Dự phiên họp có Phó Trưởng ban Dân nguyện Hoàng Anh Công; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cùng đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị quyết.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình – Trưởng Ban Soạn thảo Nghị quyết cho biết, thực hiện Nghị quyết về chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở kết quả tổng kết của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành và Báo cáo tổng kết của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân nguyện đã tổng hợp và xây dựng Báo cáo về kết quả tổng kết, rà soát Nghị quyết liên tịch số 525/2012/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Nghị quyết số 525) về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trên cơ sở Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giao Ban Dân nguyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Chính phủ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình – Trưởng Ban Soạn thảo phát biểu mở đầu phiên họp.
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình – Trưởng Ban Soạn thảo nhấn mạnh, qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 525 về việc tiếp xúc cử tri của ĐBQH đã thu được những kết quả nổi bật, cụ thể như: về mặt nhận thức của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thi hành Nghị quyết đã được nâng lên rõ rệt; nhiều ĐBQH đã chủ động, tích cực thực hiện việc tiếp xúc cử tri với nhiều hình thức khác nhau; thu thập, nghiên cứu, chuyển kiến nghị của cử tri đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết được thực hiện nền nếp; cử tri ngày càng nhận thức rõ hơn về quyền và trách nhiệm tham dự các cuộc tiếp xúc, kiến nghị, phản ánh với ĐBQH, ngày càng quan tâm đến hoạt động của Quốc hội, ĐBQH nói chung, hoạt động tiếp xúc cử tri nói riêng...
Tuy nhiên, quá trình tổng kết cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trên nhiều phương diện, như: căn cứ pháp lý ban hành Nghị quyết; nhiều nội dung, quy định bất cập, vướng mắc cụ thể trong tổ chức thực hiện Nghị quyết số 525 về công tác phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, công tác tập hợp, tổng hợp, chuyển kiến nghị của cử tri, về giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, yêu cầu đổi mới trong hoạt động tiếp xúc cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội... đòi hỏi phải khẩn trương xây dựng Nghị quyết liên tịch mới thay thế Nghị quyết số 525.
Các đại biểu dự phiên họp.
Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, chất lượng trong xây dựng Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo tổ chức Phiên họp thứ Nhất để thảo luận, trao đổi, thống nhất các nội dung rất quan trọng để ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện…
Tại phiên họp, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Soạn thảo đã công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Ban Soạn thảo; Quyết định thành lập Tổ biên tập; dự thảo Kế hoạch xây dựng Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.
Cổng TTĐT Quốc hội sẽ tiếp tục thông tin nội dung Phiên họp.