PHÂN BỔ VỐN CHO CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA CẦN THEO CƠ CHẾ CẢ GIAI ĐOẠN

24/10/2023

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ về đánh giá giữa kỳ thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021-2025, kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15, các đại biểu đề cập đến những vướng mắc về cơ chế trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia và đề nghị phân bổ vốn cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia cần theo cơ chế cả giai đoạn, không nên quyết toán từng năm.

ĐBQH LÊ THỊ SONG AN: CẦN GIẢI PHÁP QUYẾT LIỆT ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN HẠ TẦNG GIAO THÔNG TRỌNG ĐIỂM

CHÍNH PHỦ CẦN ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC NGAY NỘI DUNG MÂU THUẪN, CHỒNG CHÉO ĐÃ ĐƯỢC CHỈ RA TRONG CÁC VĂN BẢN DƯỚI LUẬT

Đề cập đến vướng mắc của hệ thống pháp luật trong quá trình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Tạ Thị Yên, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đã nêu thực tiễn vướng mắc khi không thể giải ngân được nguồn vốn sự nghiệp của chương trình mục tiêu Quốc gia với hợp phần dự án về chăn nuôi mua giống cây con do không có cơ sở cung ứng phần nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi là các cơ sở cung ứng vật nuôi mà các cái dự án vốn sự nghiệp này hỗ trợ đối với bà con là phải được công nhận về tiêu chuẩn cơ sở.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại tổ 8 gồm các Đoàn Cần Thơ, Vĩnh Long, Bình Định, Điện Biên

Dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Nghị định 38 sửa đổi, bổ sung Nghị định 27 nhưng triển khai các mô hình chăn nuôi bị vướng mắc bởi các quy định của pháp Luật về chăn nuôi.

Khoản 2, khoản 3, Điều 22 của Luật Chăn nuôi quy định đơn vị tổ chức cá nhân mua bán con giống phải đáp ứng các điều kiện cụ thể. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh không có đơn vị cung ứng con giống có đủ điều kiện đáp ứng theo quy định. Hiện nay trên cả nước số đơn vị đáp ứng yêu cầu cũng không nhiều, và các đơn vị đủ điều kiện cũng chỉ cung ứng được đối với con giống có vòng đời ngắn như gia cầm, lợn, dê… hoặc bò lai, đối với con giống bản địa thì chưa có đơn vị nào đủ điều kiện. Việc sử dụng con giống do các đơn vị cung ứng từ các địa phương khác theo tiêu chuẩn, thực tế không phù hợp với cách thức chăn nuôi, quảng canh của người dân, không phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường, thức ăn chăn nuôi do vậy làm hạn chế sự phát triển của con giống.

Theo đại biểu Tạ Thị Yên, khi các địa phương kiến nghị nội dung này và một số nội dung vướng mắc khác liên quan đến cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ đã rất cầu thị, ban hành Nghị định 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị định 27/2022/NĐ-CP, trong đó sửa đổi bổ sung khoản 4, Điều 20, quy định “Ưu tiên sử dụng giống cây trồng, vật nuôi và những hàng hóa, dịch vụ khác do người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án. Đơn giá thu mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tính theo giá thị trường trên địa bàn tại cùng thời điểm, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận tại giấy biên nhận mua bán với người dân”

Đại biểu Tạ Thị Yên, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên phát biểu

Tuy nhiên, khi triển khai nội dung này, địa phương có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, chấp thuận cho tỉnh thực hiện việc sử dụng con giống tại địa phương để triển khai các dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng: “Đơn vị chủ trì dự án thực hiện thu mua giống vật nuôi từ người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án đảm bảo quy định về nguồn gốc, sức khỏe, dịch bệnh và các tiêu chí theo định mức kinh tế kỹ thuật của tỉnh đã ban hành. Chính quyền địa phương nơi triển khai dự án sẽ thành lập Tổ thẩm định đánh giá về chất lượng giống vật nuôi của đơn vị chủ trì dự án trước khi cấp đến các hộ dân được thụ hưởng.

Sau đó Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản hướng dẫn“Thống nhất về nguyên tắc với Sở về quan điểm sử dụng các giống vật nuôi tại địa phương để vật nuôi thích ứng với khí hậu, thổ nhưỡng, sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với hình thức chăn nuôi của địa phương, có khả năng chịu đựng kham khổ, giảm giá thành do giảm được chi phí vận chuyển, tạo sinh kế cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.Tuy nhiên, việc cung ứng, sử dụng nguồn giống tại địa phương phải đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý giống vật nuôi và sản phẩm giống vật nuôi quy định tại Luật Chăn nuôi, Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi; Nghị định số 46/2022/NĐ-CP ngày 13/7/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi; Thông tư số 22/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về quản lý giống và sản phẩm giống vật nuôi. Do đó, Sở Nông nghiệp và PTNT cần xem xét cân nhắc lựa chọn phương án cung ứng giống phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và tuân thủ quy định pháp luật hiện hành”.

Đại biểu Lò Thị Luyến, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên

Tuy vậy, theo đại biểu Lò Thị Luyến, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, dù đến nay Nghị định 38 của Chính phủ có quy định ưu tiên sử dụng giống cây trồng, vật nuôi và những hàng hóa, dịch vụ khác do người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án nhưng cũng không triển khai thực hiện được.

Đại biểu Lò Thị Luyến nêu rõ, riêng đối với Nghị định 38, sửa đổi, bổ sung của Nghị định 27 và đối với nguồn vốn sự nghiệp của các địa phương mà chưa kịp giải ngân được thì nằm ở tương lai. Đó là hợp phần mua số lượng các dự án về chăn nuôi đến nay phần lớn chưa triển khai được do không có cơ sở cung ứng phần nuôi được công nhận về tiêu chuẩn cơ sở. Bởi với địa phương miền núi sẽ không có một doanh nghiệp nào, không có một đơn vị nào được công nhận về tiêu chuẩn cơ sở đối với giống cây con. Do vậy, nếu thực hiện dự án này, thì lại phải hợp đồng với các doanh nghiệp và các đơn vị tương ứng ở dưới xuôi cung cấp, nhưng những con giống đó khó phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Trong khi đó, đối với đơn vị cung ứng quy định trong Luật chăn nuôi như vậy chỉ phù hợp với các chuỗi chăn nuôi tập trung, nhưng với bà con thực hiện dự án nhỏ lẻ theo chương trình mục tiêu Quốc gia hưởng nguồn vốn sự nghiệp thì chỉ thực hiện các cái dự án nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình. Do đó, đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị, sửa đổi Nghị định 38 theo hướng sử dụng con giống bản địa của bà con địa phương phù hợp với tiêu chí địa phương. Đại biểu Lò Thị Luyến khuyến nghị để tháo gỡ được khó khăn này, đề nghị Quốc hội ban hành một Nghị quyết riêng cho phép khi triển khai các dự án từ nguồn vốn sự nghiệp với dự án mua giống cây con thì cho phép sử dụng giống bản địa đia phương, chọn giống như các cụ chúng tôi đã chọn. Đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu và có thể báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng cho phép địa phương, khi triển khai dự án đối với giống cây con theo hướng không phải xác minh nguồn bố mẹ, tiêu chuẩn mà làm theo phương cách địa phương. Có như vậy mới triển khai được dự án và đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn sự nghiệp.

Với những vướng mắc về mặt cơ chế như vậy, nên việc giải ngân vốn cho chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng miền núi chậm,  trong khi đó, theo quy định đối với nguồn vốn của năm 2022, kéo dài sang năm 2023 hiện nay chưa tiêu hết sẽ thu hồi. Quy định này sẽ làm mất đi cơ hội phát triển của các tỉnh miền núi bới đến thời điểm này về cơ bản các bộ, ngành và Chính phủ cũng như địa phương đã ban hành hết tất cả các văn bản và đã có thể tổ chức thực hiện giải ngân các nhiệm vụ của nguồn vốn này.

Đại biểu Lò Thị Luyến cho rằng, những vướng mắc chậm giải ngân vốn của 3 chương trình mục tiêu Quốc gia vướng về mặt thủ tục, chứ không phải do địa phương không muốn triển khai. Vì vậy đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị riêng đối với chương trình mục tiêu quốc gia, cần phải có cơ chế phân bổ cả vốn đầu tư vào vốn sự nghiệp cho cả giai đoạn, không phân bổ hàng năm để tạo điều kiện cho địa phương miền núi phát triển kinh tế xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu

Tại phiên thảo luận, tiếp thu kiến nghị từ đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính thừa nhận, 3 chương trình mục tiêu Quốc gia đưa ra rất đúng, nhưng thủ tục còn rườm rà và chưa có cơ chế phân cấp, phân quyền từ trung ương đến địa phương. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, để thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu Quốc gia cả giai đoạn cần thí điểm phân cấp trọn gói cho cấp địa phương, cấp huyện, cấp xã. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mới phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của địa phương.

Hải Yến

Các bài viết khác