TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 14/11: UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI KHAI MẠC PHIÊN HỌP GIỮA 02 ĐỢT CỦA KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHOÁ XV
Theo TS.Hoàng Kim Khuyên, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong lĩnh vực an sinh xã hội (ASXH), tính pháp quyền thể hiện ở chỗ: các chương trình, chính sách, pháp luật (CSPL) về ASXH phải tính đến các khía cạnh xã hội, cơ cấu và những vấn đề có thể tác động đến tính dễ bị tổn thương của các cá nhân trong xã hội; cơ quan lập pháp của các quốc gia công nhận và thông qua các đạo luật có hiệu lực pháp lý đối với các vấn đề thuộc hệ thống ASXH; ASXH không phải là một nguyện vọng của riêng một tầng lớp xã hội, của một nhóm các đối tượng yếu thế mà hệ thống ASXH phải đáp ứng được nhu cầu cho tất cả mọi người và gia đình họ như một quyền con người; thiết lập cơ chế đối thoại xã hội nhằm bảo đảm và thúc đẩy hệ thống ASXH phát triển bền vững cho phù họp với các tiêu chuẩn quốc tế về ASXH và không còn rào cản đối với mọi người trong việc tiếp cận quyền ASXH.
TS. Hoàng Kim Khuyên chỉ rõ, hiện nay, trong lĩnh vực ASXH, tính pháp quyền thể hiện ở chỗ: cần phải hướng tới cách tiếp cận dựa trên quyền đối với ASXH; ASXH phải là vấn đề được coi trọng và ghi nhận trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất của quốc gia; bảo đảm và thúc đẩy ASXH thông qua đối thoại xã hội. Chính vì vậy, cần phải hoàn thiện các cấu phần chính của hệ thống ASXH như sau:
Một là, về vấn đề việc làm, thu nhập và giảm nghèo. Để giải quyết việc làm cho những lao động có thu nhập thấp tại các địa phương, nhất là khi các doanh nghiệp trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới thì cần phải thực hiện các giải pháp, như: Duy trì những thành quả giảm nghèo trước đây kết họp thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ khẩn cấp và hỗ trợ lâu dài về sinh kế và ASXH. Khẩn trương xây dựng đề án khôi phục và phát triển thị trường lao động.
Cần duy trì những thành quả giảm nghèo trước đây kết họp thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ khẩn cấp và hỗ trợ lâu dài về sinh kế
Theo đó, tập trung xây dựng các giải pháp giúp giữ chân người lao động, thu hút người lao động về địa phương tiếp tục quay trở lại thị trường lao động và giải pháp hỗ trợ điều tiết bổ sung lực lượng lao động cho những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn cấp bách và đặc thù cần phải ưu tiên. Tổ chức sàn giao dịch việc làm, tư vấn học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động. Phối họp với chính quyền địa phương giới thiệu việc làm tại chỗ thông qua các ngành nghề truyền thống, các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, giúp người lao động giải quyết việc làm tăng thêm thu nhập. Hỗ trợ vay vốn để giải quyết việc làm đối với những người có nhu cầu. Đây là chính sách hỗ trợ tạo điều kiện để người dân được tiếp cận nguồn vốn vay, giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội sử dụng nguồn vốn để tự tạo việc làm riêng, tự khởi nghiệp, lập nghiệp... Xây dựng mô hình sinh kế nhằm giúp người lao động lựa chọn để sớm có việc làm ổn định.
Hai là, về BHXH, để CSPL về BHXH thực sự trở thành trụ cột bền vững và góp phần thực hiện hiệu quả CSPL ASXH thì cần thiết phải triển khai và thực hiện mô hình BHXH đa tầng. Cụ thể là: trợ cấp hưu trí xã hội; BHXH cơ bản (bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện); bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Tuy nhiên, để mô hình BHXH đa tầng vào thực tiễn, cần phải bảo đảm các định hướng sau đây: Hệ thống BHXH đa tầng, hiện đại phải nhàm bảo đảm chăm sóc sức khỏe thiết yếu và bảo đảm thu nhập cơ bản cho trẻ em, người trong độ tuổi lao động không có khả năng kiếm đủ thu nhập và người cao tuổi. Rõ ràng, quyền được ASXH là quyền của con người không nên nhường cho các thế lực thị trường, đây là quyền tự nhiên của con người sống trong xã hội được thừa nhận và được thụ hưởng các giá trị của xã hội. Các chế độ BHXH cần phải được thiết kế dựa vào các nhu cầu cấp thiết của người tham gia; dựa vào năng lực tổ chức, quản trị các chương trình BHXH để có hiệu quả hơn đối với những đối tượng tham gia. Ngoài ra, bên cạnh việc bảo đảm nguyên tắc phổ biến trên thì khi thiết kế chương trình BHXH không thể bỏ qua nguyên tắc bình đẳng giới.
Các chính sách của BHXH đa tầng cần quan tâm và tập trung vào người thụ hưởng để hệ thống BHXH đạt hiệu quả. Để hệ thống BHXH trở thành mô hình đa tầng, linh hoạt của xã hội thì cần phải cải thiện các mục tiêu, thủ tục thực hiện chính sách của BHXH hiện nay. CSPL BHXH cần quan tâm đến đối tượng là trẻ em. Mục đích mới của hệ thống BHXH là cung cấp sự an toàn tài chính trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời mỗi người lao động nhưng đồng thời cũng phải cung cấp, bảo vệ tài chính cho gia đình người lao động, trong đó có trẻ em.
Ba là, về chính sách trợ giúp xã hội. Để các chính sách trợ giúp xã hội dành cho các doanh nghiệp và người lao động được thực thi có hiệu quả, cần thực hiện các giải pháp sau: Đánh giá hiệu quả của các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 vừa qua để đề ra những giải pháp cho những năm tiếp theo. Tiếp tục kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động bảo đảm ASXH cho người dân tại các địa phương. Kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ cho lao động tự do, người dân có hoàn cảnh khó khăn; bảo đảm công bằng, không để sót đối tượng, đồng thời, cần đơn giản hóa việc xác định đối tượng có đủ điều kiện cho các gói hỗ trợ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác chi trả các gói ASXH; kiên quyết xử lý nghiêm minh đúng theo quy định pháp luật các trường hợp phát hiện có sai phạm.
Bốn là, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Để người dân nói chung, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thể tiếp cận đầy đủ và nhanh chóng các dịch vụ xã hội cơ bản, cần phải bảo đảm định hướng: thúc đẩy việc kết nối phát triển kinh tế - xã hội giữa vùng khó khăn với vùng phát triển; thực hiện chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng, hỗ trợ thị trường phù họp đặc điểm vùng nhằm thu hút doanh nghiệp (các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư), phát triển sản xuất - kinh doanh và kết cấu hạ tầng; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ; nâng cao khả năng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tại các địa bàn nghèo, địa bàn khó khăn, địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Cần đảm bảo đồng bào dân tộc thiểu số có thể tiếp cận đầy đủ và nhanh chóng các dịch vụ xã hội cơ bản
Bên cạnh đó, cần thực hiện các biện pháp, như: Hoàn thiện chính sách y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số: rà soát lại những quy định về công tác chăm sóc sức khỏe, chỉ rõ những bất cập trong quá trình thực thi chính sách nhằm bổ sung những quy định phù họp trong tình hình mới; quản lý chặt chẽ thực hiện chính sách này đối với người dân tộc thiểu số, đặc biệt là hộ nghèo. Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, bảo đảm ổn định cuộc sống, có việc làm, giải quyết vấn đề nước sản xuất và sinh hoạt cho người dân.
Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ nhà ở nhàm bảo đảm nhà ở cho người dân, đặc biệt là người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu. Tạo cơ hội tiếp cận giáo dục đối với đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những giải pháp quan trọng để giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho giáo viên, người học vùng dân tộc, miền núi…