TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI
Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
Trong phiên thảo luận kinh tế, xã hội, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.
Tham gia đóng góp ý kiến vào tình hình kinh tế xã hội, TS. Lê Văn Hùng, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng cho biết, quá trình phân cấp một mặt giúp tăng cường tính tự chủ địa phương, song cũng tiềm ẩn nguy cơ làm phân mảng chính quyền địa phương và đôi khi tạo ra sự xung đột về chính sách, kế hoạch và dự án phát triển giữa các địa phương trong vùng. Những vấn đề nảy sinh từ sự phân mảng, cát cứ chính quyền địa phương đã và đang đặt ra thách thức mà chỉ thông qua hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng mới có thể giải quyết tốt các vấn đề (Sung-Wook, 2008).
TS. Lê Văn Hùng, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng
Để giải quyết vấn đề cát cứ, phân mảng chính quyền địa phương, Savitch và Vogel (2000); Stephens và Wikstrom (2000) cho rằng có thể có 2 cách, đó là hoặc giảm số lượng chính quyền địa phương hoặc giao thẩm quyền điều phối cho chính quyền cấp cao hơn. Giao thẩm quyền điều phối được đánh giá là giải pháp mềm dẻo, linh hoạt hơn cách giảm số lượng chính quyền địa phương. Vì vậy, Hội đồng điều phối vùng có thể coi là cơ cấu quản trị tập trung trong vùng. Tương tự, các nghiên cứu của Nunn và Rosentraub (1997), Stephens và Wikstrom (2000) và Walker (1987) đã đề xuất 17 cách tiếp cận để giải quyết các vấn đề vùng, vấn đề phân mảng, cát cứ chính quyền địa phương, trong đó thành lập Hội đồng điều phối vùng là một trong số cách tiếp cận đơn giản nhất. Cách tiếp cận chuyển giao chức năng hay cải cách chính quyền đô địa phương được đánh giá là cách tiếp cận giải quyết vấn đề vùng khó hơn.
Đã có một số nghiên cứu tập trung xem xét, phân tích thực tiễn vai trò, ảnh hưởng của bộ máy điều phối vùng đối với phát triển chung của vùng. Chẳng hạn, Jeremy Hall (2008) thông qua nghiên cứu vùng Kentuckey đã cho rằng bộ máy điều phối vùng có một vai trò hết sức quan trọng trong quản trị vùng, đặc biệt là vai trò đòn bẩy thu hút nguồn ngân sách liên bang cho phát triển vùng. Hay Tổ chức vùng Delta được cho là có vai trò tích cực trong việc sử dụng ngân sách hoạt động của Tổ chức vùng Delta như là đòn bẩy, vốn “mồi” trong các chương trình/dự án của bang và dự án tư nhân trong một số lĩnh vực như: xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản, cải thiện giao thông, phát triển kinh doanh và dịch vụ đào tạo nghề. Kết quả là, từ năm 2000 đến 2010, đã có 86,2 triệu USD được đầu tư cho 610 dự án và kết quả đạt được là có hơn 6.500 việc làm mới, hơn 6.000 việc làm được duy trì, hơn 4.400 người được đào tạo nghề và hơn 17.000 gia đình nhận được dịch vụ cung cấp nước và thoát nước tốt hơn.
Hyung Jun Park (2005) cũng đã tiến hành điều tra về thực trạng liên kết giữa các hạt (county) ở Mỹ và nhận thấy hơn 90% chính quyền địa phương có liên kết với chính quyền địa phương khác đã tham gia tổ chức vùng. Park (2005) đã kết luận rằng điều này phù hợp với ý tưởng quản trị vùng, trong đó coi bộ máy điều phối vùng như là một thực thể nhằm giảm chi phí giao dịch, chi phí trao đổi thông tin, chi phí thương lượng và hiệu lực thực thi từ các thành viên. Các nghiên cứu khác về vai trò của tổ chức vùng trong điều phối liên kết vùng cũng thường chỉ ra hai điểm ưu việt của bộ máy điều phối vùng, đó là: giúp giảm chi phí giao dịch thông qua chức năng khuyến khích các thỏa thuận liên kết và ký các thỏa thuận liên kết giữa các chính quyền địa phương; và giúp tăng cường liên kết tự nguyện và liên kết ngang (liên kết đồng cấp) giữa các chính quyền địa phương thông qua các hoạt động tích cực và tập trung của bộ máy điều phối vùng. Bên cạnh đó, khi các bên tham gia còn đang lưỡng lự trong việc có nên liên kết với các đối tác khác hay không thì vai trò trung gian, độc lập của bộ máy điều phối vùng có thể là một nhân tố giúp thúc đẩy, đưa các địa phương cùng ngồi chung một bàn và cùng xây dựng kế hoạch liên kết.
Ngoài ra, quá trình toàn cầu hóa và cạnh tranh ngày càng khốc liệt đã làm cho các nhà hoạch định chính sách trong nước ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề vùng như là quy mô để nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy sáng tạo ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã làm thay đổi mạnh cơ cấu công nghiệp, phương thức kinh doanh và đòi hỏi xã hội lớn hơn, mạng lưới kinh tế mở rộng hơn. Vì vậy, những năm gần đây, các quốc gia không chỉ ngày càng hoàn thiện các chính sách liên kết vùng, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng hỗ trợ liên kết vùng mà còn hình thành các tổ chức vùng nhằm khuyến khích mạng lưới liên kết giữa các địa phương trong vùng (Mittila, 2008).