Hoàn thành hơn 83% nhiệm vụ lập pháp của cả nhiệm kỳ
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã Quốc hội đã thông qua 07 luật, 09 nghị quyết, cho ý kiến lần 3 đối với 01 dự án luật, cho ý kiến lần 2 đối với 01 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật khác. Trong đó, 7 luật được thông qua bao gồm: Luật Căn cước; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi). Đây là các đạo luật có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp và giải quyết những vấn đề thực tiễn cấp bách.
Với kết quả công tác lập pháp tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan đã hoàn thành 114/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt 83,2%. Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các bộ, ngành, cơ quan trung ương, chính quyền địa phương tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tập trung đầu tư nguồn lực cho xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm tiến độ và chất lượng xây dựng các dự án được giao theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Các vị đại biểu Quốc hội phát biểu, góp ý tại Phiên thảo toàn thể tại hội trường về các dự án Luật
Bảo đảm chất lượng và tính khả thi của các dự án luật
Theo dõi nội dung các phiên họp cũng kết quả về công tác lập pháp tại kỳ họp thứ 6, PGS. TS Doãn Hồng Nhung– Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc lập pháp rất lớn với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu.
Ấn tượng với không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ tại nghị trường Quốc hội, PGS. TS Doãn Hồng Nhung đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm, tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội. Tham gia thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội đã phân tích, góp ý kỹ lưỡng các vấn đề lớn, quan trọng, nhất là các chính sách mới được đề xuất, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc để các cơ quan nghiên cứu tiếp thu, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các nghị quyết của Trung ương.
Bày tỏ đồng tình cao với việc Quốc hội thống nhất chưa thông qua Luật Đất đai tại kỳ họp kỳ 6, PGS. TS Doãn Hồng Nhung cho rằng, đây là quyết sách hoàn toàn đúng đắn bởi đây là dự án luật đặc biệt quan trọng cần tiếp tục có thêm thời gian xem xét, hoàn thiện một cách thận trọng nhằm bảo đảm chất lượng và tính khả thi của các luật này sau khi được ban hành.
Cũng quan tâm tới công tác lập pháp tại kỳ họp thứ 6, Luật sư Đặng Thành Chung chia sẻ, Quốc hội với tinh thần đổi mới toàn diện đã không ngừng nâng cao chất lượng các dự án luật được ban hành. Để có được kết quả này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã rất nỗ lực, công phu, kỹ lưỡng trong công tác giải trình, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua; các nội dung thay đổi về chính sách phát sinh trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, phân tích đánh giá rất sâu sắc, thuyết phục.
Các chuyên gia và cử tri đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Đặc biệt chờ đợi và quan tâm tới Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp, Luật sư Đặng Thành Chung chia sẻ, đây là dự án Luật có nhiều nội dung phức tạp, tác động trực tiếp đến nhiều đối tượng (người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, …), có liên quan đến nhiều dự thảo luật đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến như: Luật đất đai (sửa đổi), Luật nhà ở (sửa đổi). Tuy nhiên, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội biểu quyết thông qua đã đảm bảo tính thống nhất, tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật; những phương án được lựa chọn đã được giải trình hết sức tháo đáo, thuyết phục.
“Tôi kỳ vọng dự án luật sẽ tiếp cận được thị trường, phù hợp với các quy luật của thị trường; gắn được với thực tiễn, giải quyết những điểm đang vướng mắc, khó khăn và tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất với hệ thống các văn bản pháp luật liên quan; đảm bảo được quyền lợi của các bên tham gia giao dịch BĐS; góp phần nâng cao sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước và thúc đẩy thị trường bất động sản tại Việt Nam phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững, công khai, minh bạch…”, Luật sư Đặng Thành Chung chia sẻ.
Cùng đánh giá cao kết quả của Kỳ họp thứ 6 cũng như nỗ lực của Quốc hội trong công tác lập pháp, nhiều ý kiến cử tri cũng bày tỏ, trong nửa đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, hoạt động lập pháp của Quốc hội ngày càng đổi mới, phản ứng kịp thời, nhanh chóng, linh hoạt; ngày càng đáp ứng yêu cầu thực tế cuộc sống…
Cử tri cũng bày tỏ tin tưởng Chính phủ triển khai có hiệu quả các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua. Đồng thời, ban hành đồng bộ, đúng thời hạn văn bản quy định chi tiết thi hành luật… để người dân sớm được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách mới được thông qua tại kỳ họp./.