TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 24/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐƯỜNG BỘ
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành thảo luận tại phiên họp
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để đảm bảo không trùng lặp, tránh chồng chéo; có ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc các nội dung thiên về hoạt động giao thông đường bộ. Có đại biểu đề nghị hai cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xác định rõ hơn nội hàm, phạm vi điều chỉnh của dự án luật, từng nội dung cụ thể để quy định mỗi dự thảo luật cho phù hợp, hạn chế sự chồng chéo, tạo thuận lợi trong việc thi hành luật.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an rà soát, chỉnh lý dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ để bảo đảm tính thống nhất, không trùng lặp, thuận lợi trong áp dụng pháp luật.
Về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ, có ý kiến đề nghị quy định tỷ lệ phù hợp với các khu vực, vùng, khuyến khích các địa phương mở rộng, dành tối ưu quỹ đất cho không gian giao thông phát triển; cần phải có đánh giá tác động và đặc biệt là rà soát cụ thể thực tế để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện. Cũng có ý kiến đề nghị nghiên cứu lại nội dung này vì hiện nay các đô thị đều theo hướng nâng cấp từ đô thị. Vì vậy, khi nâng từ đô thị loại thấp lên đô thị loại cao, tỷ lệ này sẽ không đảm bảo; đề nghị làm rõ trường hợp nâng cấp đô thị thì tỷ lệ quỹ đất được tính như thế nào?
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội
Giải trình làm rõ nội dung này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, quy định này được nghiên cứu xây dựng trên cơ sở Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022. Tại khoản 4 Điều 15 dự thảo Luật quy định tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị đối với đô thị xây dựng mới, vì vậy quy định này không áp dụng đối với các đô thị hiện hữu. Đồng thời, dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định về khu vực đặc thù không thể đảm bảo được tỷ lệ quỹ đất theo quy định chung do yêu cầu phải bảo tồn các khu đô thị cổ; các đô thị nằm ở vùng núi, biên giới hải đảo điều kiện mặt bằng rất khó khăn.
Về nguồn tài chính để đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ, có ý kiến đề nghị đánh giá sự cần thiết bổ sung phí sử dụng đường cao tốc bên cạnh phí sử dụng đường bộ qua đầu phương tiện. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nêu rõ thực hiện chủ trương của Quốc hội tại các Nghị quyết phê duyệt đầu tư các tuyến đường cao tốc, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai nghiên cứu phương án thu trên các tuyến đường cao tốc do nhà nước đầu tư, xem xét, phân tích đánh giá tác động trong trường hợp phát sinh thu phí và không thu phí đối với các tuyến đường cao tốc do nhà nước đầu tư.
Kết quả nghiên cứu cho thấy: Các tuyến đường cao tốc do nhà nước đầu tư đều có đường quốc lộ song hành, cho phép người tham gia giao thông có quyền lựa chọn sử dụng đường cao tốc hoặc đường quốc lộ. So với việc tham gia giao thông trên đường quốc lộ thông thường, người tham gia giao thông trên đường cao tốc được hưởng nhiều lợi ích hơn do tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí vận tải, chi phí nhiên liệu, chi phí khấu hao phương tiện.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng
Tại Nghị định số 09/2020/NĐ-CP ngày 13/01/2020 quy định “Phí sử dụng đường bộ” thu trên đầu phương tiện ô tô (sau khi trừ chi phí tổ chức thu), được nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước và sử dụng phục vụ công tác quản lý, bảo trì đường bộ. Hình thức thu phí sử dụng đường bộ hiện tại chưa phân loại được người sử dụng đường bộ thông thường và người sử dụng đường bộ cao tốc (được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn như: tiết kiệm thời gian và quãng đường lưu thông; tiết kiệm chi phí vận tải; tiết kiệm nhiên liệu; giảm khấu hao tài sản; an toàn khi lưu thông….).
Với chất lượng dịch vụ tốt hơn mà không thu phí trên đường cao tốc thì người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ sẽ có xu hướng tập trung lưu thông trên đường cao tốc. Điều này dẫn đến lưu lượng phương tiện trên đường cao tốc tăng cao, gây ra tình trạng phương tiện chuyển làn liên tục, thậm chí vi phạm đi vào làn dừng khẩn cấp, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao, làm giảm vận tốc trung bình lưu thông trên đường cao tốc, làm giảm hiệu quả khai thác đường cao tốc. Do đó, việc thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc cũng là một trong các công cụ, giải pháp để tăng cường công tác quản lý, đảm bảo công bằng cho người sử dụng.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, để đảm bảo sự phù hợp giữa mức phí đóng góp và chất lượng dịch vụ được hưởng của người sử dụng, căn cứ trên nguyên tắc người sử dụng dịch vụ có chất lượng cao hơn thì phải trả chi phí cao hơn và người sử dụng có quyền lựa chọn tuyến song hành, dự thảo Luật đã bổ sung quy định này. Mức thu sẽ được xác định theo từng tuyến cao tốc đảm bảo phù hợp với điều kiện khai thác từng khu vực, phù hợp với chất lượng dịch vụ nhưng không vượt quá lợi ích thu được và khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc, đảm bảo cân đối lợi ích của người dân và nhà nước.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm, kinh nghiệm các nước Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ đã áp dụng tương tự, đảm bảo cân đối lợi ích người dân và nhà nước. Hiện nay, việc thu phí theo đầu phương tiện mới chỉ đáp ứng từ 35-40% nhu cầu bảo trì. Như vậy nếu như hệ thống đường cao tốc được đưa vào vận hành nếu không có khoản thu sẽ rất khó khăn bởi kinh phí phí bảo trì cũng rất lớn.
Về quy định chung đối với đường cao tốc, có ý kiến đề nghị nên bổ sung quy định về việc đầu tư đường cao tốc phải đồng bộ, có thể phân kỳ đầu tư nhưng đoạn nào phải đồng bộ đoạn đó và phải đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, tại khoản 2 Điều 50 dự thảo Luật đã quy định việc đầu tư đường cao tốc phải đồng bộ. Đồng thời, tại khoản 4 Điều 50 dự thảo Luật cũng quy định về việc phân kỳ đầu tư đường cao tốc. Các yêu cầu cụ thể với đường cao tốc phân kỳ đầu tư sẽ được Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu quy định tại Quy chuẩn quốc gia về thiết kế đường cao tốc để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 91 dự thảo Luật Đường bộ cũng đã quy định chuyển tiếp đối với các dự án đường cao tốc phân kỳ, theo đó đối với các dự án đường cao tốc phân kỳ đầu tư đã được quyết định đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tại Luật này được tiếp tục đầu tư theo lộ trình tại quy hoạch được duyệt.
Về đầu tư xây dựng, phát triển đường cao tốc, có ý kiến đề nghị xem xét lại quy định quyết định chủ trương đầu tư sẽ phải thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy mô quy hoạch. Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, từ thực tiễn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cho thấy, giải phóng mặt bằng luôn là nội dung rất phức tạp, là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện, chậm tiến độ, đội vốn đầu tư. Bên cạnh đó, chính sách, đơn giá bồi thường luôn được điều chỉnh, nếu chỉ giải phóng mặt bằng với quy mô phân kỳ, địa phương rất khó quản lý phần diện tích còn lại chưa giải phóng, hơn nữa việc thực hiện giải phóng mặt bằng bổ sung khi mở rộng lên quy hoạch rất phức tạp; kinh phí sẽ lớn hơn rất nhiều so với giải phóng mặt bằng thực hiện một lần.
Ngoài ra, đối với đường cao tốc phải đầu tư hệ thống đường gom, đường bên hai bên; đường gom phải được xây dựng ngoài phạm vi đất dành cho cao tốc nên không thể quản lý phần diện tích đất nằm xen kẹt giữa đường gom và đường cao tốc. Rút kinh nghiệm từ những vướng mắc trong thực tiễn, tại Nghị quyết về chủ trương đầu tư một số đường cao tốc, Quốc hội đã quy định việc giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch. Như vậy, việc thực hiện giải phóng mặt bằng luôn theo quy mô quy hoạch vừa là chính sách nhằm phát triển đường cao tốc (chỉ áp dụng đối với dự án đường cao tốc); vừa là chính sách đã được thực hiện, tổng hợp kinh nghiệm trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.
Về hoạt động vận tải đường bộ, có ý kiến cho rằng tổ chức cá nhân sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin như các ứng dụng Grab, Bee để hỗ trợ kết nối tổ chức cá nhân cung cấp dịch vụ vận chuyển với hành khách hoặc người thuê giao hàng được xếp vào loại hình kinh doanh vận tải bằng ô tô là không đúng bản chất kinh doanh.
Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, tại Điều 77 dự thảo Luật Đường bộ quy định như sau: “Dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ gồm kinh doanh dịch vụ bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, đại lý vận tải hàng hóa, đại lý bán vé, dịch vụ thu gom hàng, dịch vụ chuyển tải, dịch vụ kho bãi hàng hoá, dịch vụ xếp dỡ hàng hoá trên phương tiện, dịch vụ cho thuê phương tiện, dịch vụ cứu hộ giao thông đường bộ, ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô”. Theo đó ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô là dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, không phải là hoạt động kinh doanh vận tải. Chỉ trong trường hợp tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô thực hiện ít nhất một trong các công đoạn gồm: điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi) thì sẽ xác định là kinh doanh vận tải theo quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 61 dự thảo Luật Đường bộ.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải đã rà soát và quy định về các giải thích từ ngữ theo hướng: các thuật ngữ được quy định tại Điều 3 là các thuật ngữ được lặp đi lặp lại nhiều lần trong dự thảo Luật; các thuật ngữ chỉ sử dụng tại điều khoản cụ thể sẽ được đưa vào điều cụ thể đó để thuận tiện trong quá trình áp dụng.
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đề cập đến các vấn đề hành lang an toàn giao thông, trạm dừng nghỉ, các hoạt động sửa chữa, nâng cấp, bảo vệ môi trường…Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đây là những vấn đề sẽ phải tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng và sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại buổi thảo luận nay để chỉnh lý, hoàn thiện, đảm bảo chất lượng tốt nhất khi trình Quốc hội trong kỳ họp tới.