ĐÓNG GÓP Ý KIẾN VÀO DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ QUY ĐỊNH THI ĐUA KHEN THƯỞNG ĐỐI VỚI ĐBQH, CÁC CƠ QUAN CỦA QUỐC HỘI, ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

18/10/2023

Chiều 18/10, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh chủ trì cuộc họp cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy định thi đua khen thưởng đối với ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

GÓP Ý DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ THI ĐUA KHEN THƯỞNG CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

8 ĐIỂM MỚI MANG TÍNH ĐỘT PHÁ CỦA LUẬT THI ĐUA KHEN THƯỞNG

Tham dự cuộc họp có Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng; đại diện các Ủy ban của Quốc hội, các đơn vị Văn phòng Quốc hội.

Căn cứ quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng số 06/2022/QH15 và thực hiện sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Công tác đại biểu đã xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Toàn cảnh cuộc họp.

Các văn bản của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa và gần nhất là Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” có đặt ra các nhiệm vụ chủ yếu: “làm cho phong trào thi đua trở thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân”, “Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Ðảng, tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Thực hiện đổi mới công tác khen thưởng bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch; coi trọng việc phát hiện, lựa chọn các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng”.

Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc, ngày 01/5/1952 Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.

Luật Thi đua, khen thưởng số 06/2022/QH15 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2024, đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định Kỷ niệm chương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tặng cho cá nhân có đóng góp vào quá trình phát triển của Quốc hội và quy định thẩm quyền đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể thực hiện các hình thức khen thưởng khác ngoài các hình thức khen thưởng được quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng.

Các đại biểu tham dự cuộc họp.

Do chưa có quy định về thi đua, khen thưởng nên qua nhiều nhiệm kỳ Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tham gia thi đua hằng năm, nên không có cơ sở để xem xét, đề nghị khen thưởng như đối với cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị. Công tác khen thưởng đến nay hầu như chỉ thực hiện khen thưởng cống hiến (khi có thông báo nghỉ hưu). Đại biểu Quốc hội công tác nhiều nhiệm kỳ tại các cơ quan của Quốc hội, có thành tích hàng năm nhưng vẫn phải chờ đến khi có thông báo nghỉ hưu mới được xét khen thưởng.

Đối với các cơ quan của Quốc hội cũng không được xem xét khen thưởng trên cơ sở thành tích hàng năm. Các khối thi đua do Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương tổ chức gồm các cơ quan ở trung ương (trong đó các cơ quan Đảng hình thành một khối thi đua) và các địa phương, nhưng các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội không được tổ chức thành khối thi đua, do vậy không xét tặng Cờ thi đua của Chính phủ và các hình thức khen thưởng cao hơn. Năm 2022, chỉ có Ủy ban Quốc phòng và An ninh được xét tặng Huân chương Lao động hạng nhất vì có thành tích xuất sắc đột xuất (nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Ủy ban).

Do đó, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cần thiết, bảo đảm tính kịp thời, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể trong thi đua, khen thưởng và ghi nhận những đóng góp của đại biểu Quốc hội trong quá trình hoạt động.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy đóng góp ý kiến tại cuộc họp.

Theo phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Công tác đại biểu đã chủ động xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng thuộc trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ban Công tác đại biểu đã nhiều lần trao đổi với Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương xây dựng dự thảo Nghị quyết và gửi xin ý kiến các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Nội vụ, Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Ban Công tác đại biểu đã nghiên cứu tiếp thu tối đa và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

Sáng ngày 08/02/2023, Thường trực Ủy ban Xã hội và Ban Công tác đại biểu đã họp phiên mở rộng (có sự tham gia của đại diện các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) cho ý kiến vào Tờ trình, dự thảo Nghị quyết. Ban Công tác đại biểu đã tiếp thu đầy đủ ý kiến tại cuộc họp. Chiều ngày 09/02/2023, Ban Công tác đại biểu đã báo cáo đồng chí Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội, ngày 26/9/2023, Ban Công tác đại biểu, Thường trực Ban Soạn thảo đã tổ chức Hội thảo (có sự tham gia của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Ninh Bình, Hải Dương; các cơ quan có liên quan: Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bộ Nội vụ,...) để tiếp tục cho ý kiến vào Tờ trình, dự thảo Nghị quyết. Ban Công tác đại biểu đã tiếp thu đầy đủ ý kiến tại cuộc họp.

Bố cục của Dự thảo Nghị quyết dựa trên bố cục của Luật Thi đua, khen thưởng, đảm bảo tính khoa học từ tổ chức phát động thi đua, tiêu chuẩn và thẩm quyền xét tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, theo đó Dự thảo Nghị quyết gồm 06 chương, 31 điều.

Tại cuộc họp, các đại biểu thống nhất về quan điểm xây dựng dự thảo Nghị quyết bám sát và thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp Luật Thi đua, khen thưởng và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng; phù hợp với Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Cán bộ, công chức.

Các quy định của Nghị quyết được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn công tác thi đua, khen thưởng ở Quốc hội, đảm bảo phù hợp với đặc thù tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

Nghị quyết không quy định lại toàn bộ nội dung thi đua, khen thưởng trong Luật mà chỉ quy định, hướng dẫn những nội dung công tác thi đua, khen thưởng phù hợp với tính chất tổ chức và hoạt động của Quốc hội, những nội dung khác thực hiện theo quy định chung của Luật và hướng dẫn của Chính phủ.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu và chỉ đạo tại cuộc họp.

Phát biểu và chỉ đạo tại cuộc họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, thực hiện nhiệm vụ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công Ban Công tác đại biểu chủ trì tham mưu việc xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là Hội thảo lần thứ hai, Ban Công tác đại biểu phối hợp cùng Thường trực Ban soạn thảo tiếp tục tổ chức để xin ý kiến đại diện các Bộ, Ban, ngành, cơ quan có liên quan.

Có thể nói, việc xây dựng Nghị quyết về công tác thi đua, khen thưởng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sao cho vừa đảm bảo đúng quy định của pháp luật, vừa đảm bảo tính đặc thù của Quốc hội là việc rất khó khi Ban Công tác đại biểu đi tìm phương án thỏa mãn hai điều kiện trên. Do đó, trong suốt thời gian qua, Ban Công tác đại biểu đã chủ trì nhiều hoạt động để triển khai việc lấy ý kiến cho dự thảo Nghị quyết. Về quan điểm xây dựng, bố cục và nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết, nhìn chung, dự thảo lần này đã được hoàn chỉnh thêm một bước cơ bản, giải quyết được một số vấn đề đã được đặt ra ở những lần xin ý kiến trước.

Với những ý kiến đóng góp của các đại biểu, đại diện các Bộ ngành, cơ quan, Ban Công tác đại biểu tiếp tục nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu tối đa những ý kiến góp ý tâm huyết của các đại biểu sau đó sẽ có Bản tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Quốc hội trước khi gửi đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Quốc hội theo quy định và gửi xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội. Do đối tượng chịu tác động chủ yếu của Nghị quyết là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương và cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội,  lần 1 Ban đã gửi xin ý kiến ngoài các cơ quan trên là 63 Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuôc Trung ương.

Một số hình ảnh tại cuộc họp:

Toàn cảnh cuộc họp.

Các đại biểu tham dự cuộc họp.

Ông Phan Văn Hùng - Phó Trưởng Ban Thi đua khen thưởng Trung ương bày tỏ ý kiến.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm. 

Bà Bùi Thị Nam - Đại diện Bộ Tư pháp đóng góp ý kiến.

Ông Phan Văn Ngọc -Viện Nghiên cứu lập pháp trình bày quan điểm.

Ông Nguyễn Hồng Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội tham gia góp ý vào dự thảo Nghị quyết.

Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nêu quan điểm. 

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu và chỉ đạo tại cuộc họp./.

Bích Lan - Nghĩa Đức