GÓC NHÌN CHUYÊN GIA: THÚC ĐẨY NỀN KINH TẾ TĂNG TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

15/11/2023

Mức tăng trưởng kinh tế 4,24% trong 9 tháng năm 2023 là chỉ số rất thấp trong hàng chục năm nay (trừ những năm bị đại dịch COVID-19). Với 3 động lực chính là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, kinh tế Việt Nam trong các tháng cuối năm 2023 sẽ tăng trưởng như thế nào, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi nhiệm vụ KTXH năm 2024 tại Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KTXH năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết của Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính với chủ đề “Thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và phát triển bền vững”.

GÓC NHÌN CHUYÊN GIA: CẢM NHẬN QUA CÁC PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN

GÓC NHÌN CHUYÊN GIA: TẬN DỤNG MỌI THỜI CƠ ĐỂ THU HÚT FDI NHẰM PHÁT TRIỂN KINH TẾ BỀN VỮNG

GÓC NHÌN CHUYÊN GIA: THÁO GỠ KHÓ KHĂN, KHAI THÔNG ĐIỂM NGHẼN CHO DỰ ÁN THU HỒI ĐẤT, BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ CẢNG HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ LONG THÀNH

Xem xét tình hình xuất khẩu từng tháng, hầu hết các tháng đều có kim ngạch xuất khẩu tháng sau cao hơn tháng trước thể hiện sự cố gắng của các doanh nghiệp, (trừ tháng 1 và tháng 4 có mức giảm sâu).

Do vậy, cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu so với cùng kỳ năm trước vẫn giảm sút, nhưng mức giảm sút đang giảm dần. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9 năm 2023 ước đạt 31,41 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước và tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9 năm 2023 ước đạt 29,12 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 237,99 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Từ tháng 7,8/2023 do nhiều ngành như dệt may, da giày, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện đã có thêm các đơn hàng, kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng mạnh, từ đó giúp kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tiến gần hơn đến mức xuất nhập khẩu của năm 2022.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2023 đạt 497,66 tỷ USD. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Nếu xem xét chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng về số tuyệt đối và số tương đối so với tháng trước, các tháng đều tăng (có sụt giảm chỉ trong tháng 2/2023). Tuy nhiên, chỉ số mức tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm đáng kể, tháng 1/2023 mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022 tăng 20%; tháng 2 còn 13,2%, tháng 3 giảm còn 13,4%; tháng 4, tháng 5 giảm xuống 11,5%, đến tháng 6 giảm còn 6,5%.

Với các biện pháp quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% cho nhiều loại hàng hóa từ 1/7/2023, cũng như miễn giảm 36 loại phí, lệ phí; giãn hoãn tiền nộp thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước cho các DN, cùng với việc Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất điều hành và trên cơ sở đó lãi suất huy động và lãi suất cho vay đã giảm nhiều, từ tháng 7/2023 chỉ số mức tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã có mức tăng 7,1% và tháng 8 đã có mức tăng 7,6%, tháng 9 đã tăng 7,5% giúp chỉ số này trong 9 tháng tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động giải ngân đầu tư công cũng có bước tăng trưởng đáng kể. Đến ngày 30/9/2023 giải ngân vốn đầu tư công đạt khoảng 363.310 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 cả về số tương đối và số tuyệt đối. Năm 2022, tỷ lệ giải ngân sau 9 tháng là 46,7%. Như vậy, tỷ lệ giải ngân 9 tháng năm nay đã cao hơn cùng kỳ năm ngoái 4,68%. Nếu so về con số tuyệt đối, cao hơn 110.000 tỷ đồng. Mặc dù tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đã tăng lên nhanh chóng từng tháng, nhưng lượng vốn đầu tư công giải ngân từ nay đến hết năm ngân sách còn rất lớn (48,62% tổng vốn đầu tư công của năm).

Tính đến ngày 30/9/2023 giải ngân vốn đầu tư công đạt khoảng 363.310 tỷ đồng, đạt 47,75% kế hoạch, đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nguồn: Bộ Tài chính.

Để thực hiện được các nhiệm vụ mà Chính phủ đề ra cần thực hiện quyết liệt, kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp để phát huy được các động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2023 và tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế năm 2024.

- Cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, giữ ổn định giá trị VND, kiềm chế lạm phát; kết hợp nhuần nhuyễn chính sách tiền tệ - tài khóa, điều chỉnh linh hoạt, phù hợp, để hỗ trợ khu vực sản xuất kinh doanh đẩy mạnh hoạt động sản xuất.
Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế, theo dõi, đánh giá để phối hợp hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô, cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng; giữa lãi suất và tỷ giá; giữa cân đối ngân sách và hỗ trợ tăng trưởng; giữa đầu tư công, đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư tư nhân.

- Trước những khó khăn rất lớn trong năm 2023, các doanh nghiệp trong thời gian qua đã có nhiều giải pháp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp cần chủ động sắp xếp tinh gọn từ khâu quản lý đến hoạt động sản xuất để giảm chi phí và giảm giá thành sản phẩm.

Doanh nghiệp cần thực hiện tốt chế độ phúc lợi để thu hút và giữ chân người lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề cao để gắn bó lâu dài. Các doanh nghiệp cần tập trung nguồn lực đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí rẻ hơn; đồng thời thúc đẩy liên kết mạng lưới cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài, nâng cao chất lượng, giảm giá sản phẩm dịch vụ để tận dụng cơ hội chiếm lĩnh và củng cố thị phần. Đồng thời, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu và tích cực tham gia các Hiệp hội để tiếp cận thông tin về các chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp của các bộ, ngành, Trung ương, các Hiệp hội và địa phương cũng như các tổ chức tín dụng để đề xuất nhu cầu hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hợp đồng, cam kết, liên kết thương mại mới, tham gia vào các chuỗi sản xuất, cung ứng, trên cơ sở đó sẽ giúp đa dạng hóa, mở rộng thị trường, tạo ra các sản phẩm mới, tham gia các chuỗi sản xuất, cung ứng mới.

- Trước xu hướng sản xuất xanh, tiêu dùng xanh trên thế giới và để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường các nước phát triển, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh quá trình “xanh hóa” sản xuất, kinh doanh, thực hiện tiết kiệm nguyên nhiên, vật liệu, năng lượng một cách tốt nhất. Bản thân các doanh nghiệp phải xem xét lại cơ cấu tổ chức, tái cấu trúc toàn bộ doanh nghiệp, tiết giảm đến mức tối đa các chi phí, thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng những biện pháp lâu dài, tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng vào kinh doanh.

Cùng với đó, phía Nhà nước cũng cần có các cơ chế, chính sách nhằm mục đích kích cầu hoạt động “xanh hóa” của các doanh nghiệp. Hiện nay có rất nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp thực hiện xanh hóa sản xuất, số hóa sản xuất. Nếu như các doanh nghiệp biết tận dụng những cơ hội này sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận được các nguồn vốn, hưởng được lợi ích lãi suất giá rẻ và các ưu đãi khác. Khi ấy, đương nhiên hoạt động kinh doanh sản xuất của các doanh nghiệp này sẽ được duy trì liên tục, đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu của các quốc gia, vòng xoay dòng tiền của doanh nghiệp cũng ổn định để phát triển.

- Trong điều kiện khó khăn của hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp cần phải tận dụng thời cơ để thực hiện chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để đưa ra thị trường những sản phẩm hàng hóa rẻ hơn, thu hút sức mua tăng trở lại. Đây là vấn đề hết sức thiết thực, cần phải thực hiện càng sớm càng tốt.

Khi các doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu chung của cộng đồng quốc tế, cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước, thì việc áp dụng công nghệ số là con đường ngắn nhất để giúp những doanh nghiệp này đi trước đón đầu và trở thành người chiến thắng nhờ việc tổ chức và thực hiện số hóa hoạt động quản lý, kinh doanh, sản xuất,… Việc đầu tư vào công nghệ số hóa không hoàn toàn phục vụ mục đích lợi nhuận trước mắt, mà là cơ hội cho chặng đường phát triển công ty bền vững và lâu dài.

Việc thực hiện chuyển đổi số là vấn đề hết sức cấp bách, tuy nhiên để các doanh nghiệp thực hiện được cũng không phải là dễ, bởi liên quan đến số hóa đòi hỏi phần tự động hóa, thiết bị máy móc và nền tảng phù hợp, cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống mạng, nâng cấp hệ thống thông tin,… Tức là công việc đầu tiên là phải gắn với số hóa từ mạng chung cho đến mạng nội bộ và phải được thực hiện đồng bộ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đòi hỏi phải có đội ngũ nhân sự công nghệ cao đáp ứng các yêu cầu trên. Nhu cầu này thời gian qua dù các cơ sở đào tạo đã đáp ứng được phần nào, nhưng khách quan thì vẫn còn thiếu và yếu, đặc biệt là các chuyên gia có thể ứng dụng được công nghệ cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như trong nền kinh tế.

Ngoài ra, phải có được sự đầu tư một cách thỏa đáng về các thay đổi trong từng doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế, để thích ứng với việc số hóa nền kinh tế. Thời gian qua, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ số, đã có rất nhiều các doanh nghiệp thành công nhờ chuyển đổi số, tìm cơ hội vượt qua thách thức để phát triển. Nhưng cần triển khai một cách mạnh mẽ, nhanh chóng,  đồng bộ và có sự liên thông tốt nhất giữa các Bộ, ban, ngành và các doanh nghiệp.

- Để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, trước hết, Bộ Công thương cùng các thương vụ sứ quán và các Hiệp hội ngành hàng cần nắm lại các thị trường truyền thống để từ đó tìm hiểu nguyên do giảm sút đơn hàng, sự thay đổi các điều kiện nhập khẩu cho các sản phẩm, sự thay đổi thị hiếu,… tự điều chỉnh mình và có thể tận dụng được các cơ hội. Nếu có thể ký được các đơn hàng cho năm mới 2024 sẽ rất tốt. Nhưng việc này sẽ rất khó, vì các doanh nghiệp nhập khẩu của thị trường này không chỉ giảm sức mua mà một số ngành hàng đã quay sang ký đơn hàng với các doanh nghiệp của quốc gia khác. Cũng rất cần nắm bắt và ký kết những đơn hàng ngắn hạn, nhỏ lẻ ở một số ngành nghề, lĩnh vực để làm đầu cầu tiếp xúc và nắm lại thị trường truyền thống.

Bộ Công Thương, các Tham tán thương mại tại các Đại sứ quán trong thời gian qua đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu tuy nhiên, tốc độ chưa được như mong muốn. Do đó, Bộ Công Thương cần phối hợp với các hiệp hội ngành nghề xem xét lại việc mở rộng thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các thị trường mà Việt Nam đã ký FTA,  tận dụng cơ hội hàng rào thuế quan hạ thấp, hàng rào phi thuế quan được bãi bỏ để nâng cao hiệu quả xuất khẩu. Việt Nam đã ký kết 17 FTA, nhưng việc tận dụng còn rất khiêm tốn, chỉ khoảng 30%. Bên cạnh đó, cần mở rộng sang cả các thị trường khác nữa, ngoài các thị trường đã ký FTA. Cần chú trọng vào các nhóm mặt hàng chủ lực như công nghiệp chế biến chế tạo, máy tính, điện tử... Đây là các mặt hàng có giá trị cao, mang lại kim ngạch và giá trị lớn.

Cần sự phối kết hợp giữa các ngành nghề trong nước để giảm được chi phí logistics, chi phí lưu kho, lưu bãi, vận chuyển, để từ đó hạ chi phí, giá thành và giúp cho giá cả của hàng hóa khi xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước có thể cạnh tranh được. Đẩy mạnh xuất khẩu từ đó sẽ thúc đây hoạt động nhập khẩu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

- Thị trường tiêu dùng trong nước với 100 triệu dân, có mức thu nhập bình quân đầu người tăng lên nhanh chóng đang có nhu cầu rất lớn về nhiều mặt hàng tiêu dùng nhưng các sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được vấn đề về mẫu mã, chất lượng, giá cả, khâu bảo trì bảo dưỡng, khuyến mại chưa như mong muốn.

 Cần đẩy mạnh triển khai chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” một cách thiết thực, hiệu quả. 

Bộ Công Thương cần đồng hành cùng các hiệp hội doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” một cách thiết thực, hiệu quả. Bộ Công thương cùng cần các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các chương trình đăng ký, quảng bá sản phẩm vùng miền… giúp tiêu thụ các sản phẩm tốt hơn, nhất là việc liên kết giữa các ngành nghề, từ khâu vận chuyển cho đến logistics, kho bãi, các siêu thị… để giảm thiểu các chi phí lưu kho, lưu bãi, chi phí trung gian và có thể giảm được giá hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng.

Cùng với đó cần tiếp tục bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ… nhằm bảo vệ, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và doanh nghiệp, sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

- Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công, tạo động lực tăng trưởng; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giảm thiểu thủ tục hành chính nhằm tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng, kiến tạo thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước, tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, kinh doanh.

Để thúc đẩy hoạt động đầu tư công trong năm 2024, các Bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, có đủ căn cứ khoa học và pháp lý để lập kế hoạch đầu tư công năm 2024. Việc giao, điều chỉnh kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội cần được thực hiện sớm theo đúng quy trình. Các bộ, ngành, địa phương cần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc lập, thực hiện các kế hoạch đầu tư. Thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiến độ và chất lượng thi công các dự án đầu tư công.

Các bộ, ngành, địa phương cần phối hợ chặt chẽ, xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc về thủ tục hành chính, về nguồn nguyên vật liệu, về đơn giá, định mức… để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư công. Cần xem xét thực hiện điều chuyển vốn giữa các dự án, các chương trình, các bộ ngành và địa phương để phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng vốn.

- Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính, quy trình và thời hạn visa cho khách du lịch nước ngoài, có sự đổi mới trong cơ chế, chính sách để tăng cường phát triển hoạt động dịch vụ, du lịch. Cần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững. Tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia. Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch cả về nghiệp vụ và nguồn lực tài chính. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hoạt động dịch vụ, du lịch. Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.

- Cần tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, tiếp tục cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển; rà soát, sửa đổi cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Cần thay thế chính sách ưu đãi thuế để thu hút đầu tư bằng việc hoàn thiện môi trường đầu tư và các biện pháp phù hợp nhằm giảm chi phí cho các doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng nguồn lao động, cũng như cần phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối các tỉnh, vùng kinh tế tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài.

Với quyết tâm vượt mọi khó khăn, tìm kiếm cơ hội để hồi phục và tăng trưởng của các doanh nghiệp, sự vào cuộc rất kiên quyết của các cơ quan quản lý nhà nước, sự đồng hành, kịp thời tháo gỡ các khó khăn của các cơ quan thực thi pháp luật, sự đổi mới kịp thời các cơ chế chính sách của nền kinh tế, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội, Chính phủ đề ra cho năm 2023 và giai đoạn 2020 -2025 sẽ được hoàn thành thắng lợi./.

              

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Chuyên gia kinh tế, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính