HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CẦN ĐƯỢC ÁP DỤNG CƠ CHẾ ĐẶC THÙ HƠN SO VỚI VIỆC CHI KHÁC TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

08/11/2023

Để tháo gỡ bất cập trong thanh, quyết tán cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ cần được áp dụng cơ chế đặc thù hơn so với các việc chi khác từ ngân sách Nhà nước như trong việc phân bổ, giao dự toán, đấu thầu, thanh quyết toán...

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 08/11: BẾ MẠC PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHOÁ XV

CẦN THÁO GỠ CƠ CHẾ, ƯU TIÊN NGUỒN LỰC CHO CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC PHÁT TRIỂN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

Từ nhiều năm nay, việc triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ ở các Viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo gặp rất nhiều khó khăn do vướng thủ tục thanh, quyết toán quá nhiêu khê, nhiều thủ tục rườm rà. Vì thế, tại nhiều nơi, hồ sơ thanh toán, quyết toán lại nhiều hơn hồ sơ khoa học của nhiệm vụ khoa học đó. Điều này đã khiến cho nhiều nhà khoa học cảm thấy nản chí, thiếu động lực trong quá trình nghiên cứu, sáng chế khoa học. Đây là vấn đề bức thiết, cần sớm được giải quyết và đã được ĐBQH đưa ra trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sáng 08/11.

Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 08/11.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đại biểu Trần Kim Yến – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho biết, theo phản ánh của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, các thủ tục hành chính để triển khai thực hiện cho các nhiệm vụ khoa học, công nghệ, kể cả việc thanh toán, quyết toán còn quá nhiều rườm rà, nhiều thủ tục và mất rất nhiều thời gian, công sức của các cơ quan, địa phương, đơn vị. Trong khi đó, cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính là một trong những vấn đề rất cần thiết khi thực hiện chính quyền điện tử.

Trước bất cập trên, đại biểu Trần Kim Yến đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết giải pháp để giải quyết vấn đề trên. Ngoài ra, vai trò của Bộ Khoa học và Công nghệ trong thẩm định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, các công trường xây dựng. Ví dụ như Bộ đã vào cuộc như thế nào từ việc xây dựng của Đỗ Gia Capital đang triển khai ở Quảng Ninh, Vịnh Hạ Long?

Đại biểu Trần Kim Yến – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Kim Yến vấn đề cắt giảm thủ tục hành chính, hóa đơn và chứng từ thanh, quyết toán, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện nay việc chi tiêu, thanh, quyết toán các nhiệm vụ khoa học, công nghệ phải tuân thủ Luật Kế toán, Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đấu thầu. Thời gian vừa qua, mặc dù có Thông tư liên tịch số 27 quy định về việc khoán chi trong việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ đã đơn giản hóa thủ tục kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước nhưng trách nhiệm kiểm soát chi lại giao cho các đơn vị quản lý kinh phí thuộc các Bộ, các ngành và đơn vị chủ trì, nhưng nhà khoa học vẫn phải hoàn thiện các chứng từ thực thanh, thực chi hợp pháp cho các nội dung thanh toán, phải thực hiện các thủ tục liên quan đến đấu thầu mua sắm và phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc sử dụng ngân sách nhà nước. Điều này giải thích tại sao có lúc là hồ sơ thanh toán, quyết toán lại nhiều hơn hồ sơ khoa học của nhiệm vụ khoa học đó. Như vậy, về bản chất trong khi hiệu quả hoạt động nghiên cứu có độ trễ chưa được chứng minh ngay, sản phẩm của nhiệm vụ khoa học, công nghệ còn có nhiều yếu tố vô hình, khó lượng hóa và đánh giá rõ ràng thông qua các chỉ tiêu kỹ thuật.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, quan điểm của cơ quan quản lý Nhà nước khi xem xét hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước vẫn gắn với việc kiểm soát tính đầy đủ của chứng từ chi tiêu. Trong thực tế, mặc dù Kho bạc Nhà nước không thực hiện kiểm soát chi nhưng khối lượng các chứng từ, chi tiêu, đấu thầu, mua sắm mà tổ chức chủ trì phải lưu giữ để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra gần như không thay đổi so với phương thức khoán chi từng phần. Trong khi đó bị hạn chế trong việc điều chỉnh một số nội dung nhiệm vụ khoa học, công nghệ của mình...

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.

Để tháo gỡ toàn diện các vướng mắc, bất cập này, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ cần được áp dụng cơ chế đặc thù hơn so với các việc chi khác từ ngân sách Nhà nước như trong việc phân bổ, giao dự toán, đấu thầu, thanh quyết toán, yêu cầu về chứng từ chi tiêu, kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước. Việc thanh tra, kiểm tra và việc xem xét trách nhiệm của đơn vị quản lý ngân sách nhà nước, dự toán ngân sách nhà nước. Nếu không làm được điều này chúng ta sẽ rất khó có được một cơ chế tài chính thực sự được đơn giản hóa và thực sự cởi trói cho các nhà khoa học trong việc thanh toán, quyết toán các nhiệm vụ khoa học công nghệ của mình.

Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi Thông tư liên tịch 2017 liên quan đến việc quy định về khoán chi. Đồng thời, nghiên cứu để kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 95 và đề xuất các quan điểm nhằm giải quyết căn cốt các nội dung này trong đề xuất sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ trình Quốc hội sắp tới.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định: Bộ Khoa học công nghệ cũng đang rà soát để đơn giản hóa các thủ tục hành chính và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các nhiệm vụ khoa học Công nghệ quốc gia để đảm bảo sự công khai, minh bạch.

Đề cập vai trò của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc thẩm định tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật về môi trường các khu công nghiệp, các công trường xây dựng, trong đó có nội dung liên quan đến một doanh nghiệp đang triển khai xây dựng ở Quảng Ninh, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: Theo quy định của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn về kỹ thuật, Bộ có trách nhiệm phối hợp với các Bộ quản lý ngành trong việc thẩm định quy chuẩn Việt Nam và thẩm định công bố tiêu chuẩn Việt Nam do các Bộ chuyên ngành chủ trì. Đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức thẩm định hơn 800 quy chuẩn Việt Nam quốc gia. Thẩm định và công bố hơn 13.000 tiêu chuẩn Việt Nam, trong đó có 70 quy chuẩn Việt Nam và khoảng 700 tiêu chuẩn Việt Nam về lĩnh vực môi trường.

Công tác thẩm định của Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung vào các tiêu chí chính. Đó là sự phù hợp của quy chuẩn kỹ thuật với quy định của pháp luật và cam kết quốc tế có liên quan. Hai là, tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam. Ba là, việc tuân thủ các yêu cầu nghiệp vụ tinh tự, thủ tục xây dựng tiêu chuẩn và Quy chuẩn Việt Nam.

Việc tổ chức thực hiện các quy chuẩn Việt Nam do các bộ quản lý ngành tổ chức thực hiện, thanh tra và kiểm tra. Đối với các quy chuẩn Việt Nam ngoài pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn cần tuân thủ pháp luật về môi trường.

Đối với trường hợp của Công ty Đỗ Gia Capital như đại biểu đã đề cập, cần xác định cụ thể hành vi không tuân thủ quy chuẩn Việt Nam về môi trường (nếu có). Trách nhiệm chính thuộc về bộ quản lý ngành, Bộ Khoa học và Công nghệ sẵn sàng phối hợp với các bộ quản lý ngành trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường nhằm góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý về môi trường cũng như trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Trên cơ sở phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội sẽ xem xét ban hành Nghị quyết về chất vấn vào cuối kỳ họp. Đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát và chất vấn, tập trung vào việc khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong từng lĩnh vực.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh một số nội dung như sớm sửa đổi, bổ sung Luật Khoa học và công nghệ. Tăng cường liên kết, kết nối cung cầu phát triển thị trường khoa học công nghệ. Hoàn thiện đồng bộ cơ chế quản lý tài chính, phương thức đầu tư cho khoa học, công nghệ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện cơ chế tự chủ của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập./.

Bích Lan