NÂNG CAO NĂNG LỰC SẢN XUẤT GIÚP HẠN CHẾ ẢNH HƯỞNG CỦA BIẾN ĐỘNG KINH TẾ VĨ MÔ

08/11/2023

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, PGS.TS Chu Khánh Lân, Học viện Ngân hàng cho rằng, nâng cao mức độ phức tạp kinh tế hay năng lực sản xuất giúp một quốc gia hạn chế được biến động kinh tế vĩ mô, trong trường hợp các yếu tố khác không đổi.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

Toàn cảnh phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội

Phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã diễn ra sôi nổi và chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, PGS.TS Chu Khánh Lân, Học viện Ngân hàng cho rằng, về vai trò của năng lực sản xuất quốc gia trong giảm thiểu biến động kinh tế vĩ mô, nghiên cứu về ảnh hưởng của mức độ phức tạp kinh tế tới biến động kinh tế vĩ mô là thực sự cần thiết trong bối cảnh nhiều quốc gia đang chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa nhiều hơn vào tri thức. Kết nối hai lĩnh vực nghiên cứu về biến động kinh tế vĩ mô và năng lực sản xuất sẽ giúp chúng ta trả lời ba câu hỏi quan trọng sau: Thứ nhất, nâng cao năng lực sản xuất có giúp quốc gia giảm thiểu được biến động kinh tế vĩ mô hay không? Thứ hai, liệu ảnh hưởng của năng lực sản xuất tới biến động kinh tế vĩ mô có sự khác biệt giữa các nhóm quốc gia hay không? So với các quốc gia thu nhập cao và trung bình cao, các quốc gia thu nhập trung bình thấp và thấp thường xuyên phải đối mặt với nhiều cú sốc trong khi chất lượng thể chế, năng lực quản trị quốc gia và nguồn lực ứng phó lại thấp hơn đáng kể. Hệ quả là các quốc gia này gặp phải tình trạng biến động kinh tế vĩ mô cao hơn và thường xuyên hơn so với các nền kinh tế phát triển và mới nổi. 

PGS.TS Chu Khánh Lân, Học viện Ngân hàng 

Thứ ba, nâng cao năng lực sản xuất liệu có khuếch đại hay giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của các cú sốc kinh tế tới biến động kinh tế vĩ mô hay không? Nâng cao năng lực sản xuất quốc gia là một quá trình phát triển các năng lực sản xuất mới dựa trên các năng lực sản xuất hiện tại. Do đó, năng lực sản xuất của một quốc gia được phản ánh qua một mạng lưới hàng hóa, lĩnh vực, ngành nghề có mức độ gắn kết với nhau. Mức độ phức tạp kinh tế càng cao thì mạng lưới liên kết năng lực sản xuất và hàng hóa càng chặt chẽ với nhau hơn. Do vậy, một cú sốc tác động tới một năng lực sản xuất, hàng hóa, hay ngành nghề bất kỳ có thể dễ dàng lan truyền sang các năng lực sản xuất, hàng hóa, hay ngành nghề khác.

Để trả lời ba câu hỏi trên, dữ liệu 122 quốc gia trong giai đoạn 1996 - 2019 được thu thập và phân chia thành hai nhóm 78 quốc gia thu nhập cao và trung bình cao và 44 quốc gia thu nhập trung bình thấp và thấp. Ảnh hưởng của năng lực sản xuất quốc gia và cú sốc kinh tế tới biến động kinh tế vĩ mô được đo lường thông qua một mô hình động. Biến động kinh tế vĩ mô được đo lường bằng biến động tốc độ tăng trưởng sản lượng bình quân đầu người nhưng tính tới tốc độ tăng trưởng bình quân theo phương pháp của da Silva và cộng sự (2017).

Khi so sánh hai quốc gia có cùng độ lệch chuẩn tốc độ tăng trưởng kinh tế trong một thời gian dài thì quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế lớn hơn sẽ có lợi thế hơn để bứt phá trong kinh tế đồng thời duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó vươn lên thành nền kinh tế hàng đầu chỉ trong vài thập kỷ. Năng lực sản xuất quốc gia, hay chỉ số phức tạp kinh tế do Hausmann và cộng sự (2014) xây dựng dựa trên dữ liệu về hàng hóa xuất khẩu sẽ đại diện cho năng lực sản xuất quốc gia.

Nâng cao năng lực sản xuất giúp quốc gia hạn chế được biến động kinh tế vĩ mô

Hausmann và cộng sự (2014) đã vận dụng lý thuyết về lợi thế so sánh biểu lộ và phương pháp phân tích thành phần chính để rút ra đặc điểm chung của dữ liệu thương mại cho phép hình thành dữ liệu về mức độ phức tạp kinh tế cho từng quốc gia. Cú sốc tỷ giá thương mại hàng hóa (Beck và cộng sự, 2006; Ćorić và Pugh, 2013; Yang và Liu, 2016) và cú sốc giá cả (Ahmed và Suardi, 2009; Balavac và Pugh, 2016; Gnangnon, 2023; Williams, 2014) được sử dụng để đánh giá ảnh hưởng của các cú sốc tới biến động kinh tế vĩ mô.

Áp dụng phương pháp ước lượng tổng quát hóa moment vào ước lượng tác động của năng lực sản xuất quốc gia và các cú sốc tới mức độ biến động kinh tế vĩ mô đưa ra câu trả lời cho ba câu hỏi trên như sau: Nâng cao mức độ phức tạp kinh tế hay năng lực sản xuất giúp một quốc gia hạn chế được biến động kinh tế vĩ mô, trong trường hợp các yếu tố khác không đổi. Nâng cao năng lực sản xuất quốc gia giúp quốc gia thu nhập cao và trung bình cao hạn chế biến động kinh tế vĩ mô nhưng vai trò tích cực này không phát huy tác dụng tại quốc gia thu nhập trung bình thấp và thấp. Năng lực sản xuất quốc gia có khả năng khuếch đại ảnh hưởng của các cú sốc kinh tế tới biến động kinh tế vĩ mô và mức độ khuếch đại là khác nhau giữa hai nhóm quốc gia.

Minh Hùng