PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: KHẨN TRƯƠNG HOÀN CHỈNH HỒ SƠ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ, ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CÁC CTMTQG

04/01/2024

Phát biểu tại Phiên họp mở rộng thẩm tra hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao sự tích cực của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành đã khẩn trương chuẩn bị hồ sơ dự thảo Nghị quyết. Đề nghị Hội đồng Dân tộc và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn chỉnh hồ sơ để báo cáo UBTVQH vào chiều 8/1/2024.

THẨM TRA HỒ SƠ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ, THÁO GỠ VƯỚNG MẮC, ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CÁC CTMTQG

NGHỊ QUYẾT SỐ 108/2023/QH15 VỀ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ

Toàn cảnh Phiên họp

Tham dự Phiên họp có các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội; đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo, chuyên viên Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội.

Về phía các bộ ngành có: Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tor, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương; đại diện Văn phòng Chính Phủ, lãnh đạo các Vụ, các bộ ngành như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhận thấy, thời gian qua, việc thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, nhất định, đã được chỉ ra tương đối rõ nét qua nhiệm vụ giám sát tối cao của Quốc hội vừa qua, trong đó, có những vấn đề cần phải được nghiên cứu, giải quyết bằng những cơ chế đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 108 về giám sát chuyên đề 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm

Ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội giao, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, sau khi nhận được hồ sơ do Chính phủ trình, các cơ quan có liên quan của Quốc hội đã chủ động nghiên cứu các vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách và ngày 19/12 vừa qua, Lãnh đạo Quốc hội đã giao Hội đồng Dân tộc là cơ quan chủ trì, cùng với các cơ quan khác của Quốc hội thẩm tra hồ sơ dự thảo Nghị quyết. Trên cơ sở đó, Hội đồng Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội, các cơ quan khác có liên quan của Quốc hội thực hiện thẩm tra hồ sơ dự thảo Nghị quyết và tổ chức Phiên họp thẩm tra theo đúng quy định.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị các đại biểu sẽ trao đổi, thảo luận, có ý kiến thẩm tra, giải trình về hồ sơ dự thảo Nghị quyết theo các nội dung như yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các vấn đề về trình tự, thủ tục, hồ sơ trình; cơ sở pháp lý, thực tiễn, tính khả thi, sự phù hợp của 08 nhóm chính sách đặc thù được xác định trong dự thảo Nghị quyết.

Lưu ý đây là nội dung thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật với nhiều chính sách mới, đặc thù và có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị các đại biểu tập trung, bám sát quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và gợi ý thảo luận của Lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, đi đúng trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các vấn đề trong hồ sơ dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình và dự thảo Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc.

Thống nhất cao với sự cần thiết xây dựng và ban hành Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các CTMTQG

Qua thảo luận, đa số các ý kiến đều thống nhất cho rằng, số lượng, hình thức của Hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Chính phủ bảo đảm theo quy định tại Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bao gồm: Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết, Báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp; tổng hợp, giải trình tiếp thu ý kiến góp ý; báo cáo đánh giá tác động của chính sách, đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Có ý kiến cho rằng, nội dung của hồ sơ dự thảo Nghị quyết còn một số điểm sau: chưa có dự thảo văn bản quy định chi tiết gửi kèm theo; báo cáo đánh giá tác động, các chính sách đặc thù chưa đưa ra các phương án để so sánh, làm cơ sở “kiến nghị giải pháp lựa chọn”; chưa có kiến nghị rà soát, đánh giá đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật hiện hành đang có những quy định bất cập. Do đó, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung một số nội dung trên vào hồ sơ trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội quyết định ban hành Nghị quyết.

Các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc tham dự Phiên họp

Đa số các ý kiến đều thống nhất cao với sự cần thiết xây dựng và ban hành “Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia” thực hiện quy định tại khoản 2, Điều 2 Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29 tháng 11 năm 2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề.

Các ý kiến đều thống nhất với tên gọi của Nghị quyết, bảo đảm thống nhất với nội dung được qui định tại Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29 tháng 11 năm 2023 của Quốc hộị.  Một số ý kiến cho rằng, tên gọi của Nghị quyết nên ngắn gọn, xúc tích, còn việc có tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc hay không là do nội dung, từng điều khoản củ thể của Nghị quyết và đề xuất tên gọi của Nghị quyết là: “Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia”.

Về phạm vi điều chỉnh, các ý kiến đề nghyij nên xác định, quy định cơ chế, chính sách đặc thù cần thiết, đầy đủ, rõ ràng, khả thi nhất để thống nhất áp dung thực hiện.

Các ý kiến đều cơ bản nhất trí với nội dung giải thích từ ngữ tại các điểm b,c,d,đ, nhưng cần bổ sung thêm giải thích thế nào là dự án thành phần còn đối tượng hỗ trợ, dự án không có khả năng giải ngân. Để đảm bảo dễ thực hiện, một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể trong dự thảo, loại dự án, tiểu dự án nào áp dụng thực hiện theo Nghị quyết này; dự án, tiểu dự án nào áp dụng theo Luật Đầu tư công.

Cũng tại Phiên họp, các đại biểu tập trung góp ý về 8 cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện 3 CTMTQG: (1) về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm; (2) về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm; (3) về ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất; (4) về sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động phát triển sản xuất; (5) về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; (6) về ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội; (7) về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, vốn đầu tư công hàng năm đối vơi dự án đầu tư xây dựng công trình quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp; (8) về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG.

Giám sát truy đến cùng - Kiến tạo đến cùng

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao sự tích cực của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quản chủ quản 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và các bộ ngành đã khẩn trương chuẩn bị hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra - Hội đồng Dân tộc và cơ quan soạn thảo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp cho Chính phủ và Quốc hội hoàn chỉnh hồ sơ để báo cáo UBTVQH vào chiều 8/1/2024.

Đề đẩy nhanh, thực hiện đúng mục tiêu, đảm bảo chất lượng, phát huy giá trị, ý nghĩa của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị nghiên cứu một số nguyên tắc, tiêu chí sau:

Thứ nhất, cần đảm bảo đúng nguyên tắc “cái gì đã rõ, đã chín, có tính khả thi” thì quy định trong Nghị quyết này và làm cho bằng được. Đối với những vấn đề cần chú ý trong báo cáo thẩm tra, đề nghị Thường trực các Ủy ban của Quốc hội xem xét, tính toán thêm. Những vấn đề đã thống nhất thì cần đưa ra một phương án để báo cáo UBTVQH.

Đối với những vấn đề khó (5 chính sách trong 8 chính sách), Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cần thiết kế (nội dung nào có tính khả thi 50-50 hoặc 70-30) với tinh thần cố gắng cao nhất trình bày 2 phương án, báo cáo thẩm tra cần phân tích ưu điểm, khuyết điểm của từng phương án để UBTVQH quyết định.

Thứ hai, với tinh thần giám sát truy đến cùng, bây giờ cần phải kiến tạo đến cùng, không được bàn lùi, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định, chuyên đề giám sát này đã được Quốc hội đánh giá cao, nhân dân đồng tình, ủng hộ, trong đó có sự đóng góp to lớn của Chính phủ, các bộ ngành và các cơ quan của Quốc hội. Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương mong muốn các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan của Chính phủ tìm phương án khả thi nhất, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Lưu ý thời gian áp dụng còn lại của 3 Chương trình này là 2 năm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, không nên ban hành quy định hướng dẫn chi tiết, báo cáo rõ vấn đề với UBTVQH.

Thứ ba, về trình tự, thủ tục, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật tư vấn thêm về thủ tục để đảm bảo yêu cầu theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp và sau khi Nghị quyết có hiệu lực, cần tổ chức thực hiện ngay để Nghị quyết sớm đi vào thực tiễn cuộc sống.

Khẩn trương hoàn thiện nội dung Báo cáo thẩm tra, trình UBTVQH đảm bảo chất lượng theo yêu cầu đề ra

Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Phiên họp đã hoàn thành chương trình đề ra. Nhận thấy các ý kiến phát biểu chất lượng, thẳng thắn, giá trị, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cảm ơn đại diện các bộ ngành của Chính phủ, đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội đã tham gia đóng góp ý kiến rất nhiệt tình tại Phiên họp này, mang tính xây dựng cao.

Các đại biểu tham gia góp ý hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã đánh giá về sự cần thiết của Nghị quyết, phạm vi điều và hiệu lực thi hành, các nhóm chính sách lớn. Thay mặt cho Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giải trình rõ, thẳng thắn về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của địa phương, đảm bảo tính khả thi trong các chính sách đề xuất.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu kết luận Phiên họp

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhận thấy đánh giá về sự cần thiết của Nghị quyết đã rõ và có sự thống nhất cao. Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết, có nhiều ý kiến xung quanh nội dung này. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị cần làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh các nội dung mà đại biểu đã phát biểu.

Về sự phù hợp, tính khả thi, tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của hệ thống pháp luật với các cơ chế đặc thù trong các chinh sách, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, hiện có 3 chính sách đảm bảo tính khả thi cao theo các nguyên tắc mà Phó Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo (chín, rõ, tính khả thi cao trong quá trình thực hiện và ít phải ban hành thêm hệ thống văn bản đã khẳng định trong hồ sơ dự thảo Nghị quyết và Báo cáo thẩm tra).

Trong bối cảnh 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chỉ còn 2 năm thực hiện, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, cần có quy định cụ thể, bổ sung trực tiếp vào Nghị quyết để đảm bảo tính khả thi, phát huy được hiệu quả. Còn các nội dung chưa bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện, nhất là đối tượng thực hiện và điều kiện tổ chức thực hiện còn hạn chế nhất định do điều kiện về phân cấp thì cần cân nhắc 2 phương án để báo cáo UBTVQH.

Trên cơ sở thực tiễn hoạt động giám sát thời gia qua và thực tiễn hoạt động các Ủy ban, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị Chính phủ có đánh giá khách quan để giúp công tác thẩm tra sát, đúng. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tham gia tại Phiên họp này, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết theo kế hoạch.

Đồng thời đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc khẩn trương tiếp thu tối đa các ý kiến tại Phiên họp, trên cơ sở hồ sơ dự thảo Nghị quyết được chỉnh lý, hoàn thiện nội dung Báo cáo thẩm tra, trình UBTVQH đảm bảo chất lượng theo yêu cầu đề ra./.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp

Với tinh thần giám sát truy đến cùng, bây giờ cần phải kiến tạo đến cùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định, chuyên đề giám sát này đã được Quốc hội đánh giá cao, nhân dân đồng tình, ủng hộ, trong đó có sự đóng góp to lớn của Chính phủ, các bộ ngành và các cơ quan của Quốc hội. 

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày tóm tắt Tờ trình số 686/TTr-CP ngày 8/12/2023 của Chính phủ về việc dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội tham dự Phiên họp

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành trình bày tóm tắt Báo cáo thẩm tra Hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan góp ý về 8 chính sách đặc thù. Ngoài các chính sách này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan đề nghị Chính phủ cần có giải pháp để giải quyết các vấn đề bất cập khác trong thực hiện 3 CTMTQG.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung góp ý về tên gọi của Nghị quyết.

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Hoàng Anh

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương

Đại diện các bộ ngành giải trình làm rõ thêm về các cơ chế, chính sách đặc thù mà đại biểu nêu

Thứ trưởng Trần Quốc Phương giải trình về tên gọi của Nghị quyết, về phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết, về 8 nhóm chính sách đặc thù của Nghị quyết./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác