KHUYẾN KHÍCH CÁC THÀNH PHẦN KINH TẾ THAM GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ TUẦN HOÀN

27/12/2023

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Th.s Đàm Thị Thanh Thủy, Khoa Kinh tế chính trị - Học viện chính trị khu vực I cho rằng, cần khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn, đặc biệt trong hoạt động thu gom và tiêu thụ rác tái chế; ứng dụng công nghệ để tiết giảm nguyên liệu, năng lượng; sản xuất sạch, thân thiện với môi trường.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Kỳ họp thứ 6

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Th.S Đàm Thị Thanh Thủy, Khoa Kinh tế chính trị - Học viện chính trị khu vực I cho rằng, kinh tế tuần hoàn không phải là một mô hình đồng nhất cho cả nền kinh tế, mà có nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn khác nhau trong nền kinh tế, dựa trên triết lý tái tạo và khôi phục. Thực tiễn cho thấy, ở Việt Nam chưa có được những mô hình kinh tế tuần hoàn mang đầy đủ các nội hàm, nhưng xét theo mục tiêu, nội dung đã có những mô hình hay phương thức kinh doanh mang những biểu hiện của kinh tế tuần hoàn từ khá sớm. Sau đây là một số mô hình có biểu hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Phân tích một số hạn chế tồn tại trong triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, Th.s Đàm Thị Thanh Thủy cho rằng, các mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam chỉ mới ở bước đi ban đầu chưa trở thành phổ biến do hành lang pháp lý cho kinh tế tuần hoàn chưa hoàn thiện, chưa có tư duy hệ thống về kinh tế tuần hoàn. Khung chính sách về mô hình kinh tế tuần hoàn còn chưa hoàn thiện, còn thiếu các cơ chế chính sách thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn như: Quy định trách nhiệm của doanh nghiệp về thu hồi, phục hồi tài nguyên từ các sản phẩm đã qua sử dụng; Các công cụ, chính sách kinh tế như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường; Chính sách khuyến khích ưu đãi cho kinh tế tuần hoàn chưa rõ ràng và chưa đủ sức khuyến khích kinh tế tuần hoàn phát triển.

Nhận thức về kinh tế tuần hoàn và việc cần thiết phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn của các chủ thể (chính quyền, doanh nghiệp, người tiêu dùng) còn nhiều hạn chế.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và người dân trong chấp hành các quy định pháp luật về môi trường trong quá trình sản xuất, tiêu dùng còn hạn chế. Khó thay đổi ngay thói quen sản xuất và tiêu dùng của toàn xã hội. Nhận thức của các doanh nghiệp về lợi ích và trách nhiệm trong áp dụng các giải pháp của kinh tế tuần hoàn còn hạn chế do áp lực của chi phí áp dụng các giải pháp kỹ thuật của kinh tế tuần hoàn, cũng như sự lỏng lẻo trong việc thực thi pháp luật trên lĩnh vực ô nhiễm môi trường làm cho việc thực hiện kinh tế tuần hoàn chưa trở thành một tất yếu khách quan đối với doanh nghiệp.

Phần lớn các doanh nghiệp của Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạn chế về khoa học công nghệ, tài chính và nhân lực, nên đã cản trở trong việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn. Chưa có cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế tuần hoàn hữu hiệu, đặc biệt là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Đề xuất một số giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, Th.s Đàm Thị Thanh Thủy cho rằng cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn trong cơ quan quản lý, doanh nghiệp và toàn xã hội. Triết lý về kinh tế tuần hoàn cần được triển khai trong tất cả các lĩnh vực. Phát triển kinh tế tuần hoàn là một nhiệm vụ, đồng thời cũng là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và cả quốc gia trong hội nhập quốc tế.

Nhà nước tổ chức nghiên cứu, chọn lọc các mô hình kinh tế tuần hoàn, các công nghệ sử dụng trong kinh tế tuần hoàn để tuyên truyền, giới thiệu, khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng trong sản xuất. Những mô hình ứng dụng thành công cần được tôn vinh, nhân rộng. Xây dựng lồng ghép việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn trong các chiến lược, quy hoạch phát triển của ngành, vùng, địa phương.

Để tiếp tục phát triển kinh tế tuần hoàn, Nhà nước cần có chủ trương rõ ràng, hoàn thiện môi trường pháp luật (Rà soát, hoàn thiện khung chính sách và pháp lý) và thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ để kinh tế tuần hoàn phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Ưu tiên xây dựng hệ thống danh mục phân loại xanh phù hợp với hệ thống phân ngành và theo thông lệ quốc tế. Nhà nước cần quy định lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại; sản phẩm sử dụng một lần bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn, đặc biệt trong hoạt động thu gom và tiêu thụ rác tái chế; ứng dụng công nghệ để tiết giảm nguyên liệu, năng lượng; sản xuất sạch, thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, cần chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Kinh tế tuần hoàn giúp: giảm thiểu ô nhiễm, giảm nguyên liệu; bảo tồn và tái tạo tài nguyên; nâng cao hiệu quả cạnh tranh; tạo các thị trường mới; tạo việc làm mới; gia tăng các giá trị xã hội. Phát triển kinh tế tuần hoàn cần được thực hiện khẩn trương, thực chất và hiệu quả. Phát triển kinh tế tuần hoàn bền vững trên cơ sở nâng cao nhận thức, sự chủ động sáng tạo của tất cả các chủ thể.

Minh Hùng