PHÁP LUẬT VỀ THU HỒI TÀI SẢN BỊ THẤT THOÁT, CHIẾM ĐOẠT KHÔNG QUA THỦ TỤC KẾT TỤC KẾT TỘI Ở VIỆT NAM

20/10/2023

Sáng 20/10, tại Hà Nội, triển khai kế hoạch hoạt động của Đề tài cấp bộ “Pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội – Thực trạng và giải pháp hoàn thiện” do TS. Hoàng Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội làm Chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu lập pháp và Ban Chủ nhiệm đề tài tổ chức Hội thảo “Thực trạng pháp luật và thực hiện pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội ở Việt Nam và kiến nghị giải pháp hoàn thiện”.

HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ THU HỒI TÀI SẢN BỊ THẤT THOÁT, CHIẾM ĐOẠT KHÔNG QUA THỦ TỤC KẾT TỘI

Toàn cảnh Hội thảo

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Thị Thu Hương và TS. Hoàng Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội - Chủ nhiệm Đề tài đồng chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có: TS. Nguyễn Đình Quyền - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; đại diện các bộ, ngành có liên quan cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực tư pháp;...

Phát biểu khai mạc hội thảo, Ths. Đinh Thanh Hương, Trưởng Ban Quản lý khoa học – Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, hiện nay, trên thế giới, bên cạnh phương thức thu hồi tài sản tham nhũng phổ biến nhất là thông qua hình thức kết tội thì nhiều quốc gia cũng đã chú trọng tới phương thức thu hồi tài sản không qua thủ tục này. Đây cũng là yêu cầu mà Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003 (UNCAC) đã đặt ra đối với các quốc gia thành viên.

Ths. Đinh Thanh Hương, Trưởng Ban Quản lý khoa học – Viện Nghiên cứu lập pháp

Ở Việt Nam hiện nay, trên cơ sở quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, có thể thấy rằng, nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong công tác phòng chống tham nhũng đã được nâng lên rõ rệt; pháp luật Việt Nam đã có những quy định về các biện pháp, trình tự, thủ tục thu hồi tài sản có liên quan đến hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể và toàn diện thì vẫn còn nhiều bất cập.

Nhấn mạnh Đề tài có nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể các quy định của pháp luật hiện hành về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội, nhận diện các yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, đề xuất các quan điểm, giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật, Trưởng Ban Quản lý khoa học Đinh Thanh Hương đề nghị các chuyên gia góp ý sâu sắc, khách quan, toàn diện, tập trung vào chủ đề của Hội thảo.

TS. Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hình sự hành chính, Bộ Tư pháp

Tại hội thảo, các chuyên gia tập trung tham luận, thảo luận làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong các quy định của pháp luật và thực hiện pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội; các đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội trong thời gian tới.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội tiếp tục thông tin về nội dung Hội thảo

Lê Anh