DIỆN CÁC MẶT CÔNG TÁC

07/02/2024

Trước thềm Xuân Giáp Thìn, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có vinh dự cùng các phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí ở trung ương có được buổi gặp gỡ Chủ tịch Quốc hội. Có lẽ đây là lần đầu tiên người đứng đầu Quốc hội dành riêng cho phóng viên, báo chí một buổi làm việc, không còn là trả lời những câu hỏi được chuẩn bị sẵn mà Chủ tịch Quốc hội trực tiếp trao đổi, chia sẻ những câu chuyện hậu trường để có được một nội dung trình Quốc hội hay một quyết định được thông qua.

10 VẤN ĐỀ, SỰ KIỆN TIÊU BIỂU CỦA QUỐC HỘI NĂM 2023

TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG: NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN CÁC MẶT CÔNG TÁC CỦA VĂN PHÒNG QUỐC HỘI

ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH: THÀNH QUẢ CHƯA TỪNG CÓ TIỀN LỆ VỀ XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

Qua theo dõi hoạt động của Quốc hội, chúng ta nhận thấy Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và chính mỗi người đại biểu Quốc hội được truyền cảm hứng từ chính người đứng đầu về hành trình không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội từng nhiều lần nhấn mạnh: Việc tiếp tục đổi mới là nhu cầu của cuộc sống và trách nhiệm chúng ta phải làm. Quốc hội các khóa trước quá thành công rồi nên việc kế thừa, giữ được phong độ như các khóa đã khó rồi, việc tiếp tục đổi mới và tiến lên phía trước dù nửa bước cũng là khó khăn nhưng chúng ta không được phép dừng lại.

Thực tiễn là minh chứng rõ nét nhất cho thấy quyết tâm đổi mới của Quốc hội. Chúng ta đã chứng kiến một năm của những điều cũ được làm mới, năm của những sự kiện lần đầu tiên được tổ chức, của những thành công ngoài mong đợi, của những tiếng vang được cộng đồng quốc tế công nhận…

Năm 2023, đánh dấu năm giữa nhiệm kỳ thứ XV khá bận rộn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội, với khối lượng công việc có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp, thay đổi nhanh chóng, khó đoán định, càng đòi hỏi Quốc hội phải hành động nhanh và linh hoạt hơn, khối lượng công việc của Quốc hội cũng ngày càng lớn, tính chất công việc ngày càng khó, phức tạp hơn, yêu cầu ngày càng toàn diện và kịp thời hơn. Vừa bước vào những ngày đầu năm 2023, Quốc hội đã tiến hành Kỳ họp bất thường lần thứ 2 để kịp xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng như: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; các vấn đề về thể chế, chính sách trong lĩnh vực y tế; kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước.

Nhìn lại năm 2023, Quốc hội đã tổ chức 02 kỳ họp thường lệ và 03 kỳ họp bất thường.  Lần đầu tiên trong lịch sử 78 năm Quốc hội Việt Nam, Quốc hội đã tổ chức số lượng kỳ họp Quốc hội nhiều nhất trong năm (5 kỳ họp). Theo đó, Kỳ họp thường lệ thứ 5, thứ 6 của Quốc hội khóa XV đã hoàn thành khối lượng rất lớn các công việc trên 03 lĩnh vực: lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và xem xét nhiều vấn đề quan trọng khác, góp phần thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng và nâng cao năng lực quản trị quốc gia của Nhà nước. Đồng thời, trước yêu cầu của thực tiễn, Quốc hội đã tổ chức 03 Kỳ họp bất thường (lần thứ 2, lần thứ 3, lần thứ 4) để xem xét, quyết định kịp thời nhiều vấn đề lớn, quan trọng và cấp bách, góp phần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo tiền đề quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc gặp các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương.

Chỉ mới bước qua nửa nhiệm kỳ nhưng tổng số kỳ họp của Quốc hội khóa XV từ đầu nhiệm kỳ đến nay lên 10 kỳ họp – gần bằng số kỳ họp của cả một nhiệm kỳ, tiếp tục khẳng định sự chủ động, trách nhiệm của Quốc hội trước yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Dường như dự báo các kỳ họp “bất thường” của Quốc hội trở thành “bình thường” của Chủ tịch Quốc hội dần trở thành hiện thực trước yêu cầu nhằm theo sát và đáp ứng yêu cầu của đời sống kinh tế, xã hội của đất nước.

Không chỉ tính số lượng mà cách thức tổ chức và kết quả của kỳ họp Quốc hội cũng được nâng lên. Quốc hội đã có nhiều cải tiến, đổi mới trong tổ chức các kỳ họp, nhất là việc chia Kỳ họp thành 02 đợt nhằm tạo điều kiện cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan, tổ chức hữu quan có thêm thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ, giải trình thấu đáo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về các dự án luật, dự thảo nghị quyết, đảm bảo chất lượng cao nhất các vấn đề được Quốc hội xem xét, thông qua. Trong năm 2023, Quốc hội đã thông qua 16 luật, 34 nghị quyết và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, với tinh thần vào cuộc “từ sớm, từ xa”, chủ động, quyết liệt, không chờ cơ quan soạn thảo, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách các lĩnh vực thường xuyên tổ chức làm việc với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan hữu quan để nghe báo cáo về tình hình chuẩn bị, cho ý kiến chỉ đạo về các nội dung lớn và các yêu cầu cụ thể trong việc hoàn chỉnh từng dự án luật, dự thảo nghị quyết. Đồng thời, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ trì soạn thảo nội dung để nắm chắc tiến độ cũng như chất lượng chuẩn bị; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm… để lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, góp phần hoàn thiện các dự án, dự thảo; tổ chức nhiều cuộc làm việc, khảo sát thực tế tại một số cơ quan, tổ chức, các cuộc họp của cơ quan thẩm tra với các bộ, ngành để trao đổi, thống nhất về một số vấn đề lớn, nhằm hoàn thiện các dự án, dự thảo trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Cách làm này đã mang lại những tác động, hiệu quả rõ nét, giúp nâng cao chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết ngay từ khâu chuẩn bị, tạo sự đồng thuận cao khi biểu quyết thông qua.

Đằng sau những kết quả trên là những ngày làm việc xuyên lễ, xuyên tết, đêm khuya vẫn sáng đèn tại Nhà Quốc hội, trụ sở Văn phòng Quốc hội. Bởi với khối lượng lớn công việc như vậy nếu không làm việc với cường độ cao thì khó có thể đáp ứng được yêu cầu về tiến độ và để bảo đảm nâng cao được chất lượng hiệu quả thì còn phải cố gắng gấp bội. Trong mỗi kết quả đạt được của Quốc hội là phần nỗ lực, đóng góp của mỗi đại biểu Quốc hội, mỗi cán bộ, công chức Văn phòng Quốc hội.

Quốc hội không chỉ phấn đấu trở thành Quốc hội chuyên nghiệp, phát huy dân chủ, tăng tính pháp quyền mà còn phải rất linh hoạt, bám sát tình hình thực tiễn của đất nước, chia sẻ những mong muốn của người dân, doanh nghiệp. Để đạt được mục tiêu này chỉ một Chủ tịch Quốc hội hay 18 thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà đòi hỏi nỗ lực cố gắng của mỗi đại biểu Quốc hội, phía sau đó tập thể cán bộ, công chức Văn phòng Quốc hội cùng với nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước, các ban ngành từ Trung ương, địa phương đều phải đồng hành. “Muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa phải đi cùng nhau”. Thời gian qua, công tác phối hợp chặt chẽ, chia sẻ trong nội bộ và giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước đã giúp giải quyết công việc nhanh hơn, suôn sẻ hơn, hiệu quả hơn. Trong bối cảnh cả nước phải đối mặt với những diễn biến khó đoán định, thì sự “bài bản”, “nhịp nhàng”, phối hợp ngày càng ăn ý giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các thiết chế trong bộ máy nhà nước, toàn hệ thống chính trị … đã chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng những nội dung của kỳ họp Quốc hội. Nhờ vậy, mặc dù có những điều chỉnh về chương trình, bổ sung nội dung tại các kỳ họp Quốc hội trong năm nay nhưng vẫn bảo đảm sự thông suốt, linh hoạt, hiệu quả trong điều hành và thực hiện thành công chương trình kỳ họp với sự đồng thuận, thống nhất cao.

Trong công tác lập pháp, Quốc hội tiếp tục tinh thần lập pháp chủ động và kiến tạo phát triển với tầm nhìn dài hạn. Luật pháp vừa tháo gỡ những khó khăn trước mắt, giải quyết những vấn đề cấp bách có thể bằng những nghị quyết, bằng thí điểm nhưng để kiến tạo phát triển đòi hỏi công tác xây dựng pháp luật phải có tầm nhìn dài hạn. Trong ba đột phá chiến lược phát triển bền vững đất nước được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hoàn thiện đồng bộ thế chế phát triển tiếp tục được đặt ở vị trí đầu tiên.

Thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã rất quyết liệt, chủ động, linh hoạt, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đến nay đã hoàn thành 114/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp trong Chương trình xây dựng luật pháp lệnh cả nhiệm kỳ khóa XV, đạt 83,21%.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)

Đặc biệt, đối với 02 dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), do tính chất đặc biệt quan trọng và phức tạp, Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, với quan điểm không chạy theo số lượng, không vội vàng và đã quyết định chưa thông qua tại Kỳ họp thứ 6 để nghiên cứu thêm nhằm bảo đảm chất lượng và tính khả thi sau khi được ban hành.

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thực tế các năm gần đây, Quốc hội thường xem xét thông qua các dự án luật theo quy trình tại 02 Kỳ họp. Trường hợp phải áp dụng quy trình xem xét 01 dự án luật theo quy trình 3 Kỳ họp là rất ít và thường chỉ áp dụng đối với những dự án phức tạp, quan trọng, phạm vi ảnh hưởng rộng. Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV là lần thứ 3 Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và là lần thứ 2 thảo luận dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đây là hai nhiệm vụ lập pháp quan trọng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và là những dự án luật khó, phức tạp, tác động lớn đến nền kinh tế và đời sống của người dân, tuy nhiên nhiều dự thảo quy định chưa đạt được đồng thuận của Quốc hội.

Cụ thể, đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật có tính chất quan trọng có lẽ chỉ đứng sau Hiến pháp, tác động trực tiếp đến tất cả người dân, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Sau khi nghiên cứu tiếp thu góp ý của hơn 12 triệu lượt ý kiến, dự thảo Luật tiếp tục nhận được nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có 27 nội dung chưa đạt được sự thống nhất, cần nghiên cứu thêm; bên cạnh đó, đây cũng là dự án Luật đồ sộ với nhiều điều, khoản có nội hàm chính sách tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, thực tế đòi hỏi cơ chế xử lý phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nên các cơ quan cần có thêm thời gian để rà soát kỹ lưỡng nội dung và dự thảo Nghị định, các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Đối với dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) do còn nhiều ý kiến khác nhau về quan điểm cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ, thống nhất về nhận thức, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, nhất là cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng bảo đảm hoạt động lành mạnh, tạo chuyển biến trong quản trị và gia tăng sức chống chịu của tổ chức tín dụng; đồng thời ngăn ngừa, hạn chế tình trạng thao túng, sở hữu chéo.

Do đó, trên tinh thần thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng nhiều mặt, Quốc hội quyết định chưa thông qua 02 dự thảo luật trên tại Kỳ họp thứ 6 và áp dụng quy trình đặc biệt, chưa có tiền lệ để xem xét, thông qua dự thảo luật tại Kỳ họp gần nhất đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận xã hội, thể hiện tinh thần chủ động, trách nhiệm của Quốc hội trong hoạt động lập pháp, đặc biệt coi trọng chất lượng, hiệu quả, không chạy theo số lượng và tiến độ. Ngay sau khi kết thúc Kỳ họp, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp tục phối hợp, khẩn trương nghiên cứu, thảo luận, hoàn thiện dự thảo luật để đủ điều kiện sẽ báo cáo Quốc hội.

Sự thận trọng, kỹ lưỡng của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 là tiền đề quan trọng để tại Kỳ họp bất thường lần 5 diễn ra trong những ngày đầu năm 2024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 2 dự án luật rất quan trọng này với tỉ lệ đồng thuận, tán thành cao.

Ngày 6/9/2023, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất để triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV. Hội nghị được tổ chức tại Nhà Quốc hội, có kết nối với 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; với sự tham dự của gần 2.400 đại biểu của khối Đảng, Nhà nước, cơ quan dân cử, hành chính - tư pháp và các tổ chức chính trị - xã hội. Đây là hoạt động chưa có tiền lệ, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với tổ chức thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất để triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV. 

Quang cảnh Hội nghị.

Hội nghị tập trung đánh giá tình hình triển khai thi hành đối với 23 luật và 28 nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến Kỳ họp thứ 5; đồng thời, đôn đốc việc triển khai các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả. Việc tổ chức Hội nghị tiếp tục thể hiện tinh thần cải tiến, đổi mới hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước và thực tiễn cuộc sống; là bài học kinh nghiệm quý báu không chỉ cho Quốc hội khoá XV mà còn cho các khóa Quốc hội tiếp theo.

Bên cạnh đó, năm 2023 cũng là năm có nhiều sự kiện “lần đầu tiên” được tổ chức như: Giải Diên Hồng lần thứ nhất được tổ chức thành công; Diễn đàn Người lao động; Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”… Trong đó, một số sự kiện đã được bình chọn là sự kiện tiêu biểu của Quốc hội năm 2023.

Có thể thấy khối lượng công việc rất lớn, nhiều vấn đề khó, phức tạp, đặt ra yêu cầu rất cao đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội. Mặc dù công việc nhiều, áp lực lớn, theo tôi, điều đáng quý nhất là mỗi cán bộ, đại biểu Quốc hội… đều cảm thấy vui trong việc đóng góp công sức của mình vào công việc chung.

QUỐC HỘI VIỆT NAM – NHÌN LẠI NĂM 2023 (BÀI 2): DẤU ẤN GIÁM SÁT - CHỮ “DÂN” LUÔN ĐẶT TRONG MỌI QUYẾT SÁCH, HÀNH ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

QUỐC HỘI VIỆT NAM – NHÌN LẠI NĂM 2023 (BÀI 3): TẠO LẬP CƠ SỞ PHÁP LÝ VỮNG CHẮC CHO SỰ PHÁT TRIỂN NHANH, BỀN VỮNG CỦA ĐẤT NƯỚC

Bảo Yến - Trọng Quỳnh