TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 08/11: CHÍNH PHỦ TRÌNH QUỐC HỘI DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN VÀ DỰ ÁN LUẬT CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP

08/11/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, 14h00 chiều 08/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe Chính phủ trình dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 08/11: BẾ MẠC PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHOÁ XV

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp 

Theo đó, tại phiên họp, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (1); Đồng thời Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (2). 

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ liên tục cập nhật nội dung thông tin:

15h04 - 17h00: Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về 02 dự án luật:

Sau khi nghe Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, thời gian còn lại phiên làm việc chiều 08/11, Quốc hội thảo luận tại tổ cho ý kiến về 2 dự án luật này.

14h48: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Trình bày Báo cáo tóm tắt thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, thẩm tra về sự cần thiết ban hành Luật, đa số ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sau hơn 05 năm thi hành Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tiếp tục hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản theo hướng công khai, minh bạch, áp dụng thống nhất cho các loại tài sản đấu giá nhưng vẫn bảo đảm tính đặc thù của một số loại tài sản đấu giá cụ thể trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Đấu giá tài sản; bảo đảm sự thống nhất, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về đấu giá tài sản và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật…  

Về cơ bản, nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất với quy định của một số luật hiện hành liên quan cũng như các dự án Luật có liên quan đang được sửa đổi, bổ sung.

Thẩm tra một số vấn đề cụ thể liên quan đến tài sản đấu giá, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhận thấy mặc dù Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức nhưng việc quy định về tài sản đấu giá là cần thiết và phù hợp với các pháp luật chuyên ngành nhằm bảo đảm sự rõ ràng, tránh khoảng trống về mặt pháp lý. Tuy nhiên có ý kiến đề nghị điều chỉnh quy định tại Điều 4 về tài sản đấu giá theo hướng không liệt kê, vì điều này dễ dẫn đến trùng lặp hoặc gây chồng chéo, mâu thuẫn. 

Về Cổng đấu giá tài sản quốc gia, Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc bổ sung quy định thực hiện đấu giá trực tuyến thông qua Cổng đấu giá tài sản quốc gia và Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản là phù hợp với yêu cầu về chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc quản lý Cổng Đấu giá tài sản quốc gia như trách nhiệm về: (i) bảo mật thông tin trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản bằng hình thức trực tuyến; (ii) lưu trữ thông tin phục vụ công tác tra cứu, theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán…; (iii) bảo đảm việc vận hành thông suốt và hiệu quả của Cổng Đấu giá tài sản quốc gia…

Đối với quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, Ủy ban Kinh tế nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản tại dự án Luật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và bảo đảm sự chặt chẽ, khách quan, minh bạch trong hoạt động đấu giá tài sản.

Bên cạnh đó, đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 2 về thời gian thông báo thay đổi địa điểm trước ngày mở cuộc đấu giá chỉ có 01 ngày làm việc; quy định như vậy sẽ gây bất lợi cho người tham gia đấu giá, nhất là đối với những trường hợp ở cách xa địa điểm đấu giá

Đề nghị nghiên cứu, cân nhắc về tính khả thi của quy định người có tài sản đấu giá phải có nghĩa vụ thẩm tra, xét duyệt điều kiện tham gia đấu giá của người tham gia đấu giá vì việc xét duyệt điều kiện này phải thuộc trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản là cơ quan có tính chuyên môn, chuyên nghiệp cao đối với hoạt động đấu giá tài sản.

Việc yêu cầu người có tài sản đấu giá phải xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá là chưa phù hợp, nhất là đối với trường hợp người có tài sản đấu giá là cá nhân hoặc trường hợp có số lượng lớn người tham gia đấu giá đối với cùng một tài sản đấu giá; đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về hồ sơ đánh giá năng lực, điểm tích lũy kinh nghiệm của người tham gia đấu giá tài sản, nhất là đối với việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, bảo đảm lựa chọn được người tham gia đấu giá tài sản có đủ năng lực về tài chính, chuyên môn và kinh nghiệm.

Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định rõ cơ sở xác định trường hợp được áp dụng hình thức bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá hoặc hình thức bỏ phiếu gián tiếp hoặc có thể kết hợp hình thức đấu giá trực tiếp với hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp; trường hợp kết hợp cả hai hình thức đấu giá thì phải bổ sung quy định về trình tự, thủ tục bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng, đầy đủ và phù hợp với thực tiễn.

Việc nâng tỷ lệ tiền đặt trước tối thiểu lên 10% khi đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư (khoản 1a Điều 39), tăng 5% so với các tài sản đấu giá thông thường (mức tiền đặt trước tối thiểu của tài sản thông thường là 5%) sẽ giúp hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường và trục lợi. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định tỷ lệ tiền đặt trước quá cao dẫn đến những rào cản kỹ thuật, làm mất tính cạnh tranh của cuộc đấu giá.

Do đó, đề nghị nghiên cứu điều chỉnh biên độ chênh lệch giữa mức tiền đặt trước tối thiểu và tiền đặt trước tối đa một cách hợp lý, khả thi; cân nhắc quy định khoản tiền đặt trước căn cứ theo quy mô diện tích đất đấu giá hoặc căn cứ theo giá trị của tài sản đấu giá…

Thẩm tra quy định về đấu giá viên, Ủy ban Kinh tế nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung tại một số điều, khoản liên quan đến tiêu chuẩn, điều kiện của đấu giá viên, nhằm bảo đảm tất cả cá nhân muốn trở thành đấu giá viên đều được trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng hành nghề phù hợp với tính chất nghề nghiệp; việc sửa đổi, bổ sung quy định về cấp, thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá, nhằm bảo đảm đơn giản hóa thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025. Ngoài ra, đề nghị đánh giá tác động của việc bỏ quy định miễn đào tạo nghề đấu giá đối với một số trường hợp; nghiên cứu việc giao Bộ Tư pháp quy định về bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định. 

Ngoài ra, bổ sung quy định về việc đấu giá viên không được đồng thời kiêm nhiệm các chức danh bổ trợ tư pháp khác như luật sư, công chứng viên, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp, trọng tài thương mại… nhằm bảo đảm tính chuyên nghiệp của đấu giá viên. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị xem xét lại việc cấm quy định đấu giá viên đồng thời kiêm nhiệm các chức danh bổ trợ tư pháp khác, nhất là ở các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Về quy định chuyển tiếp, Ủy ban Kinh tế khẳng định, quy định chuyển tiếp tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 của dự thảo Luật nhằm bảo đảm sự thống nhất và đồng bộ trong triển khai thực hiện Luật; quy định chuyển tiếp tại khoản 3 Điều 3 là cần thiết nhằm tạo điều kiện cho các trường hợp người được miễn đào tạo nghề đấu giá theo quy định hiện hành mà đang tập sự hành nghề đấu giá hoặc đã hoàn thành thời gian tập sự hành nghề đấu giá theo quy định của Luật Đấu giá tài sản trước ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thì được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. 

Tại dự thảo Luật cũng khẳng định việc đấu giá thí điểm biển số xe ô tô được tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 73/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô cho đến khi Nghị quyết này hết hiệu lực thi hành hoặc cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về đấu giá biển số xe ô tô. Tại Nghị quyết số 73/2022/QH15 quy định Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 và được thực hiện trong 03 năm. 

Ngoài các quy định chuyển tiếp trên, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát và bổ sung quy định chuyển tiếp đối với những trường hợp khác nếu thấy cần thiết vì quy định tại dự thảo Luật có thể tác động đến quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản.

Đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định khác tại dự án Luật, tránh tình trạng quy định chung chung gây khó khăn trong thực tế triển khai; rà soát, tránh trùng lặp, xung đột pháp luật; đồng thời tiếp tục rà soát, chỉnh lý về từ ngữ, câu chữ và kỹ thuật văn bản để hoàn thiện dự án Luật. 

14h33: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển dịch vụ đấu giá tài sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. 

Việc xây dựng luật cũng hướng đến tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, chất lượng hoạt động đấu giá tài sản; khắc phục những hạn chế, bất cập, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Về quan điểm xây dựng dự án Luật, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản được dựa trên quan điểm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy vai trò của hoạt động đấu giá trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, chuyển đổi số, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bám sát và cụ thể hóa 03 nội dung chính sách lớn trong Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã được thông qua.

Bên cạnh đó, việc xây dựng luật cũng kế thừa quan điểm Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức, quy định trình tự, thủ tục đấu giá, áp dụng thống nhất các loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá; các nội dung thuộc giai đoạn trước khi đấu giá (đưa tài sản ra đấu giá, xác định giá khởi điểm…) và sau khi đấu giá (phê duyệt kết quả, nộp tiền trúng đấu giá…) thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành; hoàn thiện trình tự, thủ tục đấu giá tài sản theo hướng chặt chẽ, công khai, minh bạch, đồng thời có quy định riêng đối với một số loại tài sản đặc thù; nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan.

Việc xây dựng luật cũng bám sát quan điểm tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; bảo đảm sự quản lý thống nhất, hiệu quả của Nhà nước đối với tổ chức và hoạt động đấu giá tài sản; phân công, phân nhiệm rõ ràng, tạo cơ chế phối hợp hiệu quả trong quản lý nhà nước về đấu giá tài sản. 

Về phạm vi sửa đổi, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, trên cơ sở quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức, quy định về trình tự, thủ tục đấu giá, dự thảo Luật cơ bản giữ nguyên các quy định của Luật Đấu giá tài sản đang còn phù hợp và phát huy hiệu quả trong thực tiễn. 

Đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 25 điều, khoản; bổ sung 01 Điều mới quy định về: tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, quyền, nghĩa vụ và việc thay đổi đăng ký hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, trong đó có tính đến một số loại tài sản đặc thù, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình tổ chức đấu giá và hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Về quan điểm xây dựng dự án Luật, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản được dựa trên quan điểm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy vai trò của hoạt động đấu giá trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, chuyển đổi số, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bám sát và cụ thể hóa 03 nội dung chính sách lớn trong Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã được thông qua.

Bên cạnh đó, việc xây dựng luật cũng kế thừa quan điểm Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức, quy định trình tự, thủ tục đấu giá, áp dụng thống nhất các loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá; các nội dung thuộc giai đoạn trước khi đấu giá (đưa tài sản ra đấu giá, xác định giá khởi điểm…) và sau khi đấu giá (phê duyệt kết quả, nộp tiền trúng đấu giá…) thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành; hoàn thiện trình tự, thủ tục đấu giá tài sản theo hướng chặt chẽ, công khai, minh bạch, đồng thời có quy định riêng đối với một số loại tài sản đặc thù; nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan.

Việc xây dựng luật cũng bám sát quan điểm tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; bảo đảm sự quản lý thống nhất, hiệu quả của Nhà nước đối với tổ chức và hoạt động đấu giá tài sản; phân công, phân nhiệm rõ ràng, tạo cơ chế phối hợp hiệu quả trong quản lý nhà nước về đấu giá tài sản. 

Về phạm vi sửa đổi, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, trên cơ sở quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức, quy định về trình tự, thủ tục đấu giá, dự thảo Luật cơ bản giữ nguyên các quy định của Luật Đấu giá tài sản đang còn phù hợp và phát huy hiệu quả trong thực tiễn. 

Đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 25 điều, khoản; bổ sung 01 Điều mới quy định về: tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, quyền, nghĩa vụ và việc thay đổi đăng ký hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, trong đó có tính đến một số loại tài sản đặc thù, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình tổ chức đấu giá và hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Dự thảo Luật bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và 03 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được thông qua, đồng thời rà soát, cập nhật đầy đủ các loại tài sản mà pháp luật hiện hành quy định phải bán thông qua đấu giá.

Cụ thể, về đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, để tạo điều kiện và thu hút người tốt nghiệp đại học tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp đấu giá, góp phần thúc đẩy và phát triển hoạt động đấu giá tài sản theo thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với thông lệ quốc tế.

14h15: Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới cho biết, UBQPAN nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (CNQPAN và ĐVCN) như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển CNQPAN và ĐVCN; khắc phục những hạn chế, bất cập sau 15 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng (CNQP), 20 năm thực hiện Pháp lệnh ĐVCN và thực tiễn phát triển công nghiệp an ninh (CNAN) từ Đại hội Đảng lần thứ XI đến nay; nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, khả thi, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước. 

Bên cạnh đó, UBQPAN đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật tiếp tục rà soát, đánh giá, đầy đủ, toàn diện hơn các căn cứ về chính trị, pháp lý, thực tiễn; làm rõ mối quan hệ gắn kết giữa CNQP, CNAN và ĐVCN; đặt CNQPAN, ĐVCN trong tổng thể nền công nghiệp quốc gia và cả nền kinh tế, trước yêu cầu xây dựng, tăng cường tiềm lực QPAN của đất nước để đánh giá toàn diện, làm rõ hơn về sự cần thiết ban hành Luật.

UBQPAN thấy rằng, hồ sơ dự án Luật đã được Chính phủ trình cơ bản đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều nội dung được nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, đủ điều kiện báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến, nhưng cần nghiên cứu, tiếp tục rà soát, bổ sung đầy đủ dự thảo văn bản quy định chi tiết, đánh giá thêm tác động về chi phí, ngân sách để bảo đảm tính khả thi.

Về bảo đảm tính hợp hiến, sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, UBQPAN nhận thấy, nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và cơ bản bảo đảm tính khả thi.

Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ, toàn diện quan điểm chỉ đạo của Đảng, với các mục tiêu, yêu cầu như: Xây dựng, phát triển CNQP, CNAN tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng; …trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia…

Về những nội dung cụ thể, UBQPAN cơ bản nhất trí với tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu các ý kiến trên để tiếp tục rà soát, chỉnh lý cho phù hợp, bao quát được đầy đủ các nội dung của Luật.

UBQPAN cơ bản tán thành với dự thảo Luật và việc Chính phủ dự kiến bổ sung khái niệm Tổ hợp CNQP; tuy nhiên, đề nghị làm rõ tổ hợp CNQP là cơ cấu tổ chức hay phương thức vận hành; các thành tố của tổ hợp CNQP liên hệ, gắn kết với nhau như thế nào để đưa CNQP thực sự thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Đồng thời, nghiên cứu các ý kiến trên, rà soát, bổ sung để quy định thống nhất, đầy đủ, khả thi. 

Về nguyên tắc xây dựng và phát triển CNQPAN và ĐVCN, UBQPAN cho rằng, nguyên tắc xây dựng, phát triển CNQPAN và ĐVCN có ý nghĩa quan trọng, làm cơ sở quy định các nội dung cụ thể của dự thảo Luật. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu các ý kiến trên, tiếp tục rà roát để quy định đầy đủ các nguyên tắc trong dự thảo Luật. 

Về quy hoạch xây dựng và phát triển CNQP, CNAN, UBQPAN nhận thấy, quy hoạch xây dựng và phát triển CNQP, CNAN là nội dung quan trọng để định hướng cho mục tiêu xây dựng và phát triển nền CNQPAN vững mạnh, tự lực, tự cường, đặt trong tổng thể chiến lược công nghiệp quốc gia. Tuy nhiên, đề nghị rà soát, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tính khả thi; nghiên cứu bổ sung quy định về điều chỉnh quy hoạch tại Điều 9 cho phù hợp với khoản 4 Điều 6 dự thảo Luật.

Về bảo đảm nguồn lực cho CNQPAN, UBQPAN cơ bản nhất trí với dự thảo Luật quy định nguồn lực tài chính cho phát triển CNQPAN do NSNN bảo đảm và trong điều kiện NSNN còn khó khăn thì việc huy động các nguồn hợp pháp khác như từ các quỹ, nguồn vay, tài trợ, trích lập sau thuế là phù hợp, đây sẽ là nền tảng vật chất quan trọng để bảo đảm cho CNQPAN song Chính phủ dự kiến sẽ không quy định về “Nguồn vốn chuyên biệt” mà thay bằng “nguồn vốn hợp pháp khác”; đây là vấn đề mới, việc triển khai phải gắn với chế độ bảo mật, do đó, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ để phù hợp với thực tiễn và thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Về chuẩn bị và thực hành ĐVCN, Có ý kiến cho rằng, cách thức, phương pháp ĐVCN quy định trong dự thảo Luật về cơ bản chưa có sự đổi mới để phù hợp với thực tiễn, do đó cần có sự đột phá trong giao nhiệm vụ cho từng địa phương, quân khu trong xây dựng kế hoạch ĐVCN; nghiên cứu, bổ sung chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tham gia ĐVCN; bổ sung quy định trách nhiệm, cách thức xử lý khi doanh nghiệp được giao nhiệm vụ, đặt dây chuyền ĐVCN phá sản hoặc giải thể để không ảnh hưởng đến tài sản nhà nước và nhiệm vụ QPAN.

UBQPAN nhận thấy, các quy định về ĐVCN cơ bản được kế thừa Pháp lệnh ĐVCN và Nghị định số 132/2004/NĐ-CP, nhưng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ các nội dung trên, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và khả thi.

Về chế độ chính sách trong CNQPAN và ĐVCN, UBQPAN nhận thấy, việc phân loại các chế độ, chính sách theo từng đối tượng, nhóm đối tượng là hợp lý. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, các chế độ, chính sách còn tản mạn, thiếu tính khái quát. Đồng thời, các quy định liên quan đến các luật như: Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND, Luật An ninh Quốc gia … Vì vậy, đề nghị nghiên cứu chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Về chế độ, chính sách đối với chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất VKTBKT chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt, UBQPAN đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể, minh bạch hơn về chế độ, chính sách đối với các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng, phát triển CNQPAN và ĐVCN, bảo đảm thống nhất với Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và bảo đảm tính khả thi. 

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về CNQPAN và ĐVCN, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, UBQPAN đề nghị rà soát lại quy định trách nhiệm của các Bộ cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và chỉ quy định trách nhiệm của một số bộ có tính chất đặc thù về CNQPAN và ĐVCN; đồng thời, đề nghị nghiên cứu hình thành mô hình Cơ quan quản lý nhà nước để điều phối hoạt động CNQPAN, thúc đẩy sự gắn kết giữa CNQPAN với công nghiệp quốc gia.

14h01: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, Công nghiệp quốc phòng (CNQP), Công nghiệp an ninh (CNAN) và Động viên công nghiệp (ĐVCN) luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển; các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng được thể hiện trong các văn kiện chính trị. 

Hiện nay, cơ sở pháp lý chung điều chỉnh lĩnh vực CNQP, CNAN và ĐVCN cao nhất là Hiến pháp 2013 (Điều 14, Điều 68), Luật Quốc phòng 2018, Luật Công an nhân dân và các Luật chuyên ngành khác. Cơ sở pháp lý trực tiếp điều chỉnh lĩnh vực CNQP là Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008, điều chỉnh lĩnh vực ĐVCN là Pháp lệnh Động viên công nghiệp năm 2003, điều chỉnh lĩnh vực CNAN là Nghị định số 63/2020/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Tuy nhiên, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào tầm Luật điều chỉnh trực tiếp về CNQP, AN và ĐVCN để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, nhất là luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển CNQP, AN; đồng thời, để thống nhất với các Luật ban hành trong thời gian qua quy định về vấn đề này như: Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quy hoạch, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, … do đó đặt ra yêu cầu phải xây dựng Luật để điều chỉnh những quy định về CNQP, CNAN và ĐVCN đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật…

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, mục đích xây dựng Luật là nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển CNQP, AN và ĐVCN trước mắt và lâu dài, bao gồm cả đảm bảo cơ chế, chính sách đặc thù cho những lĩnh vực đặc biệt quan trọng của CNQP, CNAN; phát huy vai trò chức năng, nhiệm vụ của CNQP, CNAN và ĐVCN trong đảm bảo vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức đổi mới, sắp xếp hệ thống cơ sở CNQP, cơ sở CNAN phù hợp đặc thù CNQP, CNAN, ĐVCN và gắn với phương thức tác chiến của Quân đội, nhiệm vụ của Công an, đáp ứng với kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu; bảo đảm tập trung, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về CNQP, CNAN và ĐVCN.

Đồng thời, huy động các thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang nhân dân có tiềm lực về tài chính, KHCN tham gia đầu tư phát triển CNQP, AN và thực hiện nhiệm vụ ĐVCN, tham gia sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế... 

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, dự thảo Luật CNQP, AN và ĐVCN có bố cục gồm 07 chương và 73 điều. Cụ thể, Chương I - Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 5); Chương II - CNQP, AN (từ Điều 6 đến Điều 32); Chương III - Chuẩn bị và thực hành ĐVCN (từ Điều 33 đến Điều 46); Chương IV - Chế độ, chính sách trong CNQP, AN và ĐVCN (từ Điều 47 đến Điều 52); Chương V - Hợp tác quốc tế CNQP, AN (từ Điều 53 đến Điều 60); Chương VI - Trách nhiệm quản lý nhà nước về CNQP, AN và ĐVCN (từ Điều 61 đến Điều 71); Chương VII - Điều khoản thi hành (Điều 72, Điều 73). 
Nội dung cơ bản của dự thảo Luật CNQP, AN và ĐVCN tập trung vào 05 chính sách nổi bật đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua, gồm: Chính sách 1- Phát triển CNQP, CNAN theo hướng lưỡng dụng, bảo đảm sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động CNQP, CNAN; Chính sách 2- Hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức CNQP, CNAN; Chính sách 3- Thúc đẩy hoạt động Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển CNQP, CNAN; Chính sách 4- Huy động nguồn lực cho phát triển CNQP, CNAN; Chính sách 5- Bảo đảm hiệu quả hoạt động ĐVCN...

14h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp

Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, chiều nay, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. 

Tiếp đến, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội