TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI
Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, phiên thảo luận kinh tế - xã hội đã diễn ra sôi nổi và chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.
Trên cơ sở đánh giá tình hình, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Trong đó, các đại biểu tập trung đề xuất các giải pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh; thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phiên thảo luận kinh tế - xã hội đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS. Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, các doanh nghiệp phản ánh chi phí kinh doanh tại Việt Nam hiện nay vẫn còn cao, nằm ở 4 nhóm chính gồm các chi phí có liên quan đến lao động; chi phí tài chính cho Nhà nước ngoài thuế; chi phí vốn và chi phí vận tải, logistics. Theo đó, chi phí liên quan đến lao động được chia thành hai nhóm là chi phí nằm trong sự thoả thuận giữa hai bên và chi phí không nằm trong thoả thuận giữa hai bên mà buộc phải chi do quy định của pháp luật.
TS. Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Đối với khoản chi đầu tiên, các doanh nghiệp sẵn sàng chi trả nhiều hơn để có được chất lượng và số lượng người lao động tốt hơn trên thị trường. Tuy nhiên, các khoản bắt buộc theo quy định của pháp luật Việt Nam tương đối cao, gồm bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn. Theo quy định hiện tại của Việt Nam, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội và các khoản quỹ bắt buộc khác với tổng là 17% mức lương tháng của người lao động. Tỷ lệ đóng này cộng tính thêm phần đóng của người lao động là 25%, cộng thêm các khoản bảo hiểm y tế và các khoản khác đã lên đến 32%. Đây là mức đóng bảo hiểm xã hội cao nếu so với một số quốc gia trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan,...
Mức lương tối thiểu tại Việt Nam cũng có xu hướng tăng mạnh trong nhiều năm trở lại nay. Lương tối thiểu của Bangladesh là 74,8 USD/người/tháng. Trong khi của Việt Nam là 198,5USD/người/tháng. Kinh phí công đoàn 2% quỹ tiền lương là gánh nặng riêng của doanh nghiệp đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Với mức chi phí bắt buộc lao động cao như vậy làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, làm khó thu hút vốn đầu tư để tạo việc làm cho hàng triệu người đến tuổi lao động mỗi năm.
Cùng với đó, chi phí vốn của doanh nghiệp Việt Nam rất cao. Theo Phó Tổng Thư ký VCCI, từ cuối 2022 cho đến đầu năm 2023, lãi suất của Việt Nam có biến động tăng mạnh, dù hiện nay đã có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, đó là lãi suất ngắn hạn, còn về dài hạn lãi suất trung bình của đồng tiền Việt Nam luôn cao hơn vài điểm phần trăm so với lãi suất của các đồng tiền khác trong khu vực. Điều này xuất phát từ rủi ro kinh doanh tại Việt Nam vẫn cao, an ninh tài chính tiền tệ mặc dù được cải thiện nhưng vẫn kém so với các nước xung quanh, xếp hạng tín nhiệm quốc gia vẫn còn thấp.
Ảnh minh hoạ
Đưa ra ví dụ về phân tích trên, TS. Đậu Anh Tuấn nêu rõ, theo Moody, xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam đã tăng ba bậc, từ mức B2 năm 2012 lên mức Ba2 năm 2022. Đây là kết quả tốt giúp hạ lãi suất dài hạn của tiền đồng. Tuy nhiên, nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonessia, Phillipine, Malaysia, xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam vẫn còn thua nhiều bậc. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư sẽ yêu cầu lãi suất cao hơn hoặc lợi nhuận cao hơn khi đầu tư vào Việt Nam. Chi phí vốn cao như vậy khiến các ngành cần nhiều vốn như sản xuất công nghiệp khó có thể đưa ra sản phẩm cạnh tranh được với thế giới.
Cản trở lớn nhất để giảm lãi suất dài hạn, nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia chủ yếu hiện nằm ở sự thiếu minh bạch về tài chính của các doanh nghiệp Nhà nước và khả năng khó dự đoán của chính sách. Các doanh nghiệp Nhà nước phải đồng thời làm nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ xã hội, các trách nhiệm giải trình cũng thường thấp hơn các doanh nghiệp tư nhân có cùng quy mô. Do đó, việc nâng cao năng lực quản trị các doanh nghiệp nhà nước, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cần được khẩn trương thực hiện.
Bên cạnh đó, ngoài các khoản thuế, các doanh nghiệp Việt Nam tuỳ từng ngành hàng còn phải nộp thêm các khoản tài chính ngoài ngân sách, điều này cũng khiến doanh nghiệp bị đội chi phí kinh doanh. Chi phí vận tải và logistics của Việt Nam vẫn cao do hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, hoàn thiện, mức độ kết nối giao thông chưa tốt. Việc triển khai các dự án giao thông lớn, trọng điểm gặp nhiều vướng mắc và thường xuyên chậm trễ. Mặc dù Chính phủ rất nỗ lực trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông quốc gia, song tình trạng chi phí vận tải cao vẫn sẽ kéo dài trong nhiều năm nữa, đặc biệt là ở khu vực miền Nam.
Tổng Thư ký VCCI cho rằng, tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân căn bản là cơ chế tài chính dành cho đầu tư hạ tầng của Việt Nam vẫn chậm đổi mới. Đề án lấy cao tốc, nuôi cao tốc chậm được ban hành, triển khai khiến các dự án thiếu vốn. Các cơ chế nhượng quyền khai thác hạ tầng theo Luật Quản lý tài sản công, hợp đồng O&M vận hành và quản lý vẫn còn vướng mắc, các dự án PPP giao thông gặp ách tắc…
Rào cản về chi phí kinh doanh cao này làm giảm tính cạnh tranh và khả năng tích luỹ vốn của nền kinh tế Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là khả năng thu hút vốn đầu tư, khả năng tạo việc làm của nền kinh tế. Ví dụ như trong lĩnh vực dệt may, Việt Nam đang bị Bangladesh vượt qua rất nhanh. Một trong những lý do vì hàng hoá của Bangladesh rẻ hơn, chi phí nhân công thấp hơn, gồm cả lương tối thiểu và các khoản phải đóng khác.
TS. Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh, các chi phí cao này khiến Việt Nam có nguy cơ bị mất đơn hàng cho các quốc gia khác. Doanh nghiệp không đầu tư mới, tình trạng các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động tăng lên. Kết quả là phải lo xử lý một bộ phận lớn người lao động mất việc làm, và việc này còn khó khăn hơn rất nhiều so với việc bảo đảm đời sống của những người lao động có việc làm. Nền kinh tế Việt Nam vẫn thiếu vốn nên cần cạnh tranh thu hút vốn, tuy nhiên, TS. Đậu Anh Tuấn cho rằng nếu các chi phí lao động quá cao thì dòng vốn sẽ không chảy vào Việt Nam. Trong bối cảnh các chính sách thu hút đầu tư Việt Nam áp dụng từ trước đến nay như ưu đãi thuế đang bị chặn lại do chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, thì việc thu hút vốn để tạo đủ việc làm cho nền kinh tế vẫn phải là mục tiêu hàng đầu./.