MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI)

16/11/2023

Tiếp tục chương trình Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa hai đợt của Kỳ họp thứ 6, chiều 16/11, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 16/11: UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI) VÀ DỰ THẢO LUẬT KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh Phiên họp của UBTVQH giữa hai đợt của Kỳ họp thứ 6

Báo cáo một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, chiều ngày 26/10/2023, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Ngay sau phiên họp, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

6 vấn đề đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý

Về những vấn đề đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đa số ĐBQH và ý kiến thống nhất giữa Thường trực Ủy ban Pháp luật với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý các nội dung lớn sau đây:

(1) Chỉnh lý Điều 57 về nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân để khắc phục các tồn tại, hạn chế thời gian qua, tăng cường quản lý chặt chẽ nhưng vẫn bảo đảm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân đối với loại hình nhà ở này;

(2) Quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê tại khoản 4 Điều 80;

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

(3) Chỉnh lý quy định về ưu đãi chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại điểm d khoản 2 Điều 85 theo hướng kế thừa quy định của pháp luật nhà ở hiện hành để bổ sung quyền được xây dựng cả nhà ở thương mại trong quỹ đất 20% của tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án, nhưng chủ đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích này theo quy định của pháp luật về đất đai để vừa thu hút đầu tư, vừa quản lý chặt chẽ nguồn thu ngân sách nhà nước;

(4) Quy định xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp tại Điều 94; không quy định về nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp;

(5) Bổ sung khoản 3 Điều 95 về việc Dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp phải được Ban quản lý khu công nghiệp chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư để bảo đảm thống nhất với Luật Đầu tư;

(6) Một số nội dung chính sách lớn khác đã được thống nhất tiếp thu, chỉnh lý như thể hiện trong dự thảo Luật.

Một số vấn đề lớn xin ý kiến chỉ đạo của UBTVQH

Liên quan đến một số vấn đề lớn xin ý kiến chỉ đạo của UBTVQH, về nhà ở thuộc tài sản công (Điều 13); quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công (Điều 125), Thường trực Ủy ban Pháp luật đã thống nhất ý kiến với Cơ quan chủ trì soạn thảo, đề nghị chỉnh lý lại điểm d khoản 1 Điều 13 của dự thảo Luật như sau: “d) Nhà ở không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này được đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ vốn ngân sách nhà nước hoặc được xác lập sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật trong các thời kỳ và đang cho hộ gia đình, cá nhân thuê theo quy định của pháp luật về nhà ở;”; đồng thời, chỉnh lý đồng bộ đối tượng nhà ở này tại các điều có liên quan của dự thảo Luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp 

Về việc bán nhà ở thuộc tài sản công tại khoản 3 Điều 125 của dự thảo Luật, để phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, Thường trực Ủy ban Pháp luật xin chỉnh lý lại khổ thứ 2 khoản 3 Điều 125 của dự thảo Luật như sau: “Các trường hợp bố trí sử dụng nhà ở thuộc tài sản công quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 của Luật này từ ngày 19 tháng 01 năm 2007  thì quản lý, sử dụng theo quy định của Luật này và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; nếu Nhà nước không còn nhu cầu sử dụng thì thực hiện bán theo quy định về bán tài sản công của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.”.

Về bổ sung đối tượng thuê nhà ở công vụ (Điều 45), Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị giữ phạm vi đối tượng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân và tổ chức cơ yếu được thuê nhà ở công vụ như điểm d khoản 1 Điều 45 của dự thảo Luật đã được UBTVQH trình Quốc hội tại phiên thảo luận Hội trường ngày 26/10/2023, cụ thể là: “d) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được điều động, luân chuyển, biệt phái theo yêu cầu quốc phòng, an ninh; công chức, công nhân và viên chức quốc phòng, người làm công tác cơ yếu và công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được điều động, luân chuyển, biệt phái đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo; trừ trường hợp pháp luật quy định đối tượng thuộc điểm này phải ở trong doanh trại của lực lượng vũ trang nhân dân;”.

Liên quan đến hiệu lực thi hành sớm hơn của nội dung về nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở; hiệu lực thi hành của Luật Nhà ở và Luật Đất đai, Thường trực Ủy ban Pháp luật nêu rõ, trường hợp Luật Nhà ở được thông qua tại kỳ họp này trước Luật Đất đai, đề nghị UBTVQH xem xét, có ý kiến chỉ đạo về các nội dung sau:

Đại diện Chính phủ và các Bộ, ngành tham dự Phiên họp

(1) Thống nhất ngày có hiệu lực của Luật Nhà ở (và Luật Đất đai) là từ ngày 01/01/2025 để có cơ sở quy định trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua. Việc xác định thời điểm có hiệu lực như vậy cũng phù hợp với Luật Đất đai (dự kiến được Quốc hội thông qua chậm nhất tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024)) để Chính phủ kịp ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, đáp ứng yêu cầu khẩn trương đưa Luật vào cuộc sống.

(2) Chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm tính thống nhất với các nội dung chính sách của Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được UBTVQH nhất trí theo Báo cáo số 661/BC-UBTVQH15 ngày 22/10/2023 về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và đã được thể hiện trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), cụ thể là các vấn đề về: (i) Đất thực hiện dự án nhà ở thương mại; (ii) Các trường hợp thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở; (iii) Giao đất, cho thuê đất để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm cơ quan chủ quản đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; (iv) Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án phát triển một số loại hình nhà ở thuộc diện Nhà nước ưu đãi, khuyến khích; (v) Thế chấp nhà ở. Đồng thời, Luật Đất đai cần có các quy định chuyển tiếp về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở phù hợp các chính sách mới về đất đai.

(3) Về một số vấn đề chính sách khác của Luật Đất đai liên quan đến Luật Nhà ở phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền hoặc cần tiếp tục thảo luận, cho ý kiến mới có phương án chỉnh lý, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị UBTVQH cho phép tiếp thu theo hướng: Luật Nhà ở không quy định cụ thể mà dẫn chiếu thực hiện theo Luật Đất đai để bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, bao gồm: (i) Quy định về quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài (bao gồm người còn giữ quốc tịch Việt Nam và người gốc Việt Nam không có quốc tịch Việt Nam); (ii) Quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án nhà ở thương mại khi Luật Đất đai sửa đổi khoản 3 Điều 29 của Luật Đầu tư./.

Bích Ngọc