CẦN TĂNG ĐỘ BAO PHỦ VÀ MỨC PHÚC LỢI, THỰC HIỆN THỐNG NHẤT CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI

21/11/2023

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TS.Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần cung cấp trợ giúp xã hội có hiệu quả hơn, mang tính thích ứng, cho các hộ gia đình nghèo thông qua việc tăng mức độ bao phủ và mức phúc lợi nhằm đem lại tác động lớn hơn về giảm nghèo và bất bình đẳng, đồng thời hợp nhất các chương trình phân tán hiện nay để đạt hiệu quả cao hơn.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

Toàn cảnh phiên thảo luận về kinh tế - xã hội

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS.Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, báo cáo Đánh giá nghèo và công bằng ở Việt Nam 2022 của Ngân hàng Thế giới đã xây dựng khung chính sách phát triển bao trùm hướng tới thịnh vượng chung của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cần tập trung vào mục tiêu “kép”: vừa cần phải giải quyết những thách thức về giảm nghèo kinh niên trong Chặng đường cuối, vừa cần phải tập trung để đạt được khát vọng về thịnh vượng chung trong Chặng đường kế tiếp.

Tình trạng nghèo tập trung ở các vùng khó khăn về mặt địa lý đòi hỏi phải tăng cường sự can thiệp xóa nghèo theo địa bàn, hiện đại hóa nông nghiệp và cải thiện về giáo dục cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Phân tích cho thấy rằng các chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) trước đây đã giúp cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ và đem lại một số tác động tích cực trong cải thiện phúc lợi, nhưng cũng cho thấy một số bất cập lớn.

Để đạt hiệu quả giảm nghèo tốt hơn, các chương trình MTQG có thể được tăng cường theo hướng các nguồn lực bổ sung đến được với các xã còn có khó khăn trong phát triển; đảm bảo phân bổ nguồn lực dựa trên tình trạng khó khăn ở cấp xã, để các xã khó khăn hơn nhận được đầu tư nhiều hơn; phân bổ riêng nguồn lực theo các lĩnh vực để đảm bảo dành đủ nguồn lực cho cải thiện chất lượng các dịch vụ phát triển con người và can thiệp nhằm hỗ trợ sinh kế; và tăng cường theo dõi ở cấp xã bằng cách triển khai các công cụ thu thập và tổng hợp dữ liệu trực tuyến nhằm hình thành cơ sở dữ liệu tập trung cho chương trình MTQG.

Ngoài ra, cần sự phối hợp tốt hơn của chương trình MTQG với các chương trình phát triển khác. Trong đó, hỗ trợ tăng năng suất nông nghiệp là chìa khóa để duy trì sinh kế cho những người còn ở lại trong hệ thống kinh tế nông nghiệp nông thôn khi phải đối mặt với thay đổi lớn về cơ cấu. Tiếp cận kiến ​​thức mới và đổi mới sáng tạo, bao gồm áp dụng các công nghệ số phù hợp là cách để hỗ trợ tăng năng suất thay cho thâm dụng lao động. Hơn nữa, hệ thống an sinh xã hội có thể đóng một vai trò lớn hơn, tăng cường tính thích ứng đối với các cú sốc trong bối cảnh mới.

Về định hướng khát vọng thịnh vượng chung trong chặng đường kế tiếp, TS.Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng, hàng triệu người đã thoát nghèo trong thập kỷ qua cần tiếp tục tiến lên các tầng lớp kinh tế cao hơn. Những người chưa được đảm bảo an ninh kinh tế cần được hỗ trợ bằng chính sách khác với chính sách dành cho người nghèo, ví dụ như chính sách lưới an sinh để ngăn tái nghèo, trang bị vốn nhân lực và kỹ năng cần thiết để tham gia những việc làm năng suất cao hơn.

Về công cụ chính sách hướng tới thịnh vượng chung, cần tập trung vào ba nhóm chính sách chủ chốt: đầu tư kỹ năng và giáo dục chất lượng cao hơn, chính là sự đầu tư chính sách đúng đắn hướng tới tương lai; hiện đại hóa hệ thống bảo trợ xã hội mang tính thích ứng để phòng ngừa rủi ro và cú sốc; và đổi mới chính sách tài khóa mang tính bao trùm để tăng cường năng lực ngân sách công phục vụ cho xã hội (giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội cho đối tượng yếu thế và lương hưu).

Về đầu tư kỹ năng và giáo dục chất lượng cao, Chính phủ và khu vực tư có vai trò thúc đẩy tiếp cận dịch vụ một cách công bằng và với chất lượng đồng đều. Mặc dù là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam nằm trong số những quốc gia dẫn đầu trên thế giới về chỉ số vốn con người, không chỉ vượt trội so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, mà còn cao hơn đáng kể các quốc gia có thu nhập trung bình thấp khác.

Các giải pháp đầu tư về kỹ năng và chất lượng giáo dục có thể phá bỏ vòng luẩn quẩn đói nghèo xuyên thế hệ, thúc đẩy hình thành nguồn vốn con người, và giúp giảm nghèo, kèm theo triển vọng tích cực về năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế và tuổi thọ trung bình. Tuy nhiên, nền tảng gia đình vẫn lý giải sự khác biệt trong việc hoàn thành giáo dục đúng hạn và giữa các nhóm thu nhập và dân tộc có sự khác biệt cơ bản về chi tiêu cá nhân trong giáo dục, ngay cả đối với giáo dục công ở các cấp bắt buộc.

Về hệ thống bảo trợ xã hội, trong thập kỷ trước, tỷ lệ bao phủ trợ giúp xã hội của Việt Nam tương đương hoặc cao hơn so với các quốc gia láng giềng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, nhưng hiện đã bị tụt hậu. Việt Nam cần cung cấp trợ giúp xã hội có hiệu quả hơn, mang tính thích ứng, cho các hộ gia đình nghèo thông qua việc tăng mức độ bao phủ và mức phúc lợi nhằm đem lại tác động lớn hơn về giảm nghèo và bất bình đẳng, đồng thời hợp nhất các chương trình phân tán hiện nay để đạt hiệu quả cao hơn. Điều này dẫn tới tăng tổng mức chi xã hội và đặt ra nhu cầu ngân sách tăng thêm.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Kỳ họp thứ 6

Bên cạnh đó, mức độ bao phủ của bảo hiểm xã hội có thể được mở rộng để bảo vệ tất cả các hộ gia đình khỏi mọi rủi ro bằng cách mở rộng phạm vi bảo hiểm cho lao động trong khu vực phi chính thức không phải là người nghèo, thông qua xóa mờ ranh giới giữa trợ giúp và bảo hiểm xã hội; người lao động được đóng góp trong khả năng chi trả còn Nhà nước sẽ trợ cấp cho phần còn lại.

Hệ thống hỗ trợ mang tính thích ứng linh hoạt và phù hợp hơn trong cả trợ giúp và bảo hiểm xã hội sẽ giúp cải thiện tính hiệu quả của hệ thống. Để xây dựng hệ thống như vậy, cần cải thiện việc thu thập và sử dụng dữ liệu tốt hơn để xác định đối tượng khó khăn và tình trạng thay đổi theo thời gian, áp dụng các hệ thống thanh toán số để chi trả nhanh chóng, an toàn, hiệu quả, và triển khai phối hợp tiếp cận đúng người và đúng thời điểm có nhu cầu.

Về chính sách tài khoá, đây là công cụ chính sách có thể giúp Việt Nam vừa trở thành quốc gia thu nhập cao vừa đảm bảo tính bao trùm giúp người dân vươn lên tầng lớp trung lưu thịnh vượng. Để huy động nguồn cho tài khoá công, Việt Nam có thể mở rộng cơ sở tính thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế tài sản), cân nhắc áp dụng các sắc thuế mới để vừa huy động thu vừa xử lý tác động ngoại ứng tiêu cực (chẳng hạn như thuế khuyến dụng cho sức khỏe thu trên đồ uống có cồn, thuốc lá và đồ uống có đường; thuế môi trường như thuế carbon), hoặc mở rộng ra các hoạt động kinh tế số đang phát triển, đồng thời loại bỏ những ưu đãi thuế mang tính lũy thoái.

Ngoài ra, chi tiêu công cần được định hướng cho phù hợp. Các nội dung chi tiêu công không đảm bảo hiệu suất và công bằng như trợ cấp trong ngành sản xuất điện, vừa khuyến khích sử dụng lãng phí nguồn năng lượng vừa chủ yếu có lợi cho các nhóm giàu, cần được sửa đổi nhằm theo đuổi mục tiêu phát triển bao trùm và hiệu quả hơn. Việt Nam nên hài hòa mức chi ngân sách cho trợ cấp xã hội cho phù hợp với thông lệ quốc tế để phát triển một hệ thống an sinh xã hội hiện đại giúp các hộ gia đình quản lý nhiều loại rủi ro mà họ phải đối mặt.

Minh Hùng