HOÀN THIỆN CƠ SỞ PHÁP LÝ TRONG HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ

20/01/2024

Nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong hoạt động phòng cháy chữa cháy, hoạt động cứu nạn cứu hộ; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành và bổ sung quy định đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong tình hình mới, Bộ Công an đang dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

SỚM XÂY DỰNG, TRÌNH QUỐC HỘI BAN HÀNH LUẬT PCCC VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ

(Ảnh minh họa)

Bổ sung quy định về hoạt động cứu nạn cứu hộ đối với những sự cố, tại nạn xảy ra trong đời sống hằng ngày

Theo Bộ Công an Hoạt động cứu nạn cứu hộ (CNCH) của lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) và CNCH có tác động trực tiếp, làm hạn chế quyền con người, quyền công dân như thực hiện các biện pháp y tế tác động đến người bị nạn; phá dỡ nhà, công trình, phương tiện, chướng ngại vật để mở lối tiếp cận, lối thoát nạn, bố trí phương tiện, dụng cụ, lực lượng CNCH; ngăn chặn, loại bỏ các yếu tố nguy hiểm đe dọa an toàn phương tiện, tài sản, sức khỏe, tính mạng lực lượng CNCH và thực hiện các biện pháp khác trong quá trình CNCH... và theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật”.

 Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có hoạt động PCCC được quy định trong Luật Phòng cháy và chữa cháy; đồng thời, qua rà soát các Luật hiện hành cho thấy mới chỉ có quy định về hoạt động tìm kiếm, CNCH khi xảy ra sự cố, tai nạn do thiên tai, thảm hoạ, xảy ra trên quy mô lớn, diện rộng hoặc trong các lĩnh vực chuyên ngành đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa, hàng không dân dụng, trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, phòng thủ dân sự, năng lượng nguyên tử, hóa chất, biển, hải đảo, môi trường…, còn đối với hoạt động CNCH đối với những tai nạn, sự cố thông thường xảy ra trong đời sống hằng ngày mà lực lượng PCCC và CNCH đang thực hiện như sự cố, tai nạn cháy, nổ, sập, đổ nhà, công trình, sạt lở đất, đá, có người bị mắc kẹt, tai nạn đuối nước và những sự cố, tai nạn thông thường khác lại chưa được quy định cụ thể trong văn bản Luật là chưa bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và không phù hợp với Hiến pháp năm 2013, không bảo đảm cơ sở pháp lý đúng quy định để lực lượng PCCC thực hiện nhiệm vụ.

Khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành

Cũng theo Bộ Công an, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi và nghiên cứu bổ sung quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC trong tình hình mới, cụ thể:

Thực tế hiện nay các loại hình cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC thường xuyên thay đổi, phát sinh mới dẫn đến không quy định bao quát hết và thực tế cho thấy, một cơ quan, tổ chức có thể có một hoặc nhiều cơ sở và trong phạm vi một cơ sở có nhiều cơ quan, tổ chức thuê, mua mặt bằng để tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, về quy định cơ sở trong Luật Phòng cháy và chữa cháy cần phải được nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp, bao quát.  

Rà soát sửa đổi các quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy để khắc phục khó khăn, vướng mắc, bất cập, thống nhất với một số luật hiện hành có liên quan, bảo đảm tính khả thi; bổ sung quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cụ thể: Rà soát, bổ sung các quy định để quản lý chặt chẽ đối với các loại hình nhà ở, nhà sử dụng để ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh, về sử dụng điện, sử dụng nguồn lửa và các chất dễ cháy, nổ; quy định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động trong Luật Phòng cháy và chữa cháy cần rà soát điều chỉnh cho thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính; rà soát quy định về PCCC rừng cho thống nhất với Luật Lâm nghiệp; rà soát quy định về tiêu chuẩn PCCC cho thống nhất với Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật Phòng cháy và chữa cháy chưa phân định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thẩm định, thẩm tra về PCCC phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo quy định; về khái niệm thẩm duyệt thiết kế về PCCC cũng cần được điều chỉnh cho thống nhất với Luật Xây dựng; quy định về điều động, huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy chưa bảo đảm tính khả thi; quy định về bồi thường tài sản tham gia chữa cháy còn quy định chung chung;...

Vì vậy, Bộ Công an cho biết, việc xây dựng và ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là cần thiết, nhằm mục đích: Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC; cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân.

Đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự; bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; tạo môi trường an toàn phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và hội nhập quốc tế. Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong hoạt động PCCC, hoạt động CNCH; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành và bổ sung quy định đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong tình hình mới.

Dự thảo Luật gồm 08 chương, 58 Điều

Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ dự kiến gồm 08 chương, 58 Điều. Theo đó, dự thảo Luật bổ sung quy định về phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động cứu nạn, cứu hộ để cụ thể hoá và thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; đồng thời, bổ sung và quy định bao quát hơn các nội dung có liên quan đến quản lý về phòng cháy, chữa cháy đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cụ thể, dự thảo Luật quy định về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; ban hành và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy; các hành vi bị nghiêm cấm.

Liên quan đến quy định về phòng cháy: Dự thảo Luật kế thừa, bổ sung các quy định để khắc phục những vướng mắc, bất cập và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về hoạt động phòng cháy, trong đó bổ sung quy định cụ thể hơn trách nhiệm, yêu cầu trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và nâng cao hơn nữa yêu cầu, trách nhiệm trong việc quản lý, cung ứng, sử dụng điện và thiết bị điện có liên quan đến cháy, nổ. Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã bỏ các nội dung hiện đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hoặc trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan để bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật,

Về chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ: Dự thảo Luật tiếp tục kế thừa quy định của Luật hiện hành, có chỉnh lý, bổ sung một số quy định để khắc phục những vướng mắc, bất cập và nâng cao hiệu quả hoạt động chữa cháy, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy. Cụ thể, dự thảo Luật quy định về: Phạm vi hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; biện pháp cơ bản trong chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn, trách nhiệm chữa cháy và tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; huy động lực lượng, phương tiện để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; ...

Về xây dựng, bố trí lực lượng, nhiệm vụ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ: Dự thảo Luật trên cơ sở tiếp tục kế thừa quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm và còn phát huy giá trị để tiếp tục quy định đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung các quy định liên quan đến xây dựng, bố trí lực lượng, nhiệm vụ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ: Dự thảo Luật bổ sung các quy định về phương tiện cứu nạn, cứu hộ; đồng thời, chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung về phương tiện phòng cháy, chữa cháy đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cụ thể, dự thảo Luật quy định về: Trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở, hộ gia đình, phương tiện giao thông cơ giới; trang bị phương tiện cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; quản lý và sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; sản xuất, nhập khẩu phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Về bảo đảm điều kiện cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ: Dự thảo Luật về cơ bản tiếp tục kế thừa quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy, đồng thời bổ sung quy định về bảo đảm điều kiện cho hoạt động cứu nạn, cứu hộ. Cụ thể, dự thảo Luật quy định về: bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, chuyên ngành; chế độ, chính sách đối với người tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; trang phục, phù hiệu, cấp hiệu và chế độ, chính sách đối với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;...

Ngoài ra, dự thảo luật còn đưa ra quy định về quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; về tổ chức thực hiện;....

Phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội

Trước đó, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội thẩm tra Báo cáo Kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy năm 2023, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đề nghị Chính phủ sớm xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong năm 2024 để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC./.

Lê Anh