KINH TẾ TUẦN HOÀN LÀ CON ĐƯỜNG TẤT YẾU XÂY DỰNG MỘT NỀN KINH TẾ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TRONG TƯƠNG LAI

27/11/2023

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS.Phạm Tú Tài, Khoa Kinh tế chính trị - Học viện chính trị khu vực I cho rằng, kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích, là con đường tất yếu phải thực hiện nhằm xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững trong tương lai.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Kỳ họp thứ 6

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS.Phạm Tú Tài, Khoa Kinh tế chính trị - Học viện chính trị khu vực I cho biết, kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích, là con đường tất yếu phải thực hiện nhằm xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững trong tương lai.

Tác động của mô hình kinh tế tuần hoàn đến bền vững về kinh tế: Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên liệu đã qua sử dụng thay vì phải mất chi phí để xử lý; giảm thiểu khai thác tài nguyên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên, hạn chế tối đa chất thải ra môi trường vì kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các tài nguyên, chất thải của quá trình sản xuất trước được tận dụng lại hoặc tái sử dụng, các dòng phế liệu được biến thành đầu vào để tiếp tục sản xuất; Phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ giúp giảm chi phí về quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với  biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, kinh tế tuần hoàn làm nảy sinh nhiều ngành nghề, đem đến nhiều cơ hội kinh doanh hơn (chẳng hạn như tân trang các mặt hàng cũ, thu thập các tài nguyên đã qua sử dụng như quần áo hoặc đồ điện tử); kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên, tạo động lực để đầu tư đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng. Kinh tế tuần hoàn cung cấp một góc nhìn mới về sử dụng các nguồn nguyên liệu theo hướng tiết kiệm, hiệu quả hơn, đồng thời không ngừng nhắc nhở mọi người sử dụng có hiệu quả nguồn lực như nước, năng lượng, nguyên vật liệu và cả thực phẩm với vòng đời dài hơn, đạt giá trị cao hơn.

Tác động của kinh tế tuần hoàn đến bền vững về mặt xã hội: Kinh tế tuần hoàn mang lại lợi ích cho người tiêu dùng cả về kinh tế và sức khỏe; tạo cơ hội việc làm mới trong các lĩnh vực liên quan đến triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong các khâu và trong các ngành.

Tác động của kinh tế tuần hoàn đến bền vững về môi trường: Phát triển kinh tế tuần hoàn thể hiện trách nhiệm quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu; Mô hình kinh tế tuần hoàn đã khuyến khích dung hòa giữa mục tiêu tiêu tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái - mục tiêu lý tưởng cho các ngành công nghiệp, các cá nhân và chính phủ. Phát triển kinh tế tuần hoàn góp phần làm giảm khí thải carbon, vì toàn bộ mô hình kinh tế tuần hoàn xoay quanh mục tiêu không chất thải, việc quản lý nguyên vật liệu bền vững và hiệu quả, tái sử dụng, tạo ra các sản phẩm hữu ích và thân thiện với môi trường.

Kinh tế tuần hoàn có thể được xem như một giải pháp đáp ứng được nhiều mục tiêu của Nghị quyết số 136/NQ-CP về phát triển bền vững. Phát triển kinh tế tuần hoàn là giải pháp tất yếu để nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện năng lực cạnh tranh của quốc gia, bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái.

Về thực trạng triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn của Việt Nam, TS.Phạm Tú Tài, Khoa Kinh tế chính trị - Học viện chính trị khu vực I cho biết, Chủ trương về phát triển kinh tế tuần hoàn đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cụ thể Nghị quyết chỉ ra: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Khái niệm về kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đã được đưa ra trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Sau khi kinh tế tuần hoàn đã được luật hóa tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Quyết định 687/QĐ-Ttg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam ngày 7/6/2022 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, các nhà hoạch định chính sách đã nỗ lực nghiên cứu các giải pháp phù hợp nhằm triển khai, áp dụng kinh tế tuần hoàn trong thực tiễn. Cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn được quy định tại khoản 8 điều 140 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, trong đó vai trò của công cụ thuế, phí trong thực hiện kinh tế tuần hoàn được quy định thông qua các loại hình dự án đầu tư bảo vệ môi trường như thu gom, xử lý, tái chế chất thải, sản xuất năng lượng sách, năng lượng tái tạo….

Việt Nam đã có một số chính sách về bảo vệ môi trường (Luật Bảo vệ môi trường), phát triển bền vững (Chiến lược phát triển bền vững, Chiến lược tăng trưởng xanh), các chính sách về tiết kiệm năng lượng (Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030).

Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Hầu hết các hiệp định này đều có các quy định, thỏa thuận về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phải tuân thủ các tiêu chuẩn về phát thải, chất thải và khí thải. Đây là tiền đề để thúc đẩy Việt Nam phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.

Minh Hùng