NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, TÍNH KHẢ THI CỦA DỰ ÁN LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG (SỬA ĐỔI), ĐẢM BẢO TÍNH ĐỒNG BỘ CỦA HỆ THỐNG PHÁP LUẬT

23/11/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 23/11, tại Nhà Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 23/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI)

Phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến phát biểu của các đại biểu tại phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng thay mặt Ban soạn thảo cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã chia sẻ, quan tâm, đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đây là luật khó, phức tạp, chuyên sâu, có tầm ảnh hưởng lớn, vì vậy, ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội là rất đáng trân trọng, sẽ được tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo luật.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tổ chức tín dụng là doanh nghiệp, hoạt động tuân thủ theo các pháp luật về doanh nghiệp, tuy nhiên tổ chức tín dụng cũng là trung gian tài chính, huy động tiền của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức khác để cho vay, nên các tổ chức tín dụng cũng phải hoạt động tuân thủ theo các quy định để đảm bảo kiểm soát rủi ro, tuân thủ các giới hạn an toàn. Luật Các tổ chức tín dụng này sẽ có những quy định đảm bảo giới hạn an toàn để kiểm soát rủi ro.

 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng

Với tính chất khó và phức tạp nêu trên, trong quá trình dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), ban soạn thảo đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là sự quan tâm từ sớm, từ xa của các lãnh đạo Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội. Nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, cuộc họp đã được tổ chức, qua đó, nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ra những ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm để hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình Quốc hội. Ngay sau phiên thảo luận của Quốc hội về dự án luật này tại Kỳ họp thứ 5, cơ quan soạn thảo đã tích cực phối hợp với Ủy ban Kinh tế, các bộ, ngành để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, báo cáo Chính phủ.

Trong dự thảo luật này, có nhiều quy định được tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp trước, đặc biệt là những nội dung nâng cao khả năng quản trị, điều hành của các tổ chức tín dụng, để hạn chế lạm dụng quyền của cổ đông lớn; bổ sung yêu cầu trách nhiệm, các giải pháp từ chính các cổ đông của các tổ chức tín dụng khi các tổ chức này gặp vấn đề; trách nhiệm của những người tham gia hội đồng quản trị và ban điều hành của tổ chức tín dụng; minh bạch hóa thông tin trong hoạt động điều hành, công khai thông tin về tỷ lệ của các cổ đông nắm giữ từ 1% trở lên…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp

Qua nghe báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, một số vấn đề trong dự thảo luật vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Đây là những vấn đề lớn, cần có thời gian để tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học, thực tiễn. Bởi vậy, việc Quốc hội xem xét chưa thông qua dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp này là cần thiết để các cơ quan có thời gian nghiên cứu, đánh giá, rà soát kỹ lưỡng trước khi trình báo cáo Quốc hội thông qua ở Kỳ họp sau.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, với ý kiến đóng góp của các đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế để nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu, giải trình đầy đủ, báo cáo Chính phủ để Chính phủ có báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội tại Kỳ họp sau.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã bao quát, toàn diện, đi sâu vào nhiều vấn đề trọng tâm, với những nội dung, Điều khoản cụ thể, đề cập đến những vấn đề thực tiễn phong phú đang vướng mắc, còn nhiều ý kiến khác nhau. Các đại biểu Quốc hội đã phát biểu tâm huyết, trí tuệ, không khí thảo luận sôi nổi, thắng thắn với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận

Các ý kiến phát biểu thống nhất cơ bản với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo luật, đồng thời cũng phân tích, làm rõ, góp ý thêm nhiều nội dung cụ thể, chỉnh sửa chi tiết hơn, đầy đủ hơn, hoàn thiện hơn nhằm nâng cao chất lượng, tính đồng bộ, tính khả thi của các quy định trong luật, tính thống nhất, đồng bộ của cả hệ thống pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, ngay sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, gửi báo cáo tổng hợp tới các đại biểu Quốc hội, các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, tiếp thu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Kinh tế phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan có liên quan, khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn thành dự thảo luật cùng báo cáo tiếp thu giải trình với chất lượng cao nhất, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi lấy ý kiến Chính phủ, hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp gần nhất. 

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Quang cảnh phiên họp

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng thay mặt Ban soạn thảo cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã chia sẻ, quan tâm, đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế để nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu, giải trình đầy đủ, báo cáo Chính phủ để Chính phủ có báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội tại Kỳ họp sau

Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tại phiên họp

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp./.

Hồ Hương - Nghĩa Đức - Phạm Thắng