TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI
Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Kỳ họp thứ 6
Phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã diễn ra sôi nổi và chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.
Tham gia đóng góp ý kiến vào tình hình kinh tế xã hội, TS. Lê Văn Hùng, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng cho biết, hiện tại chưa có một mô hình bộ máy điều phối vùng chuẩn mực và lý tưởng bởi sự đa dạng trong việc xác định vai trò, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của tổ chức này. Tuy nhiên, xem xét kinh nghiệm thành công của một số bộ máy điều phối vùng trên thế giới cho thấy mô hình này hoạt động hiệu quả khi nó được trao đầy đủ thực quyền trong việc quyết định các vấn đề mang tính vùng và nguồn tài chính để thực thi các quyết định. Để mô hình bộ máy này hoạt động hiệu quả như các quốc gia trên thế giới thì nguyên tắc trao quyền lực thực sự cho tổ chức này cần phải được đảm bảo cả mặt pháp lý lẫn phương diện thực thi.
TS. Lê Văn Hùng, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng
Cụ thể, cần tiếp tục xem xét, nghiên cứu kỹ mô hình 03 cấp của Hàn Quốc, theo đó cân nhắc thành lập một tổ chức vùng ở cấp Trung ương (chẳng hạn Ban chỉ đạo điều phối vùng). Ban chỉ đạo có nhiệm vụ chủ yếu là xem xét đề xuất (chương trình/dự án phát triển vùng) của từng vùng (do Hội đồng điều phối vùng trình) và xác định các dự án ưu tiên triển khai trên cơ sở phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển đất nước, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia và nguồn kinh phí có thể huy động được.
HĐĐP vùng trên cơ sở đề xuất chương trình/dự án trọng điểm, quan trọng của từng địa phương trong vùng sẽ tổng hợp và lựa chọn, xác định thứ tự ưu tiên đối với các đề xuất trong vùng và trình Ban chỉ đạo điều phối liên kết vùng xem xét. Thậm chí, các Bộ, ngành cũng trình đề xuất dự án, thứ tự ưu tiên đối với các đề xuất trong lĩnh vực của Bộ, ngành mình quản lý cho BCĐ điều phối vùng xem xét, phê duyệt.
Bên cạnh đó, cần cắt nghĩa, làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền “điều phối” của HĐĐP vùng, đặc biệt là thẩm quyền “điều phối việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công để định hướng, dẫn dắt nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước, thúc đẩy đầu tư theo hướng hợp tác công tư”. Để điều phối được một cách thực chất, hiệu quả thì cần có thêm các quy định về cơ chế hoạt động của HĐĐP vùng giống như một số Hội đồng vùng ở Mỹ và Hàn Quốc (như đã phân tích ở mục 3).
Nếu HĐĐP vùng thiếu những cơ chế hoạt động như một số Hội đồng vùng ở Mỹ và Hàn Quốc thì có lẽ kỳ vọng vai trò lớn nhất của HĐĐP vùng chính là một tổ chức trung gian, diễn đàn tập trung các địa phương, các bộ, ngành và chính quyền Trung ương cùng bàn bạc, thống nhất giải quyết các vấn đề chung của vùng mà một mình từng địa phương hay từng bộ, ngành sẽ không tự giải quyết được đầy đủ. Đảm bảo tất cả những đề xuất chương trình/dự án trọng điểm, quan trọng của từng địa phương trong vùng (có liên quan đến thẩm quyền quyết định của trung ương) đều phải trình HĐĐP vùng xem xét, cho ý kiến trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Cùng với đó, tài chính luôn là vấn đề mấu chốt có tính quyết định đến sự thành công của các quyết định, các chính sách về phát triển vùng. Để đảm bảo HĐĐP vùng có đủ thực quyền điều phối hoạt động liên kết vùng và phát triển kinh tế vùng, không đơn giản chỉ trao chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền cho HĐĐP vùng mà cần phải đảm bảo nguồn tài chính cho HĐĐP vùng để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Vì vậy, nên hình thành Quỹ phát triển vùng. Quỹ phát triển vùng được hình thành từ các nguồn như: phân bổ từ ngân sách Trung ương, đóng góp từ ngân sách của các địa phương, đóng góp của các doanh nghiệp trên địa bàn, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước,…
Việc hình thành Quỹ phát triển vùng thực chất không phải là bố trí thêm nguồn lực mà là điều chỉnh, phân bổ lại nguồn lực phân bổ cho các địa phương (điều chuyển nguồn để đầu tư tập trung, có hiệu quả hơn). Quỹ này sẽ được sử dụng chủ yếu để đầu tư trực tiếp vào các hạng mục hạ tầng quan trọng (tập trung vào giao thông, thuỷ lợi, hệ thống cảng, kho bãi,…) có tác động chung đến sự phát triển của vùng, đồng thời sử dụng vào mục đích tài trợ cho các dự án nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất, kinh doanh chung của toàn vùng. Quỹ phát triển vùng sẽ do Ban chỉ đạo điều phối vùng quản lý và Ban chỉ đạo sẽ phân bổ vốn cho từng dự án/chương trình có tính vùng.
Một yếu tố nữa tạo nên sự thành công của HĐĐP vùng, đó là đòi hỏi năng lực, sự quan tâm và tham gia tích cực của các thành viên tham gia HĐĐP vùng. Bên cạnh đó, các thành viên của HĐĐP vùng cần đa dạng và mở rộng theo hướng mời gọi sự tham gia của đại diện chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp. Đảm bảo chất lượng công tác quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng, đồng thời đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện quy hoạch, chính sách phát triển vùng cũng là một trong những điều kiện tiên quyết giúp thúc đẩy liên kết vùng và phát triển kinh tế vùng.
Như vậy, tăng cường liên kết vùng là một trong những phương châm chủ đạo trong chính sách phát triển của các quốc gia trên thế giới nhằm góp phần phát huy nội lực và tận dụng ngoại lực của các địa phương. Ngoài ra, liên kết còn giúp các địa phương của vùng tăng thêm sự phát triển kinh tế tổng hợp, xóa bỏ sự phát triển đơn cực, cục bộ, khép kín, mở rộng hợp tác, phát triển tạo nên một chuỗi các các giá trị kinh tế tổng hợp và mở rộng thị trường. Việc hình thành mô hình HĐĐP vùng được đánh giá là sẽ giúp giải quyết vấn đề tăng cường hợp tác và liên kết vùng.