GÓC NHÌN: GÓP Ý HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THU HÚT NHÂN TÀI, CHẾ ĐỘ THU NHẬP CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TẠI DỰ THẢO LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)
TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 27/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)
Luật Thủ đô đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ tư ngày 21/11/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2013. Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Thủ đô đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về vị trí, vai trò và định hướng phát triển Thủ đô, đã tác động tích cực tới phát triển kinh tế- xã hội và quản lý Nhà nước trên địa bàn Thủ đô.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 07 chương, 59 điều (tăng 03 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều). Một trong những nội dung nổi bật được đề cập trong dự án Luật là vấn đề thu hút trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được quy định tại Điều 17. Đây là yếu tố quan trọng để Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển xứng tầm với vị thế, tiềm năng sẵn có, được các ĐBQH nêu lên trong phiên thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sáng 27/11.
Phải có chính sách để tìm kiếm và phát hiện nhân tài
Khẳng định tầm quan trọng của thu hút nhân tài cho sự hưng thịnh của quốc gia, đại biểu, Hòa thượng Thích Thanh Quyết – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Thế kỷ thứ XV, Tiến sĩ Thân Nhân Trung có nói: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Vì thế, các bậc đế vương thánh minh không đời nào là không coi trọng việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm việc trọng yếu". Bởi vậy, đề nghị trong Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này cần làm rõ một số cơ chế, chính sách đặc thù, thiết thực, áp dụng được ngay để xây dựng Thủ đô trở thành một trung tâm giáo dục chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế. Đặc biệt, phải quan tâm tới việc quy định về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển thủ đô và phát triển cả nước.
Đại biểu, Hòa thượng Thích Thanh Quyết – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh.
Theo đại biểu Thích Thanh Quyết, dự án Luật mới chỉ đề cập sơ lược về tuyển dụng, thu hút nhân tài vẫn còn chung chung, không định hình được tiêu chí áp dụng trong thực tiễn; chưa quy định rõ về cách thức tổ chức sử dụng nhân tài sau khi được tuyển dụng; chưa thể hiện rõ chế độ thù lao dành cho nhân tài; chính sách đào tạo, bồi dưỡng quy hoạch, đánh giá, sử dụng, bổ nhiệm nhân tài sau khi được vào làm việc các cơ quan của Nhà nước.
Từ những nhận định trên, đại biểu Thích Thanh Quyết đề nghị bổ sung các quy định cụ thể về chính sách thu hút trọng dụng nhân tài. Theo đó, cần có quỹ phát triển nhân tài, tạo cơ chế thông thoáng, vượt trội để nhân tài cống hiến cho thủ đô và đất nước tốt hơn.
Đưa ra quan điểm về nội dung trên, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng - Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ nhấn mạnh: Việc Luật Thủ đô năm 2012 chỉ có một câu tại khoản 2 Điều 13 nêu về chính sách trọng dụng nhân tài mà không có nội hàm nào đi kèm thì dự thảo luật lần này sửa đổi đã có hẳn một điều là Điều 17 quy định về nội dung này, cho thấy một sự tiến bộ rất rõ và khẳng định tầm quan trọng của vấn đề này. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, quy định còn chưa rõ, chưa đầy đủ và cần phải hoàn thiện để việc triển khai được khả thi và hiệu quả hơn. Theo số liệu tra cứu, giai đoạn 2013-2022 Hà Nội chỉ thu hút được 55 nhân tài là thủ khoa các trường đại học, Tp.Hồ Chí Minh là một nơi cũng có rất nhiều các chính sách để thu hút nhân tài trong giai đoạn 2018-2022 nhưng chỉ thu hút được nhân tài. Để thu hút nhân tài đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô Hà Nội, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất một số giải pháp cơ bản:
Thứ nhất, dự thảo Luật đang đặt nội dung về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Chương II về chính quyền Thủ đô. Cách sắp xếp này còn tương đối khiên cưỡng và không phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng - Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ.
Thứ hai, thực tế cho thấy, không thể chỉ đưa ra một số ưu đãi và chờ người tài tự đến với mình mà phải chủ động tìm kiếm, phát hiện, từ đó lôi kéo để thu hút họ. Chính phủ nhiều quốc gia, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các cơ sở nghiên cứu, vườn ươm công nghệ đã chủ động tìm kiếm, phát hiện nhân tài từ rất sớm khi họ còn đang là học sinh, sinh viên, sẵn sàng hỗ trợ kinh phí học tập, trả lương, ký cam kết tuyển dụng từ trước khi ra trường. Vì vậy, nếu chỉ thu hút, trọng dụng nhân tài là chưa đủ mà cần phải có chính sách để tìm kiếm và phát hiện nhân tài.
Thứ ba, cần làm rõ hơn khái niệm nhân tài. Theo đó, người tài không có nghĩa là người thông minh nhất, có nhiều bằng cấp nhất và học vị cao nhất, mà là người phù hợp nhất với công việc, đạt được kết quả cao nhất trong việc được giao; có tầm nhìn và khả năng phát triển trong tương lai. Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã có một câu nói rất nổi tiếng, đó là "Tôi ưa chuộng hiệu quả với một công chức trẻ ở vị trí cao, tôi không quan tâm là anh ta đã làm việc bao nhiêu năm, nếu anh ta là người tốt nhất cho vị trí đó thì hãy sếp anh ta ở vị trí đó".
Với những lý do nêu trên, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị cần có một chương riêng về nội dung này, nên đặt tên là “Đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”. Chương này nên gồm các Điều 17, Điều 24 và Điều 25 hiện đã có trong dự thảo luật, vì các nội dung của 3 điều này có liên quan chặt chẽ với nhau, gắn với bồi dưỡng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có nhân tài. Ngoài ra, cần nghiên cứu bổ sung một số các quy định như sau:
Một là, xây dựng chính sách thông tin truyền thông về phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hai là, bổ sung cơ chế, chính sách về phát hiện sớm nhân tài, từ đó có lộ trình hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng vào những ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm cần thiết cả trong khu vực công và các khu vực quan trọng khác.
Ba là, bổ sung cơ chế, chính sách về xây dựng môi trường làm việc công bằng, chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, tạo mọi điều kiện để người tài phát triển, cống hiến, thực hiện bằng được phương châm 4 không, đó là không được, không thể, không muốn và không dám tham nhũng.
Bốn là, xem xét bổ sung chính sách hỗ trợ nhà ở như mua, thuê, thuê mua, điều kiện làm việc tại nhà, các chế độ hỗ trợ khác cho gia đình, vợ, con người có tài để giúp họ yên tâm cống hiến, làm việc. Ví dụ, như Trung Quốc cũng đã có một chính sách rất riêng về nhà ở cho người tài và đây là một trong những yếu tố để giúp cho nước này trong vòng 5 năm qua đã thu hút được khoảng 900 nhân tài từ khắp nơi trên thế giới về làm việc trong khu vực công.
Năm là, cân nhắc chính sách thử nghiệm cho phép chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã khẳng định được tài năng, kinh nghiệm của mình tại các nước phát triển, các cơ sở nghiên cứu uy tín cao, các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới có thể được phép nắm giữ các vị trí lãnh đạo điều hành tại các tổ chức, đơn vị dự án, đề án nghiên cứu thuộc các trường đại học, các viện nghiên cứu, các trung tâm đổi mới sáng tạo, đơn vị sự nghiệp công thì các nước quanh chúng ta như Malaysia hoặc Thái Lan cũng đang làm rất tốt việc này.
Thu hút đối tượng năng lực vượt trội, trình độ chuyên môn cao, tài năng đặc biệt trong một số lĩnh vực
Để cụ thể hóa yêu cầu tại Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, tại Điều 17 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thiết kế một khoản về thu hút trọng dụng nhân tài và khoản 2 về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thủ đô, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh đến đối tượng thu hút bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài có năng lực vượt trội, trình độ chuyên môn cao, tài năng đặc biệt trong một số lĩnh vực. Đây có thể được xem là một nội dung rất quan trọng nhằm tạo ra cú hích trong cơ chế thu hút và trọng dụng phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Thủ đô Hà Nội.
Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông.
Tuy nhiên, để quy định có tính khả thi hơn cũng cần trao quyền cho Hội đồng nhân dân thành phố ban hành các văn bản quy định cụ thể hơn với các đối tượng cần thu hút. Có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng để có quy định về chế độ, chính sách cho phù hợp trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ để thu hút. Đặc biệt, giữ chân được người tài cũng như cần lưu ý đến một số điều kiện đảm bảo khác như xây dựng môi trường làm việc phù hợp, môi trường làm việc khuyến khích sự năng động, sáng tạo, đổi mới, tạo điều kiện cho người tài năng cống hiến và thăng tiến chính là yếu tố quyết định để giữ chân và phát huy tiềm năng của người tài. Bởi lẽ, môi trường mà ở đó họ được khẳng định chính mình, bộc lộ năng lực, sở trường được tôn trọng và trọng dụng là điều quan trọng hơn cả đối với người tài, thậm chí còn có vai trò ý nghĩa quan trọng hơn cả chế độ đãi ngộ.
Đối với Thủ đô Hà Nội cần phải có chế độ chính sách đặc thù giống như Tp.Hồ Chí Minh để có cơ chế tốt, cơ chế thoáng để thu hút được nhân tài phục vụ cho thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, trong quy định tại khoản 2 Điều 7 có những nội dung ghi rất chung chung là Hà Nội phát triển nguồn nhân lực nói chung, mà chưa giải thích được rõ ràng căn cứ pháp lý cho những đối tượng thuộc diện chưa có quy định. Ví dụ như đào tạo học sinh, sinh viên nhưng đối tượng học sinh, sinh viên này có cơ chế đặc thù như thế nào và đối tượng học ra sao. Như thời gian qua có một số nơi, đặc biệt như thành phố Đà Nẵng, Tp.Hồ Chí Minh và một số nơi khác sinh viên đào tạo xong không trở về nước mà ở nước ngoài luôn, thậm chí về cũng không phục vụ cho cơ quan quản lý nhà nước mà lại phục vụ cho doanh nghiệp tư nhân, trong khi đó ngân sách của thành phố bỏ tiền ra cho nhóm đối tượng ăn học.
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.
Với lý lẽ trên, đại biểu Phạm Văn Hòa thống nhất phải có quy định cụ thể để ràng buộc về phục vụ cho thành phố như thế nào, ra làm sao trong thời gian bao nhiêu năm để mang lại hiệu quả, không phải như trước đây.
Kết luận về nội dung các ĐBQH nêu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định: Đối với Luật Thủ đô, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc nghiên cứu kỹ lưỡng, đầy đủ, tiếp thu, giải trình thấu đáo ý kiến của các ĐBQH. Tổ chức thêm việc lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia, các nhà quản lý, các hiệp hội; tổ chức các hội nghị, tọa đàm để trao đổi thêm ý kiến, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật và tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để cho ý kiến đối với dự thảo luật trước khi hoàn thiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ bảy của Quốc hội vào tháng 5/2024.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.
Đối với các báo cáo của Chính phủ về sơ kết thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.Hồ Chí Minh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để bổ sung kết luận của Quốc hội về nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV. Trình Quốc hội thông qua tại phiên bế mạc theo hướng tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn các Nghị quyết Quốc hội để đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới, phát huy hiệu quả nhất các cơ chế đặc thù mà Quốc hội đã dành cho các địa phương./.