RÀ SOÁT, HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ CÁC CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC

30/11/2023

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Tán thành sự cần thiết cũng như nhiều chính sách mới tại dự thảo luật tuy nhiên, dưới góc độ nghiên cứu PGS.TS. Lê Thị Hoài Thu, Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần tiếp tục rà soát và hoàn thiện quy định về các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc .

SỬA ĐỔI LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI: CẦN KẾT HỢP HÀI HÒA GIỮA KẾ THỪA, ỔN ĐỊNH VỚI ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi được kết cấu gồm 10 chương và 136 điều (Luật BHXH năm 2014 gồm 09 chương và 125 điều). Dự thảo Luật cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn bao gồm: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; Giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; Sửa đổi quy định hưởng BHXH một lần; Bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH; Sửa đổi căn cứ đóng BHXH bắt buộc;…

Luật BHXH sửa đổi lần này được kỳ vọng sẽ có những giải pháp, đột phá để thực hiện được lộ trình cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.

Tán thành sự cần thiết cũng như nhiều chính sách mới tại dự thảo luật tuy nhiên, dưới góc độ nghiên cứu PGS.TS. Lê Thị Hoài Thu, Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần tiếp tục rà soát và hoàn thiện quy định về các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cụ thể:

 PGS.TS. Lê Thị Hoài Thu, Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội

Cân nhắc mức hưởng trợ cấp ốm đau phù hợp 

Về chế độ ốm đau: Thứ nhất, điều kiện hưởng chế độ ốm đau quy định tại Điều 39 của Dự thảo luật BHXH đã làm rõ các trường hợp người lao động không được hưởng chế độ ốm đau thành mục riêng và liệt kê cụ thể các trường hợp không được hưởng là hợp lý, dễ hiểu, rõ ràng, thuận tiện trong việc thực hiện. Tuy nhiên, Dự thảo cần quy định thêm thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu của người lao động trước khi nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau nhằm đảm bảo cân đối quỹ, thực hiện nguyên tắc hưởng thụ theo đóng góp, tránh sự lạm dụng quỹ bảo hiểm xã hội. Theo khuyến cáo của ILO, nhằm đảm bảo công bằng, tránh lạm dụng tài chính của quỹ bảo hiểm và tăng cường gắn kết trách nhiệm, quyền lợi của người lao động, các quốc gia thành viên cần quy định điều kiện này 6. Theo đó, một số nước như Thái lan quy định người lao động phải đóng 3 tháng  trong vòng 12 tháng hay Singapore quy định thời gian đóng bảo hiểm ít nhất là 6 tháng.

 Thứ hai, về thời gian hưởng đối với người lao động mắc bệnh cần điều trị dài ngày được qui định tại khoản 2 Điều 40 Dự thảo luật BHXH nhìn chung là hợp lý. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 40 có ghi "Thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động qui định tại điểm d khoản 1 Điều 3 của Luật này căn cứ vào chỉ định về thời gian điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền", quy định này chưa khắc phục được trường hợp người lao động sau khi hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau, họ chỉ cần đi làm lại từ 1 đến 2 tháng, rồi lại đề nghị hưởng thì tổng thời gian hưởng của lần sau còn cao hơn lần trước.

Trong khi đó, trước đây danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày chỉ có 11 bệnh 7, đến nay danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày đã lên đến 332 bệnh 8. Hơn nữa, pháp luật lại không có qui định về điều kiện thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ ốm đau cũng như số lần được hưởng. Điều này sẽ không đảm bảo được nguyên tắc đóng - hưởng của bảo hiểm xã hội và dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng quỹ.

 Thứ ba, về mức trợ cấp ốm đau theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và trong Dự thảo luật BHXH vẫn giữ nguyên là 75% mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của tháng gần nhất trước tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau. Riêng đối với sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân là 100% mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Như vậy, mức hưởng trợ cấp ốm đau của lực lượng vũ trang cao hơn nhiều so với những người lao động khác. Trong khi bản chất của bảo hiểm xã hội được hình thành trên cơ sở sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động nhưng lại có sự ưu tiên, ưu đãi trong bảo hiểm xã hội nói chung và chế độ ốm đau nói riêng với đối tượng thuộc lực lượng vũ trang. Dẫu biết rằng đối tượng lực lượng vũ trang do yếu tố đặc thù của nghề nghiệp nên cần có sự ưu tiên, ưu đãi. Sự ưu tiên, ưu đãi đó cần được thể hiện trong hệ thống tiền lương và do Nhà nước đảm bảo. Do vậy, Dự thảo luật BHXH nên cân nhắc đến vấn đề này.

Rà soát bổ sung đầy đủ đối tượng áp dụng chế độ thai sản 

Về chế độ thai sản: Thứ nhất, đối tượng áp dụng chế độ thai sản theo Điều 47 của Dự thảo luật BHXH chưa bao quát hết các đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 2 của Bộ luật lao động năm 2019, đó là "người học nghề, người tập nghề và người làm việc không có quan hệ lao động". Trong đó, người làm việc không có quan hệ lao động bao gồm: người tự tạo việc làm, người làm việc theo hợp đồng dịch vụ, người làm việc trên cơ sở hợp tác, người làm việc trên nền tảng công nghệ.

Thứ hai, dự thảo luật BHXH cần bổ sung thời gian nghỉ, mức trợ cấp khi lao động nữ mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền

Thứ ba, tại Điều 49 Dự thảo Luật BHXH quy định về thời gian hưởng chế độ khi khám thai. Theo đó, Dự thảo quy định trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 05 lần, mỗi lần từ 01 đến 02 ngày theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

Việc quy định thời gian nghỉ đối với lao động nữ là 05 ngày cần phải xem xét lại bởi căn cứ vào Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản (Ban hành kèm theo Quyết định số 4128/QĐ-BYT ngày 29/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế) thì khám sản khoa được thực hiện 03 lần vào 03 tháng đầu, ba tháng giữa 03 tháng cuối. Bởi vậy việc quy định thời gian được nghỉ khi lao động nữ khám thai 05 lần là không có cơ sở pháp lý. Cần cân nhắc và xem xét lại số ngày nghỉ này để đảm bảo tính khoa học và y học.

Thứ tư, theo quy định tại Điều 117 của dự thảo luật BHXH sửa đổi thì thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ khi sảy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc mang thai bệnh lý chưa được quỹ BHXH đóng BHYT. Về nội dung này, dự thảo cần bổ sung quy định quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế cho lao động nữ khi sảy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc mang thai bệnh lý khi có thời gian nghỉ trên 14 ngày làm việc trở lên trong tháng không có lương nhằm đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho lao động nữ.

Sửa đổi toàn diện Luật Bảo hiểm xã hội 

 Nghiên cứu cách tính chung cho các đối tượng hưởng trợ cấp

Về chế độ hưu trí: Thứ nhất, dự thảo luật BHXH đã sửa đổi quy định về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt cùng với việc điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc công bằng, đóng – hưởng và có sự chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm. Theo đó, điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm từ 20 năm xuống còn 15 năm. Việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng hưu trí hàng tháng sẽ hạn chế tối đa các trường hợp hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng cơ hội cho nhiều người lao động tham gia, nhất là lao động trong khu vực phi chính thức. Tuy nhiên, quy định trợ cấp một lần khi nghỉ hưu cao hơn (Điều 68 dự thảo luật BHXH) nhằm khuyến khích người lao động đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian dài hơn chủ yếu hướng tới đối tượng đóng bảo hiểm xã hội sau khi nghỉ hưu mà chưa tính đến quyền lợi cho những người tham gia quan hệ lao động. Do đó, cần có cách tính chung cho các đối tượng hưởng trợ cấp.

Thứ hai, cần có những quy định cụ thể về giải quyết chế độ hưu trí cho người lao động nước ngoài. Như qui định về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để xét điều kiện tính hưởng chế độ hưu trí. Theo đó, tổng thời gian tham gia đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội của Việt Nam và quỹ bảo hiểm xã hội của quốc gia đối tác dựa trên cơ sở đàm phán hay ký kết Điều ước quốc tế giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ quốc gia đó về bảo hiểm xã hội.

Thứ ba, dự thảo cần có quy định liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng bảo hiểm xã hội cơ bản đối với những người đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu, chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội mà không nhận bảo hiểm xã hội một lần nhằm gia tăng quyền lợi cho người lao động nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội.

Cần quy định rõ các trường hợp không được lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần

Về chế độ tử tuất: Thứ nhất, trợ cấp tiền tuất một lần và trợ cấp tiền tuất hàng tháng còn có sự chênh lệch đáng kể. Trong một số trường hợp, nhiều người lao động chết không còn thân nhân đủ điều kiện hưởng tiền tuất hàng tháng hoặc thời gian hưởng trợ cấp tuất hàng tháng là rất ngắn dẫn đến sự chênh lệch giữa tổng mức hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng và trợ cấp tiền tuất một lần rất lớn. Do chưa có quy định cụ thể để xác định thu nhập của thân nhân nên dẫn đến sự tùy tiện trong việc giải quyết. Cụ thể: có trường hợp thân nhân người chết tìm cách lách luật, kê khai hoàn cảnh gia đình để hưởng trợ cấp tuất một lần hoặc hàng tháng theo hướng có lợi hơn, gây thất thoát cho quỹ bảo hiểm xã hội. Về vấn đề này, Dự thảo luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng cần tính đến.

Thứ hai, khoản 3 Điều 86 Dự thảo luật BHXH (sửa đổi) quy định: "Thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng theo qui định tại khoản 2 Điều 84 mà có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần". Với quy định này có thể sẽ làm mất đi tính nhân văn của chế độ tử tuất. Bởi lẽ, đối tượng hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng là con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con khi người mẹ đang mang thai mà người bố chết… nay thân nhân hưởng trợ cấp tiền tuất một lần nhưng không biết quản lý hoặc chi tiêu sai mục đích sẽ gây khó khăn trong cuộc sống với những đối tượng này dẫn đến cuộc sống gặp nhiều khó khăn và làm mất đi khả năng hỗ trợ của chế độ tử tuất. Do vậy, dự thảo luật cần quy định rõ các trường hợp không được lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần nhằm đảm bảo cuộc sống lâu dài cho họ./.

Lê Anh - Ngọc Thúy