CẦN CÓ CÁC CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH KÍCH CẦU HOẠT ĐỘNG “XANH HÓA” CỦA CÁC DOANH NGHIỆP

11/11/2023

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, Nhà nước cũng cần có các cơ chế, chính sách nhằm mục đích kích cầu hoạt động “xanh hóa” của các doanh nghiệp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

Toàn cảnh phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6

Trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã diễn ra sôi nổi và chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.

Tham gia ý kiến về tình hình kinh tế xã hội, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế bày tỏ quan tâm đến vấn đề thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và phát triển bền vững.

Đóng góp ý kiến về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các tháng cuối năm 2023 và năm 2024, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, trước xu hướng sản xuất xanh, tiêu dùng xanh trên thế giới và để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường các nước phát triển, các DN cần đẩy mạnh quá trình “xanh hóa” sản xuất, kinh doanh, thực hiện tiết kiệm nguyên nhiên, vật liệu, năng lượng một cách tốt nhất. Bản thân các doanh nghiệp phải xem xét lại cơ cấu tổ chức, tái cấu trúc toàn bộ doanh nghiệp, tiết giảm đến mức tối đa các chi phí, thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng những biện pháp lâu dài, tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng vào kinh doanh.

 PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế

Cùng với đó, phía Nhà nước cũng cần có các cơ chế, chính sách nhằm mục đích kích cầu hoạt động “xanh hóa” của các DN. Hiện nay có rất nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp thực hiện xanh hóa sản xuất, số hóa sản xuất. Nếu như các doanh nghiệp biết tận dụng những cơ hội này sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận được các nguồn vốn, hưởng được lợi ích lãi suất giá rẻ và các ưu đãi khác. Khi ấy, đương nhiên hoạt động kinh doanh sản xuất của các doanh nghiệp này sẽ được duy trì liên tục, đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu của các quốc gia, vòng xoay dòng tiền của doanh nghiệp cũng ổn định để phát triển.

Trong điều kiện khó khăn của hoạt động sản xuất, kinh doanh, các DN cần phải tận dụng thời cơ để tiến hành thực hiện chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để đưa ra thị trường những sản phẩm hàng hóa rẻ hơn, thu hút sức mua tăng trở lại. Đây là vấn đề hết sức thiết thực, cần phải thực hiện càng sớm càng tốt.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, khi các doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu chung của cộng đồng quốc tế, cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước, thì việc áp dụng công nghệ số là con đường ngắn nhất để giúp những doanh nghiệp này đi trước đón đầu và trở thành người chiến thắng nhờ việc tổ chức và thực hiện số hóa hoạt động quản lý, kinh doanh, sản xuất,… Việc đầu tư vào công nghệ số hóa không hoàn toàn phục vụ mục đích lợi nhuận trước mắt, mà là cơ hội cho chặng đường phát triển công ty bền vững và lâu dài.

Việc thực hiện chuyển đổi số là vấn đề hết sức cấp bách, tuy nhiên để các doanh nghiệp thực hiện được cũng không phải là dễ, bởi liên quan đến số hóa đòi hỏi phần tự động hóa, thiết bị máy móc và nền tảng phù hợp, cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống mạng, nâng cấp hệ thống thông tin,… Tức là công việc đầu tiên là phải gắn với số hóa từ mạng chung cho đến mạng nội bộ và phải được thực hiện đồng bộ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đòi hỏi phải có đội ngũ nhân sự công nghệ cao đáp ứng các yêu cầu trên. Nhu cầu này thời gian qua dù các cơ sở đào tạo đã đáp ứng được phần nào, nhưng khách quan thì vẫn còn thiếu và yếu, đặc biệt là các chuyên gia có thể ứng dụng được công nghệ cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như trong nền kinh tế.

Ngoài ra, phải có được sự đầu tư một cách thỏa đáng về các thay đổi trong từng doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế, để thích ứng với việc số hóa nền kinh tế. Thời gian qua, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ số, đã có rất nhiều các doanh nghiệp thành công nhờ chuyển đổi số, tìm cơ hội vượt qua thách thức để phát triển. Nhưng cần triển khai một cách mạnh mẽ, nhanh chóng, đồng bộ và có sự liên thông tốt nhất giữa các Bộ, ban, ngành và các DN.

Thêm vào đó, để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khâu, trước hêt, Bộ Công thương cùng các thương vụ Sứ quán và các Hiệp hội ngành hàng cần nắm lại các thị trường truyền thống để từ đó tìm hiểu nguyên do giảm sút đơn hàng, sự thay đổi các điều kiện nhập khẩu cho các sản phẩm, sự thay đổi thị hiếu,… tự điều chỉnh mình và có thể tận dụng được các cơ hội. Nếu có thể ký được các đơn hàng cho năm mới 2024 sẽ rất tốt. Nhưng việc này sẽ rất khó, vì các DN nhập khẩu của thị trường này không chỉ giảm sức mua mà một số ngành hàng đã quay sang ký đơn hàng với các DN của quốc gia khác. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, rất cần nắm bắt và ký kết những đơn hàng ngắn hạn, nhỏ lẻ ở một số ngành nghề, lĩnh vực để làm đầu cầu tiếp xúc và nắm lại thị trường truyền thống.

Bộ Công Thương, các Tham tán thương mại tại các Đại sứ quán trong thời gian qua đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu tuy nhiên, tốc độ chưa được như mong muốn. Do đó, Bộ Công Thương cần phối hợp với các hiệp hội ngành nghề xem xét lại việc mở rộng thị trường xuất khẩu cho DN Việt Nam, nhất là các thị trường mà Việt Nam đã ký FTA,  tận dụng cơ hội hàng rào thuế quan hạ thấp, hàng rào phi thuế quan được bãi bỏ để nâng cao hiệu quả xuất khẩu. Việt Nam đã ký kết 17 FTA, nhưng việc tận dụng còn rất khiêm tốn, chỉ khoảng 30%. Bên cạnh đó, cần mở rộng sang cả các thị trường khác nữa, ngoài các thị trường đã ký FTA. Cần chú trọng vào các nhóm mặt hàng chủ lực như công nghiệp chế biến chế tạo, máy tính, điện tử... Đây là các mặt hàng có giá trị cao, mang lại kim ngạch và giá trị lớn.

Minh Hùng