TS. LÊ ĐĂNG DOANH: RÕ GIẢI PHÁP ƯU TIÊN NHẰM PHẤN ĐẤU HOÀN THÀNH CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ ĐỀ RA

30/10/2023

Theo Chương trình kỳ họp thứ 6, chiều mai (31/10 ) Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Quan tâm tới nội dung này, TS. Lê Đăng Doanh kỳ vọng các đại biểu Quốc hội sẽ phát huy trí tuệ tập thể, làm rõ những bất cập, nút thắt và đưa ra nhiều giải pháp khả thi nhằm thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu kinh tế đề ra.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 31/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

TS.Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ 1,5 ngày làm việc thảo luận ở hội trường đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Qua theo dõi, ông đánh giá như thế nào về bức tranh kinh tế 9 tháng đầu năm 2023?

TS.Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: 9 tháng năm 2023, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%...

Những kết quả đạt được đánh giá là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Kết quả này cũng  cho thấy sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ trong công tác chỉ đạo điều hành.

Tuy nhiên, mặc dù tình hình KT-XH cải thiện nhưng do khó khăn chung của thế giới và khu vực, cho nên tính 9 tháng năm 2023 nền kinh tế vẫn gặp một số khó khăn chưa tháo gỡ được như: Tăng trưởng kinh tế, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, tác động trực tiếp, làm gia tăng áp lực điều hành kinh tế vĩ mô; ..

Ngoài ra, nhu cầu thị trường trong nước bị thu hẹp, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ; xuất siêu tăng chủ yếu do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm. Doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng từ thị trường quốc tế, khả năng hấp thụ vốn bắt đầu giảm, sức chống chịu bị bào mòn, đến mức tới hạn sau đại dịch COVID-19. Một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng; số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao, tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến…

Do đó, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% là khó khăn. Vấn đề đặt ra là cần tiếp tục phân tích làm rõ nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế. Đồng thời, nhận diện đầy đủ các xu hướng phát triển, các yếu tố ảnh hưởng để có giải pháp căn cơ khắc phục.

Phóng viên: Doanh nghiệp là động lực quan trọng cho tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, vậy cần có thêm giải pháp nào nhằm tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, thưa ông?

TS.Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: Trong 9 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước; doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,9%; ... Vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng giảm . Mặt bằng lãi suất cho vay dù giảm nhưng các doanh nghiệp còn khó khăn trong cả tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng . Đầu tư của khu vực ngoài nhà nước 9 tháng chỉ tăng chậm ; thu hút các dự án quy mô lớn gặp nhiều khó khăn.

Giá nguyên liệu vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn đang ở mức cao. Liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao để giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng chưa phổ biến.

Ngoài ra, thủ tục hành chính tuy đã được cắt giảm nhưng trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn một số bất cập; còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, gây khó khăn, ách tắc trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Do đó, giải pháp đề ra cần gắn chặt chẽ với việc tháo gỡ những nút thắt hiện nay. Trong đó, cần quan tâm chú trọng hoàn thiện thể chế, pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tiến hành rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh khu vực, quốc tế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; không ban hành các quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết.

Phóng viên: Dự báo tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, biến động, vậy theo ông đâu là giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2023 cũng như những năm tiếp theo?

 TS.Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: Theo báo cáo của Chính phủ, ước cả năm 2023 có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, trong đó có nhiều chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng như tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP… Do đó, vẫn còn nhiều khó khăn thách thức đặt ra đối với nền kinh tế, đồng thời cũng phụ thuộc nhiều vào xu hướng chung của toàn cầu.

Để thực hiện hiệu quả, đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, Chính phủ cần có giải pháp ưu tiên thực hiện. Trong đó, tập trung chính sách để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, chú trọng giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm. Bên cạnh đó, cần tiếp tục khơi thông các điểm nghẽn của nền kinh tế, rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, thủ tục hành chính trên các lĩnh vực để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cần có đánh giá đúng và trúng thực trạng tình hình doanh nghiệp; từ đó tháo gỡ kịp thời và chính xác những tồn tại, vướng mắc đang tồn tại.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế;... Tập trung phục hồi, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo để trở thành một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Tiếp tục cơ cấu lại các khu vực nông nghiệp, dịch vụ, nhất là những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao gắn với phát triển thị trường.

Phóng viên: Chiều mai (31/10 ) Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Vậy, ông có kỳ vọng gì về phiên thảo luận?

TS.Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: Bên cạnh những kết quả đạt được, khó khăn thách thức đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam còn rất lớn. Vì vậy, việc Quốc hội thảo luận, ra Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ sở để thực hiện và hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Với nhiều đổi mới trong phương thức hoạt động trong những năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, tôi kỳ vọng Quốc hội sẽ phát huy trí tuệ tập thể, các vị đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm phát biểu sâu sắc, tâm huyết, khách quan, toàn diện vào các vấn đề trọng tâm đang vướng mắc. Từ đó, đưa ra các giải pháp tháo gỡ kịp thời, có tính căn cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiếp tục nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội,...

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Ông!

Lê Anh