THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT LƯU TRỮ (SỬA ĐỔI): LUẬT HÓA TỐI ĐA CÁC NỘI DUNG ĐÃ RÕ, ĐÃ ĐƯỢC KIỂM NGHIỆM, PHÁT HUY HIỆU QUẢ THỰC TẾ

10/11/2023

Chiều 10/11, tại Nhà Quốc hội, thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 10/11: QUỐC HỘI BIỂU QUYẾT THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT VỀ PHƯƠNG ÁN PHÂN BỔ NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG NĂM 2024

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ năm 2011 và mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật như được nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Việc sửa đổi Luật này cũng là nhiệm vụ lập pháp đã được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, đầy đủ tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung dự thảo Luật cơ bản thống nhất với các chính sách được đề xuất khi đưa dự án Luật vào Chương trình. Đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát 12 nội dung giao quy định chi tiết, bảo đảm yêu cầu luật hóa tối đa các nội dung đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với quy định của dự thảo Luật theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động lưu trữ tư nhằm tạo hành lang pháp lý để các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động lưu trữ, góp phần bảo đảm lưu giữ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ tư phục vụ lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia, đồng thời thực hiện định hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng một xã hội lưu trữ, một quốc gia lưu trữ.

Ủy ban Pháp luật đề nghị rà soát các quy định của dự thảo Luật với Luật Di sản văn hóa và các nội dung dự kiến sửa đổi Luật này liên quan đến quản lý tài liệu lưu trữ được công nhận là “di sản tư liệu”, tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt được công nhận là bảo vật quốc gia để có quy định phù hợp, tránh chồng chéo, thiếu thống nhất giữa 02 luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định rõ tiêu chí xác định mức độ “ảnh hưởng” tại điểm a khoản 1 Điều 25 của dự thảo Luật để phân biệt với thông tin mà nếu tiếp cận sẽ “ảnh hưởng xấu” đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội thuộc trường hợp không được tiếp cận theo quy định tại Luật Tiếp cận thông tin; từ đó, tạo cơ sở áp dụng thống nhất trong quá trình thực thi các luật này.

Các đại biểu tại phiên họp

Hiện nay, ngoài Luật Lưu trữ quy định chung các vấn đề về lưu trữ thì còn có một số luật khác như Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Kế toán, Luật Công chứng, Luật Điều ước quốc tế, Luật Khám bệnh, chữa bệnh... có quy định đặc thù về lưu trữ, do đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, làm rõ mối quan hệ giữa dự thảo Luật với các luật nói trên, quy định rõ trong Luật trường hợp nào áp dụng pháp luật lưu trữ, trường hợp nào áp dụng theo quy định của luật chuyên ngành để tránh trùng lặp, thiếu thống nhất giữa các luật.

Về thành phần Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam (Điều 7 của dự thảo Luật), Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với quy định của dự thảo Luật về Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam bao gồm toàn bộ tài liệu lưu trữ của nước Việt Nam, không phụ thuộc vào thời gian hình thành, nơi bảo quản, kỹ thuật ghi tin và vật mang tin.

Ủy ban Pháp luật đề nghị xem xét, làm rõ một số quy định tại khoản 3 Điều 7 của dự thảo Luật, cụ thể là: quy định tại điểm b khoản 3 về Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam gồm tài liệu lưu trữ hình thành trong quá trình hoạt động của “cơ quan, tổ chức, cá nhân không quy định tại điểm a khoản này” đã bao trùm tất cả cơ quan, tổ chức được nêu tại các điểm b, c và d khoản 3, do đó trùng lặp và thiếu chính xác; bổ sung quy định đối với tài liệu lưu trữ hình thành trong quá trình hoạt động của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ở cấp xã tại điểm c khoản 3 để bao quát đầy đủ tài liệu lưu trữ ở cấp xã.

Về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ (Điều 9 của dự thảo Luật), đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật nhất trí với việc phân định thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ như quy định tại Điều 9 của dự thảo Luật; đánh giá cao Chính phủ đã kịp thời tiếp thu ý kiến thẩm tra, chỉnh lý quy định của dự thảo Luật trình Quốc hội về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ của tổ chức đảng trong các ngành quốc phòng, công an, ngoại giao phù hợp với Quy định số 270-QĐ/TW của Ban Bí thư về Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam.  

Toàn cảnh phiên họp

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo, làm rõ hơn về đặc thù của việc nộp lưu, quản lý, sử dụng tài liệu lưu trữ hình thành trong quá trình hoạt động của ngành ngoại giao, các thuận lợi và khó khăn (nếu có) để Quốc hội có cơ sở xem xét việc giao Bộ Ngoại giao trực tiếp quản lý, lưu trữ tài liệu của ngành ngoại giao, không nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử nhà nước.

Có ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung quy định tài liệu lưu trữ cấp xã thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào Lưu trữ lịch sử nhà nước ở cấp tỉnh và chỉnh lý quy định tại khoản 5 Điều 9 cho phù hợp; có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 9 một khoản để quy định về thẩm quyền trực tiếp quản lý và lưu trữ tài liệu của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Về lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số (Chương IV của dự thảo Luật), Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với các quy định của dự thảo Luật về lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số; đồng thời, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá kỹ lưỡng, xác định rõ lộ trình thực hiện, nguồn lực và các điều kiện cần thiết khác cho việc thực hiện các quy định liên quan đến lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số để bảo đảm tính khả thi.

Có ý kiến cho rằng, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển lưu trữ điện tử là một trong những chính sách mới, cơ bản của dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Tuy nhiên, quy định của dự thảo Luật chủ yếu tập trung điều chỉnh việc số hóa tài liệu lưu trữ, chuyển tài liệu lưu trữ số sang tài liệu lưu trữ giấy, các quy định về nghiệp vụ lưu trữ điện tử mới chỉ đề cập đến việc thu thập, bảo quản, sử dụng, hủy tài liệu lưu trữ số hết giá trị, trong khi các nội dung quan trọng khác như chỉnh lý, xác định giá trị, thống kê, quản lý tài liệu lưu trữ điện tử… chưa được quy định. Do đó, các đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định cụ thể về nghiệp vụ lưu trữ điện tử trong dự thảo Luật.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị giao một cơ quan đầu mối (như Bộ Thông tin và Truyền thông) hướng dẫn việc số hóa tài liệu lưu trữ, xây dựng Kho lưu trữ số dùng chung cho cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương bảo đảm việc chuẩn hóa cơ sở dữ liệu và thuận tiện trong việc phân quyền quản lý, vận hành, trao đổi, chia sẻ cơ sở dữ liệu lưu trữ.

Minh Hùng