GÓC NHÌN: MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

09/12/2023

Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã nêu rõ: Đổi mới cơ chế bầu cử để lựa chọn được những người xứng đáng đại diện cho Nhân dân; nghiên cứu việc bỏ phiếu bầu cử của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài, làm rõ những trường hợp không được bầu cử. Để có thêm thông tin và góc nhìn và giải pháp về nội dung này, Cổng TTĐT Quốc hội xin trân trọng giới thiệu bài viết của TS.Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV với chủ đề: Một số vấn đề về thực trạng và giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng bầu cử đại biểu Quốc hội.

GÓC NHÌN: TĂNG CƯỜNG, CỦNG CỐ QUAN HỆ HỮU NGHỊ, ĐOÀN KẾT CHẶT CHẼ, HỢP TÁC TOÀN DIỆN

GÓC NHÌN: VĂN HÓA - NGUỒN LỰC NỘI SINH PHÁT TRIỂN THỦ ĐÔ BỀN VỮNG

Các quy định pháp luật về bầu cử suy cho cùng đều phải hướng tới một mục đích tối thượng là tạo điều kiện tốt nhất để cử tri được bầu cử một cách dân chủ, từ đó bầu được những người xứng đáng nhất đại diện cho mình tham gia vào các cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương là Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Có bốn công đoạn quyết định thành công của một cuộc bầu cử, đó là:

Thứ nhất, việc dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử.

Thứ hai, việc hiệp thương lựa chọn giới thiệu người ứng cử.

Thứ ba, hoạt động vận động bầu cử.

Thứ tư, tổ chức bầu cử.

Tranh cổ động về bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp.

Một số nội dung chủ yếu của các văn bản quy phạm pháp luật về bầu cử có liên quan đến bài viết:

- Quốc hội quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp.

- Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức cuộc bầu cử ĐBQH và chỉ đạo hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp.

 - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử ĐBQH; phối hợp với các cơ quan, tổ chức và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam ban hành văn bản hướng dẫn công tác bầu cử.

- Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức hiệp thương giới thiệu người ứng cử ĐBQH.

- Ủy ban MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức các hội nghị cử tri để người ứng cử vận động bầu cử. Các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương và địa phương có trách nhiệm tạo điều kiện để người ứng cử vận động bầu cử bằng hình thức trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và trang thông tin về bầu cử ĐBQH của Hội đồng bầu cử quốc gia…

1. Về dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử

Khoản 3 Điều 4 Luật Bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND quy định: “3. Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện việc dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu; xác định cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội; hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tổ chức giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, bảo đảm cho việc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm.”.

Trong thực tế, việc thực hiện nhiệm vụ dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu; xác định cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội trong các cuộc bầu cử vừa qua được UBTVQH tiến hành đúng quy định của pháp luật. Danh sách những người được giới thiệu ứng cử cơ bản bảo đảm đúng định hướng của cơ quan có thẩm quyền. Một số vấn đề như đảm bảo tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ; người ứng cử là người dân tộc thiểu số, về tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách, về giảm số người ứng cử thuộc khối hành pháp… đã được quan tâm hơn và ngày càng đáp ứng yêu cầu.

Nghiên cứu một số báo cáo tổng kết công tác bầu cử trong mấy nhiệm kỳ gần đây cũng như một số chuyên đề nghiên cứu có liên quan, tôi thấy có rất ít ý kiến đánh giá về vấn đề dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử ĐBQH của UBTVQH, nếu có thì chỉ nêu các thành công chứ chưa thấy nêu những những bất cập, hạn chế.

Tuy nhiên, về vấn đề này tôi thấy có một số bất cập sau đây:

- Thứ nhất, trong các cuộc bầu cử gần đây, tỷ lệ người ứng cử ĐBQH là phụ nữ được UBTVQH dự kiến đều cao hơn so với yêu cầu luật định. Tỷ lệ người ứng cử ĐBQH là phụ nữ trong danh sách chính thức cũng cao hơn 35% so với luật định nhưng số người trúng cử là phụ nữ thường thấp hơn khá nhiều so với mong muốn chung. Điểm sáng hiếm hoi của Quốc hội khóa XV này là sau 9 khóa Quốc hội, thì khóa XV, số ĐBQH là phụ nữ là 151 đại biểu, chiếm tỷ lệ 30,26% tổng số đại biểu Quốc hội. Đây là lần thứ hai tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đạt trên 30% (lần đầu tiên là Quốc hội khoá V, đạt 32,31%) (theo Cổng thông tin điện tử của Quốc hội).

Một trong những nguyên nhân của việc hầu hết số khóa Quốc hội chưa đạt được tỉ lệ ĐBQH là phụ nữ cao như mong muốn là do quá trình lựa chọn, giới thiệu người ứng cử là phụ nữ chưa được các cơ quan hữu quan quan tâm sâu sắc (cấp ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức phụ trách bầu cử…). Cùng với đó, bản thân một số người ứng cử là phụ nữ cũng chưa thật sự tự tin trong quá trình vận động bầu cử. Tâm lý “trọng nam, kinh nữ” vẫn còn tồn tại ở một bộ phận cử tri…   

Cơ cấu ĐBQH khóa XV.

- Thứ hai, một số người ứng cử được dự kiến để làm ĐBQH chuyên trách còn chưa trải qua thực tiễn dẫn đến chưa thực sự đạt được kỳ vọng của cử tri.

Nguyên nhân của tình trạng này là bởi quy định cứng (dưới luật): người lần đầu ứng cử để làm ĐBQH chuyên trách phải là vụ trưởng hoặc tương đương trở lên dẫn đến diện lựa chọn bị thu hẹp một cách đáng kể. Cùng với đó, chưa có quy định về quy hoạch ĐBQH chuyên trách để từ đó có sự bố trí, luân chuyển hợp lý để tăng hiểu biết thực tiễn và kinh nghiệm sống cho người sẽ được giới thiệu ứng cử…

2. Về hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội

Về cơ bản, hoạt động hiệp thương giới thiệu người ứng cử ĐBQH của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh được thực hiện đúng luật. Mặt trận đã thực hiện khá tốt vai trò đại diện cho nhân dân để lựa chọn giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn để ứng cử làm ĐBQH. Một số phát sinh, vướng mắc xảy ra trong quá trình hiệp thương cũng đã được Mặt trận phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý có kết quả…

Tuy nhiên, một số vấn đề sau đây cần được nghiên cứu:

Thứ nhất, về số lượng người giới thiệu ứng cử của các cơ quan, tổ chức:

Luật Bầu cử hiện hành quy định:

- Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hiệp thương giới thiệu người ứng cử ĐBQH khối các cơ quan trung ương.

- Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh hiệp thương giới thiệu người ứng cử ĐBQH ở địa phương.

Như vậy, về lý thuyết, với cách phân bổ số lượng ĐBQH như hiện nay thì Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chỉ có quyền giới thiệu người để bầu khoảng 1/3 số ĐBQH, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ giới thiệu để bầu 2/3 số còn lại.

Hội nghị hiệp thương lần thứ ba của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thông qua danh sách 205 người ở các cơ quan Trung ương đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Thực tế thực hiện quy định này như sau:

- Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chỉ giới thiệu số lượng người ứng cử bằng với số ĐBQH được bầu của khối các cơ quan, tổ chức ở trung ương (không có số dư).

Về vấn đề này, Điều 8 Luật Bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND quy định:

“1. Căn cứ vào dự kiến số lượng đại biểu Quốc hội được bầu, sau khi thống nhất ý kiến với Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội; số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội để bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội.”.

Như vậy, về nguyên tắc UBTVQH chỉ dự kiến số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội sau khi thống nhất với ý kiến với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Được biết, tại các hội nghị hiệp thương của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cũng có một số ý kiến đề nghị UBTVQH không nên ấn định số lượng cụ thể mỗi cơ quan, tổ chức được giới thiệu bao nhiêu người. Tuy nhiên, trong thực tế các cuộc bầu cử vừa qua, UBTVQH cũng chỉ dự kiến số người được giới thiệu ứng cử bằng với số lượng ĐBQH được bầu của cơ quan, tổ chức mà UBTVQH đã dự kiến trước hội nghị hiệp thương lần thứ nhất của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.  

Chính vì thế, các cơ quan, tổ chức theo cơ cấu được phân bổ đều chỉ giới thiệu duy nhất một người ứng cử. UBTVQH cũng chỉ giới thiệu số người ứng cử ĐBQH khối chuyên trách đúng bằng số lượng ĐBQH chuyên trách được phân bổ. Điều này dẫn đến hệ quả là các hội nghị hiệp thương của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để lựa chọn, giới thiệu người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương ứng cử ĐBQH trên thực tế là khá hình thức vì không có sự lựa chọn (đã là lựa chọn thì phải có thêm, có bớt).

Trong một số cuộc bầu cử trước đây đã xảy ra hiện tượng đến bước hiệp thương cuối cùng để lập danh sách chính thức những người ứng cử mới phát hiện có người vi phạm pháp luật phải đưa ra khỏi danh sách nhưng không thể bổ sung người khác được vì khi ấy các quy định về thời gian nộp hồ sơ, thời gian lấy ý kiến cử tri không còn nữa. Vì thế mà phải chấp nhận để thiếu người ứng cử, dẫn đến thiếu ĐBQH khối trung ương.

-  Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh sẽ phải giới thiệu số lượng người ứng cử nhiều hơn rất nhiều để khi Hội đồng bầu cử quốc gia chốt danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH để bố trí về các đơn vị bầu cử đảm bảo mỗi đơn vị bầu cử có só dư ít nhất hai người.

Lấy ví dụ cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV vừa qua: Theo Cổng thông tin điện tử của Quốc hội: “Trong tổng số 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV theo từng đơn vị bầu cử, số người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV do Trung ương giới thiệu là 203 người, địa phương có 665 người, đạt tỷ lệ 1,74 người ứng cử trên một đại biểu được bầu (trong đó có 9 người tự ứng cử)...”.

Như vậy, nếu lấy 500 trừ đi 203 thì cho ra một con số là các địa phương được bầu 297 ĐBQH nhưng lại phải giới thiệu tới 665 người, gấp hơn 2 lần số ĐBQH được bầu khối địa phương.

Trong một số diễn đàn, có không ít lãnh đạo địa phương than phiền là địa phương phải “gánh” số dư cho trung ương, vì thế rất khó tìm được người ứng cử thực sự chất lượng như mong muốn.

Thứ hai, về các mốc thời gian trong hiệp thương giới thiệu người ứng cử:

Thực tiễn tổ chức một số cuộc bầu cử vừa qua cho thấy, một số quy định hiện hành về các mốc thời gian quá sít sao trong quá trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử, dẫn đến các cơ quan hữu quan và bản thân người ứng cử lúng túng, bị động trong quá trình chuẩn bị hồ sơ ứng cử, tiếp nhận hồ sơ ứng cử, giải quyết kiếu nại, tố cáo trong bầu cử...

Về vấn đề này, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND đã có các quy định “chậm nhất là… trước ngày bầu cử…”. Vì thế không cần thiết phải sửa Luật mà chỉ cần các văn bản hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia, UBTVQH, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xử lý việc này bằng cách “đẩy” các mốc thời gian lên sớm hơn là được.

3. Về vận động bầu cử

Quy định hiện hành về vận đồng bầu cử có thể tóm tắt như sau:

- Ủy ban MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức các hội nghị cử tri để người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử.

- Ủy ban bầu cử địa phương tổ chức để người ứng cử được trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.

- Người ứng cử cũng có thể trả lời phỏng vấn trên trang thông tin điện tử về bầu cử ĐBQH của Hội đồng bầu cử quốc gia.

Thực tiễn một số cuộc bầu cử gần đây cho thấy:

- Tất cả người ứng cử ĐBQH đều sử dụng các kênh: hội nghị tiếp xúc cử tri, trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.

- Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tạo điều kiện cho người ứng cử vận động bầu cử đã thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

- Những người ứng cử đã đầu tư chuẩn bị rất kỹ cho hoạt động bầu cử cả về chương trình hành động, cả về hình thức như trang phục, cách diễn đạt trước cử tri…

- Một số cơ quan có sự hỗ trợ tích cực cho những người lần đầu ứng cử bằng các cuộc tập huấn chuyên sâu về kỹ năng vận động bầu cử như Ban Công tác đại biểu của UBTVQH đối với người ứng cử ĐBQH chuyên trách; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đối với người ứng cử là phụ nữ; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đối với người ứng cử là thanh niên, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đối với người ứng cử khối Mặt trận…

Một số điểm đáng nghiên cứu:

Nguyện vọng của đa số người ứng cử, nhất là người ứng cử thuộc khối các cơ quan, tổ chức ở trung ương là được tiếp xúc càng nhiều cử tri ở đơn bị bầu cử của mình càng tốt. Tuy nhiên, trong thực tế thì:

- Số lượng cử tri đến dự trực tiếp các hội nghị cử tri chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong tổng số cử tri của đơn vị bầu cử. Hội nghị tiếp xúc cử tri thường được bố trí trong hội trường của huyện hoặc của xã với số lượng dao động khoảng 200 đến 300 cử tri. Một số nơi chỉ khoảng 100 đến 200 cử tri. Cử tri tham dự tuyệt đại đa số là những người được mời, số tự nguyện đến dự rất ít.

Lấy ví dụ tại cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV, toàn tỉnh Nam Định có 1.449.953 cử tri; tỉnh có 3 đơn vị bầu cử, bình quân mỗi đơn vị bầu cử khoảng 500.000 cử tri. Số hội nghị tiếp xúc cử tri ở mỗi đơn vị bầu cử thông thường là 10 cuộc; mỗi cuộc bình quân 200 cử tri. Như vậy chỉ có khoảng 2000/500.000 cử tri được trực tiếp đến để nghe người ứng cử vận động bầu cử.

- Số lượng các hội nghị tiếp xúc cử tri ở các địa phương khá khác nhau. Các tỉnh, thành phố phía Nam, nhất là các tỉnh miền tây có số hội nghị nhiều hơn hẳn các khu vực khác. Tuy nhiên, kể cả số hội nghị tiếp xúc cử tri có gấp đôi, gấp ba các địa phương khác thì số cử tri đến tham dự trực tiếp cũng vẫn chỉ chiếm một tỉ lệ rất, rất nhỏ so với tổng số cử tri trong đơn vị bầu cử.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử tại huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

Một số hạn chế khác:

- Ở một số nơi, hội nghị tiếp xúc cử tri diễn ra một chiều: chủ yếu là người ứng cử trình bày chương trình hành động, rất ít cử tri đặt câu hỏi chất vấn người ứng cử, nếu có thì chỉ là nêu những mong muốn chung chung với người ứng cử.

- Thời lượng dành cho người ứng cử trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương nhìn chung còn khá ít. Nhiều người ứng cử mong muốn được dài hơn.

- Số người sử dụng trang thông tin điện tử về bầu cử ĐBQH của Hội đồng bầu cử quốc gia để vận động bầu cử rất ít.

4. Về tổ chức bầu cử

Quy định hiện hành về bầu cử là cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp được tổ chức trong một ngày. Việc tổ chức bầu cử trong cùng một ngày, theo nhiều ý kiến thì có những ưu điểm sau đây:

Thứ nhất, cuộc bầu cử được tiến hành ngay sau đại hội Đảng các cấp vì thế sẽ thuận lợi cho việc Quốc hội, HĐND xây dựng chương trình toàn khóa, nhất là về kinh tế - xã hội theo các nghị quyết của Đảng. Công tác nhân sự, nhất là nhân sự chủ chốt các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng sẽ theo định hướng của Đảng.

Thứ hai, tiết kiệm một cách đáng kể kinh phí cho cuộc bầu cử. Trước năm 2011, cứ bình quân 2,5 năm lại tổ chức một cuộc bầu cử nên khá tốn kém.   

Tuy nhiên, bên cạnh nhưng ưu điểm nêu trên thì có một số hạn chế khá rõ ràng là:

Thứ nhất, so với trước đây thì cử tri hiện nay có nhiều khó khăn hơn trong việc lựa chọn bầu ai vì có nhiều phiếu bầu hơn, nhiều người ứng cử hơn.

Cùng một lúc, mỗi cử tri cử tri có 04 lá phiếu (01 phiếu bầu ĐBQH, 03 phiếu bầu đại biểu HĐND); nơi không tổ chức HĐND phường thì mỗi cử tri có 03 lá phiếu. Mỗi phiếu có 05 người ứng cử (nếu đơn vị được bầu 03 đại biểu) hoặc 04 người ứng cử (nếu đơn vị được bầu 02 đại biểu). Như vậy, bình quân mỗi cử tri trong cùng một lúc phải cân nhắc, lựa chọn khoảng gần 20 người ứng cử để bầu ra người mà mình tín nhiệm, rõ ràng là khá khó khăn cho nhiều cử tri.

Thứ hai, về bản chất, bầu cử ĐBQH là tổng tuyển cử để bầu ra cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội, là quyền và nghĩa vụ của cử tri cả nước. Bầu cử đại biểu HĐND là việc cử tri ở mỗi địa phương bầu ra cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương mình.

Điều 117 Hiến pháp năm 2013 quy định: 

“1. Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.”.

Tinh thần lời văn trên của Hiến pháp đã cho thấy sự khác nhau về thứ bậc giữa hai cuộc bầu cử và nhiệm vụ cơ bản của Hội đồng bầu cử quốc gia là tổ chức bầu cử ĐBQH, còn với bầu cử đại biểu HĐND các cấp thì Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ làm nhiệm vụ chỉ đạo và hướng dẫn thôi. 

Trong thực tế, nếu tổ chức hai cuộc bầu cử làm một sẽ có tác động đáng kể đến tâm lý của cử tri, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc tổng tuyển cử. Một số người được hỏi cho rằng họ chủ yếu quan tâm đến bầu cử HĐND vì quyền lợi sát sườn với họ và do có nhiều thông tin về người ứng cử hơn…  

Sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND hiện hành được coi là khá hoàn thiện. Tuy nhiên, để lựa chọn được những người thực sự chất lượng để ứng cử ĐBQH, đề nghị cần nghiên cứu các vấn đề sau đây:

1. Về dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội và việc giới thiệu người ứng cử của các cơ quan, tổ chức

Để khắc phục những bất cập như trình bày ở trên, đề nghị cần sửa đổi, bổ sung Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND và các hướng dẫn liên quan theo hướng:

- UBTVQH chỉ dự kiến về cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng ĐBQH được bầu ở mỗi cơ quan, tổ chức ở trung ương và mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mà không dự kiến cả số lượng người được giới thiệu ứng cử như hiện nay.

- Các cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ người ứng cử phải giới thiệu có số dư, không giới thiệu “tròn” như hiện nay. Theo đó, với mỗi cơ cấu cần giới thiệu ít nhất hai người ứng cử để Mặt trận hiệp thương lựa chọn lấy một người để đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử. Riêng khối ĐBQH chuyên trách có thể không giới thiệu gấp đôi nhưng vẫn cần phải có số dư...

2. Về hiệp thương giới thiệu người ứng cử

Bên cạnh kiến nghị về việc giới thiệu người ứng cử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị để tạo điều kiện cho Mặt trận làm tốt nhiệm vụ hiệp thương lựa chọn giới thiệu người ứng cử ĐBQH, một số vấn đề sau đây cũng cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để việc hiệp thương lựa chọn thực sự chất lượng:  

Thứ nhất, về bản sơ yếu lý lịch của người ứng cử:

Theo Luật Bầu cử hiện hành, hồ sơ ứng cử bao gồm nhiều loại (đơn ứng cử, sơ yếu lý lịch, ảnh chân dung, bản kê khai tài sản, thu nhập…). Theo đó, sơ yếu lý lịch của người ứng cử phải có “chứng nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền”. Trong thực tiễn, việc xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền vào sơ yếu lý lịch của những người ứng cử là cán bộ, công chức thì về cơ bản không có vướng mắc. Tuy nhiên, với người ứng cử là chủ doanh nghiệp tư nhân, chức sắc tôn giáo thì thông thường người ký tên đóng dấu vào bản sơ yếu lý lịch của người ứng cử lại là cấp phó của người đó hoặc bộ phận tổ chức, văn phòng của doanh nghiệp, cơ sở tôn giáo đó, dẫn đến có sự thiếu yên tâm, tin cậy vào sự trung thực của hồ sơ khi tổ chức hiệp thương.

Trong thực tế một số cuộc bầu cử gần đây, một số người sau khi trúng cử mới bị phát hiện trước đó đã vi phạm pháp luật hoặc không trung thực trong kê khai hồ sơ, dẫn đến bị bãi nhiệm hoặc bị xóa tên (Khóa XIII, Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến sau một năm làm đại biểu; Khóa XIV, Hội đồng bầu cử quốc gia xóa tên ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường ngay sau khi có kết quả trúng cử ĐBQH).

Trước tình hình đó, trong một số cuộc hội thảo, có ý kiến cho rằng, cần quy định cụ thể “cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền” là như thế nào để tránh việc áp dụng không thống nhất trong thực tiễn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, để đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa những người ứng cử, đồng thời đề cao tính trung thực, chịu trách nhiệm trước pháp luật của người ứng cử thì nên bỏ quy định xác nhận vào sơ yếu lý lịch hoặc quy định chỉ xác nhận chữ ký của người khai lý lịch, nếu họ trúng cử mà sau này phát hiện có sự thiếu trung thực trong kê khai lý lịch thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật (cơ chế hậu kiểm).

Thứ hai, về chứng nhận sức khỏe của người ứng cử:

Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND hiện hành không quy định hồ sơ ứng cử phải có “giấy chứng nhận sức khỏe”. Thực tế một số khóa Quốc hội vừa qua, có đại biểu sau khi trúng cử đã từ trần mà chưa kịp dự phiên khai mạc kỳ họp đầu tiên; có đại biểu mắc bệnh hiểm nghèo qua đời giữa nhiệm kỳ; có đại biểu ốm nặng phải điều trị dài ngày gần như cả nhiệm kỳ… Bên cạnh đó, theo phản ánh của các địa phương, trong một số cuộc bầu cử có một số người nộp đơn tự ứng cử (cả Quốc hội và HĐND) có biểu hiện thần kinh không bình thường có thể nhận biết bằng mắt thường nhưng cơ quan chức năng không có cơ sở pháp lý để từ chối nhận đơn, vì thế vẫn phải tiến hành đầy đủ các quy định để tổ chức hiệp thương, gây nên những khó khăn không cần thiết trong quá trình tiến hành cuộc bầu cử.

Mặc dù Luật hiện hành đã quy định “người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự” thì thuộc trường hợp người không được ứng cử, nhưng cần thiết phải cụ thể hóa quy định đó thành một chứng nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tổ chức hiệp thương giới thiệu người ứng cử.

Bên cạnh đó, đề nghị cần bổ sung vào hồ sơ ứng cử chứng nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền về sức khỏe của người ứng cử. Cũng có ý kiến đề xuất nên tổ chức khám sức khỏe cho những người ứng cử ngay từ khi nộp hồ sơ ứng cử. Theo đó, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự và người mắc các bệnh hiểm nghèo thì sẽ không được ứng cử.

Người dân tìm hiểu thông tin về ứng cử viên tại điểm niêm yết danh sách phường Thịnh Lang (TP Hoà Bình).

Thứ ba, về quy định những trường hợp không được ứng cử:

Luật Bầu cử hiện hành quy định 05 trường hợp không được ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND. Đây là vấn đề khá nhạy cảm vì nó “đụng” đến quyền ứng cử của công dân đã được Hiến pháp quy định. Trong các cuộc bầu cử gần đây, các tổ chức phụ trách bầu cử và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thường hay nhận được những khiếu nại, tố cáo về các trường hợp không được ứng cử. Thậm chí quy định của Đảng về việc đảng viên không được tự ứng cử hoặc nhận đề cử để ứng cử làm ĐBQH hoặc đại biểu HĐND dù đúng với nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng nhưng trong một số cuộc thảo luận vẫn có đảng viên chưa hài lòng với quy định này.

Quy định về các trường hợp không được ứng cử trong Luật Bầu cử hiện hành về cơ bản không có nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, từ thực tiễn một số cuộc bầu cử vừa qua, nhất là để đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu bổ sung một số trường hợp sau đây có thể cũng không được ứng cử:

- Người đang bị khiếu nại, tố cáo về không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập.

- Người đang là đối tượng bị cơ quan kiểm tra của Đảng, cơ quan thanh tra của Nhà nước kiểm tra, thanh tra việc thực hiện công vụ của mình.

Thực ra đây là các vấn đề đã xảy ra trong thực tiễn một số cuộc bầu cử trước đây nhưng do chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền nên Mặt trận không có lý do để không đưa vào danh sách hiệp thương. Vì thế có người sau khi trúng cử mới có kết luận kiểm tra, thanh tra, điều tra là đã vi phạm pháp luật và bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự dẫn đến phải tổ chức bãi nhiệm tư cách đại biểu. Đây là những vấn đề cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc để sửa đổi, bổ sung, tạo điều kiện thuận lợi cho Mặt trận trong công tác tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử.

 3. Về vận động bầu cử

Mong muốn để có những diễn đàn rộng rãi để người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử như một số nước có lẽ trong ngắn hạn chưa thể đáp ứng được. Vì vậy, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc giúp người ứng cử vận động bầu cử cần cân nhắc mấy vấn đề sau đây:

- Tăng số lượng các hội nghị cử tri để người ứng cử tiếp xúc, vận động bầu cử ở mỗi đơn vị bầu cử.

- Tăng số lượng cử tri được dự tại các hội nghị tiếp xúc. Có thể không nhất thiết phải tổ chức trong nhà như hiện nay mà tùy thực tế địa phương, có thể tổ chức các hội nghị tiếp xúc ngoài trời để thu hút nhiều cử tri tham gia.

- Tăng thời lượng trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.

- Tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều để người ứng cử biết và sử dụng trang thông tin điện tử bầu cử ĐBQH của Hội đồng bầu cử quốc gia để vận động bầu cử… 

Bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp thực sự là ngày hội của toàn dân. (Hình minh họa)

4. Về tổ chức ngày bầu cử

Để giúp cử tri có điều kiện tốt nhất trong việc lựa chọn những người xứng đáng nhất bầu làm ĐBQH thì không nên gộp bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND trong một ngày như hiện nay mà nên tách thành hai cuộc:

- Cuộc bầu cử ĐBQH được tổ chức trước, vẫn vào ngày Chủ Nhật như quy định.

- Cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp sẽ được tổ chức liền vào ngày Chủ Nhật kế tiếp.

Làm như vậy vẫn đạt được mục đích là đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và đạt được mục đích tiết kiệm (vì vẫn sử dụng bộ máy các tổ chức phụ trách bầu cử, cơ sở vật chất cho bầu cử từ cuộc bầu cử ĐBQH).

                

TS.Nguyễn Văn Pha

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV