GÓC NHÌN: VĂN HÓA - NGUỒN LỰC NỘI SINH PHÁT TRIỂN THỦ ĐÔ BỀN VỮNG
HỘI NGHỊ CẤP CAO QUỐC HỘI BA NƯỚC CAMPUCHIA – LÀO – VIỆT NAM LẦN THỨ NHẤT THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP
Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi và có mối quan hệ truyền thống, gắn bó từ lâu đời. Mối quan hệ này được nhân dân hai nước dày công vun đắp và trở thành tài sản chung vô giá của hai dân tộc. Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 24/6/1967, chặng đường hơn nửa thế kỷ qua là minh chứng sống động cho mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia.
Vào thời điểm lịch sử, ngày 23/6/1967, trong bức điện gửi Quốc Vương Campuchia Norodom Sihanouk, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ, việc đặt quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta là biểu tượng rực rỡ của mối tình hữu nghị thân thiết đoàn kết chiến đấu. Đó là một sự kiện lịch sử quan trọng giữa Việt Nam và Campuchia. Một nhân tố tích cực trong việc gìn giữ hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á. Chỉ một ngày sau đó, ngày 24/6/1967 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Vương quốc Campuchia đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao mở ra một chương mới trong lịch sử hai nước. Trong bức điện khác gửi Quốc trưởng Norodom Shihanouk (ngày 8/11/1968) nhân dịp chúc mừng Campuchia kỷ niệm 15 năm ngày độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục nhấn mạnh: "Ngày nay cũng như ngày mai, hai nước chúng ta mãi mãi là người bạn thân thiết".
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, quan hệ Việt Nam - Campuchia ngày càng khăng khít, bền chặt hơn. Tiếp nối thành tựu to lớn trong lịch sử, những năm gần đây, quan hệ hai nước tiếp tục phát triển ổn định. Với phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, những năm qua, quan hệ hai nước không ngừng được củng cố và phát triển trên mọi lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực, trên thế giới, góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định và phát triển lâu dài.
Đối với Lào, quan hệ gắn bó Việt Nam - Lào được hình thành từ trong lịch sử giữa hai nước láng giềng, uống chung một nguồn nước, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, có những điểm tương đồng và sự giao thoa về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, cùng chia ngọt sẻ bùi trong nhiều thập kỉ, cả trong thời kỳ kháng chiến cũng như trong thời kỳ bảo vệ Tổ quốc. Nhân dân hai nước, nhất là ở vùng biên giới, đã thường xuyên nương tựa vào nhau, cưu mang đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống hằng ngày, cũng như mỗi khi có thiên tai, địch họa. Hai nước luôn giữ mối quan hệ bang giao hòa hiếu, gắn bó mật thiết với nhau qua nhiều giai đoạn lịch sử.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện thân mật với đồng chí Kaysone Phomvihane, Trưởng đoàn đại biểu Đảng và Mặt trận Lào yêu nước sang thăm hữu nghị Việt Nam (1966). Ảnh: Tư liệu TTXVN
Mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong kính yêu cùng các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc và là quy luật phát triển chung của hai nước trên con đường phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Mối quan hệ này ngày càng được củng cố, không ngừng phát triển, trở thành một tấm gương mẫu mực về sự thủy chung, trong sáng, vững bền, "có một không hai" trong quan hệ giữa các dân tộc.
Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 5/9/1962. Chặng đường hơn 60 năm là một dấu mốc quan trọng, thể hiện mối quan hệ khăng khít, bền chặt, lâu đời giữa hai đất nước. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, mặc dù tình hình khu vực, quốc tế thay đổi không ngừng nhưng mối quan hệ thủy chung, trong sáng, thân thiết giữa nhân dân hai nước Lào - Việt Nam không vì vậy mà bị ảnh hưởng, hơn nữa ngày càng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, ngày càng hiệu quả và đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước trong mọi lĩnh vực. Đặc biệt, thời gian ngày càng làm cho mối quan hệ hữu nghị đặc biệt của hai nước thêm bền chặt hơn, như Chủ tịch Kaysone Phomvihan từng nói: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt Nam sẽ mãi mãi vững bền hơn núi hơn sông”.
Nói về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc hai nước Lào và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 61 năm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith nhấn mạnh, đây là sự kiện lịch sử, là dấu mốc quan trọng trong quan hệ, là kết quả của cuộc đấu tranh trên mặt trận chính trị, ngoại giao đi đôi với sự cân bằng trên mặt trận quân sự của hai nước Lào - Việt Nam; là sự đáp ứng yêu cầu của cách mạng hai nước, công nhận về mặt pháp lý và là cơ sở cho việc tiếp nối cho hai nước sau khi CHDCND Lào được thành lập và sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, thành lập nước CHXHCN Việt Nam cho đến nay.
Về quan hệ ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam, kể từ năm 2021 đến nay, quan hệ giữa ba Đảng, ba nước tiếp tục được củng cố trên các lĩnh vực. Trên kênh Đảng, quan hệ tiếp tục được tăng cường thông qua việc tổ chức thành công các cuộc gặp thường niên giữa Bộ Chính trị Đảng ta với Bộ Chính trị Đảng NDCM Lào và Ban Thường vụ Đảng Nhân dân Campuchia- CPP sau 3 năm bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19. Mới đây nhất là cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng với Chủ tịch Đảng CPP và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào diễn ra tại Hà Nội từ ngày 06 - 07/9/2023.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) Samdech Techo Hun Sen và Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đã có Cuộc gặp cấp cao Việt Nam - Campuchia - Lào tại Thủ đô Hà Nội.
Năm 2022, Việt Nam đã phối hợp với hai nước tổ chức thành công các hoạt động trong Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Campuchia với nhiều hình thức phong phú để kỷ niệm các sự kiện quan trọng, tạo sự lan tỏa trong nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, quan hệ truyền thống Việt Nam - Campuchia. Với Lào, hợp tác kinh tế đã có những bước chuyển biến như đã hoàn thành được một số dự án hợp tác kinh tế lớn, một số công trình viện trợ của Việt Nam cho Lào. Với Campuchia, đã giải quyết được một số khó khăn, vướng mắc, kim ngạch thương mại hai chiều tiếp tục tăng và có bước tiến mới trong giải quyết vấn đề người gốc Việt. Ba nước tiếp tục triển khai các cơ chế hợp tác ba bên của Chính phủ, Quốc hội, bộ, ngành và đoàn thể góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ba nước, cũng như thiết lập một số cơ chế hợp tác ba bên mới như Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) và lần đầu tiên tổ chức Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ ba nước tại Việt Nam.
Trong tổng thể quan hệ rất tốt đẹp trên các kênh Đảng và Nhà nước, quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Lào và Quốc hội Campuchia góp phần quan trọng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa ba nước. Tháng 9/2023, người đứng đầu ba Đảng tổ chức cuộc gặp cấp cao Campuchia - Lào - Việt Nam tại Hà Nội để thống nhất những định hướng lớn cho quan hệ hợp tác giữa ba Đảng, ba nước trên các lĩnh vực vì lợi ích chung của nhân dân ba nước. Thủ tướng Chính phủ ba nước CLV cũng tổ chức họp luân phiên hai năm một lần tại các nước thành viên nhằm thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác và phát triểntại khu vực Tam giác phát triển và kết nối ba nền kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane và Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Samdech Khuon Sudary tại Lễ Bế mạc Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ nhất.
Thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng trong quan hệ với hai nước bạn, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng đoàn Quốc hội, các cơ chế hợp tác cấp Ủy ban ba bên giữa ba Quốc hội đã được hình thành và tổ chức định kỳ 02 năm/lần theo hình thức luân phiên gồm: Hội nghị giữa ba Ủy ban Đối ngoại nhằm giám sát, thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác giữa ba nước; tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác vì sự phát triển chung Khu vực Tam giác phát triển; Hội nghị giữa ba Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhằm giám sát, thúc đẩy, bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh, an toàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng đường biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực Tam giác phát triển; Hội nghị giữa ba Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực tài chính, ngân sách.
Trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp Việt Nam - Lào - Campuchia; để đồng bộ với các cơ chế hợp tác cấp cao giữa ba nước nhằm triển khai có hiệu quả các chủ trương hợp tác ba nước đã được người đứng đầu ba Đảng thống nhất, cũng như giám sát, thúc đẩy việc triển khai thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã ký kết giữa ba nước nói chung, tại khu vực Tam giác phát triển nói riêng, góp phần đưa mối quan hệ ba nước, ba Quốc hội đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.
Tại Đại hội đồng AIPA 43 (tháng 11/2022), Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane đã ký Tuyên bố chung chính thức thiết lập cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam. Sự kiện 3 Chủ tịch Quốc hội ký Tuyên bố chung trước sự chứng kiến của đông đảo đại biểu tham dự Đại hội đồng AIPA – 43 là dấu mốc lịch sử trong hợp tác liên nghị viện của 3 nước láng giềng anh em Việt Nam - Lào - Campuchia. Cơ chế cấp cao này đã hình thành một kênh hết sức quan trọng đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy Chính phủ 3 nước thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch hợp tác chung vì sự phát triển bền vững, thịnh vượng của cả 3 nước, đem lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân mỗi nước.
Theo Tuyên bố chung của các Chủ tịch Quốc hội ba nước đã ký ngày 20/11/2022 tại Phnom Penh, Campuchia, mục tiêu của Hội nghị nhằm tăng cường và củng cố quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết chặt chẽ và hợp tác toàn diện, trọng tâm là phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, giao lưu nhân dân vì sự phát triển bền vững của ba nước và của khu vực. Thúc đẩy và giám sát việc thực hiện các thoả thuận, chương trình hành động và các dự án hợp tác mà Chính phủ ba nước đã thống nhất cũng như các thoả thuận đa phương mà ba nước là thành viên. Thúc đẩy việc trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và thực tiễn tốt trong thực thi các chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội CLV. Phân bổ ngân sách và trao đổi các cách thức huy động vốn từ các đối tác trong và ngoài khu vực CLV để thực hiện các chương trình và dự án trong Khu vực Tam giác Phát triển và các lĩnh vực hợp tác khác.
Tại Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Khuon Sudary đã thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị về “Tăng cường vai trò của nghị viện trong thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa Campuchia - Lào - Việt Nam”.
Việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ nhất có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm triển khai chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng trong thúc đẩy hợp tác với Lào và Campuchia trên kênh hợp tác nghị viện và Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng đối với hợp tác tiểu vùng Mê Công đến năm 2030, nhằm đáp ứng yêu cầu cả về đối nội và đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới. Tăng cường, củng cố quan hệ hữu nghị, đoàn kết chặt chẽ, hợp tác toàn diện; thúc đẩy việc trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm lập pháp, giám sát và thực tiễn giữa ba Quốc hội CLV với trọng tâm để thúc đẩy hợp tác về chính trị đối ngoại, phát triển kinh tế - xã hội, hợp tác quốc phòng - an ninh, giao lưu nhân dân vì sự phát triển bền vững của ba nước trong khu vực tam giác phát triển và kết nối ba nền kinh tế.
Đồng thời thúc đẩy và giám sát việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác, các dự án hợp tác mà Chính phủ ba nước đã ký kết; phối hợp thực hiện các thỏa thuận quốc tế đa phương mà ba nước là thành viên cũng như trao đổi các cách thức để phối hợp huy động nguồn vốn từ các đối tác trong và ngoài khu vực CLV để thực hiện các chương trình, dự án của khu vực Tam giác phát triển và các lĩnh vực hợp tác ưu tiên khác./.
|
Đại sứ Ngô Quang Xuân
Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại khoá XII
|