CẢI CÁCH TIỀN LƯƠNG LÀ NỖ LỰC RẤT LỚN CỦA CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ

24/10/2023

Sáng ngày 24/10, thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Đề cập đến vấn đề cải cách tiền lương, các đại biểu khẳng định cải cách chính sách tiền lương là một tư duy đột phá và đây là thời điểm chín muồi để tạo sức bật cho nâng cao năng suất lao động và đầu tư phát triển. Đây là nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị.

THẢO LUẬN TỔ 13: TIẾP TỤC THỰC HIỆN NHẤT QUÁN MỤC TIÊU ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, KIỂM SOÁT LẠM PHÁT

Thời điểm cải cách tiền lương đã chín muồi

Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đại biêu Quốc hội tỉnh Yên Bái khẳng định, tại kỳ họp này Quốc hội xem xét thông qua cải cách tiền lương là “một điểm nhấn và một dấu ấn vừa mang tính lịch sử vừa mang tính thời sự. Đây là sự nỗ lực vượt bậc của tất cả các cấp, các địa phương trong thời gian qua, nếu không không thể có được nguồn lực để cải cách tiền lương trong bối cảnh tình hình đất nước rất khó khăn, tác động của đại dịch COVID-19, hệ lụy từ sự tác động kép của tình hình thế giới cũng như trong nước, nhưng chúng ta đã quyết tâm, thắt lưng buộc bụng dành ngân sách 560.000 tỷ đồng để phục vụ cho cải cách tiền lương đến năm 2026.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, vấn đề  cần làm bây giờ là người đứng đầu các đơn vị cần nỗ lực sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh gọn biên chế, tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế về công vụ, sửa đổi luật, nghị quyết của Quốc hội, cho đến việc ban hành các nghị định để cơ cấu lại và xây dựng một nền công vụ phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết những điểm mới trong cải cách tiền lương.. Theo đó, sẽ trả lương theo vị trí việc làm, theo chức danh lãnh đạo, quản lý. Đây là một vấn đề mới và thay thế hoàn toàn bảng lương theo hệ số lương đã tồn tại từ năm 2004; Cơ cấu lại để tính tỷ lệ lương cơ bản, tính tỷ lệ cho phần phụ cấp và loại hết tất cả những cơ chế chính sách tiền lương đặc thù, sẽ chỉ còn lại thứ nhất bảng lương cơ bản và thứ hai là lương phụ cấp. Đồng thời bổ sung thêm 10% mức lương cơ bản để cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ là thưởng cho cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Theo Bộ trưởng, đây là một vấn đề rất mới phù hợp với xu thế công bằng, tiến bộ. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ có khoảng 36 các đơn vị, ngành không còn được hưởng lương đặc thù, có những cơ quan giảm sút khoảng 50%.

Theo Bộ trưởng, hiện nay mới chuẩn bị nguồn đến năm 2026, còn sau năm 2026 nếu không nỗ lực thì sẽ khó có thể thực hiện được. Để thực hiện được mục tiêu có được nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách bền vững và đảm bảo được tốc độ tăng trưởng hàng năm, bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết một số nhiệm vụ chính cần tập trung để tạo ra được một nguồn lực về mặt tài chính thật sự bền vững. Theo Bộ trưởng, bắt đầu từ 2026 trở đi nếu không tính đến việc tăng thu, tiết kiệm chi thì rất khó khăn để tiếp tục thực hiện việc trả lương. Từ đó cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức, tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn, giảm số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước để có thêm nguồn cho thực hiện cải cách tiền lương.

Bộ trưởng Bộ lao động thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung

Chính sách lương mới rất tiến bộ, công bằng, thực sự hài hòa và hợp lý

Theo Bộ trưởng Bộ lao động thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung, cải cách chính sách tiền lương là một tư duy đột phá hoàn toàn, phù hợp với xu thế của thế giới hiện nay. Đây là thời điểm chín muồi để thực hiện cải cách căn bản tiền lương. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phân tích những bất cập, cản trở trong chính sách tiền lương hiện nay. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị thực hiện chuẩn lộ trình cải cách tiền lương đề ra lần này, cùng với đó là cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệpnhà nước bởicó doanh nghiệp nhà nước hiện đối mặt tình trạng thua lỗ và nghịch lý là công nhân thu nhập thấp nhưng lương người quản lý vẫn rất cao; Cần kịp thời điều chỉnh cho người đang hưởng lương hưu, trợ cấp. Dự kiến từ 1/7/2024 khi thực hiện cải cách tiền lương, theo đó, cải cách tiền lương khu vực công cần phải tiến hành đồng thời với cải cách lương khu vực doanh nghiệp, với việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội dành cho từng đối tượng cụ thể.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết, điểm nhấn 2024 là tăng lương thực hiện Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị Chính phủ khi xây dựng đề án cải cách tiền lương cần tính toán phải kiểm soát lạm phát bởi nếu tăng lương mà không kiềm chế lạm phát thì ý nghĩa của tăng lương không được bảo đảm. Bà Mai cho rằng, cần phải tăng lương thực chất, không cào bằng, nhưng Chính phủ cần lưu ý, tính toán sao để khi không còn phụ cấp, người đang có thu nhập từ phụ cấp không bị ảnh hưởng. Ngoài ra, đi cùng với tăng lương phải là tinh giản biên chế, để làm sao bộ máy nhà nước hoạt động thực sự hiệu quả.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng đề nghị thực hiện nghiêm quy định tại Nghị quyết 27-NQ/TW, theo đó hàng năm cần dành 50% tăng thu dự toán, 70% tăng thu ngân sách thực hiện của ngân sách địa phương, 40% tăng thu ngân sách trung ương để thực hiện cho cải cách tiền lương.

Thứ hai, cần tuân thủ đúng trật tự ưu tiên trong phân bổ nguồn tăng thu. Theo đó, luật quy định rất rõ ưu tiên cho chính sách tiền lương trước khi xem xét các dự án đầu tư. Năm 2022 nước ta tăng thu khá lớn, ngân sách trung ương là 195.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 208.000 tỷ đồng, số chuyển nguồn cải cách tiền lương là 260.000 tỷ đồng. Trong nguồn lực này, cần ưu tiên để có nguồn lực tương xứng cho chính sách cải cách tiền lương.

Thứ ba, cần thực sự coi trả lương là một hình thức đầu tư, đầu tư cho con người, đầu tư cho tương lai. 

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh, chỉ khi chúng ta có mức đầu tư tương xứng thì mới mang lại hiệu quả thiết thực. Đất nước chúng ta không thiếu người tài, không thiếu những người tâm huyết muốn cống hiến ngay trên đất nước mình nhưng thực sự cần một chính sách đủ mạnh, tạo động lực, niềm tin cho người lao động./.

Hải Yến

Các bài viết khác