CÂN NHẮC QUY ĐỊNH ĐỔI THẺ CĂN CƯỚC KHI ĐIỀU CHỈNH ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH, TRÁNH LÃNG PHÍ

25/10/2023

Góp ý dự thảo Luật Căn cước trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc quy định đổi thẻ căn cước công dân khi điều chỉnh địa giới hành chính, tránh lãng phí và gây phiền hà cho người dân.

CÂN NHẮC VIỆC TÍCH HỢP MÃ QR CÙNG VỚI CHIP ĐIỆN TỬ TRÊN THẺ CĂN CƯỚC

ĐBQH VƯƠNG THỊ HƯƠNG: CÂN NHẮC QUY ĐỊNH BẮT BUỘC BỔ SUNG THÔNG TIN SINH TRẮC HỌC VỀ ADN TRONG CƠ SỞ DỮ LIỆU CĂN CƯỚC

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu Luật Căn cước của Uỷ ban pháp luật tại Điều 25: về các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước. Có ý kiến đề nghị bổ sung một số trường hợp phải đổi thẻ căn cước như: có thay đổi thông tin khác liên quan đến công dân, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh, thay đổi đặc điểm nhân dạng (khi đi phẫu thuật thẩm mỹ do nhiều nguyên nhân khác nhau), cập nhật thông tin sinh trắc học đối với trường hợp đủ 14 tuổi, thay đổi thông tin khi điều chỉnh địa giới hành chính. Có ý kiến đề nghị không quy định cấp đổi thẻ căn cước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, tên đơn vị hành chính vì chưa rõ điều chỉnh về nội dung gì. Hơn nữa, việc điều chỉnh này sẽ dẫn tới thay đổi lớn trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính. Nếu quy định cấp đổi sẽ khó khả thi. Theo quan điểm của UBTVQH,  việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, tên đơn vị hành chính quy định tại điểm đ do cơ quan nhà nước thực hiện sẽ dẫn đến thông tin về nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú của công dân đã được in trên thẻ căn cước không chính xác so với thực tế; do vậy, cần thiết phải thực hiện cấp đổi lại thẻ căn cước cho người dân. Tuy nhiên, để hạn chế việc tác động đến lợi ích vật chất của công dân thì tại Điều 38 dự thảo Luật đã quy định việc miễn lệ phí cấp đổi thẻ căn cước trong trường hợp do việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, tên đơn vị hành chính của cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, tại phiên thảo luận về Luật Căn cước, nhiều đại biểu đồng tình với phương án không nên quy định cấp đổi thẻ căn cước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, tên đơn vị hành chính.

Đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Góp ý về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, hiện nay, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đang rà soát phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt yêu cầu, tiêu chuẩn về diện tích, dân số. Số lượng các đơn vị thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 là rất lớn. Với quy định nêu trên sẽ dẫn đến số lượng người cần đổi thẻ căn cước là cực kỳ lớn, tạo gánh nặng về chi phí, thời gian, công sức đi lại, các chi phí về dịch vụ phát sinh khác đối với người dân. Đặc biệt sẽ gia tăng áp lực không nhỏ cho các cơ quan thực hiện công tác này tại các địa phương có liên quan; trong khi đó, riêng việc sắp xếp các đơn vị hành chính đã làm tăng khối lượng của các cơ quan này lên nhiều lần. Điều này cũng gây phiền hà cho người dân, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính của Đảng và Nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ nêu dẫn chứng, tạm tính với đơn vị hành chính cấp xã quy mô vừa là khoảng 5.000 dân thì chi phí tính riêng tiền lệ phí để đổi thẻ sẽ là 250 triệu. Đối với đơn vị hành chính cấp huyện quy mô vừa phải tầm 100.000 dân chi phí bỏ ra là 5 tỷ. Trong quá trình xem xét thông qua Nghị quyết 35 về sắp xếp đơn vị hành chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan đã phải cân lên đặt xuống rất lâu mới quyết định được mức hỗ trợ cho các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp giảm với mức 500 triệu trong một xã giảm được và 20 tỷ trong một huyện giảm được. Còn chỉ với quy định này đã tiêu tốn gần một nửa kinh phí cho việc hỗ trợ thêm này và chưa kể đến những đơn vị có quy mô lớn. Đơn cử như thành phố Đông Sơn dự kiến được thành lập tại tỉnh Thanh Hóa, trên cơ sở nhập thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn, quy mô dân số tầm 600.000 người, như vậy số chi phí phải bỏ ra rất lớn.

Mặt khác, tại khoản 1, Điều 21 của Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 có quy định “các loại giấy tờ được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, công dân tổ chức trước khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cũ, nếu chưa hết hạn theo quy định vẫn được tiếp tục được sử dụng. Với căn cứ trên, đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị, Quốc hội hết sức cân nhắc quy định này để tránh lãng phí và tạo thêm gánh nặng không cần thiết cho bộ máy hành chính.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, thay vì phải bắt buộc cấp đổi lại thẻ căn cước, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ cho rằng nên bỏ thông tin về nơi cư trú trên thẻ căn cước, những thông tin này sẽ được sử dụng thông qua căn cước điện tử, thông qua các cơ sở dữ liệu. Bởi theo quy định tại Điều 26 của Luật Cư trú, trường hợp có sự thay đổi về địa chỉ nơi cư trú trong cơ sở dữ liệu về cư trú do có sự điều chỉnh về địa giới đơn vị hành chính hay tên đơn vị hành chính, tên đường phố, tổ dân phố, thôn, xóm thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm điều chỉnh các thông tin này trên cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú và được cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các thông tin về nơi cư trú này hoàn toàn có thể truy cập qua mã QR trên thẻ căn cước cũng như trên định danh điện tử VNeID rất dễ dàng.

Đại biểu Nguyễn Tạo, đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng 

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tạo, đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cũng cho rằng, sẽ rất tốn kém nếu mỗi lần điều chỉnh địa giới hành chính, tên đơn vị hành chính lại phải cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước. Đồng thời đề nghị Chính phủ nên nghiên cứu giải pháp khác, phù hợp hơn. Hiện nay tình hình thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước sẽ điều chỉnh địa giới hành chính rất nhiều và ngoài điều chỉnh địa giới, khi thay đổi tên đường, phố và đặt lại số nhà. Do đối tượng tác động rất nhiều, nên chi phí sẽ rất lớn. Vì vậy nên nghiên cứu lại điểm d khoản 1 khi thay đổi địa giới hành chính hoặc thay đổi tên đường phố, đặt lại xây nhà. giao Chính phủ quy định thì chủ động hơn. Đại biểu Nguyễn Tạo cũng đưa ra lưu ý đối với cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, đó là trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua một dự án luật về chuyển đổi giới tính. Do vậy cần bổ sung quy định khi chuyển đổi giới tính phải cấp đổi lại.  Đại biểu Nguyễn Tạo cũng đề nghị bổ sung khoản d Điều 19 là người được cấp thẻ căn cước công dân khi chết thì phải bị thu hồi và chấm dứt các quan hệ pháp lý, để tương thích với Điều 30 về cấp giấy chứng nhận căn cước công dân và Điều 29 về các trường hợp thu hồi thẻ căn cước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát, nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp đầy đủ các ý kiến, có báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội, các cơ quan chức năng; đồng thời giao Ủy ban Quốc phòng và An ninh khẩn trương chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật, hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội xem xét, thông qua bảo đảm chất lượng, đúng chương trình Kỳ họp và tạo được sự đồng thuận cao.

Hải Yến