THỐNG NHẤT HỆ THỐNG VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHUNG CỦA CẢ 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HIỆU QUẢ PHỐI HỢP THỰC HIỆN

30/10/2023

Thảo luận tại hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, các đại biểu đều tán thành cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của 3 chương trình chưa được giải ngân hết chuyển sang tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31/12/2024 và thống nhất hệ thống văn phòng điều phối chung của cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để nâng cao chất lượng hiệu quả phối hợp, lồng ghép trong thực hiện, triển khai .

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG NGÀY 30/10: THẢO LUẬN VIỆC TRIỂN KHAI CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Báo cáo giám sát của Quốc hội cho thấy, sau hơn 2 năm thực hiện, các Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, thiếu vững chắc, làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các mục tiêu của chương trình cũng như các mục tiêu kinh tế - xã hội, làm giảm đi giá trị, thành công của các giai đoạn trước. Báo cáo của đoàn giám sát đã chỉ rõ thực trạng này. Các đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể rõ ràng việc phối hợp, lồng ghép giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia và giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình dự án khác để thuận lợi cho quá trình giải ngân các nguồn vốn, hạn chế việc chồng chéo, trùng lắp vào địa bàn, đối tượng, nguồn vốn, gây thất thoát lãng phí làm giảm hiệu quả của các chương trình.

Nhiều đại biểu đánh giá, nguyên nhân việc thực hiện chưa hiệu quả là do sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia còn chưa chặt chẽ. Cần thống nhất hệ thống văn phòng điều phối chung của cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để nâng cao chất lượng hiệu quả phối hợp, lồng ghép trong thực hiện, triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia…

Đại biểu Nguyễn Duy Minh, đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng 

Cần thống nhất hệ thống văn phòng điều phối chung của cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia 

Đại biểu Nguyễn Duy Minh, đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ khung cơ chế chính sách, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ. Bộ máy chỉ đạo điều hành ở các cấp còn chưa có sự thống nhất; chưa phát huy hết trách nhiệm của các chủ thể. Các địa phương vẫn còn bị động, lúng túng, thiếu quyết liệt, tâm lý sợ sai trong triển khai thực hiện. Các bộ, ngành phải mất thời gian trả lời, giải quyết các vướng mắc của các địa phương đã làm chậm tiến độ triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia mà quan trọng là ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các mục tiêu của chương trình đã đề ra.

Trên cơ sở đó, đại biểu Nguyễn Duy Minh kiến nghị Chính phủ cần nâng cao trách nhiệm trong việc rà soát và kịp thời tham mưu ban hành sửa đổi các cơ chế, chính sách chưa phù hợp theo hướng phân cấp, phân quyền cho các địa phương, tránh chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành tham mưu, hướng dẫn; Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ, ngành và với các địa phương; vai trò của các cơ quan chủ quản trong các chương trình trong việc tham mưu, phối hợp, điều phối, xử lý, giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của hai bộ, ngành trở lên, nâng cao trách nhiệm trong việc trả lời các kiến nghị, đề xuất của địa phương kịp thời, rõ ràng, đặc biệt là không trả lời chung chung.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh đồng tính với kiến nghị của đoàn giám sát cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn nhà nước đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia của năm 2023 chưa giải ngân hết được thực hiện tiếp đến 31/12/2024. Đồng thời, cho phép địa phương được chủ động quyết định việc điều chỉnh vốn giữa các nội dung, dự án, lĩnh vực chi trong kế hoạch vốn dự toán ngân sách nhà nước hàng năm đã được cấp có thẩm quyền giao cho. Tuy nhiên, phải thống nhất hệ thống văn phòng điều phối chung của cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia để nâng cao chất lượng và hiệu quả phối hợp, lồng ghép trong việc triển khai các chương trình, mục tiêu quốc gia. Đặc biệt cần tháo gỡ ngay nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người dân vùng miền núi tại Nghị định số 38/2023 về sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 27/2022 của Chính phủ quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về đối tượng hỗ trợ, quy định về thẩm quyền ban hành mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục, công tác đấu thầu, mua sắm hàng hóa, đề nghị các bộ, ngành quan tâm tháo gỡ cho các địa phương thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái

Còn đại biểu Nguyễn Quốc Luận, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cho rằng bất cập công tác lập kế hoạch và phân bổ vốn các chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay là cản trở lớn cho địa phương tổ chức thực hiện, đặc biệt, đối với các dự án hỗ trợ sản xuất liên kết theo chuỗi có vòng đời trên 1 năm. Nếu quy trình theo đúng  quy định của Luật Ngân sách nhà nước lại rất khó thực hiện trong thực tế, không tạo sự chủ động, linh hoạt cho các địa phương, khó triển khai cơ chế lồng ghép tích hợp điều chuyển giữa các dự án, tiểu dự án khi tiến độ thực hiện không hiệu quả và không còn đối tượng thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị Chính phủ nên xem xét giao chung vốn sự nghiệp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đã được ban hành, không thực hiện giao theo lĩnh vực, theo dự án, tiểu dự án thành phần như hiện nay để tạo sự chủ động, linh hoạt cho các địa phương, xem xét khoán kinh phí thực hiện cho cấp huyện; Đề nghị nghiên cứu có cơ chế đặc thù ưu đãi trong tổ chức thực hiện các chương trình cho các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn theo hướng được tỷ lệ hỗ trợ cao hơn để các địa phương này có thêm nguồn lực trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số; Đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của 3 chương trình chưa được giải ngân hết chuyển sang tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31/12/2024.

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Luận cần nghiên cứu áp dụng cơ chế quản lý theo kết quả đầu ra để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng vốn, theo dõi, đánh giá được tiến độ thực hiện so với các mục tiêu đã đề ra, kịp thời phát hiện được các khiếm khuyết và có các biện pháp cải tiến, điều chỉnh kịp thời trong thực thi các cơ chế, chính sách của các chương trình. Giao quyền tự chủ và thực hiện phân cấp mạnh hơn nữa cho các địa phương trong quản lý và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, đề nghị bổ sung thêm nội dung trong nghị quyết của Quốc hội về việc phân cấp ủy quyền cho chính quyền địa phương quyết định một số nội dung khác với quy định của luật để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, như việc chuyển mục đích sử dụng rừng.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên

Để đạt hiệu quả giảm nghèo bền vững cần thay đổi từ nhận thức của người dân

Nhìn từ góc độ khác, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho rằng, để các chương trình mục tiêu quốc gia đạt hiệu quả bền vững, thì cần có sự thay đổi cơ bản về nhận thức để có được chuyển biến thực chất trong vấn đề này, bởi cái gốc của thoát nghèo phải bắt đầu từ ý chí vươn lên của người dân, bởi nếu thực tế nhiều trường hợp chỉ mong được tiếp tục trong diện hộ nghèo để tiếp tục được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ, ưu tiên giảm nghèo, thì hỗ trợ của nhà nước đi nữa cũng khó đạt hiệu quả.

Theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, nếu việc giải ngân cho công tác giảm nghèo nếu thực hiện ồ ạt, nguồn lực chưa chắc đến được đúng đối tượng, khó để đo đếm hiệu quả của việc triển khai nguồn lực thì mục tiêu về hiệu quả giảm nghèo bền vững sẽ khó đạt được. Vì vậy, rất cần đẩy mạnh truyền thông về giáo dục nghề nghiệp để tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân về thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia này.

Tiếp quan điểm với đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho rằng vẫn thiếu các chương trình cho lĩnh vực y tế, trong khi một trong nguyên nhân tái nghèo một phần có nguyên nhân từ thiết kế các chương trình giảm nghèo, trong đó có 7 dự án nhưng chưa có dự án cụ thể để nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc sức khỏe người dân trong các địa bàn khó khăn. Do đó, giảm nghèo nhưng đi đôi với nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu mong Quốc hội đặc biệt lưu ý vấn đề này các nguồn lực Bộ Y tế và các địa phương cần tập trung vào dự án chẩn đoán và điều trị bệnh lý không lây nhiễm phổ biến có tỷ lệ tử vong cao, như huyết áp, đái đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh tâm thần. Song song đó, tuyên truyền không mang thai ở vị tuổi thành niên; hỗ trợ chăm sóc những trường hợp trẻ đẻ non di tật bẩm sinh, đặc biệt chú ý đến tiêm chủng và dinh dưỡng, phát triển chuyên ngành lão khoa tại địa phương. Nếu 3 chương trình mục tiêu quốc gia đan xen với nhau, cơ chế phối hợp rời rạc, chưa chặt chẽ, cơ chế giao trách nhiệm chưa thật sự rõ, nên dẫn đến khó truy trách nhiệm đến tận cùng, gây khó khăn cho việc khắc phục các vướng mắc. Vì vậy cần rà soát lại để đồng bộ các chỉ tiêu, tiêu chí trong bộ tiêu chí của 3 chương trình mục tiêu quốc gia để không bị chồng lấn trong quá trình triển khai thực hiện. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh

Thiết kế chính sách thời gian tới sẽ xem xét để tạo được năng lực cụ thể cho địa phương

Giải trình về vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, các thành viên Chính phủ cũng nhìn nhận rõ những tồn tại, hạn chế và giải pháp để thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững...Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, vấn đề lớn nhất hiện nay là giải ngân vốn sự nghiệp, còn vốn đầu tư công không quá lo ngại. Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội việc phân quyền nhiều hơn nữa cho địa phương trong giải ngân vốn sự nghiệp.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã nêu trong phiên họp. Về mô hình chỉ đạo của Ban Chỉ đạo các cấp, hiện nay chưa thống nhất mô hình ở cấp địa phương. Đây là vấn đề thực tiễn đang đặt ra, mỗi địa phương có tổ chức mô hình khác nhau, tùy theo mục tiêu, đặc điểm của từng địa phương. Thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với các bộ ngành, tham mưu với Chính phủ nghiên cứu, thiết kế mô hình thống nhất từ trung ương đến địa phương đảm bảo hiệu quả hơn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan

Còn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng thừa nhận vấn đề cần tháo gỡ là cần gỡ rối cho hệ thống văn bản hướng dẫn xuất phát từ quan điểm tiếp cận đa mục tiêu, cùng với đó, sự phối hợp trên dưới, ngang dọc chưa chặt chẽ, khi thiết kế chương trình phức tạp nhưng nguồn lực hạn chế.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề xuất xem xét lại cơ chế ủy quyền, phân cấp, nhất là về nguồn vốn cho cấp huyện. Đồng thời nhấn mạnh, trong bối cảnh này, bên cạnh mục tiêu giải ngân cũng phải đảm bảo được tất cả những chỉ tiêu, những mục tiêu đưa ra để có được nông thôn mới phát triển bền vững. Vì vây, thiết kế chính sách thời gian tới sẽ xem xét để tạo được năng lực cụ thể cho địa phương.

Hải Yến