KẾT QUẢ TÍN NHIỆM LÀ CƠ SỞ ĐỂ CÁN BỘ NỖ LỰC, PHẤN ĐẤU HOÀN THỰC THI CÔNG VỤ

27/10/2023

Chiều 25/10, Quốc hội đã công bố kết quả, thông qua Nghị quyết về kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ là căn cứ, cơ sở để cán bộ nhận thấy được trách nhiệm của mình trước đồng bào, cử tri cả nước để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác.

TRƯỞNG BAN CÔNG TÁC ĐẠI BIỂU NGUYỄN THỊ THANH: KẾT QUẢ LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM SẼ GIÚP CHO HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ MÁY NHÀ NƯỚC CÓ BƯỚC PHÁT TRIỂN MỚI TRONG NHỮNG NĂM CÒN LẠI CỦA NHIỆM KỲ

Các đại biểu Quốc hội tham gia bỏ phiếu

Theo Nghị quyết 96 của Quốc hội, có 3 mức độ tín nhiệm bao gồm "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp". Cùng với đó, tại nghị quyết 96 cũng nhấn mạnh về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm. Cụ thể, kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Với người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức; Trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm  tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất; Trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó.

Còn khi người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" trở lên, cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì thực hiện việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với các chức vụ đó.

Chiều 25/10, Quốc hội khoá XV đã hoàn thành một trong những công việc rất quan trọng là thực hiện quyền giám sát tối cao thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả tín nhiệm được công khai ngay trong ngày. Theo đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang là 2 người có số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất.

Cơ sở để cán bộ nỗ lực, phấn đấu hoàn thực thi công vụ

TS, ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, các đại biểu Quốc hội đã hết sức trách nhiệm khi đánh giá, nhận định, có sự chia sẻ với các chức danh phụ trách các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ trong bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, để thực sự nhìn nhận thấu đáo, kỹ lưỡng hơn cần tiếp tục hướng về phía trước, chắc chắn, kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ là thông số để các chức danh lấy phiếu lần này có thêm cơ sở hoạch định chiến lược, lên kế hoạch hoàn thành tốt hơn nữa công việc của mình. Đồng thời, hình dung rõ hơn kỳ vọng của đại biểu cũng như cử tri để nỗ lực trong nửa nhiệm kỳ còn lại.

TS, ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

TS Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, sau lấy phiếu tín nhiệm, những vị trí được tín nhiệm cao có thể sẽ vui hơn, người có vị trí thấp sẽ tâm tư vì nỗ lực thời gian qua không chỉ của một cá nhân mà của cả một ngành, lĩnh vực. Những người có kết quả lấy phiếu “tín nhiệm thấp” cũng phải thẳng thắn nhìn nhận lại việc thực thi công vụ của mình, và sẽ có những những nỗ lực, phấn đấu, “tự soi, tự sửa”, để làm sao hoàn thiện hơn nữa việc thực thi công vụ, khắc phục được những tồn tại, yếu kém.

Tuy nhiên, TS Đỗ Chí Nghĩa bày tỏ mong các Bộ trưởng yên tâm, đó không phải là đánh giá “đóng đinh” mà vẫn nhìn về phía trước, tháo gỡ để thúc đẩy ngành đi lên. Thực tế, trong các nhiệm kỳ trước, có bộ trưởng, trưởng ngành trong lần lấy phiếu đầu có mức tín nhiệm thấp, nhưng đến lần lấy phiếu tín nhiệm sau đã có mức tín nhiệm cao. Theo TS Đỗ Chí Nghĩa, có những việc, cái khó từ nhiều nhiệm kỳ dồn lại. Có những lĩnh vực nhận được sự kỳ vọng rất lớn, nhưng nguồn lực còn hạn chế, muốn tháo gỡ cần thêm thời gian như lĩnh vực giáo dục, văn hóa…

“Như Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi cho rằng đã hết sức nỗ lực, cá nhân Bộ trưởng đã hết sức cố gắng, cầu thị, lắng nghe. Tôi thấy Bộ trưởng là một nhà sư phạm có trách nhiệm, có hoài bão để thúc đẩy giáo dục phát triển”, TS Đỗ Chí Nghĩa nói.

TS Đỗ Chí Nghĩa bày tỏ tin tưởng vào bản lĩnh của các Bộ trưởng, tin vào cách đánh giá công tâm của các đại biểu cũng như cách nhìn nhận của hệ thống chính trị. Đó là cách nhìn nhận để bước tiếp, để đáp ứng kỳ vọng của cử tri, của nhân dân. TS cho rằng, thời gian tới, các thành viên Chính phủ có tín nhiệm thấp cần bước tiếp trên cơ sở nhìn lại cái đã qua.

Cuộc lấy phiếu tín nhiệm lần này chỉ có ý nghĩa khi sau lấy phiếu, đất nước ta tiếp tục phát triển với cả cơ hội và thách thức đang mở ra nhiều. Đích cuối cùng của lấy phiếu tín nhiệm là sẽ có đội ngũ các chức danh mạnh hơn, dạn dày hơn, trách nhiệm hơn, yên tâm hơn để vững bước. Mỗi người nên yên tâm là những việc làm tốt, việc làm tích cực trên nền tảng khó khăn hôm nay, cử tri, đại biểu vẫn đang dõi theo, chia sẻ.

TS Đỗ Chí Nghĩa cũng cho rằng, sẽ có những đánh giá không chỉ bằng những con số, không chỉ bằng việc lấy phiếu mà đánh giá của tổ chức Đảng, của cử tri, trong lòng của người dân khi nhìn về thành viên Chính phủ với sự ấm áp, tin tưởng, hoặc cũng vẫn còn lo lắng.

Với những bộ trưởng dày dạn kinh nghiệm, được Đảng giao trọng trách, được nhân dân tin cậy, đây sẽ là động lực để họ bước tiếp. Họ không chỉ bước một mình, đơn độc vì làm tốt thì sẽ được ghi nhận, được tập thể, tổ chức, đặc biệt được cử tri nhìn nhận, đánh giá và ghi nhớ.

Đợt “trắc nghiệm” đầu tiên để đánh giá nỗ lực vượt khó của các bộ ngành

Bày tỏ quan tâm về kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp lần này, PGS.TS, ĐBQH Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ lần này chính là đợt “trắc nghiệm” đầu tiên để đánh giá nỗ lực vượt khó của các bộ ngành, cũng là cách để chúng ta định hình hoặc điều chỉnh kế hoạch trong giai đoạn nước rút hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra.

Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn, đây là kỳ họp đầu tiên Quốc hội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm theo Nghị quyết 96/2023/QH15 của Quốc hội (về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn) với nhiều điểm mới so với trước đây. Một trong những điểm nổi bật của Nghị quyết 96/2023/QH15 là người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa được công bố cho thấy, dù từ đầu nhiệm kỳ vừa qua có rất nhiều khó khăn, một số vị trí bộ trưởng lần đầu tiên đảm nhiệm, nhưng tất cả các chức vụ lãnh đạo được lấy phiếu tín nhiệm đều hoàn thành nhiệm vụ của mình. Kết quả bỏ phiếu là “hàn thử biểu” đánh giá cán bộ, để mỗi cán bộ hiểu rõ hơn về hiệu quả công việc của mình, cũng như đánh giá của Quốc hội và Nhân dân.

PGS.TS, ĐBQH Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội 

Với những vị trí đạt được số phiếu “Tín nhiệm cao” nhiều, kết quả này sẽ tiếp thêm sức mạnh, thêm tự tin vào khả năng lãnh đạo và thực hiện chính sách hiệu quả, từ đó giúp họ có thêm quyết tâm chính trị hoàn thành chương trình hành động của mình. Họ sẽ có động lực để làm tốt công tác hơn, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân của cả bộ máy cũng như từng vị trí cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Đối với những người chưa đạt được số phiếu như mong đợi, đây cũng là cơ hội để tự soi, tự sửa, phấn đấu hơn nữa để có những hành động đột phá, sáng tạo, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, đáp ứng kỳ vọng của Quốc hội và Nhân dân./.

Thu Phương

Các bài viết khác