KỲ VỌNG DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) SẼ ĐƯỢC XEM XÉT KỸ LƯỠNG, GỠ KHÓ CHO ĐỐI TƯỢNG CHỊU SỰ TÁC ĐỘNG

15/01/2024

Theo Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 18/1 tới đây. Quan tâm tới nội dung này, Luật sư Đặng Thành Chung – Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội kỳ vọng, dự án Luật đất đai (sửa đổi) sẽ được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng từng nội dung và được thông qua khi đảm bảo điều chỉnh được các vấn đề một cách khách quan, toàn diện; có ý nghĩa thực tiễn, gỡ khó cho các đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật và bảo đảm tính liên thông đồng bộ, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

QUỐC HỘI NGHE BÁO CÁO GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV

Sáng 15/1, ngay sau Phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án Luật lớn, có tính chất quan trọng đặc biệt, có tác động sâu rộng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân. Dự thảo Luật đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại 03 kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về dự án Luật tại 07 phiên họp , Chính phủ đã tổ chức nhiều phiên họp chuyên đề để hoàn thiện dự án Luật. Dự thảo Luật đã được lấy ý kiến Nhân dân, quá trình hoàn thiện dự thảo Luật đã có sự tham gia của đông đảo các cơ quan, tổ chức, chuyên gia.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 16 chương và 260 điều bỏ 05 điều, sửa đổi, bổ sung tại 250 điều (cả về nội dung và kỹ thuật văn bản) so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội

Phóng viên: Tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Qua theo dõi, luật sư có đánh giá như thế nào về dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý?

Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội: Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật hết sức quan trọng, có tác động sâu rộng đến mọi mặt xã hội, mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trước mắt và lâu dài. Do vậy, việc chú trọng, sát sao trong quá trình xây dựng dự thảo, thảo luận, nghiên cứu tiếp thu, giải trình, thẩm tra kỹ lương và công phu để hoàn thiện đưa ra xem xét, thông qua tại kỳ họp Quốc hội càng khẳng định Đảng và Nhà nước ta rất cầu thị và quan tâm đến các chính sách pháp luật phục vụ thiết yếu cho đời sống nhân dân và hoạt động của doanh nghiệp.

Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) được xem xét tại kỳ họp này gồm 16 chương và 260 điều (So với dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp giữa 2 đợt của kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật đã bỏ 5 điều, hoàn thiện, chỉnh lý, sửa đổi 250 điều), trên cơ sở tiếp thu, chỉnh lý các nội dung lớn xin ý kiến tập trung thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 như: quy định về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài; về điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; về cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền; về thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ; …

Như vậy, có thể nói là dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này đã được tiếp thu, chỉnh lý vô cùng khẩn trương, hiệu quả để dự thảo ngày càng hoàn thiện, dễ dàng tiếp cận, áp dụng thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật liên quan và có tính thực thi đối với đối tượng điều chỉnh của dự luật.

Phóng viên: Đối với những nội dung được tiếp thu, sửa đổi lần này, luật sư đặc biệt quan tâm và kiến nghị hoàn thiện nội dung cụ như thể nào tại dự thảo Luật?

Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội: Trong số các nội dung của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này vẫn còn có ý kiến khác nhau liên quan đến khoản 6 Điều 127 Dự thảo luật quy định: “Đối với trường hợp đang có quyền sử dụng đất thì nhà đầu tư thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội. Trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại thì phải đang có quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác không phải là đất ở”. Nếu theo quy định này thì phải có đất ở mới được chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là có những trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển nhượng các loại đất không phải là đất ở nhưng đã được quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là đất ở thì cũng không được thực hiện được dự án nhà ở thương mại vì yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất là phải có đất ở. Quy định như trên đang gây khó cho doanh nghiệp bởi phần lớn các dự án nhà ở thương mại hiện được phát triển trên quỹ đất ban đầu rất đa dạng như: đất nông nghiệp, đất sản xuất, đất phi nông nghiệp, ... và ảnh hưởng đến quỹ dự án mới cũng như khả năng tiếp tục các dự án đang được triển khai, đáp ứng mong mỏi sở hữu nhà, giảm giá nhà của người dân.

Để tháo gỡ vướng mắc này, tôi thiết nghĩ cơ quan hữu quan phải chăng nên xem xét toàn diện các mặt ảnh hưởng của quy định, từ đó cân nhắc lựa chọn phương án cho phép chủ đầu tư phát triển các dự án trên “đất ở hoặc đất khác” để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp trên cơ sở thực tế nhưng có cơ chế để việc thực hiện diễn ra trong sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước. Hoặc nếu giữ nguyên quy định trong dự thảo thì Nhà nước cũng cần có quy định hướng dẫn tháo gỡ, giải tỏa áp lực đối với các dự án đang triển khai nhưng bị tồn đọng do thực thi quy định mới.

Phóng viên: Luật sư có kỳ vọng gì khi Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được xem xét thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 lần này?

Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội: Tại kỳ họp này, tôi mong rằng dự án Luật đất đai (sửa đổi) sẽ được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng từng nội dung và được thông qua khi đảm bảo điều chỉnh được các vấn đề một cách khách quan, toàn diện, trọng tâm; có ý nghĩa thực tiễn, gỡ khó cho các đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật và bảo đảm tính liên thông đồng bộ, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; từ đó tạo động lực khơi thông nguồn lực đất đai, góp phần thúc đẩy việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững, phồn vinh của đất nước.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Luật sư!

Lê Anh

Các bài viết khác