CHI PHÍ NHẬP KHẨU NGUYÊN VẬT LIỆU ĐẦU VÀO TĂNG CAO ẢNH HƯỞNG TỚI NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA HÀNG HÓA

07/11/2023

Bàn về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới, cho nên chi phí sản xuất tăng cao thông qua nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của hàng hóa.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội

Phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã diễn ra sôi nổi và chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.

Đóng góp ý kiến về tình hình kinh tế xã hội, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, mức tăng trưởng kinh tế 3,72% trong 6 tháng đầu năm 2023 là chỉ số rất thấp trong hàng chục năm nay khi so sánh với cùng kỳ của những năm trước, trừ những năm bị đại dịch Covid-19. Với 3 động lực chính là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, kinh tế Việt Nam trong các tháng cuối năm 2023 được dự báo sẽ tăng trưởng thuận lợi hơn so với nửa đầu năm cho dù vẫn còn nhiều khó khăn.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế 

Về tình hình hoạt động xuất nhập khẩu, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn được coi là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam nhiều năm qua. Tăng trưởng xuất khẩu cao đã trở thành trụ cột quan trọng của tăng trưởng kinh tế, cải thiện cán cân thương mại, cán cân thanh toán, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Trong điều kiện trình độ phát triển khoa học, công nghệ còn thấp, chính sách nhập khẩu trong thời gian qua đã tạo thuận lợi để Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, giải quyết sự thiếu hụt về nguyên, nhiên liệu, máy móc thiết bị. Nhập khẩu hàng hóa đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, cải thiện trình độ công nghệ của nền kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, giúp người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa và dịch vụ có chất lượng cao hơn, rẻ hơn và tiện lợi hơn…

Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2023 đã sụt giảm nghiêm trọng so cùng kỳ năm 2022. Trong 8 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu đã giảm mạnh 13,1%, trong đó xuất khẩu giảm 10 %, nhập khẩu giảm đến 16,2% so cùng kỳ năm 2022. Xem xét tình hình xuất khẩu từng tháng, hầu hết các tháng đều có kim ngạch xuất khẩu tháng sau cao hơn tháng trước thể hiện sự cố gắng của các DN, (trừ tháng 1 và tháng 4 có mức giảm sâu). Do vậy, cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu so với cùng kỳ năm trước vẫn giảm sút, nhưng mức giảm sút đang giảm dần. Đặc biệt là từ tháng 7,8/2023 do nhiều ngành như dệt may, da giày, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện đã có thêm các đơn hàng, kim ngạch XNK đã tăng mạnh, từ đó giúp kim ngạch XNK của Việt Nam tiến gần hơn đến mức XNK của năm 2022.

Việc sụt giảm kim ngạch XNK trong các tháng đầu năm 2023 do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Năm 2023, tình hình kinh tế thế giới vẫn có những diễn biến phức tạp, hầu hết các quốc gia đều áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát. Nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới từng bước phục hồi chậm chạp trong điều kiện lãi suất cao, lạm phát giảm chậm. Điều này đã ảnh hưởng đến cả cầu cho sản xuất và nhu cầu tiêu dùng của người dân các nước.

Trước hết, lạm phát toàn cầu đã có xu hướng giảm thấp, nhưng vẫn còn ở mức tương đối cao. Lạm phát toàn cầu trung bình so với cùng kỳ năm trước ở mức 7,2% trong tháng 4/2023, giảm so với mức cao nhất 9,4% trong tháng 7/2022. Lạm phát của khu vực đồng Euro tháng 5/2023 tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát của Mỹ tăng 4,0%. Tại châu Á, lạm phát tháng 5/2023 của Trung Quốc tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; Thái Lan tăng 0,53%; Hàn Quốc tăng 3,3%; Inđônêsia tăng 4,0%; Philippin tăng 6,1%; Lào tăng 38,86%. Điều này đã gây khó khăn cho hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp và làm cho tốc độ phục hồi kinh tế chậm lại.

Thứ hai, những cú sốc về nguồn cung và sự gián đoạn nguồn cung dầu và các nguyên liệu do xáo trộn địa chính trị tác động dai dẳng đến thị trường toàn cầu đã làm tăng giá hàng hóa nhiều mặt hàng. Giá năng lượng, nguyên vật liệu cao hơn sẽ chuyển sang giá tiêu dùng và làm kỳ vọng lạm phát tăng lên. Trong khi sản xuất hồi phục chậm chạp, cầu sản xuất và tiêu dùng đều bị thu hẹp. Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới và mức độ nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất chiếm tới 37% cho nên chi phí sản xuất tăng cao thông qua nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của hàng hóa.

Thứ ba, trong Báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” tháng 6/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định nền kinh tế toàn cầu vẫn bấp bênh. Những động lực giúp phục hồi kinh tế toàn cầu những tháng đầu năm 2023 dự kiến sẽ suy giảm trong các tháng cuối năm. Điều này cho thấy hoạt động kinh tế toàn cầu cả năm 2023 sẽ chậm lại, thể hiện rõ nét ở sự giảm tốc rõ rệt ở các nền kinh tế phát triển. Tăng trưởng toàn cầu được dự báo đạt 2,1% trong năm 2023, điều chỉnh tăng 0,4 % so với dự báo trong tháng 01/2023. Tuy nhiên, lực cản từ chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn đang ngày càng rõ ràng, đặc biệt trong các hoạt động có yếu tố lãi suất nhạy cảm hơn như đầu tư kinh doanh và nhà ở, bao gồm cả xây dựng.   

Minh Hùng